Sunday, November 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Ảnh minh họa : Hai khu trục hạm Nhật Bản Ariake và Setogiri trong một lần ghế Vịnh Cam Ranh, Việt Nam.
Ảnh minh họa : Hai khu trục hạm Nhật Bản Ariake và Setogiri trong một lần ghế Vịnh Cam Ranh, Việt Nam. AFP/Ted Algibe

Nhân chuyến công du Việt Nam trong hai ngày 11 và 12/09/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đã liên tiếp tái khẳng định quyết tâm của Tokyo trong việc giúp Hà Nội nâng cao năng lực đối phó với các hành vi chèn ép của Bắc Kinh trên Biển Đông, không chỉ bằng lời nói suông, mà cả thông qua những hành động cụ thể.

Động thái mới nhất của chính quyền Nhật Bản là tuyên bố vào hôm qua, 12/09 của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi ngay tại Hà Nội, khi ông khẳng định rằng Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ “cùng một vận mệnh” và nên thúc đẩy hợp tác quốc phòng để bảo vệ sự ổn định khu vực dựa trên nền tảng luật pháp.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, một thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết: Trong bài phát biểu tại Hà Nội, ông Kishi xác nhận một lần nữa rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên cần phải làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực khác nhau trong bối cảnh “thực tế khắc nghiệt” hiện nay.

Theo giới phân tích, dù không nói trắng ra, nhưng khái niệm “thực tế khắc nghiệt” được bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đề cập tới chính là những hành vi lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào cả Việt Nam, trong trường hợp Biển Đông, lẫn Nhật Bản, trong trường hợp Biển Hoa Đông.

Tokyo thường xuyên phản đối sự hiện diện của Hải Cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản xung quanh các đảo, đôi khi đe dọa cả tàu cá.

Như để minh họa cho mối quan ngại của ông Kishi, bộ Quốc Phòng Nhật Bản hôm qua cho biết vừa phát hiện một tàu ngầm tình nghi là của Trung Quốc ngoài khơi một hòn đảo Nhật ở phía nam. Con tàu được thấy ngoài khơi bờ biển phía đông của đảo Amami-Oshima vào sáng 10/09, di chuyển theo hướng tây bắc, và đã đến vùng phía tây Biển Hoa Đông vào sáng hôm qua 12/09. Hiện diện gần tàu ngầm là một khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Trung Quốc.

Nếu Nhật Bản được cho là có đủ phương tiện để theo dõi và giám sát tàu Trung Quốc và canh phòng vùng biển của mình, thì đó không phải là trường hợp của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Nhật Bản bắt đầu cung cấp cho Việt Nam những loại tàu tuần tra đã kinh qua sử dụng, ký hợp đồng đóng tàu mới.

Một bước ngoặt mới đã được vượt qua ngày 11/09 khi tại Hà Nội, hai nước chính thức ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng giữa hai bên, một sự kiện mà theo chính bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, phản ánh việc hợp tác quốc phòng Việt-Nhật Bản đã bắt đầu tiến lên một “cấp độ mới”.

Gọi đây là một cấp độ mới không sai vì trước Việt Nam, Nhật Bản chỉ mới chấp nhận chuyển giao công nghệ quốc phòng cho 10 nước, từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc… cho đến Indonesia, Philippines…

Phát biểu hôm qua về thỏa thuận Quốc Phòng mới giữa Tokyo và Hà Nội, ông Kishi cho biết phạm vi hợp tác sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm an ninh mạng và xử lý đại dịch Covid.

Nhìn chung, bài phát biểu ở Hà Nội của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản xác định trở lại lập trường của Tokyo chống lại các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, mang tinh chất cưỡng ép, “dựa trên những khẳng định một chiều không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu” – tức là coi thường luật pháp – của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Share.

Leave a Reply