Cựu điệp viên Nga, người sau nhập tịch Anh quốc, chết do bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium-210 tại London hồi 2006.
Một cuộc điều tra của Anh được tiến hành 10 năm sau đó kết luận rằng vụ sát hại có lẽ đã được chuẩn thuận bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga luôn bác bỏ việc có bất kỳ liên hệ nào tới vụ việc.
Cuộc điều tra của Anh nói rằng cựu nhân viên KGB Andrei Lugovoi và một người Nga nữa, Dmitry Kovtun, đã cố tình đầu độc ông Litvinenko, có lẽ bằng cách cho chất phóng xạ vào tách trà của ông.
Vợ góa của Litvinenko, Marina, kiện Nga ra tòa án nhân quyền đặt tại Strasbourg, và tòa đã đồng ý với kết luận của cuộc điều tra do Anh thực hiện.
“Tòa thấy rằng cụ thể là đây là vụ có bằng chứng vững chắc (‘strong prima facie case’) cho thấy trong vụ đầu độc ông Litvinenko, ông Lugovoi và ông Kovtub đã hành động với tư cách là điệp viên của nhà nước Nga,” tòa ECHR ra phán quyết.
Tòa kết luận rằng việc Nga đã không bác bỏ được các cáo buộc theo đó nói nước này đã tổ chức vụ sát hại càng cho thấy trách nhiệm của nhà nước Nga trong vụ việc.
Cả ông Lugovoi và ông Kovtun đều bác bỏ việc có liên quan.
Một năm sau vụ sát hại, ông Lugovoi trở thành dân biểu Hạ viện Nga, đại diện cho một đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa hữu khuynh.
Sau đó, ông đã lên án cuộc điều tra của Anh là diễn trò và dối trá trắng trợn.
Tuy nhiên, tòa nhân quyền tại Strasbourg xác định rằng có cơ sở “vượt xa mức nghi ngờ hợp lý” rằng hai người này đã tiến hành vụ đầu độc, từ việc lấy được “chất độc hiếm, gây chết người” bằng những cách rất phức tạp, cho tới thu xếp các chuyến di chuyển, và liên tục, kiên nhẫn nỗ lực tìm cách đầu độc ông Litvinenko.
Ông Litvinenko đã bỏ chạy khỏi Nga, nơi ông từng là nhân viên cơ quan an ninh FSB.
Ông trở thành người mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin và được cơ quan mật vụ Anh MI6 trả tiền, được cho là để điều tra những mối liên hệ của mafia Nga với Tây Ban Nha.
Ngay sau đó, ông ngã bệnh và được vội vã đưa nhập viện. Sức khỏe của ông sa sút nhanh chóng, và ông tử vong hôm 23/11.
Tòa ECHR xác định rằng Nga lẽ ra đã có thể chứng minh được rằng vụ sát hại là một ‘chiến dịch xấu xa’. Tuy nhiên, tòa nói, đã không hề có nỗ lực nghiêm túc nào trong việc bác bỏ các kết luận điều tra của giới chức Anh.
Tòa nói rằng Nga phải trả cho vợ góa của ông Litvinenko 122.500 euro (144.000 đô la Mỹ) chi phí và các tổn hại khác, nhưng bác bỏ khiếu kiện của bà về các khoản phạt phát sinh từ những thiệt hại.
Vụ giết người không tiền khoáng hậu trên đất Anh
Phân tích của Frank Gardner, phóng viên an ninh BBC
Vụ đầu độc ông Alexander Litvinenko đã phá vỡ một số những quy tắc bất thành văn và phạm vào những điều cấm kỵ.
Đây là việc sử dụng chưa từng có đối với một loại vũ khí phóng xạ – chất polonium-210 – trên đất Anh, mà những kẻ xâm nhập đã để lại vết tích dẫn đến việc có kết quả giảo nghiệm ở bất kỳ nơi nào họ xuất hiện.
Vụ ám sát, lại là trên đất Anh, nhắm vào một người từng hỗ trợ cho MI6, Tình báo Mật vụ, cũng là điều vô cùng bất thường. Nhưng nguyên do cái chết của ông đã gần như không bị phát hiện.
Polonium-210 là một chất hiếm, được hình thành từ lò phản ứng hạt nhân có khả năng tạo ra các tia alpha chứ không phải tia gamma. Chúng quá yếu để có thể ngấm qua đường da, nhưng nếu nuốt vào cơ thể, chúng sẽ gây chết người bằng cách phá vỡ tường vách tế bào, khiến nhiều cơ quan nội tạng bị hỏng.
Trong vụ Litvinenko, nó được phát hiện ra quá muộn trong nước tiểu của nạn nhân, và nhờ việc xác định chính xác của các khoa học gia hạt nhân từ Tổ chức Vũ khí Nguyên tử tại Aldermaston ở Berkshire, Anh.
Phán quyết của ECHR rằng Nga đứng sau vụ giết người này không khiến cho những người điều tra vụ việc cảm thấy ngạc nhiên.
Leave a Reply