- Caryn James
- BBC Culture
Tại một nơi nào đó ở Ả-rập Saudi, bức tranh đắt nhất thế giới, bức Salvator Mundi của Leonardo da Vinci, đang được cất giấu theo lệnh của Thái tử Mohammad bin Salman.
Thật vậy không? Không ai trong giới nghệ thuật biết chắc bức tranh ở đâu.
Hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng có khả năng nó được cất giấu ở Trung Đông, nhưng một số người suy đoán nó được cất giữ ở một khu vực miễn thuế ở Geneva hoặc thậm chí trên du thuyền nửa tỷ đô của Thái tử.
Thậm chí đó có phải là tranh của Leonardo hay không? Bức vẽ Chúa Kitô trong hình ảnh Đấng Cứu Thế được quảng cáo là tác phẩm cuối cùng của da Vinci tại cuộc đấu giá Christie’s hồi năm 2017, khi nó được bán với giá kỷ lục là 450 triệu đô la cho một đại diện của bin Salman (vâng, chính là bin Salman, người mà CIA xác định là chịu trách nhiệm ra lệnh giết nhà báo Jamal Khashoggi).
Nhưng ngay cả khi đó, nhiều chuyên gia về Leonardo ngờ rằng bức họa chỉ được ông vẽ có vài nét, và kể từ đó những nghi ngờ này đã tăng lên.
Hai bộ phim tài liệu
Bao phủ trong các lớp bí ẩn và sự lôi cuốn quốc tế, câu chuyện về Salvator Mundi là một trường ca tiếp diễn, hấp dẫn không ngừng được kể trong hai phim tài liệu mới, ‘Bức họa mất tích của Leonardo’ và ‘Rao bán Đấng Cứu Thế: Kiệt tác thất lạc của da Vinci?’, diễn ra với tất cả kịch tính và hồi hộp của một câu chuyện trinh thám.
Chúng ra mắt trong làn sóng ra đời của cuốn sách đình đám của Ben Lewis năm 2019, The Last Leonardo (Bức họa cuối cùng của Leonardo), và hàng chục bài tường thuật.
Bức họa này, có từ khoảng năm 1500, đã bị thất lạc trong lịch sử trong hơn 200 năm, đã bị hư hỏng và được phục chế tồi tệ, và được bán đi bán lại như một tác phẩm xoàng xĩnh, có lẽ bởi một phụ tá của Leonardo.
Nhưng giờ đây Salvator Mundi đã trở thành hình ảnh đại diện cho sự pha trộn đầy biến động của tiền bạc, quyền lực và địa chính trị vốn định hình thế giới nghệ thuật ngày nay.
“Khi chúng tôi đặt tựa,” Andreas Dalsgaard, nhà sản xuất và người viết kịch bản của ‘Bức họa mất tích của Leonardo’, nói với BBC Culture, “cảm hứng một phần đến từ chuyện bức tranh hiện đang bị thất lạc và sự thật cũng bị mất, nhưng nó cũng lấy cảm hứng từ những phim như Indiana Jones vốn đầy những câu chuyện về kho báu và tìm kho báu.”
Con đường đi đến sự nổi tiếng của bảo vật có thể là của Leonardo này bắt đầu khi nó xuất hiện tại một nhà đấu giá ít người biết ở New Orleans vào năm 2005 và được hai người mua bán nghệ thuật ở New York mua với giá rẻ bèo là 1.175 đô la.
Họ đã mang nó đến Dianne Modestini, một nhà phục chế rất được kính trọng, để loại bỏ hàng thập kỷ bụi bẩn và các lớp tô vẽ đè lên, và bà là người đầu tiên nghi ngờ đó có thể là tác phẩm đích thực của Leonardo.
Với lời dẫn mượt mà và một loạt tiếng nói từ các nhà bán tranh, nhà sử học nghệ thuật đến nhà báo điều tra, ‘Bức họa mất tích của Leonardo’ là tác phẩm hay hơn và sử dụng Modestini làm nhân vật chính rất hiệu quả.
Bà xuất hiện nền nã, lôi cuốn trên màn hình, với giọng nói thì thầm và đôi mắt mở to phía sau chiếc kính gọng đen hay đỏ đặc trưng.
Bà đã dành nhiều năm khôi phục bức họa, say mê bảo vệ sự chân thực của nó đến từng chi tiết chính xác, chỉ ra pentimento (chi tiết gốc đã được chỉnh sửa) dưới ngón tay cái của Chúa hay đường cong nơi miệng vốn chỉ có thể là của Leonardo.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng bà đã phục chế quá triệt để.
Trong phim, nhà sử học nghệ thuật Frank Zöllner, vốn biên soạn danh mục thỏa đáng các bức họa của Leonardo, nhạo báng gọi Salvator Mundi là “kiệt tác của Dianne Modestini”, người đã làm nó “còn Leonardo hơn chính Leonardo”.
Về phần mình, Modestini đã ghi lại công việc của bà và các nghiên cứu khoa học về bức tranh, và đăng lên mạng.
Hầu hết các chuyên gia ngày nay đồng ý rằng bức tranh có lẽ là tác phẩm của các phụ tá ở xưởng vẽ của Leonardo, và chính ông là người hoàn chỉnh – cách làm thông thường.
Nhưng sự bất định là chìa khóa làm nên sự cuốn hút của các phiên bản câu chuyện, như Lewis nói với BBC Culture: “Không ai biết đó có phải là tác phẩm của Leonardo hay không, vì vậy bạn cũng có thể tham gia trò chơi, bạn có thể làm Mật mã Da Vinci của mình với Salvator Mundi.”
Nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ Jerry Saltz trong phim ‘Bức họa mất tích của Leonardo’ còn xài xể rằng “thậm chí đó còn không phải là bức tranh đẹp”, còn lâu mới với đến Leonardo vĩ đại, trong khi những người hết lòng tin tưởng thì thổ lộ rằng thấy nó trước mắt là trải nghiệm phi phàm. (Có lẽ vậy, nhưng trong phim và các hình ảnh sao chép khác, nó có hình ảnh sến súa hơn).
Một số trong những bình luận khai mở nhất trong cả hai phim thậm chí còn không phải là về nghệ thuật.
Trong ‘Bức họa mất tích của Leonardo’, Evan Beard, một giám đốc điều hành của Ngân hàng Bank of America, người coi nghệ thuật là đầu tư, nói về động cơ của người mua bình thường là sử dụng các tác phẩm nghệ thuật làm tài sản thế chấp cho các bước đi tài chính khác.
Phim không nêu quan điểm ai là người vẽ bức họa, nhưng nói rõ rằng các bảo tàng, người kinh doanh nghệ thuật và người mua tiềm năng có thể kiếm được hàng triệu đô la – cùng với uy tín không thể đo đếm được – bằng cách tin rằng đó là tác phẩm thật sự của Leonardo.
‘Nhân vật lý thú’
Một bước ngoặt lớn xảy ra khi bức họa được trưng bày một cách gây tranh cãi như là tác phẩm Leonardo đích thực tại một triển lãm năm 2011 tại Nhà trưng bày Quốc gia ở London, National Gallery.
Trong cả hai phim, Luke Syson, người phụ trách chương trình, bảo vệ quyết định của mình.
Nhưng nhiều chuyên gia xuất hiện trong phim và trên báo chí cho rằng ông đã vội đi đến kết luận.
Alison Cole, biên tập viên của tờ The Art Newspaper, từng viết nhiều về bức tranh và đã xem nó tại Nhà trưng bày Quốc gia.
Bà nói với BBC Culture: “Kể từ đó, Dianne Modestini tiếp tục công việc với bức hoạ. Nhưng khi tôi nhìn thấy nó, tôi không thấy thoải mái trong việc coi đó là tác phẩm đặc trưng của Leonardo.” Mặc dù vậy, triển lãm đã đi xa trong việc hợp thức hóa một quy kết không chắc chắn là bức họa của ai.
Hai năm sau, một số nhân vật lý thú nhập cuộc.
Yves Bouvier, một nhà kinh doanh nghệ thuật người Thụy Sĩ, đã mua bức tranh từ các đại lý ở New York với giá 83 triệu đô la, nhưng được báo chí đưa tin là mua giùm cho khách hàng của ông, trùm tài phiệt Nga có tên là Dmitry Rybolovlev, mặc dù Bouvier không thừa nhận điều này.
Trong vòng hai ngày, ông đã bán nó cho Rybolovlev với giá 127,5 triệu đô la.
Trong ‘Bức họa mất tích của Leonardo’ (The Lost Leonardo), Bouvier cười toe toét nói những thành tích của ông chỉ là chuyện làm ăn bình thường: ‘anh mua thấp và bán cao’. (Chính quyền Thụy Sĩ đã điều tra ông ấy vì lừa đảo Rybolovlev về một số tác phẩm nghệ thuật, nhưng năm nay đã đóng lại vụ án mà không buộc tội ông).
Rồi sau đó, bức tranh được nhanh chóng đưa đến nhà đấu giá Christie’s.
Bản thân việc mở bán của Christie’s là một màn kịch tính được dàn dựng kỹ, bắt đầu với một video tiếp thị cho thấy không chỉ bức họa mà còn gương mặt của khán giả – hầu hết là người thường nhưng một trong số đó là Leonardo DiCaprio – nhìn bức họa một cách tôn kính như thể họ đang nhìn thấy Chúa Ki-tô.
Người mua ẩn danh, nhưng tờ New York Times không lâu sau đã tiết lộ ông ta làm việc cho Thái tử bin Salman, phát hiện đã đẩy bức tranh vào địa hạt địa chính trị.
Vào thời điểm đó, bin Salman đang cố gắng đánh bóng hình ảnh của Ả-rập Saudi bằng cách nới lỏng một vài hạn chế.
Hầu hết nhà quan sát nghệ thuật thế giới cho rằng Salvator Mundi sẽ nằm ở trung tâm của một bảo tàng hoặc trung tâm nghệ thuật mới trong khu vực, nhưng bức tranh đã không được trưng cho công chúng liếc mắt qua kể từ đó.
Màn ra mắt hụt ở Louvre
Nó đã suýt được đưa ra cho công chúng chiêm ngưỡng.
Bảo tàng Louvre rất muốn đưa nó vào triển lãm lớn của họ để kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Leonardo vào năm 2019.
Bản thân Thái tử Bin Salman đã đến gặp Tổng thống Emmanuel Macron ở Paris trong khi việc mượn tranh vẫn còn đang chưa ngã ngũ.
Mãi cho đến khi báo chí giới thiệu về triển lãm, trên tường vẫn để trống một chỗ để chờ Salvator Mundi, nhưng nó không bao giờ tới.
Tờ New York Times xác nhận tin đồn rằng Louvre không đáp ứng đòi hỏi của bin Salman là tranh của ông được trưng bày cùng phòng với bức Mona Lisa, giúp nó có địa vị gần như tương đương.
Cole là người đầu tiên nói hồi tháng 3/2020 về sự tồn tại của một cẩm nang nhỏ dày 46 trang mà Bảo tàng Louvre chuẩn bị xuất bản nhưng không bao giờ được tung ra – trong đó khẳng định bức họa đích thực là của Leonardo.
Bởi vì Louvre không thể bình luận về các tác phẩm thuộc sở hữu tư nhân mà bảo tàng chưa trưng bày, cẩm nang này không thể nào xuất bản, và lúc đầu, Cole nói, bảo tàng đã phủ nhận sự tồn tại của nó.
Tai tiếng và âm mưu
Phim ‘Rao bán Đấng Cứu Thế’ của Antoine Vitkine đáng chú ý nhất ở một số chi tiết bùng nổ về điều gì đã xảy ra đằng sau hậu trường ở Louvre.
Phim tài liệu này cũng kể chủ yếu cùng một nội dung như ‘Bức họa mất tích của Leonardo’, nhưng không sành điệu bằng, với quá nhiều thước phim có cảnh quay các thành phố.
Nó chịu thiệt thòi khi không có Modestini hoặc các nhân vật trung tâm hấp dẫn khác.
Tuy nhiên, nó có hai nguồn tin ẩn danh với gương mặt được che trước máy quay, được xác định là các quan chức chính phủ cấp cao của Pháp, những người có quyền tiếp cận nghiên cứu của Louvre về bức họa và các cuộc đàm phán Pháp-Ả-rập Saudi.
Một trong những nguồn tin này nói Louvre đã kết luận rằng Leonardo gần như “không góp phần vẽ bức họa”, nhưng Thái tử bin Salman chỉ thuận cho mượn nếu Salvator Mundi được dán nhãn là tác phẩm của chính Leonardo.
Nguồn tin này nói ông đã khuyên Chính phủ Pháp rằng “làm theo điều kiện của Ả-rập Saudi sẽ giống như rửa tiền một tác phẩm có giá 450 triệu đô”.
Bảo tàng Louvre và Nhà trưng bày Quốc gia từ chối bình luận về cả hai phim tài liệu.
Giữa tất cả những lịch sử rối rắm thú vị này, không có gì sánh được với Salvator Mundi.
Trừ khi có thêm tài liệu mới (không có khả năng vì sau bao nhiêu thế kỷ như vậy), hoặc một phương pháp xác thực khoa học mới ra đời (vẫn đánh đố vì tác phẩm đã bị hư hỏng quá nhiều), bí ẩn này có thể sẽ mãi là bí ẩn.
“Tôi tuyệt đối chắc chắn rằng sáu tháng hay một năm nữa, sẽ có một số thông tin mới, cho dù đúng hay không, sẽ bùng nổ trên khắp các phương tiện truyền thông,” Dalsgaard nói. “Chừng nào bức họa còn bị cất giấu mà thế giới không thấy được và tương lai và số phận của nó vẫn bất định, nó vẫn sẽ bị bao trùm trong bí ẩn và thế giới sẽ sẵn sàng đọc thêm bất cứ điều gì mới. Bởi vì cuối cùng, đó là câu chuyện giải trí.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
Leave a Reply