Tuy nhiên, họ đã bị quân đội, công an chặn lại tại khu vực giáp ranh giữa TPHCM với các địa phương khác.
Dòng người trở về quê này được cho vẫn là những người nghèo, những người không còn chịu đựng nổi sau nhiều tháng bị phong tỏa.
Báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin về sự kiện này. Ngay lập tức, nhiều tiếng nói mạnh mẽ trên mạng xã hội cũng mô tả và bình luận về tình cảnh của người dân và cách thức quản lý của chính quyền.
Thông tin trên báo chí nhà nước
“Tự phát” là chữ được truyền thông sử dụng để mô tả đám đông dân chúng kẹt tại cửa ngõ TPHCM.
“Khi qua khỏi cầu Bình Điền khoảng 1km, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19 chặn lại do những người này thuộc đối tượng không được phép di chuyển khỏi địa phương.”
Tiền Phong Online mô tả hàng ngàn người, có cả trẻ em tự đi xe máy về quê, nhưng “đến cửa ngõ giáp ranh Long An thì bị lực lượng chức năng yêu cầu quay về nơi xuất phát.”
“Lực lượng chức năng sau đó vận động họ đến tập trung trước nhà sách ở giao lộ đường Bùi Thanh Thiết và quốc lộ 1, cách chốt kiểm soát cửa ngõ chừng một km. Gần 50 cảnh sát cơ động cũng được huy động để giữ trật tự.”
Vẫn theo báo này, “Đám đông liên tục rồ ga cùng hô to “về quê, về quê”, nhiều người nằm vạ vật trên đường, vỉa hè… Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh nói qua loa “dịch bệnh ở TP HCM mới cơ bản được kiểm soát, theo chỉ đạo của Chính phủ, bà con chưa thể về quê.”
Mạng xã hội nói gì?
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang cá nhân: “Những người lao động nhập cư vào Sài Gòn, Bình Dương đã bị chặn lại ở các cửa ngõ thoát ra vào đêm 30/9. Họ đã bị giam chặt trong các khu nhà trọ tồi tàn thiếu đói suốt 4 tháng qua, phải chờ từng bữa ăn từ thiện.”
Ông cũng nói: “Nay họ không thể chịu đựng hơn, hãy để họ về quê nhà của họ.”
Danh khoản Thanh Phuong bình luận: “Bao nhiêu người muốn về quê là kèm theo ngần ấy gia đình thân yêu của họ khắc khoải trông đợi ở quê nhà ,an dân sao được?”
Di Thiên Lương cho rằng: “Không thể ép buộc người ta ở lại được. Ai lo đời sống cho họ? Chỉ phải đưa về quê và tổ chức kiểm soát họ cách ly để tránh lây nhiễm. Cứ đóng chốt chặn không cho họ về quê để dồn người ở đó làm mồi cho Covid.”
Nguyễn Thị Bích Thủy viết trên nhóm Hội quán Kim Hoàn: “Tiến thoái lưỡng nan! Thật sự họ trả nhà thuê và muốn về quê nhà. Làm sao quay xe được nữa.”
Thanh Quy Bui đáp lại bằng ý kiến: “Lại gom vào khu cách ly, lại… chọt mũi 2 ngày 1 lần. Chánh quyền sẽ làm cái mà họ làm giỏi nhất từ đầu dịch tới giờ.”
Vân Bùi góp ý: “Nếu như các địa phương lấy quỹ phòng chống thiên tai dịch bệnh kết hợp với kinh phí của những ai có nhu cầu về quê. Cho về từng đợt ( mỗi đợt tầm 500-1000 người + tuân thủ cách ly đúng ngày) thì bà con được về quê an toàn.giảm tải cho TPHCM.”
Có lẽ ít người kìm lòng được khi chứng kiến những người lao động nghèo khổ, đặc biệt là trẻ em phải chịu đựng những khó khăn, khổ sở như thế này. Trước đó, nhiều người dân lao động tại TPHCM cũng từng cố gắng rời thành phố hai lần hồi giữa năm nay.
Trong buổi họp báo sáng 30/9, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho hay, trước ngày 1/10, Công an TPHCM sẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Tuy vậy, vẫn duy trì 12 chốt chính, 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người ra vào TPHCM. Liên quan vấn đề người dân mong muốn rời TPHCM về quê, đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định, người dân không được tự ý đi bằng xe cá nhân.
Có thông tin “bà con chờ đợi vạ vật cả đêm đã quyết định phá rào và vượt qua hàng phong tỏa của lực lượng cảnh sát để về quê tìm sự sống lúc 5h sáng 01/10/2021 tại chốt Tân Túc, Bình Chánh.” BBC chưa có điều kiện kiểm chứng thông tin này.(BBC)
Leave a Reply