Monday, November 25 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Người Bạn Cạnh Phòng
– Huy Sơn –
Đời sống quân đội cho tôi có thêm một gia đình. Trong đó mọi người đối xử với nhau rất thân thiết và yêu thương cũng giống như anh em ruột thịt. Chúng tôi cùng chung sự sống chết với nhau mỗi khi chiến trận xảy ra. Chúng tôi cùng vui khi đạt được những điều tốt đẹp và cùng buồn khi gặp phải những điều chẳng may.

Tôi và Yến thuyên chuyển cùng lượt ra phi đoàn tân lập 532, danh hiệu Gấu Đen, đồn trú tại căn cứ Phù Cát, thuộc sư đoàn VI Không Quân. Yến trẻ hơn tôi một tuổi và gia nhập Không Quân sau tôi khoảng một năm. Chúng tôi đều là phi công tác chiến A-37 đã tốt nghiệp tại Hoa Kỳ và từ căn cứ Không Quân Trà Nóc thuộc sư đoàn IV Không Quân ra trình diện phi đoàn tân lập vào đợt đầu tiên. Vì vậy chúng tôi được ưu tiên chọn phòng cho mình trong hai dãy nhà dành riêng cho các sĩ quan độc thân của phi đoàn. Mỗi dẫy nhà gồm có 10 phòng, cứ hai phòng nằm xoay lưng vào nhau và có cửa đi thông qua. Cách xây cất kiểu nhà binh này có dụng ý là nếu khi có chuyện cấp bách, người cư ngụ tại đây có thể thoát ra ngoài bằng hai lối. Tôi và Yến đã quyết định chọn hai căn phòng đầu dẫy, xoay lưng vào nhau và từ đấy chúng tôi trở nên “Bạn Cạnh Phòng.”

Phu Cat AB: Photos by Don M. Bishop. 1969-1970.

Hàng ngày chúng tôi phải có mặt trong phòng họp của phi đoàn lúc 8:00 sáng để điểm danh và theo dõi sinh hoạt trong ngày. Những ai có tên bay phi vụ sáng thì sửa soạn sẵn sàng để chờ lệnh cất cánh từ Hành Quân Chiến Cuộc, còn lại những ai bay chiều thì có thể rủ nhau đi ăn sáng với điều kiện phải cho sĩ quan trực biết địa điểm, để khi cần anh ta có thể liên lạc được.

Cái không khí sinh hoạt của một phi đoàn tác chiến luôn có tính cách nghiêm trọng, mọi người ít nói chuyện với nhau, yên lặng chăm lo phận sự của mình. Phi đoàn có phòng giải trí, tại đây có một bàn ping-pong cho những ai thích môn thể thao nhẹ và một bàn cờ tướng cho những ai thích đấu trí. Nơi góc phòng có một tủ lạnh lớn đựng các thứ giải khát. Phi đoàn cũng có một phòng ngủ trưa, trang bị máy điều hòa không khí để ai cần dưỡng sức chờ đến phi vụ của mình. Tuy thời gian của mỗi phi xuất phản lực tác chiến A-37 có hơi ngắn, trung bình từ một giờ đến một giờ rưỡi, nhưng nó đòi hỏi người phi công phải ở trong tư thế khỏe mạnh và nhậy bén, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống một cách nhanh chóng và chính xác, nếu không thì hậu quả của nó khó mà lường được.

Đến 5:00 chiều, hết giờ làm việc. Đa số chúng tôi kéo nhau ra ăn cơm tối tại quán Tư Sa. Quán cơm nằm cạnh quốc lộ Số 1, thuộc xã Gò Găng. Quán này được trông coi bởi một trong những bà vợ của ông tài xế xe đò có tên là Tư Sa. Nghe đâu ông ta có khoảng 4 đến 5 bà vợ, mỗi bà đều được ông lập cho một quán ăn, đặt tên là “Tư Sa,” ở rải rác dọc theo quốc lộ Số 1, trên đoạn đường ông chạy xe đò từ Đà Nẵng vào Tuy Hoà. Các bà lấy nguồn lợi quán ăn của mình để nuôi con. Mỗi lần xe chạy ngang qua quán Tư Sa là ông dừng lại, trước là thăm vợ và con sau là đổ khách cho họ ăn uống, tiện lợi cho ông đôi đàng. Anh em độc thân Không Quân cũng có dịp đi đến nhiều nơi khác nhau, có cơ hội làm quen nhiều bạn gái, từng được nổi tiếng đào hoa nhưng khi đã lập gia đình thì đa số chỉ biết chí thú với một người mà thôi, thua xa ông tài xế xe đò “Tư Sa” này!

Chẳng bao lâu tôi và Yến trở nên thân thiện. Chúng tôi hay chia sẻ với nhau về chuyện bay bổng và kể sơ qua về chuyện gia đình của mình trước giờ ngủ. Nhờ đó tôi biết quê của anh ở Long Xuyên và đã có người yêu. Cô ta kém anh 2 tuổi, học cùng trường và thua 2 lớp. Họ dự trù sau này cô ta sẽ làm cô giáo còn anh sẽ gia nhập vào binh chủng Địa Phương Quân, sau đó lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Dự định của họ bị gián đoạn khi Yến đã đổi ý, quyết định gia nhập Không Quân. Thời gian ra trường của anh kéo dài khoảng một năm rưỡi rồi sau đó lại bị gián đoạn một lần nữa, là anh phải đổi ra phi đoàn ở tận Phù Cát, vừa xa xôi và bị cắm trại liên miên.

Phi vụ trả đũa Phan Rang – Tạ Thượng Tứ – dòng sông cũ

Một buổi trưa, tôi đang thiếp đi trong giấc ngủ dưỡng sức chờ phi vụ bay chiều. Bỗng anh sĩ quan trực phi đoàn lay tôi dậy và hớt hãi nói là thiếu uý Châu Văn Yến, bay chiếc số 2 của phi tuần đánh tại Chu Pao đã bị bắn và không kịp nhảy dù. Nghe xong tôi bàng hoàng, chết điếng người đi, ú ớ chẳng nói lên lời. Tôi hy vọng đây chỉ là lời nghe được trong một giấc mơ chẳng lành. Vài phút sau, tôi lấy lại được bình tĩnh, đi đến nhấc điện thoại gọi Hành Quân Chiến Cuộc hỏi thêm tin tức về sự việc vừa xảy ra. Tôi được họ cho biết là quân bạn đã lên tới chỗ phi cơ bị nạn và tìm thấy thi thể của phi công chỉ còn lại một trái tim giữa đám tro tàn của xác máy bay.

Chiều đến, một mình tôi lủi thủi ra quán Tư Sa. Các món ăn vẫn được nhà hàng dọn ra như thường lệ nhưng vì thiếu Yến, người bạn đồng nghiệp và cũng là người bạn cạnh phòng, giờ đây trở nên lạt lẽo. Tôi gọi cô con của bà chủ quán đến tính tiền và vội vàng rồ máy xe Honda, rời quán dưới sự kinh ngạc và đầy thắc mắc của cô.

Ngày tiễn đưa quan tài phủ Lá Cờ Vàng của Yến về tỉnh Long Xuyên có trung tá Phi Đoàn Trưởng, đại uý An Phi và tôi. Chúng tôi đại diện phi đoàn, theo chiếc C7 cất cánh vào buổi sáng sớm tại phi trường Phù Cát trong lúc ngoài trời mưa rơi tầm tã, như tiếc thương cho một cánh chim đã phải lìa đàn, rời xa tổ ấm.

Ngồi trong khoang tàu, tôi đưa mắt nhìn qua cửa sổ của thân máy bay. Xa xa là dãy Trường Sơn, uốn khúc chạy dọc theo bờ biển hình chữ “S”, quê hương yêu dấu của chúng tôi đang ở trong thời kỳ khói lửa mà ở đó có nhiều trai trẻ, điển hình là bạn cạnh phòng của tôi, đang nằm trong cỗ quan tài được phủ Cờ Vàng, đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ núi sông.

Khi máy bay đáp xuống phi trường Long Xuyên, tại đây đã có một chiếc xe GMC đậu sẵn chở chúng tôi đến bến tàu và từ đó tàu phải chạy khoảng nửa tiếng mới tới bến đậu trước nhà của gia đình Yến.

Ngồi trên tàu, chúng tôi được tiếp chuyện với anh trung úy Bộ Binh, người anh họ của Yến. Anh đại diện gia đình ra đón chúng tôi. Anh cho chúng tôi biết chương trình sắp tới sẽ cho mở nắp quan tài hiện tại để thân nhân viếng thi thể nạn nhân lần cuối trước khi đặt vào cỗ quan tài mới và nghi lễ hạ huyệt sẽ được cử hành ngay trước nhà. Nghe xong chúng tôi rất lo lắng. Vài phút sau, phi đoàn Trưởng của chúng tôi lấy lại được bình tĩnh nhờ anh thuyết phục với gia đình Yến hủy bỏ ý định thay quan tài vì lý do tránh cho các thân nhân nhìn thấy thi thể không nguyên vẹn của người chết trận. Rất may vì anh là một quân nhân nên đã thông cảm lời yêu cầu rồi nhận lời. Chúng tôi thở phào, cảm thấy gánh nặng trên vai như đã nhẹ bớt được phần nào.

Con tàu tiếp tục chạy giữa lòng sông, hai bên bờ có cây cối mọc um tùm. Bỗng nhiên chúng tôi nghe có tiếng súng nổ, càng lúc càng gần. Chúng tôi đâm ra lo lắng, không chừng nếu địch quân nhận ra được trên tầu có cỗ quan tài phủ Cờ Vàng, chúng sẽ thụt vài trái B40, thì người bạn cạnh phòng của tôi sẽ chịu cảnh “Người Chết Hai Lần.” Người anh họ của Yến liền trấn an chúng tôi, anh cho biết vùng này rất an ninh, hầu hết cư dân theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Cộng không dám bén mảng về đây. Dân địa phương biết tàu sắp tới, họ bắn vài phát súng chào Linh Cữu.

Tàu giảm tốc độ, từ từ lướt nhẹ trên mặt nước rồi ngừng hẳn bên bờ sông ngay trước nhà của Yến chừng khoảng 100 thước, trước hè có đông đảo dân chúng đang đứng chờ. Người anh họ của Yến lên bờ trước tiên, chạy ngay đến ông bà thân sinh ra Yến thưa chuyện, sau đó ông bà mời chúng tôi vào nhà trên, ở đây bàn thờ Yến đã được dọn sẵn và có đông đảo thân nhân, bạn bè đứng trang nghiêm chung quanh. Chúng tôi theo thứ tự mỗi người thắp một nén nhang cắm lên bàn thờ của người quá cố, một nghĩa cử đại diện cho phi đoàn biết ơn anh đã vị quốc vong thân.

Trên chuyến tàu đưa chúng tôi trở về đơn vị, tôi thầm cám ơn Thượng Đế đã che chở và ban ơn cho chúng tôi hoàn tất xong một công việc đầy khó khăn và đau khổ, tiễn đưa quan tài của một người anh hùng Không Quân, một lần ra đi, không ai tìm xác rơi. Từ nay tôi sẽ vĩnh viễn không còn Yến, người bạn cạnh phòng để chia sẻ với nhau những nỗi vui buồn của đời sống nhà binh. Tôi cầu xin Thượng Đế ban nhiều Hồng Ân cho gia đinh và người yêu của Yến có thể vượt qua nỗi khổ đau của sự mất mát quá to lớn này.

Huy Sơn

Share.

Leave a Reply