Monday, November 25 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
 
 
 
CHUYỆN VỀ LÍNH:
 
CHUYỆN ANH LÍNH DÙ BA GAI 
THẠCH ĐẦU ĐÀ
 

 

 

 

CHUYỆN ANH LÍNH DÙ BA GAI 
THẠCH ĐẦU ĐÀ
 
 
Lính Ba Gai Năm Bảy Ngày Rồi …
 
Đó là một câu hát trong bản nhạc “Dù Hoa Lạc Lối” mà chúng ta thường nghe ca sĩ Hùng Cường hát trên đài phát thanh hoặc vô tuyến truyền hình tại miền Nam trước 30-4-1975.
 
Qua bản nhạc này chúng ta có thể hình dung một anh chàng lính Dù ba gai đáp lạc bãi trên cung hoàng của Thượng Đế. Anh chàng lính Dù trẻ tuổi này được Thượng Đế tiếp đón long trọng với hai hàng giáp sĩ tuốt gươm ngời sáng. Chúng ta có thể thấy được cái ba gai của người lính Dù trè tuổi đẹp trai thật dễ thương, với một chút liều lỉnh: “Xách ba- lô anh gõ cửa trời …” Một chút nghịch ngợm phá phách với các cung nữ để các cô phải ngẩn ngơ nhìn khi anh chàng lang thang đi kiếm quán café.
 
Những năm tháng vật lộn với nợ công danh, nợ cơm áo ở đất Mỹ này khiến tôi bồi hồi mỗi khi nhớ lại dĩ vảng làm lính của tôi. Nó không được tròn trịa gương mẫu lắm vì tôi thuộc dạng ba gai và tôi phân vân tự hỏi cái ba gai của mình có được dể thương như anh chàng lính Dù trong bản nhạc không?
 
Khoảng cuối năm 1971 mãn khóa Dù 239 tôi được về Pháo Binh Dù. Không biết tâm trạng của quí vị ra sao khi trình diện đơn vị đầu tiên chớ tôi mặc dầu với bản tánh ngông nghênh của tuổi trẻ vẫn hồi hộp lo âu chen lẫn thích thú. Lo âu vì không biết cấp chỉ huy và bạn đồng đội như thế nào, thích thú vì mình từ đây là chàng lính Dù thưc thụ. Cái cảm giác nó cũng như cô dâu về nhà chồng lo ngại sẽ phải ăn ở thế nào bên chồng và họ sẽ ra sao với mình nhưng vẫn sung sướng vì được sống với chồng, người mình yêu thương.
 
Toán tôi có tám tân binh về Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Dù. Sau khi trình diện ban một ba đứa: tôi, Tâm, và Thanh về Pháo Đội C. Rảo bước từ văn phòng Tiểu Đoàn đến văn phòng Pháo Đội C ba đứa chúng tôi đi thật rụt rè qua các văn phòng của ban hai, ban ba, và Pháo Đội A1, B1 v. v. Những ma cũ chiếu tướng chúng tôi thật kỹ. Có tiếng la đâu đó:
 
– Ê ! Em mới tụi bây ơi !
– Móc mắt chà giấy nhám tụi nó.
 
Trong ba đứa thì tôi là thẳng run nhứt vì cái đầu trọc mà không đội nón. Cái nón đỏ “chỉa” được từ thằng bạn cùng khóa Dù quá rộng chưa kịp sửa lại mà đầu lại nhỏ nên tôi xếp đôi lại giắt trên cầu vai cho oai. ( Tôi bắt chước Hùng Cường trên Tivi). Về đến được văn phòng Pháo Đội C tôi thở ra nhẹ nhõm. Tưởng được yên thân không ngờ lúc trình diện thượng sĩ Ổn, thường vụ Pháo Đội tôi đã bị bố ngay tức khắc.
 
– Chú là lính Nhảy Dù hay Biệt Động Quân?
– Dạ em là Nhảy Dù
– Thế đã học Dù chưa sao không thấy bằng Dù.
 
Vì bản tánh lười biếng tôi chưa may bằng Dù trên nắp túi áo. Tôi ấp úng trả lời ông thường vụ:
 
– Dạ em mãn khóa Dù 239 mà chưa kịp may bằng Dù vào áo.
– Còn nón không đội lại giắt trên vai. Bộ muốn đưa cái đầu trọc ra dọa tôi hả?
– Dạ tại nón rộng quá em đội không vừa.
– Đội nón lên rồi ra sân làm 20 cái nhảy xổm, 20 cái hít đất tội lè phè. Rớt nón thì tăng gấp đôi.
 
Thế là tôi chụp cái nón đỏ lên như đội cái nồi ra trước sân văn phòng nhảy xổm, rồi hít đất. Thật khổ sở vì vừa thi hành lịnh phạt vừa phải giử cho nón khỏi rớt, lại thêm những tia chiếu tướng từ các ma củ của Pháo Đội từ các cửa sổ phòng ngủ:
 
– Ê ! Tụi bây thằng này ngon.
– Đ. M! Pháo đội mình thêm một thượng tọa.
 
Thi hành xong lịnh phạt trong ngày đầu tiên về đơn vị. Thượng sĩ Ổn cho tan hàng với câu nhắn nhủ:
 
– Mấy thằng thượng tọa ba gai này phải trị ngay lúc đầu mới được.
 
Sở dĩ tôi bị trọc đầu là khi đang học Dù ở Khối Bổ Sung khóa Dù 236 được tuần lễ thứ nhì tôi và mấy đứa bạn trổ nóc tôn chuồn đi chơi 14 ngày (15 ngày sẽ bị báo cáo đảo ngũ). Về trình diện Đại úy Bé hoặc Đại úy Tư (tôi không nhớ rõ) Khối Bổ Sung lãnh roi điện, 14 ngày 14 cái, rồi tụi tôi bị cạo đẩu nhốt Connex 14 ngày. Cái mông đứa nào cũng đau buốt không nằm ngữa được phải ngủ nằm sấp. Ra khỏi Connex tôi lại bị đưa về khóa Dù 239 do Hạ sĩ Hùng coi. Ông này nổi tiếng hắc ám, đi đâu cũng kè kè cây roi điện trên vai xưng là “Quỷ Kiếm Hôi”thay vì “Quỷ Kiếm Sầu.” Cái nghiệp dĩ ba gai đã phát triển ngay từ trong quân trường.
 
Những ngày Tiểu Đoàn dưỡng quân tại Sàigòn thật nhàn nhã. Ban ngày tập dịch lấy lệ, hoặc đi an ninh bãi nhảy Ấp Đồn. Tối đến nếu trực thì gác hai tiếng còn thì không thì la cà nhậu nhẹt, cà phê cà pháo ngoài chợ Sư Đoàn, hoặc chuồn ra phố rong chơi. Là lính nhí, 17 tuổi lại là “đơ dem cùi bắp” nếu không bị cái tánh ba gai thì có lẽ còn lâu mới nhận được người cậu họ Thiếu tá Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Văn Thông. Một ngày cận Tết sau khi tan hàng khoảng 6 giờ chiều tôi thuộc toán trực, gác từ 11 đêm đến 1 giờ sáng. Còn gần 5 tiếng mới tới phiên gác, trong túi lại có tí tiền còm của bà “Bô” mới cho, tôi rủ thêm vài tay lang thang ra chợ Sư Đoàn lai rai. Trở về Tiểu Đoàn lúc 10:30 tôi vào câu lạc bộ uống ly đá chanh cho tỉnh táo để đi gác. Đang uống nữa chừng Trung sĩ hạ sĩ quan trực đốc canh kêu tôi ra ngoài hỏi chuyện:
 
– Mày đi đâu mà tao kiếm không có?
– Dạ em ra chợ Sư Đoàn chơi vì em gác từ 11 tới 1.
– Chơi cái con c. Thằng gác ca 9 tới 11 vắng mặt tao kiếm mày để đôn lên cũng không có.
 
Rồi “Ngài Trung sĩ” cho một “Bốt Đờ Sô” vô bụng của tôi. Chao ôi, bao nhiêu cốc, chùm ruột, rượu đế tuôn ra hết. Lời qua tiếng lại “Ngài” đem tôi lên An Ninh Tiểu Đoàn giao cho Hạ sĩ quan trực để nhốt với tội danh ba gai, bỏ gác, lại cự cấp chỉ huy.
 
Vào Connex gặp ông thần nước mặn Thanh “Cà Lăm” đang bị nhốt vì tội dù vắng mặt bất hợp pháp. Sáng hôm sau nó được ra vì đã đủ 14 ngày. Tôi nhắn nó về gặp bà “Bô” cho chút tiền vì nhà nó ở Bình Thới gần nhà tôi ở xứ Thăng Long cạnh trường đua Phú Thọ. Nằm Connex thật khổ sở vì chỉ có được mỗi cái quần đùi, quần áo giày, nón đều bị giử ở ban an ninh. Đêm thì lạnh, ngày thì nóng. Đến sáng ngày thứ ba Hạ sĩ quan an ninh trực mỡ cửa đưa quần áo:
 
– Mặc đồ, mang giày đàng hoàng lên trình diện Thiếu tá Tiểu Đoàn Phó!
– Thôi chết rồi. Kỳ này lãnh đạn nặng.
 
Tôi nhủ thầm, rồi theo viên an ninh lên văn phòng Tiểu Đoàn Phó trong bụng đánh lô-tô
 
– Binh nhì Dương Ngọc Thạch số quân 73/… Pháo Đội C trình diện Thiếu tá.
 
Tôi đứng nghiêm tay ở thế chào kính, mắt không dám nhìn “Ông Mặt Trời”. Hơn một phút, mà thời gian như “ngừng yên lắng đọng”. Chắc có lẽ “Ổng” đang quan sát kỷ lưởng:
 
– Mi không nhớ tau à! Biết ai đây không?
– Dạ không!
– Tau là cậu mi. Cậu Thông em của mạ mi.
 
Tôi thở ra nhẹ nhõm như cất được gánh nặng ngàn cân. Rồi cậu cho biết má tôi hôm qua tìm được số điện thoại, liên lạc với Ổng và không ngờ tôi lại lạc về tiểu đoàn của cậu tôi. Thì ra “Bà Via” xót ruột vì nghe Thanh Cà Lăm tả oán nên cố kiếm ông cậu tôi.
 
Từ ngày đó tôi cứ tám giờ sáng có mặt tại văn phòng Thiếu tá Thông đọc sách, hoặc kiếm chuyện làm vớ va vớ vỉn. Trưa theo xe “jeep” của Ông về ăn trưa, nghĩ ngơi, hai giờ theo ông cậu vô ngồi tiếp đến sáu giờ tan sở. Buổi chiều tôi ra nhà bà chị họ ngoài chợ Sư Đoàn ăn cơm. Tối đến phải về văn phòng ông cậu ngũ. Không được chuồn vì có anh tài lọt của Ông theo dõi. Tôi cảm thấy bực bội bó chân bó cẵng mà lại không dám chuồn vì sợ mang tiếng cho cậu mình. Vào khoảng giữa tuần thứ hai, buổi sáng tôi đang luyện chưởng “Tiếu Ngạo Giang Hồ” tại văn phòng thì một giọng Bắc Kỳ vang lên:
 
– Thằng sư con nào đây.
 
Tôi ngẫng nhìn thấy một ông đeo lon Thiếu tá, bãng tên Lạc. Tôi nhủ thầm bỏ mẹ rồi chắc Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng Bùi Đức Lạc. Ông cậu tôi đỡ lời:
 
– Thằng ni là thằng cháu mà tôi có trình với Thiếu tá hôm trước.
– Coi ban nào đó được đưa nó về, ban ba, truyền tin, quân xa…
– Dạ được để tui coi.
 
Thế là tôi được hân hạnh biết ông “Đại Bàng” của Tiểu Đoàn. Được độ hơn ba tuần Tiểu Đoàn chuẩn bị hành quân ngoài vùng hai, trận Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Ông cậu cho tôi về lại Pháo Đội theo ý thích của tôi. Tôi không thể là người lính ngành gương mẫu được.
1695686248502blob.jpg



Tôi không biết những chàng ba gai ở Pháo Đội khác. Riêng Pháo Đội C thì Thanh “Cà Lăm cũng là thuộc hạng cao thủ, cũng là một ông “Thượng Tọa” như tôi. Bình thường cà lăm còn nghe được, đến khi sỉn thì không biết chàng nói gì. Tối hôm trước ngày đi hành quân ở Komtum chúng tôi gồm có Linh truyền tin, Thanh cà lăm, Ngọc cầu thủ, tôi và một tay hình như là Đạt (bị mất tích ở Tân Cảnh theo toán liên lạc trận mùa hè 1972) chuồn ra phố. Sau một màn sương sương, Linh dẫn chúng tôi về nhà ông anh rễ, Thiếu tá Đoàn Phương Hải ở Trương Minh Giảng đỡ nhẹ một chai “Johnnie Walker” rồi kéo nhau về nhà Đạt nhậu tiếp. Tửu thì phải có sắc, đã rồi chúng tôi kéo xuống kiếm chị em ở Ngã Ba Chú Ía, gần Bệnh Viện Cộng Hòa. Tôi còn nhớ thiếu tiền Ngọc cầu thủ phải cầm cái đồng hồ Sheiko. Chúng tôi không thấy Thanh Cà Lăm đâu. Đi lục tất cả phòng cũng không thấy. Hỏi bà chủ động thì được biết chàng đã đi về một mình. Chúng tôi lo lắm vì Thanh Cà Lăm coi bộ rất sỉn khi đến động, nhưng chả biết làm sao hơn đành kéo nhau về Tiểu Đoàn để mai đi hành quân.
 
Sáng hôm sau chúng tôi đang ngồi đợi phi cơ ở Tân Sơn Nhứt thì Thanh Cà Lăm lếch thếch đến. Chúng tôi xúm lại hỏi thì được biết chàng say quá bỏ em út, (gái chơi), quên luôn anh em, lang thang kiếm xe ôm về Tiểu Đoàn một mình. Gặp xe Quân Cảnh không biết nói năng ra sao, hay vì cà lăm không nói được, hay cự nự mấy tay Q.C. Thay vì đưa về quân vụ thị trấn Lê Văn Duyệt, anh chàng được Q.C chở vô nhà xác bệnh viện Cộng Hòa nhốt. Thanh Cà Lăm ngủ như chết không biết trời trăng mây nước. Đến sáng giật mình tỉnh giầc mới kinh hoảng vì chung quanh là những xác chết trùm khăn trắng. Chàng đập cửa la làng may có gác dan mỡ cửa. Ba chân bốn cẳng đón xe lam về cho kịp hành quân. Chúng tôi ôm bụng cuời trong tiếng chưởi thề của chàng:
 
– Đụ đụ đụ … má! Tao chặt chặt chặt… tui bây bây bây hết nghe nghe nghe.. chưa.!
 
Vì là lính nên tôi chỉ biết chuyện ba gai của lính trong pháo đội, tuy nhiên tôi may mắn được quen một sĩ quan “Cao Thủ Ba Gai” có hạng thuộc Tiểu Đoàn 11 Dù: Đại úy Đinh Viết Trinh tự Trinh Điên (cấp bực sau cùng). Vào khoảng đầu năm 1971 tôi đi thăm một người bạn tại Tiểu Đoàn Vương Mộng Hồng ở Quang Trung. Nguyên cả một Tiều Đoàn Khóa Sinh đang tập hợp tại sân cờ trình diện Tiểu Đoàn Trưởng thì một Thiếu úy cán bộ Đại Đội bận áo “Saut Huyết” lái Honda Dame thắng cái kít tại sân cờ, trong túi áo “Saut” mỗi bên hai chai “33” trình diện Tiểu Đoàn Trưởng. Một hình ảnh sĩ quan Dù trẽ tuổi ngang tàng đập mạnh vào mắt tôi, một cao thủ của phái “Ba Gai.” Sau này tôi lại hân hạnh gặp lại anh Trinh trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa tại Komtum. Bị bắt làm tù binh lúc đồi Charlie tan hàng, thừa cơ lúc địch vô ý Thiếu úy Trinh đã vượt thoát về đến Pháo Đội C1 tại căn cứ Mạnh Mẽ. Lúc đó tôi và mấy người bạn đang tắm ở dưới suối thì ba người lính đồ bông tả tơi từ trong rừng chạy ra vừa hô to:
 
– Nhảy Dù, Nhảy Dù đây, 11 Dù đây.
 
Một trong ba là anh Trinh. Tụi tôi vội vàng đưa cả toán về Pháo Đội C1 trên đồi. Hình ảnh oai hùng ngang tàng của Thiếu úy Trinh càng đậm nét. Đến khi gặp lại anh Trinh tại Mỹ vào khoảng năm 1990 tôi thật ngỡ ngàng, xót xa. Một trung niên tàn phế , ngón tay cụt, chân cụt phải chống gậy. Được biết anh bị tàn phế trong trận chiến đẫm máu tại Đồi Thượng Đức 1062. Xin cho một cái chào bái phục.
 
Cũng qua những bữa nhậu sau ngày định cư tại nước Mỹ tôi lại được hân hạnh biết một sĩ quan “Ba Gai” cao thủ khác: Thiếu úy Nguyễn Văn Định tự Định Móm thuộc Pháo Binh Dù. Anh Định xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt nhưng rớt ra trung sĩ thay vì thiếu úy, rồi được phục cấp, lại rớt, cuối cùng tan hàng năm 1975 với cấp bậc thiếu úy. Nội cái chuyện lon lá cũng biết anh Định là tay thượng thừa của môn phái “Ba Gai”. Một hôm trong bửa nhậu tôi hỏi:
 
– Anh Định! Anh rớt Võ Bị, từ thiếu úy xuống trung sĩ, còn em rớt Đồng Đế từ trung sĩ xuống binh nhì thì có bằng anh không?
– Không cần so sánh. Bây giờ tính như vầy: từ thiếu úy xuống chuẩn úy, rồi thượng sĩ nhất… tới trung sĩ là tổng cộng năm cấp. Còn mày xuống bao nhiêu cấp.
– Để em tính: từ trung sĩ xuống hạ sĩ nhất, rồi hạ sĩ nhất xuống hạ sĩ, binh nhất tới binh nhì tổng cộng là bốn cấp. Thôi thua anh.
 
Có lẽ là chuyện lon lá lên quan xuống lính quá nhiều lần làm Thiếu úy Định nổi tiếng “Ba gai” ở Pháo Binh Dù cũng như ở các Tiểu Đoàn Tác Chiến (vì anh chuyên đi Đề Lô). Tuy nhiên trong những mẫu chuyện của anh tôi thích nhất là chuyện anh bị phạt trong quân trường Võ Bị, câu chuyện mà anh kể trong cái “Hào khí ngất trời” của những người lính Dù khi uống rượu.
 
– Hồi học ở Võ Bị mùa Đông lạnh lắm mày biết không? Một lần tao bị cán bộ phạt ở truồng chỉ đội nón sắt với đeo cái lưỡi lê lúc lắc chạy dã chiến vào đêm. Bạn đồng khóa thằng nào cũng cười ngất. May là ban đêm mấy con nhỏ bán Câu Lạc Bộ đã về hết chớ không chắc chết tao.
 
Theo lời anh thì anh chỉ thấy một cái lưởi lê lúc lắc chứ quý vị cứ hình dung thì sẽ thấy một sinh viên sĩ quan đang chạy ở truồng trên đầu một cái nón sắt, ở dưới hai cây lưỡi lê, một sắt, một thịt đang lúc lắc.
 
Những cao thủ “Ba Gai” quí vị cũng thấy xuất hiện đâu đó trong văn chương của Nhảy Dù. Đây là câu chuyện cùa Ba Người Lính Nhảy Dù Say Rượu rất phổ biến trong bàn nhậu của binh chủng Dù:
 
– Ê! Oánh bài cào mà chín nút là chắc ăn phải không mày?
– Đúng! Nhưng vẫn thua ba tây con ạ.
 
Người Lính Nhảy Dù thứ ba chen vào:
 
– Hai thằng bây bậy hết. Ba tây vẫn còn thua ba lính Nhảy Dù say ruợu.
– Nửa rồi! Ông thần nước mặn uống vô là nói dóc.
– Đây nè! Ba lính Nhảy Dù say rượu thì sức mấy nó chung tiền. Nó hốt tiền đi nhậu tiếp. Lúc đó tụi nó chỉ có thua cọp.
 
Giai thoại này hình như lâu lắm rồi từ nhà văn Nhảy Dù Nguyên Vũ thì phải.
 
Còn nhiều nhiều lắm huyền thoại và nhân vật của môn phái “Ba Gai” mà tôi không nhớ hết. Gần đây có nhân vật Tốt, một Binh Bớp Muôn Năm trong “Tốt Đen” của Phan Hội Yên là một điền hình. Từ Binh bớp Tốt lên tới Hạ sĩ nhất Tốt rồi lại Binh bớp, cứ xoay vòng hai lần thăng thưởng, một lần lột lon trong một năm đến nỗi Trung đội trưởng không “up-date” kịp cấp bậc thực của đương sự theo lời kể của tác giả.
 
Cao thủ Tốt đã chào đón Chuẩn úy Trung Đội Trưởng mới của mình bằng một màn bào láng băng Chín Cầu Muối chỉ vì tay anh chị này dám chơi Phiếu, lính cùng trung đội. Chả cần lệnh lạc với hơn một nữa trung đội, Nhảy Dù Tốt đến tận khu Chợ Cũ dập toe-tưa băng này và Chín Cầu Muối phải thề sẽ không bao giờ đụng đến Nhảy Dù. Đổi lại phe ta:
Trung đội trưởng bị tám củ và Hạ sĩ Tốt bị cạo đầu nhốt chuồng cọp. Trong cái “Ba Gai” này ta thấy loáng thoáng cái thực của tình đồng đội.
 
Vì cái tôi ba gai và không muốn cái nhìn của mình bị thiên kiến tôi làm một màn phỏng vấn “nóng” và “gọn” bằng điện thoại với hai xếp củ của mình.
 
– Hello! Anh Lạc! Em Thạch đây.
– Sao dạo này sao rồi?
– Nợ cơm áo nó vật quá. Đang mùa lễ Thanksgiving, Christmas, NewYear tiệm bận lắm. Em hỏi anh cái này được không?
– Ừ được.
 
Tôi vội chớp thời cơ:
 
– Hồi anh làm Tiểu Đoàn Trưởng anh có kỷ niệm gì về mấy anh chàng ba gai không?
– Có vài thằng mà lâu lắm anh không nhớ tên. Có một thằng chuyên môn dù, phạt mấy cũng không sợ. Sau anh bắt an ninh Tiểu Đoàn dẫn đến nhà cô bồ của nó bắt qùy trước cửa.
 
Thế là nó không dám chuồn nữa và sau này rất đoàng hoàng.
 
– Chiêu của anh ghê thật. Gặp em thì cũng không dám tái phạm. Nhưng trên cương vị cấp chỉ huy anh nghĩ thế nào về mấy trự ba gai.
– Anh đối với tụi nó đứa nào anh cũng xem như em út.
 
Để biết thêm ý kiến về lính ba gai từ các cấp chỉ huy, tôi gọi anh Nguyễn Cẩn Ngọc, Pháo Đội Trưởng cũ của tôi:
 
– Chào anh Ngọc em Thạch đây.
– Anh nghe chú đây. Có gì không Thạch.
– Em mới gọi anh Lạc về câu chuyện Lính Ba Gai, em hỏi anh vài câu được không?
– Chú cứ hỏi.
– Anh là cấp chỉ huy, xuất thân là tu xuất, nổi tiếng là “rắc lô”. Anh nghĩ thế nào về mấy chàng lính ba gai? Anh có ác cảm không?
– Không chú à. Là cấp chỉ huy anh phải hành xử để giữ quân kỷ. Đối với anh anh thưong chúng nó như những người em trong gia đình,vì chính những người lính là những người gần gủi như trong gia đình và đôi khi họ còn bảo vệ mạng sống của mình. Phần đông là trẻ tuổi ham vui. Thế thôi. Huynh đệ chi binh mà em.
 
Lời bàn từ Hậu Hắc King
 
Phải anh Ngọc ạ. Những người lính đó gần gủi như trong gia đình và đôi khi họ còn bảo vệ mạng sống của mình. Nhảy Dù Tốt của Phan Hội Yên hứng trọn một trái B40 để cứu người Trung đội trưởng của mình:
 
“Tôi cố lết đến bên hắn, trong ánh sáng nhá nhem của ngày sắp tắt, hằn xuống
dấu vết cơn đau còn đọng lại trên nét mặt khắc khổ chịu đựng… Vết thương
đổi mạng mà chắc chắn, nếu không có họng súng của Tốt, tôi đã lãnh đủ
mấy băng AK nát bấy mặt mày. Lại thêm tôi, một người nữa chịu ơn cứu mạng.”
 
Nhìn từ một góc độ nào đó, những người Lính ba gai là những người không tham lắm chuyện lon lá, là những con ngựa chứng khó ép vào kỷ luật thép của Quân Đội. Có thực chăng ngựa chứng là ngựa hay theo châm ngôn? Phần đông những người Lính ba gai dám nhận lãnh các nhiệm vụ nguy hiểm, cam go. Mặn tình bằng hửu, đồng đội và đôi khi dám xã thân cho bạn hửu hoặc cấp chỉ huy. Những nguời Lính ba gai này phải chăng họ là những nét chấm phá tô điểm thêm cho bức tranh hoành tráng của Quân Đội.
 
Xin quí vị hảy xem đoạn văn ngắn này như những câu chuyện mua vui trong bàn nhậu của Lính Dù.
Share.

Leave a Reply