Trả lời câu hỏi này, giới sưu tầm cho biết ngay đó là hiệu whisky The Macallan chưng cất tại Scotland vào năm 1926. Theo tạp chí La Revue du Vin de France, chuyên về rượu vang Pháp (RVF), nội trong năm 2023, đã có 4 cuộc bán đấu giá cấp quốc tế và mỗi lần như vậy, hiệu The Macallan 1926 đều xấp xỉ ở mức một triệu đô la một chai.
Đăng ngày:
Theo tạp chí RVF, các hiệu rượu mạnh nhiều năm tuổi đều đang trở thành những sản phẩm ”sáng giá”. Whisky chẳng những là sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thế giới, loại thượng hạng còn được phổ biến nhiều hơn nữa ở châu Á. Giới sưu tầm càng săn lùng, giá trị của các chai whisky hiếm càng tăng. Hôm 21/10/2023 vừa qua tại New York, một chai rượu whisky ”cổ điển” hiệu The Macallan 1926 đã được bán với giá 843.200 đô la, một mức giá đáng ngạc nhiên và điều đó có nghĩa là một ly nhỏ (shot) chừng 2,5cl có trị giá lên tới gần 35.000 đô la một ly.
Giá kỷ lục 1,8 triệu đô la cho một chai The Macallan 1926
Theo phòng đấu giá Sotheby’s, loại whisky hiệu The Macallan này được sản xuất vào năm 1926, sau một thời gian dài được ủ trong thùng gỗ anh đào (60 năm tuổi), rượu mới được đóng chai vào năm 1986. Tuy gây ấn tượng, nhưng cuộc đấu giá lần này vẫn chưa đủ để phá kỷ lục do chính Sotheby’s lập ra vào năm 2019 với mức giá cao nhất là 1,45 triệu bảng Anh (tương đương với 1,76 triệu đô la).
Công ty The Macallan do ông Alxexander Reid thành lập cách nay gần một thế kỷ. Nhà máy chưng cất đầu tiên ra đời vào năm 1824 tại thị trấn Craigellachie, vùng Speyside ở phía bắc Scotland. Vào thế kỷ XX, công ty này chỉ sản xuất 40 chai hiệu ”The Macallan 1926”, sau 60 năm trữ rượu trong thùng gỗ.
Khác với rượu vang, whisky khi đã ”trưởng thành” ngừng biến đổi sắc màu và hương vị, một khi được cho vào chai thủy tinh. Điều đó có nghĩa là một chai whisky 12 năm tuổi, dù được mua cách đây hai thập niên, vẫn là whisky 12 năm tuổi chứ không phải 32 năm, cho dù có được giữ nguyên trong chai. Trong khi đó, một chai rượu vang cất giữ với nhiều điều kiện thuận lợi vẫn tiếp tục ”già theo” tháng năm và đôi khi còn ngon hơn. Đó là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa rượu vang và rượu mạnh.
Cũng theo tờ báo RVF, sở dĩ các chai whisky hiệu The Macallan rất đắt và được giới sưu tầm ”săn lùng” trước hết là vì các chai hiệu này rất hiếm. Trên thế giới, hiện chỉ có 40 chai The Macallan 1926, do công ty cùng tên đóng chai rồi phát hành trên thị trường vào năm 1986. Được chưng cất nhân dịp lễ kỷ niệm, các nhà chế biến whisky đã kiên nhẫn trong hàng chục năm trời, đợi cho whisky đến tuổi ”chín muồi”, cả hương thơm lẫn vị ngon đạt tới độ cao nhất, thì lúc ấy mới cho vào chai
Nếu rượu là một tác phẩm nghệ thuật, thì trong mắt của nhiều nhà sưu tầm, chai rượu whisky hiệu Macallan 1926 được nâng lên hàng “kiệt tác”. Ngoài chất lượng hảo hạng, giá trị của chai rượu còn nằm ở chỗ ”quý hiếm” và độ tuổi 60 năm. Điều đó giải thích vì sao giới sưu tầm chịu trả giá cao như vậy.
Việc hạn chế tối đa lượng sản phẩm phát hành, tự nhiên làm cho chai rượu lên giá rất nhanh. Nhưng quan trọng hơn nữa, trong số 40 chai năm 1926, có 12 chai whisky có dán thêm nhãn đặc biệt. Dòng sản phẩm này được xem như một tác phẩm sưu tầm, nhãn chai được minh họa bởi nghệ sĩ người Anh Peter Blake thuộc phong trào ”pop art”. Trong làng nghệ thuật, Peter Blake được công chúng biết đến là người đã tạo ra hình bìa album “Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band” của ban nhạc The Beatles, phát hành vào năm 1967.
Trong năm nay, hai chai The Macallan 1926 do Peter Blake minh họa đều vượt qua ngưỡng một triệu đô la/chai. Lần đầu tiên là vào trung tuần tháng 05/2023 tại Hồng Kông. Lần thứ nhì là vào tháng đầu tháng 10/2023 tại phòng đấu giá Sotheby’s Luân Đôn. Còn chai whisky được bán đấu giá tai New York hôm 21/10/2023 vừa qua cũng nằm trong số 12 chai mang dấu ấn của Peter Blake.
Hầu như vào cùng một thời điểm, một chai rượu whisky The Macallan do nghệ sĩ pop art người Ý Valerio Adami thiết kế nhãn hiệu được bán với giá 1,1 triệu đô la. Vào đầu tháng 10/2023, một chai rượu khác có dấu ấn của danh họa Valerio Adami cũng đạt mức 1,12 triệu đô la nhân đợt bán cổ vật và tác phẩm mỹ thuật tại thành phố Edinburgh do phòng đấu giá Bonhams tổ chức.
The Macallan sắp kỷ niệm 200 năm ngày thành lập
Trong cuộc chạy đua giữa các nhà sưu tầm và các phòng đấu giá, Sotheby’s cảm thấy tự hào là đang nắm giữ kỷ lục về rượu vang cũng như rượu mạnh. Vào năm 2019, một chai The Macallan 1926 đã được bán với giá kỷ lục là 1,76 triệu đô la. Trước đó, kỷ lục này do chai whisky Old Master of Malt (105 tuổi) của hiệu Aisla T’Orten nắm giữ với giá 1,4 triệu đô la. Cho dù sau đó một số chai rượu mạnh khác đã được đưa vào hệ thống đấu giá, nhưng chưa có sản phẩm nào đạt tới tầm của cuộc đấu giá cách nay 4 năm.
Theo ông Jonny Fowle, giám đốc điều hành khâu rượu mạnh của Sotheby’s, The Macallan 1926 là loại rượu whisky mà mọi nhà đấu giá đều muốn có (trong kho lưu trữ) để bán và đông đảo các nhà sưu tầm trên thế giới đều muốn mua được một chai như vậy. Sau khi ủ trong thùng gỗ trong 6 thập niên, 40 chai The Macallan 1926, hiện là hiệu rượu whisky lâu đời nhất của nhà máy chưng cất phía bắc vùng Scotland.
Trước khi đem ra bán đấu giá các chai năm 1926, công ty The Macallan phải thay lại các nắp chai đầu tiên (làm vào năm 1986), đồng thời phải ”tân trang” diện mạo nhưng phải giữ nguyên nhãn bìa chính gốc do các nghệ sĩ thiết kế vào những năm 1980. Có như vậy thì chai rượu mới không bị mất giá. Đa phần các nhà sưu tầm mua rượu để ”đầu tư” hơn là để thưởng thức. Có nhiều khả năng một vài chai ”The Macallan” sẽ lại được đem ra bán đấu giá vào năm tới, nhân dịp công ty này mừng sinh nhật 200 năm tuổi (1824-2024).(RFI)
Leave a Reply