Lực lượng cảnh sát biển của Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ sẽ duy trì các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cho binh sĩ đồn trú trên một đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông mặc dù họ dự liệu sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc được điều đến khu vực này.
Philippines thường xuyên gửi đồ tiếp tế cho một số binh sĩ sống trên một chiếc tàu chiến cũ kĩ được cố tình cho mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas vào năm 1999 để khẳng định chủ quyền của Manila đối với đảo san hô này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi cạn Second Thomas, và đã điều hàng trăm tàu đến tuần tra ở đó.
“Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm này bất chấp số lượng tàu hạn chế và số lượng tàu Trung Quốc ngày càng tăng mà họ sắp điều động,” người phát ngôn lực lượng cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela nói trong một cuộc họp báo.
“Chúng ta phải đảm bảo nguồn cung ứng vẫn đến được với binh sĩ của chúng ta,” ông Tarriela nói, và cho biết thêm rằng lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đang điều các tàu nhỏ hơn để cố gắng vượt mặt tàu Philippines.
Ông phát biểu một ngày sau khi Philippines lên án hải cảnh Trung Quốc về “những hành động cưỡng ép vô cớ và thao tác nguy hiểm,” bao gồm cả việc dùng vòi rồng xịt vào một trong các tàu của họ nhằm cố gắng làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày thứ Bảy cho biết hải cảnh của họ đã thực hiện các biện pháp chấp pháp cần thiết đối với các tàu Philippines sau khi các tàu này xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày thứ Bảy nói họ đứng về phía Philippines, nước mà Mỹ có hiệp ước phòng thủ.
“Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa tôn trọng các quyền tự do hàng hải trên biển cả được đảm bảo cho tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế,” bộ nói trong một phát biểu, tái khẳng định cam kết của mình đối với hiệp ước phòng thủ.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Washington, đảo ngược lập trường thân Trung Quốc của người tiền nhiệm và dẫn đến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.(VOA)