Sunday, November 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Chính Trị Phiếm Đàm – 16/11/2023

Nhất Hùng

Ngày 7/10, lực lượng Hamas tấn công tàn bạo, vô nhân đạo vào phía nam Israel giết hàng ngàn người, đa số là phụ nữ và trẻ con đồng thời bắt cóc hơi hai trăm con tin. Ngay lập tức, Israel đã trút mưa bom bão đạn tàn bạo không kém vào Dải Gaza, giết hơn 11.000 người ở Gaza. Đã đẩy hàng vạn người phải bỏ nhà cửa di tản xuống phía Nam và làm chủ hoàn toàn phía Bắc Dải Gaza.

Cuộc tấn công của Hamas không chỉ khiến quan hệ Israel – Palestine xấu đi, mà còn làm cục diện Trung Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột khu vực và lôi kéo sự can thiệp của các siêu cường, làm thay đổi toàn bộ tình hình Trung Đông, đặt các chính phủ Ả Rập và Iran vào tình thế khó khăn, tạo ra những điều bất lợi và cả có lợi cho Mỹ.

 

Hỏa Tiễn Hamas Bắn Vào Israel Như Pháo Bông

CÁI THẾ CỦA CÁC NƯỚC Ả RẬP Ở TRUNG ĐÔNG

Trung Đông có năm nước có lực lượng quân sự lớn là: Israel – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran – Ai Cập – Ả rập Xê Út, bốn trong số năm quốc gia này là đồng minh của Mỹ, ngoại trừ Iran.

Xung đột giữa Hamas với Israel đẩy các nước Ả Rập trong khu vực vào tình thế tiến thối lưỡng nan, bao gồm những nước đồng minh với Mỹ như Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan, Quatar…và những nước thù nghịch như Iran, Syria, Liban…

Một mặt, Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh Ả Rập, các bên đang trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel, để lên án Hamas. Mặt khác, phải liên tục gây sức ép kiềm chế lên Israel vì sự nóng giận trả đũa của họ, khiến thường dân Palestine đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo, điều này sẽ tạo ra làn sóng phẫn nộ tại các nước Ả Rập, khiến người Ả rập, người Hồi Giáo sẽ liên tục gây sức ép buộc chính phủ của họ phải có hành động đoàn kết với người dân Palestine. Các cuộc xuống đường đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy sức nặng của dư luận đang đẩy các nhà lãnh đạo Ả Rập đi ngược lại mong muốn của Mỹ.

Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/10, ngoại trưởng các quốc gia đồng minh của Mỹ, như Ai Cập, Jordan và Ả Rập Xê Út, đều chỉ trích các hành động của Israel và kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Hầu hết các nước trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp quốc đều lên án cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.

Chính phủ các nước Ả Rập thân Mỹ đang phải liên tục xoa dịu sự bất bình của cộng đồng trong nước. Tuy nhiên, nếu Israel không dừng tấn công Dải Gaza lại, việc lật ngược các thỏa thuận hòa bình không phải là điều không thể xảy ra.

– Iran, đã lập tức hoan nghênh cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas nhưng phủ nhận mọi liên quan đến cuộc chiến. Tuy nhiên, gần đây, Tehran đang tỏ ra thận trọng hơn để vừa có thể ủng hộ Hamas, vừa không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp với Israel và đồng minh thân cận của họ là Mỹ. Iran vẫn liên tục có những tuyên bố cứng rắn và kích động nhưng chỉ là những lời sáo rỗng.

– Thổ Nhĩ Kỳ một mặt lên án các hành động trả đũa của Israel, một mặt cùng với Mỹ và Israel tấn công bằng hỏa tiễn vào Syria, một đồng minh tích cực của Hamas.

– Ả Rập Xê Út một mặt lên án Israel, một mặt lại bắn chận những hỏa tiễn của lực lượng Houthis, một đồng minh hung hãn của Hamas, bắn qua Israel từ Yemen.

– Ai Cập một mặt lên án Israel, một mặt cô lập và không hữu hảo với tổ chức Hamas vì họ cũng lo ngại cho an ninh của chính họ.

CÁI HẠI CHO MỸ:

– Đóng băng tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel và Ả Rập Xê Út, ngăn cản việc thành lập một thỏa thuận an ninh khu vực mà Mỹ sắp đặt.

– Chấm dứt hy vọng giảm căng thẳng trong quan hệ với Iran, mới chỉ vài tháng trước, hai nước đạt được thỏa thuận về trao đổi tù nhân và giải tỏa 6 tỷ USD của Iran đang bị “đóng băng”. Thỏa thuận này kỳ vọng sẽ kiềm chế các lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Syria và Iraq tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ. 

– Bất ổn ở Trung Đông gây khó khăn nhất định cho Mỹ khi phải đồng thời kiểm soát tình hình chống lại cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, gây khó khăn cho kế hoạch xoay trục dài hạn tại châu Á, làm giảm áp lực của Mỹ lên Nga và Trung Cộng, cản trở sự mở rộng hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – Châu Âu

– Diễn biến Trung Đông hôm nay phù hợp với toan tính của Nga và Trung Cộng, giam chân một phần lực lượng quân sự của Mỹ ở đây, giống như vài chục năm vừa qua mà Mỹ từng cố gắng thoát ra.- Mỹ đã phải đảo ngược chính sách giảm sự hiện diện quân sự ở Trung Đông, thay vào đó là tăng cường lực lượng lớn nhất kể từ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (IS). Nga và Trung Cộng đang lợi dụng tình hình, vừa cố làm giảm uy tín của Mỹ, vừa chen chân vừa gây ảnh hưởng vào một khu vực “địa chính trị” vô cùng quan trọng mà cả hai vốn có vị trí rất mờ nhạt.

CÁI LỢI CHO MỸ:

– Với sự quyết đoán, có mặt tức thời, không chần chừ và mạnh mẽ của hai Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tại Địa Trung Hải, các nước thù nghịch với Israel, như Iran, Liban, Syria đã không dám có bất cứ hành động nào để giải nguy cho Hamas khi bị Israel tấn công dữ dội mà chỉ có những tuyên bố tuy mạnh giọng nhưng chỉ đầy sáo rỗng. Chỉ sau một tháng bị công kích, khi Israel đã kiểm soát phía Bắc Dải Gaza, đẩy lực lượng Hamas vào tình thế tuyệt vọng, liên đoàn Ả Rập và Hồi giáo mới tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Riyad, thủ đô Ả Rập Xê Út. Kết thúc hội nghị, tuy liên đoàn Ả Rập đồng thanh lên án Israel nhưng chỉ là hình thức, họ không đồng thuận được về việc trừng phạt kinh tế và chính trị Israel. Thực tế cho thấy Israel sẽ thắng, Hamas có thể bị xóa sổ.

– Iran và Ả Rập Xê Út đã xích lại gần nhau với sự dàn xếp của Trung cộng, nay lại đối địch hơn bao giờ hết. Trong lúc Teheran ca ngợi thành tích của Hamas thì Ả Rập Xê Út lại bắn hạ các hỏa tiễn do phe Houthis, đồng minh của Hamas, tay sai của Iran từ Yemen bắn sang Israel. 

– Một lần nữa, Hoa Kỳ khẳng định Israel là đồng minh lớn trong khu vực đồng thời chứng tỏ Nhà nước Do Thái không đơn độc mà luôn luôn có siêu cường số một thế giới bên cạnh, và khẳng định không thể và không để mất Israel khi Ai Cập lẫn Ả Rập Xê Út không phải là những đồng minh đáng tin cậy. 

– Đây là cơ hội để răn đe Iran, để dằn mặt Hezbolla, Houthis, Syria…và cho thấy những cường quốc quân sự lớn trong khu vực vẫn rất cần Mỹ. Trung Đông sẽ hỗn loạn nếu không có Mỹ và Trung Đông cần Mỹ hơn bao giờ hết.

Mỹ cần thực hiện vai trò “hiến binh thế giới” để vừa giữ trật tự vừa khẳng định sức mạnh Hoa Kỳ, khẳng định là một siêu cường bá chủ thế giới.

Đây là thử thách đầu tiên cho “bá chủ thế giới” kể từ lúc lên ngôi năm 1991. Mỹ đang đối diện hai mặt trận, một ở Châu Âu với cuộc chiến Nga-Ukraine, một ở Trung Đông với cuộc chiến Israel-Hamas. Giả như Trung Cộng dụng kế “Sấn Hỏa Đả Kiếp”, lợi dụng thế giới đang hỗn loạn mà xâm chiếm Đài Loan thì Mỹ sẽ đối phó sao đây?. Thế giới thiếu gì kẻ chọc gậy bánh xe, còn nhiều chuyện để xem lắm.

Làm Vương làm Bá cũng mệt phải không?

Nhất Hùng

Share.

Leave a Reply