Nhật Bản và Việt Nam hôm qua, 27/11/2023, đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cam kết mở rộng hơn nữa quan hệ an ninh, kinh tế nhân kỷ niệm 50 năm bang giao song phương.
Đăng ngày:
Thông báo được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa thủ tướng Fumio Kishida và chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Tokyo hôm qua trong chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo Việt Nam tại Nhật Bản.
“Đối tác chiến lược toàn diện” mức cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Cho tới nay, Hà Nội chỉ mới thiết lập quan hệ này với 5 quốc gia: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới”, tên chính thức đầy đủ của mối quan hệ mới, lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý mở rộng hợp tác an ninh, đặc biệt là về việc cung cấp cho Việt Nam các thiết bị quốc phòng của Nhật Bản, hợp tác an ninh hàng hải và chuyển giao công nghệ.
Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết “tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế”. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba ở Việt Nam.
Theo nhận định của trang mạng Nhật Bản The Diplomat, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Nhật Bản ”phản ánh mối lo ngại chung của hai nước về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc”. Tokyo và Hà Nội đã tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, thể hiện qua việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam để giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải trên biển và một thỏa thuận về nguyên tắc được ký vào năm 2020, cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam.
Trong khi đó, theo trang mạng Nikkei Asia, hôm qua, lãnh đạo Nhật và Việt Nam cho biết đã thảo luận về hợp tác thông qua chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) của Tokyo, tức là chương trình của Nhật Bản cung cấp thiết bị quốc phòng để nâng cao năng lực quốc phòng cho các quốc gia “có cùng chí hướng”.
Chương trình OSA của Nhật Bản đã được triển khai trong năm nay, với Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji được chọn là bốn nước đầu tiên được nhận hỗ trợ. Nhưng, theo Nikkei Asia, Tokyo và Hà Nội hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn ngoài khuôn khổ OSA, cụ thể là mở rộng hoạt động huấn luyện chung và thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của mỗi bên.(RFI)
Leave a Reply