RFA
Giới hoạt động kêu gọi chính phủ không lãng quên cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Trung Quốc xua quân xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc (1979-2024), giới hoạt động kêu gọi Nhà nước Việt Nam hiện nay không im lặng về cuộc chiến tranh vệ quốc này.
Vào ngày 14/2, ba ngày trước ngày nổ ra cuộc chiến kéo dài hơn một thập niên, sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập và hơn 20 nhân sỹ trí thức đã công bố “Tuyên bố 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17/2/1979).”
Các tổ chức ký tên là Lập quyền dân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Câu Lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu Lạc bộ Phan Tây Hồ, Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, và Uỷ ban ĐT/CT CĐ Liên Châu.
Tuyên bố nhắc lại sự việc Trung Quốc đưa 60 vạn quân cùng nhiều trang thiết bị hiện đại để tấn công Việt Nam trong thời gian gần hai tháng và rút quân về nhưng vẫn bắn phá biên giới phía Bắc đến tận những năm cuối của thập niên 1980.
Tuyên bố cũng nhắc lại việc Trung Quốc xâm lược Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988 cũng như thường xuyên gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều năm gần đây.
“Lịch sử 4.000 năm của Việt Nam đã được các thế hệ cha ông luôn luôn răn dạy con cháu. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính Việt Nam, biến nước ta thành nô lệ. Cuộc xâm lược ngày 17/2/1979 là cuộc xâm lược thứ 18 của Trung Quốc với Việt Nam,” tuyên bố nói.
Tuyên bố khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia cộng sản, tuy nhiên, bằng việc xâm lược và đe doạ Việt Nam một cách liên tục trong nhiều năm qua, tinh thần quốc tế vô sản chỉ là tuyên truyền xáo trá lừa bịp.
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 16/2.
“Giữa Việt Nam và Trung Quốc không hề có vấn đề cùng chung vận mệnh cũng không phải là đồng chí cũng không phải cùng ý thức hệ gì cả. Cho nên Trung Quốc khi nó cần đập Việt Nam thì nó cứ đánh thôi chứ nó không có cái chuyện đồng chí đâu.
Bây giờ nó chưa làm được thì nó vào hoà hoãn như thế, ru ngủ bằng những cái kiểu cùng chung vận mệnh để nhằm kéo Việt Nam đi xa khỏi những nước dân chủ tự do tiến bộ.”
Sau khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới, phía Việt Nam sau một thời gian bị động, đã chống trả quyết liệt. Quân đội Việt Nam khi đó tập trung ở Campuchia và phía Nam đã được điều động tới biên giới phía Bắc, bảo vệ thành công lãnh thổ và đẩy quân Trung Quốc về nước.
Sau 27 ngày, quân Trung Quốc đã tổn thất nặng nề. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã mất 28.000 quân và 280 xe tăng. Phía Việt Nam cũng chịu thiệt hại nặng nề, sáu tỉnh biên giới giáp Trung Quốc bị tàn phá hoàn toàn, hàng chục nghìn bộ đội và dân thường bị sát hại.
Cuộc chiến chưa dừng ở đó. Năm 1984, Trung Quốc còn chiếm cao điểm 1059 mà Bắc Kinh gọi là Lão Sơn ở Hà Giang. Hai bên thực sự chấm dứt chiến tranh trên bộ ở biên giới hai nước vào những năm cuối của thập niên 1980 sau khi phe cộng sản ở Đông Âu sụp đổ.
Sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam, Nhà nước Việt Nam khi đó gọi Trung Quốc là “kẻ thù số 1.” Tuy nhiên, sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, truyền thông nhà nước Việt Nam rất ít khi nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979.
Trung ương và nhiều địa phương thường kỷ niệm rầm rộ các sự kiện xảy ra trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cho dù Nhà nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược với Pháp và đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.
Trong khi đó, cuộc chiến 1979 hoàn toàn bị lãng quên ngoài việc trong một số dịp, một vài lãnh đạo quốc gia lên thắp hương ở Nghĩa trang Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của phần lớn người lính ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc.
Nhà nước Việt Nam có nhiều danh hiệu phong tặng cho quân nhân, cán bộ và người dân đóng góp sức người sức của trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, tuy nhiên, cho đến nay, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc dường như bị lãng quên.
Thậm chí, cuộc chiến tranh này cũng chỉ được nhắc qua loa trong sách giáo khoa lịch sử. Một trí thức làm việc trong lĩnh vực xuất bản giáo dục cho RFA biết chỉ có sách lịch sử lớp 9 có nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 và chỉ vẻn vẹn có 9 dòng.
Cũng theo người này, bộ sách Lịch sử Việt Nam của Nhà Xuất bảo Giáo dục phát hành năm 2007 gồm bốn tập nhưng cũng chỉ có 9 dòng dành cho sự kiện này.
Ông Đỗ Như Ly, thành viên của hai tổ chức Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và CLB Lê Hiếu Đằng, khẳng định hễ là người Việt hy sinh bảo vệ đất nước thì đều phải tôn vinh, không thể tôn vinh người này mà không vinh danh người khác. Ông khẳng định với RFA:
“Sách lịch sử và sách giáo khoa chưa được ghi chép vào (về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc- PV) thì đây rõ ràng là một chủ trương của nhà nước, điều đó là điều mà người dân thấy rất không bằng lòng.
Không dám nói đến, muốn che lấp đi, đó là điều không được đối với lịch sử Việt Nam và về lâu về dài thì cái sự che đậy giấu diếm ấy cũng không thể tồn tại được và nếu càng cố tình lộ diện thì chỉ càng chồng chất thêm những tội lỗi đối với dân tộc mà thôi.”
Truyền thông nhà nước Việt Nam trong nhiều năm trước ít nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc. Trong một số năm gần đây, báo chí đã được nói đến một cách dè dặt. Thậm chí, có bài báo không dám chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ nói “quân xâm lược” hay “quân địch” mà thôi.
Một nữ giảng viên đại học ở Hà Nội, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, cho rằng việc Nhà nước Việt Nam đưa ít thông tin về cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979 vào sách giáo khoa và cũng né tránh hoặc nhắc đến rất ít trên truyền thông là một cách làm có lỗi với lịch sử.
“Chỉ những thế hệ người Việt trải qua thời kỳ chiến tranh năm 1979 mới biết nhiều và có kí ức về cuộc chiến chống Trung Quốc đó. Thế hệ 7x như chúng tôi ngày nhỏ còn thuộc bài hát ‘Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’ nhưng sang đến thập niên 1990 khi giao lưu với Trung Quốc ngày càng nhiều thì dần dần người ta không nhắc đến cuộc chiến đó nữa.”
“Thế hệ chúng tôi trở về trước nghĩ đến Trung Quốc là nghĩ đến quân xâm lược. Nhưng thế hệ sau đó, đặc biệt từ 9x trở lại đây, nói đến Trung Quốc là nghĩ đến phim Tây du ký, đến hàng hoá qua biên giới, giờ thì là phim ảnh Hoa ngữ. Tôi cảm thấy buồn về điều này,” bà chia sẻ.
Theo nữ giảng viên này, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hoá, giao lưu thương mại ngày càng nhiều, nhưng sự xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn còn nguyên, thậm chí tinh vi hơn.
“Khi nhà nước né tránh sự thật lịch sử, người dân không có thông tin, dễ nhầm thù thành bạn, dẫn đến việc mất cảnh giác và để vấn đề xâm lấn văn hoá trở nên trầm trọng.
Còn việc lãnh thổ của chúng ta mất bao nhiêu trong quá trình đàm phán biên giới với Trung Quốc thì gần như thông tin mật chỉ giới lãnh đạo chóp bu biết, người dân hoàn toàn không có thông tin gì.”
Tuyên bố của giới hoạt động nói là một quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam cần một môi trường hoà bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển nhưng lịch sử phải được đánh giá đúng và không lãng quên.
Các tổ chức và cá nhân ký tên vào tuyên bố yêu cầu Nhà nước Việt Nam đưa cuộc chiến tranh tự vệ 1979 vào sử sách như Bạch Đằng, Đống Đa…, giảng dạy trong các nhà trường, báo chí truyền hình thông tin rộng rãi trong ngoài nước, thể hiện trong các bảo tàng lịch sử.
Nhà nước cũng cần tổ chức công khai Lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc, tuyên bố nói.
Leave a Reply