Chiều 20/3 (thứ Tư), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị, thông tin về lịch làm việc của một số ủy viên Trung ương tiết lộ.
Lịch làm việc mới cập nhật của một số ủy viên Trung ương Đảng đang công tác tại các bộ ngành và địa phương cho thấy sẽ có một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào chiều 20/3.
Cụ thể, lịch làm việc được đăng trên cả Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang lẫn Cổng thông tin UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, ngày 20/3, “Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (ông Nghiêm Xuân Thành – BBC chú thích thêm) dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.”
Ông Nghiêm Xuân Thành đang là ủy viên Trung ương Đảng.
Lịch làm việc trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc cũng cho biết Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (ủy viên dự khuyết) cùng dự hội nghị này.
Địa điểm dự họp được ghi trong các lịch làm việc là số 1 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cuộc họp này không được thông báo rộng rãi, báo chí chưa đưa tin và diễn ra trong bối cảnh có những đồn đoán về sự thay đổi nhân sự cấp cao.
Hình thức hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương là hội nghị. Các hội nghị được tổ chức theo chương trình toàn khóa này và ngoài ra còn có chương trình hàng năm do Bộ Chính trị triệu tập.
Thông thường, Ban Chấp hành Trung ương họp trực tiếp định kỳ 6 tháng một lần.
Trong một diễn biến có thể liên quan, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ họp bất thường vào thứ Năm ngày 21/3 để xem xét, quyết định “công tác nhân sự”.
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho biết khả năng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức. BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Trong quá khứ gần, ngày 18/1/2023, Quốc hội cũng đã có một cuộc họp bất thường để xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó một ngày, 17/1/2023, Ban Chấp hành Trung ương cũng có hội nghị bất thường để xem xét việc ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ.
Ông Phúc khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cuộc họp bất thường này là hình thức để Ban Chấp hành Trung ương đồng ý nguyện vọng của ông Phúc.
Vào tháng 2/2022, Trung ương Đảng cũng mở hội nghị bất thường là để xem xét kỷ luật đối với hai ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long. Ông Nguyễn Thanh Long vào tháng 1/2024 đã bị tuyên 18 năm tù tội “nhận hối lộ” 51 tỷ đồng trong vụ Việt Á. Còn ông Chu Ngọc Anh lãnh 3 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 18/3, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, giải thích:
“Về vấn đề kỷ luật một quan chức cấp cao, nếu ông đó là đảng viên thì đảng có quyền kỷ luật, khai trừ khỏi đảng. Nhưng chức vụ của nhà nước thì hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu thì do Quốc hội xem xét.”
Ông Thuận nhớ lại chuyện tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu nhất trí kỷ luật một “ông bự” – người khi đó được gọi là “một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị”. Nhưng khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng – thì người này không bị kỷ luật.
“Sau vụ đó, nhân vật này mới có tên gọi là Đồng chí X,” ông Thuận nhắc lại.
Leave a Reply