Friday, November 22 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
March 28, 2024
Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Phim kinh dị là thể loại phim luôn làm khán giả kinh sợ, nhưng nhiều phim của Hollywood lại chuyển tải thông điệp dành cho phụ nữ.

Natalie Portman trong “Black Swan.” (Hình: Facebook Black Swan)

Trong mấy thập niên vừa qua, phim kinh dị có nhiều tiến bộ như giúp nhiều diễn viên nữ tìm được thành công, và còn giúp nhiều phụ nữ được lắng nghe ngoài xã hội nhiều hơn.

Black Swan

Tuy thường được coi là phim tâm lý, nhưng “Black Swan” của năm 2010 còn được coi là phim kinh dị về sự bắt buộc phụ nữ phải hoàn hảo trên sân khấu múa ballet.

Phim có sự xuất hiện của minh tinh Natalie Portman đóng vai chính Nina, với diễn xuất làm khán giả lạnh người, giúp cô đoạt giải Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất.

Phim nói về Nina, một vũ công ballet ở New York, và không có gì quan trọng hơn đối với cô là múa ballet. Cô sống với mẹ là bà Erica, một cựu vũ công ballet, và bà rất nghiêm khắc với cô, cũng như kiểm soát mọi mặt trong cuộc sống của cô.

Khi đạo diễn của đoàn múa ballet quyết định thay thế vũ công chính cho vở nhạc kịch “Hồ Thiên Nga,” Nina là lựa chọn đầu tiên của ông. Tuy nhiên, cô có một đối thủ là vũ công Lily do minh tinh Mila Kunis đóng.

Nina thích hợp với vai Thiên Nga Trắng, còn Lily thích hợp với vai Thiên Nga Đen, nhưng vũ công chính phải một mình thể hiện được cả hai vai. Sự ganh đua giữa hai nữ vũ công khiến Nina trở nên u tối hơn, và có những biểu hiện tâm lý bất thường.

Sự bất thường trong tâm lý đó phản ảnh cách xã hội áp đặt sự hoàn hảo lên nhiều phụ nữ, nhất là trong những lãnh vực có đa số là phụ nữ như múa ballet. Sự áp đặt đó có thể trở nên độc hại cho tâm lý, và từng giây phút trong diễn xuất của Natalie Portman đều thể hiện được suy nghĩ đó.

Chloë Grace Moretz đóng vai chính Carrie White (trái) và Julianne Moore đóng vai thân mẫu Margaret White trong phim “Carrie.” (Hình: Facebook Carrie)

Carrie

“Carrie” là phim kinh dị dựa theo tiểu thuyết vô cùng thành công của nhà văn Stephen King, có phiên bản của năm 1997 và năm 2013. Tuy phiên bản của năm 1997 được đánh giá cao hơn, nhưng phiên bản của năm 2013 có thêm một số thông điệp về phái nữ hơn.

Phim nói về nhân vật Carrie White, một nữ sinh trung học có tính tình bất thường và lớn lên trong một gia đình sùng đạo. Vì vậy, cô thường là mục tiêu của nhiều kẻ bắt nạt trong trường.

Tuy nhiên, Carrie có một khả năng phi thường là có thể dùng suy nghĩ để làm nhiều đồ vật chung quanh mình di chuyển. Khi bị bắt nạt quá đà, cô không thể cưỡng lại nữa, và quyết định dùng sức mạnh đó để trừng phạt những kẻ bắt nạt mình.

Cả hai phiên bản của “Carrie” đều có chủ đề về kinh nguyệt và xu hướng tính dục của phái nữ, nhưng phiên bản của năm 2013 được đạo diễn Kimberly Peirce thay đổi bằng cách tập trung vào các nhân vật nữ nhiều hơn, và họ không bị nam giới nhìn theo hướng tình dục như phiên bản đầu tiên.

Phiên bản của năm 2013 còn nói về cách xã hội và tôn giáo không muốn nhìn nhận về xu hướng tính dục của nữ giới, dẫn đến sự áp đặt và sự vùng lên của nhiều người như vai chính Carrie trong phim.

Allison Williams đóng vai chính Charlotte (phải) và Logan Browning đóng vai Lizzie của “The Perfection.” (Hình: Facebook The Perfection)

The Perfection

Trong năm 2019, Netflix công chiếu phim kinh dị thân thể “The Perfection” có chủ đề về những nạn nhân bị hiếp dâm và những cách mà họ sử dụng để tìm lại được lòng tự trọng.

Phim nói nữ nghệ sĩ đàn vĩ cầm có tên là Charlotte Willmore, một người phải bỏ hết sự nghiệp đầy triển vọng để chăm sóc người mẹ bị đột quỵ. Sau nhiều năm thân mẫu qua đời, cô quyết định quay lại con đường âm nhạc và liên lạc với người từng dạy mình là ông Anton.

Sau đó, cô đi đến Thượng Hải để gặp học trò mới của ông Anton là cô Lizzie, và hai người kết bạn, sau đó trở thành người tình. Mọi thứ tưởng như không có gì nguy hiểm cho đến khi có nhiều chuyện bất thường xảy ra với cô Lizzie khi hai nhân vật đi chơi chung.

“The Perfection” là phim kinh dị nói về cách nhiều phụ nữ từng bị hiếp dâm tìm cách trả thù, và còn nói về cách nhiều phụ nữ đụng độ nhau trong những tình huống nguy hiểm. Khán giả xem phim này sẽ hiểu tại sao hai vai nữ chính tuyệt vọng tìm cách thoát ra khỏi sự kiểm sát của ông Anton.

Phim này còn nói về những nguy hiểm trong suy nghĩ của các nạn nhân bị hiếp dâm, nhất là cách họ nhớ lại nỗi đau, và nhấn mạnh sự quan trọng của những cách lành mạnh để giúp đỡ họ.

Anya Taylor-Joy trong vai chính Thomasin của phim “The Witch.” (Hình: Facebook The Witch)

The Witch

Tác phẩm “The Witch” của năm 2015 là một phim kinh dị nói về cách phụ nữ muốn thoát ra khỏi vai trò bị xã hội áp đặt.

Phim có bối cảnh ở vùng New England của Hoa Kỳ vào năm 1630, có nhân vật chính là Thomasin, trưởng nữ của một gia đình nhà nông. Một hôm, gia đình cô trở nên đau khổ và tuyệt vọng sau khi con trai út Samuel biến mất.

Cả gia đình đổ tội cho Thomasin vì cô là người trông cậu bé Samuel trước khi biến mất. Trong khi cả gia đình nghi ngờ nhau, hai chị em sinh đôi Mercy và Jonas tố cáo Thomasin là phù thủy, tạo ra thêm nhiều thử thách về niềm tin và sự trung thành của cả gia đình.

“The Witch” giúp nhiều phụ nữ tìm được sự tự tin như Thomasin trong phim vì cô dám trở thành phù thủy, một phụ nữ không làm theo những suy nghĩ mà xã hội áp đặt, khi biết chắc chắn cô sẽ bị hắt hủi. Vì vậy, tác phẩm này có thông điệp là giúp nhiều phụ nữ chọn được con đường mà họ muốn đi.

Lupita Nyong’o đóng vai chính Adelaide Wilson trong phim “Us.” (Hình: Facebook Us)

Us

Đạo diễn Jordan Peele tiếp tục thành công với thể loại phim kinh dị qua “Us” của năm 2019, đưa nhiều diễn viên nữ gốc Phi Châu vào thể loại này và thể hiện chủ đề về nội tâm vô cùng độc đáo.

Phim nói về cô Adelaide Wilson cùng chồng và hai người con trở về ngôi nhà ven biển mà cô từng sống lúc còn nhỏ. Cô từng gặp một chuyện không hay, và luôn nghĩ có chuyện xấu sẽ xảy ra.

Suy nghĩ của cô biến thành hiện thực khi bốn kẻ cướp đeo mặt nạ tấn công căn nhà thời thơ ấu của mình, khiến cả gia đình Wilson phải tìm cách sống còn. Khi bốn kẻ cướp tháo mặt nạ ra, cả gia đình hoảng hốt vì thấy diện mạo của từng người dưới mặt nạ.

Đạo diễn Jordan Peele tạo ra một phim kinh dị khó quên và cho phụ nữ gốc Phi Châu, nhóm người ít được đại diện trong phim kinh dị, đóng vai chính. Ông còn tạo ra những nhân vật đầy cá tính, khác hẳn với nhiều phim kinh dị của người da trắng nói về phái nữ.

“Us” còn nói về sự nguy hiểm từ cách thế giới chỉ nhìn nhận con người qua mặt nạ mà họ đeo mỗi ngày khi đứng trước xã hội, chứ không nhìn nhận con người thật của họ, nhất là đối với các cộng đồng thiểu số hay bị kỳ thị. (Thiện Lê) [qd]

Share.

Leave a Reply