Monday, April 21 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Please enter Coingecko Free Api Key to get this plugin works
 TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :20/05/2024
TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :20/05/2024

Anh Quốc và Phần Lan ký quan hệ đối tác chiến lược, đề phòng mối họa xâm lược của Nga ở châu Âu
Anh Quốc và Phần Lan hôm nay 20/05/2024 ký kết quan hệ đối tác chiến lược để tăng cường mối quan hệ nhằm đối đầu với « mối đe dọa xâm lược của Nga » ở châu Âu.

image.png

Ngoại trưởng Anh David Cameron phát biểu tại Trung tâm An ninh mạng Quốc gia ở Luân Đôn, Vương Quốc Anh, ngày 09/05/2024. via REUTERS – Stefan Rousseau
Thùy Dương

Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Anh, thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược Anh Quốc và Phần Lan nhằm tăng cường hợp tác để chống lại việc phát tán thông tin sai lệch, các cuộc tấn công mạng của Nga và tham gia vào việc tái thiết Ukraina. Văn bản được ngoại trưởng Anh David Cameron cùng đồng nhiệm Phần Lan Elina Valtonen ký kết hôm nay tại Luân Đôn.

Tham vọng của Anh Quốc và Phần Lan là « cùng nhau giải quyết những thách thức đang đè nặng lên an ninh thế giới và hỗ trợ Ukraina cho đến khi giành chiến thắng ». Cách nay vài tháng, Luân Đôn và Helsinki đều đã ký « thỏa thuận an ninh » với Ukraina, hứa hẹn tiếp tục hỗ trợ lâu dài cho Kiev cả về tài chính và quân sự.

Cũng nhân dịp này, hai nước có kế hoạch tuyên bố rằng Nga, quốc gia có đường biên giới chung dài khoảng 1.300 km với Phần Lan, là « mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất đối với hòa bình và sự ổn định của châu Âu ».

AFP cho biết, trong thông cáo ngoại trưởng Anh còn nhấn mạnh là quan hệ đối tác Anh Quốc và Phần Lan sẽ cho phép tăng cường an ninh ở châu Âu, giúp đôi bên nắm bắt những cơ hội mới, hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, năng lượng và chống nhập cư bất hợp pháp.

Bạo động ở Nouvelle-Calédonie : Tổng thống Pháp lại triệu tập Hội đồng Quốc phòng An ninh Quốc gia
Tối hôm qua 19/05/2024, phủ tổng thống Pháp thông báo ông Emmanuel Macron lại triệu tập Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia vào 18h30 hôm nay 20/05 để tìm giải pháp chấm dứt bạo động tại lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie.

image.png

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 02/05/2024. REUTERS – Benoit Tessier
Thùy Dương

Tình hình bạo động tại Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại Pháp, vẫn tiếp diễn sau 1 tuần bùng phát từ khi Hạ Viện Pháp thông qua luật cải cách về bầu cử địa phương và bị phe đòi độc lập tại quần đảo Nouvelle-Calédonie phản đối dữ dội.

Tuyến đường dẫn từ Nouméa đến sân bay hôm nay 20/05/2024 vẫn bị phong tỏa, sân bay vẫn phải đóng cửa cho đến 9h sáng giờ địa phương ngày thứ Năm 23/05 (0h giờ Paris), cho dù hàng ngàn hiến binh, cảnh sát và nhân viên lực lượng an ninh dân sự đã được chính quyền trung ương điều đến Nouvelle-Calédonie để lập lại an ninh.

Trong hai ngày liên tiếp, 15 và 16/05, nguyên thủ Pháp đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia để bàn về tình hình Nouvelle-Calédonie, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp và điều động tăng cường cảnh sát và hiến binh đến quần đảo.

Vào thứ Sáu 17/05, tại điện Matignon, thủ tướng Pháp Attal đã tiếp lãnh đạo các đảng phái ở Quốc Hội để « trao đổi » về cuộc khủng hoảng, bàn về khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp. Hạ Viện và Thượng Viện sẽ phải thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp, nhưng chính phủ Pháp hy vọng sẽ không cần đến biện pháp này nếu tình hình được cải thiện.

Cũng trong ngày hôm nay, theo Reuters, thi hài của hai hiến binh thiệt mạng tại Nouvelle-Calédonie hôm 15 (Nicolas Molinari) và 16/05 (Xavier Salou) đã được đưa về Pháp lục địa. Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin và bộ trưởng chuyên trách Hải ngoại, Marie Guévenoux, đã có mặt tại Istres, để truy tặng huân chương của lực lượng an ninh nội địa cho hai hiến binh. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức tại căn cứ không quân ở Istres, miền nam Pháp, vào giữa tuần này.

Tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức kêu gọi Trung Quốc ‘‘chấm dứt các đe dọa’’
Trong lễ nhậm chức hôm nay, 20/05/2024, tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ‘‘các đe dọa về chính trị và quân sự’’, đồng thời cảm ơn người dân Đài Loan đã đồng lòng kháng cự lại ‘‘ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài’’ và ‘‘kiên quyết bảo vệ nền dân chủ’’.

image.png

Tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) vẫy tay chào các vị khách mời tới dự tiệc chiêu đãi trước lễ nhậm chức tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 19/05/2024. AP
Trọng Thành

Theo AFP, tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Lại Thanh Đức, có 8 nguyên thủ quốc gia và 51 phái đoàn khách quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada.

Tại phủ tổng thống ở Đài Bắc, tân tổng thống kêu gọi Trung Quốc ‘‘chia sẻ với Đài Loan trách nhiệm với thế giới trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, cũng như toàn bộ khu vực, và nỗ lực để thế giới được giải thoát khỏi nỗi lo chiến tranh.’’

Tân tổng thống nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ‘‘tăng cường tiềm lực quốc phòng’’ và ‘‘củng cố khuôn khổ pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia’’, nhưng mặt khác cũng cam kết ‘‘sẽ duy trì nguyên trạng’’, một diễn đạt để chỉ chính sách bảo vệ nền độc lập trên thực tế, nhưng không chính thức tuyên bố độc lập.

Từ ít năm gần đây, căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan gây lo ngại bùng phát thành xung đột. Ngay trước lễ nhậm chức của tổng thống Lại Thanh Đức, văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc, một lần nữa phát đi thông điệp cảnh báo ‘‘việc Đài Loan độc lập và hòa bình tại eo biển’’ là hai chuyện trái ngược ‘‘như nước với lửa’’.

Nhà chính trị học, chuyên gia về Trung Quốc Stéphane Corcuff nhận định: ‘‘Không ai chờ đợi Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập, bởi Đài Loan trên thực tế đã là một nhà nước độc lập, với tư cách Trung Hoa Dân Quốc. Như vậy sẽ không có chuyện chính quyền Lại Thanh Đức có thái độ triệt để hơn trong vấn đề này. Nhưng ông Lại Thanh Đức có thể dấn thêm một chút so với thời bà Thái Anh Văn, ví dụ như đưa ra một diễn đạt ngắn kiểu ‘‘Đài Loan và Trung Quốc là hai nước khác nhau’’ thay vì ‘‘hai Nhà nước’’. Bởi ‘‘nước’’ và ‘‘Nhà nước’’ là hai chuyện khác nhau. Những chuyện như vậy có thể xảy ra, nhưng tôi thấy tân tổng thống Đài Loan trong bối cảnh nhạy cảm với ông ấy và với Đài Loan từ lâu nay, không có cơ sở nào lại có thể đi xa hơn như thế, bởi Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ’’.

Về mặt đối nội, vị tổng thống đắc cử với 58% phiếu bầu sẽ phải hợp tác với các đảng phái đối lập, do mất đa số tại Quốc Hội, điều mà bà Thái Anh Văn, tổng thống tiền nhiệm cùng đảng Dân Tiến, chưa phải trải qua. Nhà ở, vấn đề dân số hay chính sách với người lao động nhập cư là các thách thức hàng đầu mà tổng thống Lại Thanh Đức phải đối mặt.

Trung Quốc trừng phạt 6 công ty quốc phòng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Vào đúng ngày tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhậm chức, hôm nay 20/05/2024, Tân Hoa Xã loan báo Bắc Kinh ra lệnh trừng phạt 6 doanh nghiệp Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

image.png

Ảnh minh họa : Logo của Boeing trên màn hình tại sở giao dịch chứng khoán New York, Hoa Kỳ, ngày 13/07/2021. AP – Richard Drew
Thùy Dương

Theo báo Pháp Le Figaro, trong số 6 công ty Mỹ bị bộ Thương Mại Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt lần này có General Atomics Aeronautical Systems, General Dynamics Land Systems, Boeing Defense, Space & Security. Các doanh nghiệp này bị xem là những « thực thể không đáng tin cậy », bị gạt ra khỏi mọi hoạt động xuất – nhập khẩu có liên quan đến Trung Quốc và bị cấm đầu tư vào Trung Quốc. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết thêm là các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp này bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, giấy phép làm việc của họ bị thu hồi.

Xin nhắc lại là hồi tháng Tư vừa qua, Quốc Hội Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ đô la cho Đài Loan.

Đây không phải lần đầu tiên các công ty quốc phòng của Mỹ bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen. Chẳng hạn, hôm 07/01, Bắc Kinh cũng đã từng ra lệnh trừng phạt 5 công ty công nghiệp quốc phòng của Mỹ vì đã bán vũ khí cho Đài Loan, ít ngày sau khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phê duyệt chương trình vũ khí trị giá 300 triệu đô la nhằm tăng cường hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến đấu chung cho Đài Bắc.

Các công ty Mỹ bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắm đến là BAE Systems Land and Armament, Alliant Techsystems Operation, AeroVironment, ViaSat et Data Link Solutions. Các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh khi đó là phong tỏa tài sản của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, cấm các tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc giao dịch và hợp tác với các công ty Mỹ kể trên.

Scarborough: Philippines kêu gọi Trung Quốc để quốc tế điều tra tình trạng ‘‘phá hủy’’ hệ sinh thái
Bãi cạn Scarborough, Biển Đông, tiếp tục là tâm điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Hôm nay, 20/05/2024, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Phillippines kêu gọi Bắc Kinh mở cửa cho quốc tế điều tra về cáo buộc tàn phá các hệ sinh thái tại bãi cạn Scarborough, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo chính Luzon khoảng 200 km, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 900 km.
image.png

Bãi cạn Scarborough. Wikipedia
Trọng Thành

Kể từ tháng 09/2023, Trung Quốc đã kiểm soát một phần bãi cạn này, sau khi thiết lập một hàng rào nổi dài khoảng 400 mét để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận khu vực bên trong bãi cạn. Theo AFP, trả lời báo giới, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Phillippines Jonathan Malaya khẳng định: ‘‘Nếu họ tự coi mình là người bảo vệ môi trường, họ nên mở cửa Bajo de Masinloc (tên người Philippines gọi bãi cạn Scarborough) cho các nhà quan sát quốc tế’’.

Hội đồng An ninh Quốc gia Philipinnes ‘‘kêu gọi các bên thứ ba, các nhóm bảo vệ môi trường hay bất kỳ tổ chức nào khác tiến hành tìm hiểu để xác định tình hình môi trường ở Bajo de Masinloc’’. Ông Malaya cho biết thêm là ngày càng có nhiều đồng thuận để chuẩn bị đệ đơn kiện mới chống Trung Quốc ra tòa án quốc tế, về các cáo buộc phá hủy các rạn san hô và đánh bắt trai khổng lồ, cùng nhiều hoạt động phá hoại môi trường khác ở Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc từng ra một phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại phần lớn Biển Đông, bao gồm khu vực bãi cạn Scarborough.

Philippines tổ chức rầm rộ chuyến đi tiếp tế cho ngư dân gần Scarborough
Chính quyền Philippines dường như đang kiên quyết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Hôm 17/05 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Atin Ito cho biết vừa thực hiện chuyến đi tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm cho 670 ngư dân hoạt động tại các khu vực sát với bãi cạn Scarborough. Quân đội Philippines đã huy động hai tàu hộ tống và nhiều phi cơ để bảo đảm an toàn cho 160 thành viên của chuyến đi, và các phóng viên trong nước và quốc tế tham gia theo dõi sự kiện này.

Theo người phát ngôn của Atin Ito, Emman Hizon, ngày 15/05 đoàn đã tiếp cận được với các ngư dân tại khu vực lân cận bãi cạn Scarborough, ‘‘bất chấp lực lượng tàu bè đông đảo và bất hợp pháp của Trung Quốc’’.  Đại tá Xerxes Trinidad, phát ngôn viên Quân Đội Philippines, khẳng định chuyến đi này là một nỗ lực hòa bình nhằm chuyển đi một thông điệp quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, bảo vệ quyền chủ quyền của Philippines tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Tư lệnh Tuần duyên Philippines, đô đốc Ronnie Gil Gavan, cũng ra một thông báo khen ngợi các hành xử ‘‘chuyên nghiệp’’ của lực lượng tuần duyên làm nhiệm vụ hộ tống đoàn tiếp tế.

Biến đổi khí hậu, chiến tranh ở Ukraina và Gaza đe dọa hàng hải thế giới
Tình trạng các tuyến hàng hải chính của thế giới bị trở ngại nghiêm trọng, do biến đổi khí hậu và chiến tranh, gây ảnh hưởng nặng nề đến thương mại toàn cầu. Lãnh đạo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNTAC / CNUCED), đã đưa ra lời báo động này ngày hôm qua, 19/05/2024.

image.png

Ảnh minh họa : Một tàu chở hàng đi ngang qua thị trấn Ismailia, Ai Cập, ngày 30/03/2021. AP – Ayman Aref
Trọng Thành

Theo AFP, tại kênh đào Panama, bà Rebeca Grynspan, tổng thư ký của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNTAC / CNUCED), nhận định, hai cuộc chiến tranh (Nga xâm lược Ukraina, chiến tranh giữa Israel và Hamas ở Gaza) đang cản trở lưu thông hải tại kênh đào Suez, Biển Đỏ và Biển Đen, trong lúc biến đổi khí hậu, khiến mực nước sụt giảm, làm giảm số lượng tàu thuyền đi qua eo biển Panama. Bà Grynspan nhấn mạnh đến việc ‘‘giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhất’’ gia tăng trong lúc 80% thương mại thế giới là bằng con đường hàng hải.

Tại kênh đào Panama, nơi chiếm 6% lưu lượng vận tải biển toàn cầu, hôm thứ Năm 16/05, chỉ có 31 chuyến tàu đi qua, thấp hơn nhiều so với số lượng tàu trước đợt hạn hán này (39 tàu). Ngược với kênh đào Suez, việc kênh đào Panama không sử dụng nước biển, mà là nguồn nước ngọt do mưa, khiến kênh này rất dễ tổn thương do biến đổi khí hậu.

Để khắc phục tình trạng kênh đào Panama bị trở ngại, Mêhicô đã khánh thành một tuyến đường sắt mới để thay thế một phần kênh đào. Tháng 02/2024, Honduras cũng vừa công bố một dự án đường sắt nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Dự án hiện chưa có đủ nguồn tài chính.

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNTAC / CNUCED), cơ quan liên chính phủ bao gồm 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sỹ.

Share.

Leave a Reply