Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn

2024.05.19
Thích Minh Tuệ trò chuyện với người qua đường
 Báo Người Lao Động

Hôm qua mưa to mát mẻ. Rảnh hơi, tôi ra vườn bứt một đám bông cúc, ngồi xếp bằng đình huỳnh chơi trò bói hoa.

Người ta hay bói tình yêu, còn tôi là công dân Việt Nam gương mẫu, tất nhiên tôi chơi trò bói thời sự.

Bứt một cánh cúc: Sư quốc doanh.

Bứt cánh thứ hai: Sư ngoài quốc doanh.

Sư ngoài, sư trong

Sư ngoài quốc doanh thì dễ rồi. Mấy tuần nay cả thế giới người Việt chộn rộn lên với ông thầy Thích Minh Tuệ, cái ông ốm teo nhưng rắn như sắt nguội, bận cái y phấn tảo đủ màu, ôm bình bát DIY bằng lòng nồi cơm điện cưa vành, đi bộ du hành học Phật từ Bắc vào Nam. A cái ông thầy này mới thiệt là kỳ: trước giờ thọ thực thì chỉ nhận cơm chay đủ ăn, ăn xong bữa trong ngày rồi thì Phật tử quỳ lạy năn nỉ cũng không nhận nữa. Người ta mang vật thực tới chờ đợi cho thầy thì chỉ nhận một phần, còn nói có các thầy khác cùng đi với mình, chia ra đi cho mỗi thầy một phần. Phật tử tặng tiền thì cười, dứt khoát không nhận, đã vậy sẵn dư một chai nước trong bình bát cầm ra tặng lại cho người ta một chai rồi bỏ đi lập tức. Ngủ thì vô nghĩa trang, cánh đồng, nhà hoang, gió mưa thì quấn y quấn bạt chịu đựng.

Lại còn thêm không xưng là sư, là thầy của bất cứ ai, cũng không tu trong chùa nào, chỉ là một công dân đang tu tập theo Phật. Không giảng pháp cũng không thuyết pháp, chỉ nói chuyện hồn nhiên như đứa trẻ nhưng Phật tử lẫn người ngoài đạo Phật cứ nhìn cách thực hành tu tập của thầy thì một mực đi theo, quét đường, rắc hoa, đảnh lễ, thắp nến, treo bạt che mưa. Thầy ngồi trong nghĩa trang, dân đi theo thắp nhang cầu nguyện cho tất cả các phần mộ quanh đó. Thầy ngồi trên đống sỏi, dân đứng ngồi xung quanh nghe thầy nói chuyện. Thầy ngồi giữa cánh đồng trơ chân rạ, dân xúm xít mang nước, che ô. Khung cảnh thực sự y hệt những gì được viết, vẽ trong các sách Phật về ngày Phật ra đời. Là sự ngưỡng vọng, yêu thương, thành kính và tận tụy một cách tự nhiên, từ trong đáy lòng, không thể dùng cách bắt buộc nào mà tạo ra được.

Không chỉ mình Thích Minh Tuệ mà còn một nhóm các sư, các thầy từ những phái tu học khác nhau trên đường bộ hành học Phật. Họ cùng gặp nhau ở một điểm: dốc lòng muốn trải nghiệm lại những gì Đức Phật đã trải và đã dạy. Họ từ chối những khả năng sở hữu vật chất và cả lời ca tụng.

Còn sư trong quốc doanh?

Dĩ nhiên con số các tăng, các ni có tên chính thức trong các chùa, các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là bậc chân tu hay vừa vừa tu thôi, vẫn là chiếm đa số. Các sư, thầy, tăng, ni đang sống đạo hạnh, chuyên cần tu tập và chăm lo cho đời sống tâm linh an lành của một vùng đất, là chỗ dựa tinh thần của Phật tử là rất nhiều, không thể kể hết.

Xin kính cẩn đảnh lễ họ.

Nhưng…

Các sư to, sư lớn nhưng càn rỡ, xảo quyệt, lừa gạt, dâm dê, tham-sân-si đủ combo, sao mà đếm cũng mỏi tay.

Sư xin tí khí: Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, từng dẫn nữ Phật tử vào thất định giở trò đồi bại.

Sư thích đập hộp: Đại đức Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, xã Tân Hưng, TP Hải Dương đăng hình đập hộp iPhone 6 (năm đó mới ra, rất oách) và khoe dùng điện thoại Vertu giá 600 triệu đồng mới “sứng tầm” (thôi thì tha cho sư cái tội khoe của, nhưng viết trên mạng xã hội còn sai chính tả thì nhất quyết không thể tha được). Vẫn trên mạng xã hội, Sư Cường còn khoe ảnh đội mũ bộ đội, mặc áo rằn ri, cầm súng, ngồi ăn bên một bàn tiệc ê hề…

Sư cúng sao giải hạn: Thượng tọa Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Phúc Khánh, chùa Non Nước (Hà Nội) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Chùa làm giàu bằng cách nhận tiền của Phật tử để cúng sao giải hạn. Chùa nổi tiếng từ một lần từ chối cúng sao giải hạn cho một phụ nữ vì chị này thiếu 50.000 đồng so với mức giá chùa đưa ra.

Sư oan gia trái chủ: Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Sư Minh luôn luôn rao giảng kiếp trước của mỗi con người đều từng gây vô số oan gia, cho nên tất cả các biến cố, bệnh tật hay điều không mong muốn của kiếp này đều do các trái chủ trả thù. Muốn chữa bệnh hay giải trừ mọi điều bất như ý chỉ có một cách duy nhất là cúng dường tiền bạc của cải cho chùa Ba Vàng, cúng càng nhiều càng đạt được ý nguyện. Nếu chưa đạt thì là do cúng vẫn chưa đủ hoặc chưa thành tâm.

Sư giả danh trí thức: Thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương ở tỉnh Đồng Nai. Lập công ty bán nước tương, gạo lức, muối mè với giá thăng thiên, tuyên bố chữa khỏi hẳn tất cả các bệnh từ viêm gan, ung thư, đến HIV, COVID chỉ với nước tương gạo lức bột sắn dây… do công ty của sư bán ra.

Sư thích tiền chẵn, giảng nhân quả theo kiểu quả táo nhãn lồng: Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Sư giảng:

-Khi còn trẻ mà ham mê du lịch nhiều nơi về già sẽ bị liệt nằm một chỗ.

-Nếu hàng xóm hát karaoke làm mình khó chịu thì dán một cái băng rôn trước cửa nhà họ ghi dòng chữ “Sống hát karaoke, chết làm ma câm”.

-Vong ở Tây đang rất khổ. Họ chỉ muốn qua Việt Nam thôi.

-Nằm võng thì tổn phước.

-Phật tử lấy tiền mệnh giá thấp nhét vào tượng Phật thì năm đó sẽ gặp xui. Lấy tiền mệnh giá cao đưa tận tay thầy trụ trì thì năm đó sẽ gặp hên.

Dân mạng quý thương các vị sư ấy quá, bèn ưu ái tặng thêm nhiều pháp danh có thể xài chung cho (cùng một hạng): Thích Tí Khí, Thích Chuyển Khoản, Thích Tiền Chẵn… Riêng sư Thích Trúc Thái Minh thì tôi xin đặt thêm tên nữa: Thích Sám Hối. Bởi, sau khi bị phạt sám hối đại tăng vì dọa dẫm người dân để kiếm tiền giải oan gia trái chủ cách đây mấy năm, sư Minh lại tiếp tục bày ra trò “xá lợi tóc Phật tự chuyển động” lừa cả đám đông dân chúng u mê khóc rưng rức. Báo chí và truyền thông xã hội làm um lên, buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể làm ngơ. Sau vụ đó, sư Minh lại… xin sám hối!

Không hiểu phong thủy ra sao mà vài năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam gặp nhiều ca sư hàng độc như vậy. Cũng chẳng hiểu nhân sự thiếu thốn đến mức nào mà các sư bị kỷ luật xong lại tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ cũ, để rồi lại … sư quen chùa cũ rất chóng vánh!

Phật Thích Ca Mâu Ni không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Vào buổi tối  16/5, đùng phát có công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát ra liên quan đến Thích Minh Tuệ. Chính cái công văn bị dân mạng chê là đầy sân si vì nó nói ông Thích Minh Tuệ không có tên trong nhân sự của bất cứ chùa hay cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho nên ông không phải là tu sĩ. Giáo hội cẩn thận căn dặn các chi nhánh địa phương nhắc nhở người dân để đừng nhầm lẫn ông Thích Minh Tuệ là nhà sư.

Công văn này rất xách mé, gọi tên tục của Thích Minh Tuệ chứ không gọi pháp danh của ông để tỏ rõ thái độ bề trên của kẻ đi tu có thẻ với người chỉ một mực xưng mình là một công dân đang trên đường tu học, một lòng học theo Đức Thích Ca.

Nhưng mà dân không chịu nghe theo cái công văn. Người ta cứ quét đường, rải hoa, đảnh lễ, hỏi pháp, chào đón và đi theo Thích Minh Tuệ.

Và đừng nhìn cái bề ngoài lúc nào cũng tươi cười hay cách nói chuyện hồn nhiên của Thích Minh Tuệ mà lầm. Ông không ăn nói trơn tru bóng bẩy, không lên giọng xuống giọng bổng trầm du dương hay nhấn mạnh vào các trọng tâm như nhiều Thích Chuyển Khoản thực hành rất thuần thục khi giảng pháp. Ông nói nhiều khi ngắt quãng, từ ngữ bình dân đơn giản khiến một đám Thích Tiền Chẵn bám vào đấy cười rú lên miệt thị “thằng ba trợn ôm nồi cơm điện đi lang thang”, như Thích Chân Quang lồng lộn lên bôi nhọ.

Thế nhưng hãy nghe ông đáp trả công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào sáng 18/5/2024:

“Con không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và cũng không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Con cũng cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó (…).

Con chưa từng nhận mình là sư hay là thầy. Con không có thị giả, cũng không nhận đệ tử. Con chỉ là một người cố gắng thực hành tu học theo Đức Phật. Đức Phật, Phật pháp không của riêng ai cả (mà) là của nhân loại (…) Phật Thích Ca Mâu Ni không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Trời ơi trời ơi, nốc ao chưa? Thật sướng khoái, thật chí lý, đã đời vô cùng! Nổi sóng từ mạng đến đời, rất nhiều người dẫn lại câu nói này của Thích Minh Tuệ.

Đang không tự dưng thổi gió thành bão khiến nó quật ngược lại tối tăm mặt mũi, chiều 17/5, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải (lật đật) quánh chánh. Ý quánh chánh rằng, Giáo hội tôn trọng quyền tự do và thực hành tín ngưỡng của tất cả mọi người, tuy nhiên, “qua sự việc ông Minh Tuệ, nhiều người đã có hành vi xúc phạm, miệt thị đối với một số chư tôn đức tăng ni cũng như đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Thế nên phải mách mẹ để xử lý bọn chúng.

Hên ghê, tới lần quánh chánh này Giáo hội đã chịu công nhận cái tên Minh Tuệ chứ không (dám) tiếp tục xách mé gọi là người đàn ông tên Lê Anh Tú nữa.

Túm lại, cuối cùng ý định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn Phật cũng phải vào… biên chế, đã thất bại toàn tập.

Giá như Giáo hội Phật giáo Việt Nam minh tỉnh nhìn lại sự thật là có (rất không ít) sư trụ trì các chùa, là nhân sự chính thức, là tu sĩ cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng vào rất nhiều giới luật và pháp luật. Sự thật là họ chẳng hề sám hối, sửa chữa bất cứ điều gì mà vẫn tiếp tục sắm vai các bậc chân tu đạo mạo, tiếp tục lừa gạt Phật tử và người dân.

Nói theo ngôn ngữ đang thịnh hành thì họ đã vi phạm quy định về những điều tu sĩ không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của trụ trì các chùa, cơ sở thờ tự, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đạo Phật, và chùa.

Rồi học tập các vị trụ cột trong giới lãnh đạo Việt Nam vừa qua, làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ, nghỉ công tác.

Thế có phải đã tốt đời đẹp đạo, Phật tử tán thán vang lừng không?

__________

Tham khảo:

https://www.tiktok.com/@trongtran.87/video/7359003933571812628

https://phatgiao.org.vn/giao-hoi-pgvn-noi-ro-them-cong-van-ve-hien-tuong-su-thich-minh-tue-d83684.html

https://nld.com.vn/su-thich-minh-tue-noi-gi-ve-van-ban-cua-hoi-dong-tri-su-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-19624051722184127.htm

https://phatgiao.org.vn/giao-hoi-pgvn-thong-tin-ve-hien-tuong-su-thich-minh-tue-d83662.html

https://vietnamnet.vn/dai-duc-thich-truc-thai-minh-sam-hoi-bi-ky-luat-2235296.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.(

Share.

Leave a Reply