Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Hình ông Hun Sen và ông Hun Manet cùng bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Hình ông Hun Sen và ông Hun Manet cùng bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo
Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen làm rõ về thời điểm xây dựng kênh đào Phù Nam Techo và khẳng định con trai ông – Thủ tướng Hun Manet – sẽ là người quyết định vấn đề này.

Trang Facebook của ông Hun Sen lại vừa đăng tải bài viết mới về kênh đào Phù Nam – dự án thổi bùng căng thẳng giữa hai nước láng giềng Việt Nam và Campuchia.

“Những ngày này, người ta đồn rằng tôi đã quyết định khởi công xây dựng kênh Funan Techo vào ngày 12 tháng 6 năm 2024. Không hề có chuyện đó. Quyết định khi nào động thổ xây dựng hoàn toàn thuộc về Thủ tướng Hun Manet,” ông viết trên trang Facebook chính thức của mình.

Trước đó, cựu Thủ tướng Hun Sen và con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, đã nhiều lần khẳng định Campuchia sẽ khởi công dự án Phù Nam Techo vào quý 4 năm nay.

Ông Hun Sen sau gần bốn thập kỷ cầm quyền đã rời cương vị thủ tướng vào năm ngoái. Tháng 4/2024, ông quay lại chính trường và làm chủ tịch Thượng viện.

Trên cương vị mới, ông liên tục có những phát ngôn đanh thép về việc xây dựng kênh đào Phù Nam.

Ông từng nói rằng Campuchia “không thấp kém hơn” Việt Nam và cho biết sẽ cứng rắn trong việc thương lượng với các bên khác về việc xây dựng con kênh này. Ông còn nói “Việt Nam không cần phải quan tâm” về chuyện nội bộ của Campuchia.

Ông Hun Sen cũng chỉ trích những ý kiến cho rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể bị biến thành tuyến giao thông quân sự để hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam, gọi các ý kiến này là “vu khống” và “bịa đặt”.

Bản đồ kênh Phù Nam

Căng thẳng giữa hai nước

Ngày 19/5, trên trang Facebook của mình, ông Hun Sen đã lên tiếng về việc ông bị mạt sát bằng tiếng Việt trên kênh TikTok vì những phát ngôn của ông liên quan đến dự án Phù Nam Techo.

Ngay hôm sau (20/50), Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea đã có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng liên quan đến vấn đề này.

Ông Sok Chenda Sophea nói rằng chính phủ Hoàng gia Campuchia sửng sốt trước các lời bình luận xúc phạm lãnh đạo cấp cao của Campuchia trên TikTok.

Ngày 23/5, tại cuộc họp hằng tuần, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng những ý kiến bình luận trên tài khoản mạng xã hội của ông Hun Sen được cho là xuất phát từ Việt Nam “không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói thêm rằng Việt Nam “không đồng tình với các ý kiến, bình luận mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước”.

Cũng nhân dịp này, bà Phạm Thu Hằng một lần nữa kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, muốn điều tra để xác định ai đã xúc phạm ông trên TikTok bằng tiếng Việt

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES/HUN SEN FACEBOOK

Chụp lại hình ảnh,Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, muốn điều tra để xác định ai đã xúc phạm ông trên TikTok. Những bình luận này được chính ông Hun Sen chụp lại và công bố.

Dự án Phù Nam Techo đã gây nhiều căng thẳng giữa hai nước với những phát ngôn mạnh mẽ của cha con ông Hun Sen.

Ngày 11/4, phát biểu tại tỉnh Takeo, nơi kênh đào Phù Nam Techo dự kiến đi qua, Thủ tướng Hun Manet khẳng định đây là “một dự án lịch sử, sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân”.

Ngày 26/4, phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Oknha Campuchia về dự án, ông Hun Sen nói rằng sẽ “không nhượng bộ” và nhấn mạnh rằng “không cần thiết phải đàm phán” về việc xây kênh đào.

“Đừng cố ép Campuchia vào bàn đàm phán,” ông Hun Sen nói.

Ngày 27/4, ông Hun Sen kêu gọi Campuchia và Việt Nam cùng tránh xung đột không đáng có và cân nhắc lợi ích chung của dự án này.

Ngày 28/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói rằng việc xây dựng kênh đào “không phải xin phép nước nào” trừ việc gửi các thông tin cần thiết tới Ủy hội sông Mekong (MRC).

Ông Hun Manet từng nói trước đó rằng với kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia sẽ “thở bằng mũi của mình” – nghĩa là Campuchia sẽ bớt phụ thuộc vào Việt Nam.

Ông Hun Sen cũng liên tục thúc giục khởi công sớm siêu dự án này.

“Tôi đề nghị tân thủ tướng và chính phủ không chờ đợi quá lâu. Nếu có thể động thổ sớm thì hãy thực hiện bởi vì sẽ có thêm nhiều phản ứng. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền độc lập của chúng ta,” ông nói ngày 16/5.

Thông tin về kênh đào Phù Nam

Những phát ngôn liên tiếp của hai cha con ông Hun Sen cho thấy quyết tâm của Campuchia về dự án và điều này gây lo ngại cho Việt Nam trên nhiều phương diện, từ môi trường, kinh tế đến chính trị, an ninh.

Phía Việt Nam đã liên tục kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin. Mới đây nhất, bên lề Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol vào ngày 23/5 và nhắc đến kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) và mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin về dự án.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đưa ra phản ứng về các bình luận của người dùng mạng xã hội trên kênh của ông Hun Sen đã nói thêm rằng “Việt Nam tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dự án kênh đào Phù Nam Techo”.

Đây là lần thứ tư trong vòng hơn một tháng Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin, động thái cho thấy sự sốt ruột và lo lắng của chính quyền Hà Nội.

Ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết những thông tin liên quan kênh đào Phù Nam Techo mà Việt Nam có được cho đến thời điểm này chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án.

Ngày 5/5, Bộ ngoại giao Việt Nam nói “rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia” và “mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin”.

Lần đầu tiên Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án Phù Nam Techo là vào 11/4, ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao VIệt Nam, khi đó nói: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội Sông Mekong Quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.”

Đến nay, các phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đều chỉ tập trung vào vấn đề môi trường, tác động tới nguồn nước. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng kênh đào Phù Nam Techo còn có thể tạo ra những tác động về kinh tế, chính trị, thậm chí cả quân sự, đối với Việt Nam.

‘Thở bằng mũi của mình’

Theo ước tính của Campuchia, việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo có thể đem về 88 triệu USD mỗi năm. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 570 triệu USD mỗi năm vào năm 2050.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cho biết kênh đào này sẽ giúp một số hàng hóa của Campuchia không cần đi qua Việt Nam, do đó không phải chịu thêm phí.

“Chúng ta không còn cần phải tốn thêm các khoản phí đã từng phải trả cho Việt Nam nữa.”

“Trước đây, chúng ta buộc phải sử dụng cảng biển của Việt Nam cho bất kỳ hàng hóa nào được chuyển đi quốc tế, gây tốn kém. Họ chỉ hỗ trợ khi họ có lợi, mà điều này lại không tiện cho chúng ta,” báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.

Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia thay vì thông qua Việt Nam như hiện nay, và Việt Nam có thể mất nguồn lợi từ việc này.

Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam quan ngại, bên cạnh những yếu tố về môi trường và tài nguyên nước.

Tới nay, ngoài 14 trang tài liệu ngắn gọn gửi tới MRC hồi tháng 8/2023, Campuchia vẫn chưa cung cấp thêm thông tin gì thêm.

Trong 14 trang tài liệu này, có 12 trang nói về dự án, 2 trang đầu là thư.

Trong 12 trang này, có nội dung nói đây là dự án giao thông thủy nội địa, không đề cập vấn đề canh tác nông nghiệp hay cấp nước sinh hoạt, không cung cấp đầy đủ thông số vận hành của con kênh.

Chụp lại video,Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc

Ông Sophearin Chea, trưởng bộ phận quy hoạch lưu vực sông Mekong của MRC, mới đây chia sẻ với BBC:

“Thông tin không đầy đủ để chúng tôi đưa ra thẩm định chuẩn.”

“Trong 14 trang tài liệu của thông báo, chỉ có các phân tích rất sơ lược về đánh giá tác động môi trường.”

Nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, đánh giá dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ có thể tạo ra những tác động môi trường và xã hội cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng “không theo cách đang được thảo luận rộng rãi tại Việt Nam”.

“Đa số giả định kênh đào này sẽ rút dòng chảy chính của sông Tiền và sông Hậu, nhưng một hệ thống cổng và âu tàu phức tạp sẽ ngăn chặn điều này xảy ra nếu được quản lý đúng cách.”

“Tuy nhiên, các tác động thật sự sẽ là làm giảm dòng chảy từ Campuchia về Việt Nam qua vùng đồng bằng bồi đắp và có thể làm sụt giảm lượng nước hiện có một cách nghiêm trọng ở Campuchia, phía nam kênh đào và đồng thời tại các tỉnh An Giang và Kiên Giang.”

“Hệ thống đê của kênh đào sẽ cắt ngang qua vùng đất ngập nước tại tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia, căn bản tạo ra một bức tường cực kỳ dài, ngăn chặn nước chảy xuống hạ lưu thông qua vùng đồng bằng bồi đắp chung rộng 1.500 km2,” ông Brian nhận định.

Ông Brian nói rằng để đánh giá lượng nước bị sụt giảm bao nhiêu thì phải có nghiên cứu đầy đủ, nhưng “tôi có thể đoan chắc là con số này sẽ không nhỏ”.(RFA)

Share.

Leave a Reply