Theo báo Tuổi Trẻ hôm 22 Tháng Sáu, đây là chuyến đi Trung Quốc lần thứ ba của ông Chính trong vòng một năm qua.
Hai lần trước là ông Chính thăm Trung Quốc kết hợp dự sự kiện WEF Thiên Tân, Hội Chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và hội nghị Thương Mại-Đầu Tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) 2023.
Báo Tuổi Trẻ bình luận, việc ông Chính dự hội nghị WEF ở Đại Liên lần này cho thấy “sự coi trọng của Việt Nam đối với WEF” và “là cơ hội nêu thông điệp, đóng góp quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam cho các vấn đề kinh tế toàn cầu.”
Không rõ ông Chính có được ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, tiếp trong chuyến đi lần này hay không.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định, việc Thủ Tướng Chính cấp tập đi Trung Quốc sau khi Hà Nội liên tiếp đón Tổng Thống Nga Vladimir Putin và ông Daniel Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng Mỹ, cho thấy lãnh đạo Việt Nam vẫn trung thành với chính sách “đu dây” giữa các cường quốc.
Trước khi ông Chính đi Trung Quốc, các hoạt động thăm viếng, hội họp giữa Hà Nội và Bắc Kinh diễn ra liên tục thời gian qua trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo ghi nhận của báo Chính Phủ, khi tiếp ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hôm 11 Tháng Sáu, ông Tô Lâm, chủ tịch nước, lặp lại các cụm từ quen thuộc như “láng giềng núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị truyền thống, vừa là đồng chí, vừa là anh em.”
Ông Tô Lâm cũng nói thêm rằng điều quan trọng là những tranh chấp tại Biển Đông “cần được giải quyết tốt hơn và lợi ích của mỗi quốc gia được tôn trọng,” theo trang tin văn phòng chủ tịch nước.
Đến nay, các báo ở Việt Nam chưa đưa tin về thời điểm ông Tô Lâm thăm Bắc Kinh trên cương vị chủ tịch nước dù đây là “thủ tục” gần như bắt buộc đối với những người tiền nhiệm của ông này.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh thường xuyên có động thái gây hấn ở Biển Đông, trong lúc Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối một cách dè dặt và chủ yếu lặp lại các luận điểm cũ. (N.H.K)
Leave a Reply