Thứ hai, 24/6/2024,
Bản thân Hajj đã là một nghi lễ gian khổ và nó trở nên khắc nghiệt hơn bội phần với những người Hồi giáo hành hương đến thánh địa Mecca mà không được Arab Saudi cấp phép.
Sống qua ngày nhờ đậu và thịt đóng hộp, Mohammed, người đàn ông Ai Cập 70 tuổi, sống nơm nớp trong một căn hộ ở Mecca suốt nhiều tuần, với hy vọng không bị giới chức Arab Saudi phát hiện vì đã thực hiện cuộc hành hương Hajj đến nước này mà không có giấy phép.
Hajj là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi và tất cả người Hồi giáo đều phải hoàn thành một lần trước khi chết. Arab Saudi cho hay năm nay có 1,8 triệu người tham gia hành hương, trong đó 1,6 triệu là người ngoại quốc.
Do lượng người muốn hành hương tới thánh địa Mecca, thành phố tại vùng đồng bằng Tihamah thuộc Arab Saudi, quá đông, chính phủ nước này đã ban hành một loại giấy phép đặc biệt gọi là “thị thực Hajj”. Giấy phép này được phân bổ tới từng quốc gia theo hệ thống hạn ngạch và phân phối cho tín đồ bằng hình thức “xổ số”, do có quá đông người muốn đăng ký.
Điều này khiến không phải ai muốn hành hương tới Mecca đều xin được giấy phép chính ngạch. Tại Ai Cập, những người may mắn có “thị thực Hajj” phải sử dụng dịch vụ hành hương do chính phủ cung cấp, trong đó gói rẻ nhất khoảng 3.700 USD, vượt quá khả năng tài chính của nhiều người.
Nhiều người Hồi giáo muốn hoàn thành nghi lễ quan trọng nhất cuộc đời với giá rẻ, bằng cách không đăng ký xin thị thực Hajj và hành hương chui tới Arab Saudi, nhưng họ có nguy cơ bị bắt và trục xuất nếu bị lực lượng an ninh nước sở tại phát hiện. Mohammed, một công chức Ai Cập đã nghỉ hưu, nằm trong số hàng chục nghìn người như vậy.
“Tôi đã xin giấy phép Hajj ở Ai Cập trong hơn 10 năm nhưng không gặp may”, Mohammed nói.
Ông đã chi hơn 930 USD bay tới Arab Saudi bằng thị thực du lịch, thuê một hãng lữ hành sắp xếp cho ông chỗ ở gần núi Arafat, nơi nhà tiên tri Mohammed thực hiện bài thuyết giảng cuối cùng.
Người hành hương Hajj sẽ phải thực hiện loạt nghi lễ gian khổ trong 4 ngày ở Mecca và khu vực lân cận phía tây Arab Saudi. Họ sẽ trải qua hành trình dài 15 km từ Đại Thánh đường ở trung tâm Mecca đến Mina và núi Arafat để cầu nguyện, sau đó đi ngược về Muzdalifah để nhặt đá, rồi đến Jamarat thực hành nghi thức ném đá diệt quỷ, cuối cùng trở về khu vực Đại Thánh đường.
Trong lúc chờ thực hiện các nghi lễ Hajj bắt đầu, Mohammed phải nhốt mình trong một căn hộ cùng với 7 người khác, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết nhằm tránh bị giới chức Arab Saudi phát hiện.
“Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khó khăn. Thời tiết nắng nóng nhưng tôi sẽ uống nhiều nước”, ông nói. “Điều quan trọng nhất là tôi có thể thực hiện nghi lễ hành hương Hajj”.
Tuy nhiên, khó khăn có lẽ khắc nghiệt hơn những gì Mohammed có thể tưởng tượng. Hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong cuộc hành hương năm nay tới thánh địa Mecca do thời tiết nắng nóng gay gắt, trong đó 83% là người hành hương không có giấy phép. Việc né đăng ký thị thực Hajj giúp người hành hương tiết kiệm một khoản tiền, nhưng cũng khiến họ gần như không được bảo vệ khỏi cái nóng tàn khốc.
Trong khi người có thị thực Hajj được đưa đến đền thờ bằng xe buýt có máy lạnh và nghỉ ngơi trong lều gắn điều hòa, những người hành hương không giấy tờ sẽ không được sử dụng các dịch vụ này, buộc phải đi bộ dưới trời nắng gắt, hoặc trả khoản tiền cắt cổ để sử dụng dịch vụ chui.
“Nhiệt độ tăng cao trong mùa Hajj là một thách thức lớn. Thật không may và thật đau đớn cho tất cả chúng ta, những người không có giấy phép Hajj đã phải đi bộ rất lâu dưới ánh mặt trời”, Bộ trưởng Y tế Arab Saudi Fahd al-Jalajel nói trên truyền hình nhà nước hôm 23/6. Bình luận của ông al-Jalajel được đưa ra sau nhiều ngày chính quyền Arab Saudi im lặng về những trường hợp tử vong trong lễ hành hương Hajj.
Một số tín đồ hành hương năm nay cho biết họ đã chứng kiến rất nhiều người ngất xỉu, gục ngã vì kiệt sức hay đi ngang qua các thi thể trên đường phố, khi nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới trên 50 độ C.
Arab Saudi thu về hàng tỷ USD từ lễ Hajj và các cuộc hành hương diễn ra vào các thời điểm khác nhau trong năm, tùy theo lịch của Hồi giáo. Nhưng lễ Hajj cũng mang đến nguồn lợi nhuận béo bở cho một mạng lưới các nhà điều hành tour du lịch bất hợp pháp, những kẻ buôn người và lừa đảo trục lợi từ những người Hồi giáo đang khao khát thực hiện nghĩa vụ tôn giáo thiêng liêng.
“Lòng tham liên quan đến ngành này rất lớn”, Iman Ahmed, đồng sở hữu hãng lữ hành El-Iman Tours ở thủ đô Cairo, Ai Cập, nói.
Bà cho biết đã chối đưa người hành hương chưa đăng ký tới Mecca theo các gói Hajj, nhưng những công ty điều hành tour du lịch Ai Cập khác và các nhà môi giới Arab Saudi đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ khi làm như vậy.
Khoảng 400.000 người Ai Cập đã tìm cách lên đường tới Mecca mà không có giấy tờ cần thiết, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao Arab Saudi giấu tên tuần trước cho hay. Điều này đồng nghĩa gần 1/5 số người hành hương năm nay đã vi phạm quy định mà Arab Saudi đặt ra, trong đó có cả hàng rào an ninh xung quanh Mecca mà chính phủ dựng lên nhiều tuần trước nghi lễ.
Một số quốc gia có nhiều công dân thiệt mạng trong cuộc hành hương đã nhanh chóng hành động để giải quyết hậu quả trong vài ngày qua.
Tại Ai Cập, quốc gia chiếm hơn 50% số ca tử vong trong lễ hành hương Hajj năm nay, chính quyền tuyên bố sẽ tước giấy phép của 16 công ty lữ hành và truy tố quản lý vì hỗ trợ những người hành hương đến Mecca bất hợp pháp, đồng thời áp dụng biện pháp phạt tiền để đền bù cho gia đình các nạn nhân.
Tại Tunisia, nơi có hơn 50 người thiệt mạng, Tổng thống nước này hôm 21/6 thông báo sa thải Bộ trưởng các Vấn đề Tôn giáo.
Và tại Jordan, nơi ghi nhận ít nhất 99 người hành hương thiệt mạng, công tố viên đã mở cuộc điều tra về các tuyến đường Hajj bất hợp pháp và những người thu lợi từ chúng.
Các nhà điều hành tour Hajj, những người hành hương và thân nhân của người thiệt mạng cho biết số lượng tín đồ hành hương không có giấy tờ dường như đã tăng lên do tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng ở các nước như Ai Cập hay Jordan.
Nhưng họ cũng mô tả những lỗ hổng dễ bị khai thác trong các quy định của Arab Saudi, cho phép các tín đồ không có giấy tờ đến nước này bằng thị thực du lịch vài tuần trước lễ hành hương. Khi đến nơi, họ sẽ được những kẻ môi giới bất hợp pháp cung cấp dịch vụ, thu tiền và đôi khi bỏ rơi họ khi bị giới chức sở tại phát hiện.
Trong số những người rơi vào bẫy đó có bà Safaa al-Tawab, 55 tuổi, đến từ thành phố Luxor, Ai Cập.
Ahmed al-Tawab, anh trai al-Tawab, cho hay bà không thể xin giấy phép Hajj nhưng đã tìm được một công ty du lịch Ai Cập đề nghị đưa bà đi với giá khoảng 3.000 USD.
Al-Tawab không hiểu rằng mình đã vi phạm quy định khi tới Arab Saudi vào tháng trước. Sau khi đến nơi, al-Tawab kể với người thân rằng bà bị đưa vào một nơi không đủ tiện nghi và bị công ty lữ hành không cho ra ngoài. Dù công ty đã hứa cung cấp xe buýt có máy lạnh để đưa những người hành hương đi quanh Mecca, bà vẫn phải đi bộ hàng km dưới ánh nắng chói chang để đến được thánh địa.
Bà qua đời giữa chuyến hành hương, nhưng khi Ahmed al-Tawab liên hệ với công ty lữ hành, họ đảm bảo rằng em gái ông vẫn ổn. Khi đại diện công ty biết gia đình đã phát hiện sự thật, anh ta lập tức tắt điện thoại.
“Những người hành hương đã bị lừa dối”, Mahmoud Qassem, nghị sĩ quốc hội Ai Cập, nhấn mạnh. Các công ty lữ hành “đã bỏ họ một mình, để họ tự đối mặt với số phận”.
Giới chức Arab Saudi giải thích số người tử vong cao trong đợt hành hương không phải vì nước này quản lý kém, mà là do nhiều tín đồ không giấy phép đã đánh giá sai mức độ rủi ro.
Arab Saudi từng chứng kiến nhiều thảm kịch liên quan đến các cuộc hành hương, gần đây nhất là vào năm 2015, khi một vụ giẫm đạp tại nghi lễ “ném đá quỷ dữ” ở Mina, gần Mecca, đã khiến 2.300 người thiệt mạng.
Lo ngại thảm kịch lặp lại, giới chức Arab Saudi vài năm qua bắt đầu mạnh tay trấn áp những người hành hương không giấy tờ.
“Khu vực Mecca rất chật hẹp và việc nhiều người hành hương bất hợp pháp đổ tới gây cản trở đáng kể cho nỗ lực kiểm soát đám đông và các tuyến đường xe buýt, đồng thời có thể dẫn tới nguy cơ giẫm đạp”, một quan chức Arab Saudi giấu tên cho hay.
Theo truyền thông địa phương, từ tháng trước, chính quyền đã bắt ít nhất 20 người với cáo buộc “lừa đảo” liên quan đến lễ Hajj, hầu hết đến từ Ai Cập.
Các biển cảnh báo “Không hành hương trái phép” xuất hiện ở khắp mọi nơi, bên lề đường và bên trong những trung tâm mua sắm.
Hồi tháng 4, Hội đồng các Học giả Tôn giáo Cấp cao Arab Saudi đã vào cuộc, đưa ra phán quyết rằng “không được phép thực hiện lễ Hajj khi chưa có giấy tờ và bất kỳ ai làm điều đó đều phạm tội làm hại tất cả những người hành hương khác”.
Nhưng vấn đề hành hương bất hợp pháp vẫn tồn tại dai dẳng.
Việc áp dụng thị thực du lịch chung vào năm 2019 đã giúp mọi người đến Arab Saudi dễ dàng hơn bao giờ hết, kể cả những người hành hương chưa đăng ký.
“Vẫn còn hàng triệu cách để đưa người hành hương đến Arafat”, một nhân viên lữ hành giấu tên cho hay, đề cập đến ngọn núi thiêng ở Arab Saudi, cách thánh địa Mecca khoảng 20 km. “Tôi có 100 xe buýt đi vào Arafat trong lễ Hajj. Giới chức có thể khám xét tất cả chúng được không? Điều đó là bất khả thi”.
Đối với những người hành hương chưa đăng ký, nguy cơ bị sốc nhiệt là rất lớn khi họ không thể vào các lán trại có điều hòa, những nơi yêu cầu lữ khách phải xuất trình thị thực Hajj. Một số ngủ trong nhà thờ Hồi giáo hoặc thậm chí ở bên lề đường, giữa thời tiết oi bức.
Ayman, một người Ai Cập 37 tuổi, hồi năm ngoái đến Arab Saudi bằng thị thực du lịch để thực hiện lễ Hajj. Đến giờ, Ayman vẫn không thể quên quãng thời gian gian khổ mà anh phải đối mặt.
“Mọi thứ vô cùng khắc nghiệt. Không có dịch vụ nào hết, không giường ngủ, không điều hòa nhiệt độ, không phòng tắm”, anh kể. “Chưa kể, chúng tôi luôn phải tìm cách trốn tránh lực lượng an ninh thay vì tập trung vào những lời cầu nguyện và khẩn cầu”.(VNExpress)
Leave a Reply