Ngày 02/07/2024, Philippines và Trung Quốc có cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ « Cơ chế Tham vấn Song phương – BCM » về Biển Đông sau sự cố Bãi Cỏ Mây. Kết thúc cuộc họp, chính quyền Manila cho biết Bắc Kinh đồng ý « xuống thang » căng thẳng ở Biển Đông.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Reuters cho biết, cuộc họp diễn ra tại Manila với sự tham dự của thứ trưởng Ngoại Giao Philippines Theresa Lazaro và người đồng cấp Trung Quốc Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong). Hai bên đã có những cuộc thảo luận « thẳng thắn và mang tính xây dựng », đưa ra các quan điểm của mỗi nước về bãi cạn Bãi Cỏ Mây.
Kết thúc cuộc họp, Manila và Bắc Kinh cam kết giảm căng thẳng mà « không làm ảnh hưởng quan điểm » của mỗi bên, theo như giải thích từ bộ Ngoại Giao Philippines. Tuy đánh giá có những « tiến bộ » đáng kể trong việc phát triển các biện pháp nhằm quản lý tình hình khu vực, nhưng đôi bên cũng nhìn nhận « còn nhiều điểm khác biệt lớn », và đồng ý tiếp tục thảo luận « tìm kiếm giải pháp chung có thể chấp nhận được cho đôi bên ».
Trang Rappler của Philippines nhắc lại, « Cơ chế Tham vấn Song phương BCM » được thành lập năm 2016 giữa cựu tổng thống Rodrigo Duterte và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc họp gần đây nhất giữa hai nước là hồi tháng Giêng năm 2024, tại Thượng Hải. Trong cuộc họp này, hai bên đồng ý cải thiện liên lạc « giữa bộ Ngoại Giao và lực lượng tuần duyên giữa hai nước ».
Cuộc họp lần này diễn ra vài tuần sau vụ hải cảnh Trung Quốc bị tố cáo có những hành động « hung hăng và bất hợp pháp » ngăn chặn lực lượng Philippines đến tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên tầu mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.
Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc tố cáo Philippines hôm qua điều ba tàu tiếp tế cho một tàu tuần duyên Philippines (9701) mắc cạn « trái phép » trên một rạn san hô ở Sa Bin, Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền, là « vi phạm » chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, « làm suy yếu » nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đến thăm Manila hôm nay, ngoại trưởng Tòa Thánh Vatican, Đức Tổng giám mục Paul Richard Gallagher kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, kể cả căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc do những vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.(RFI)
Leave a Reply