2024.09.25
Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa kêu gọi trí thức Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Một số trí thức Mỹ gốc Việt bày tỏ sự hoài nghi về khả năng hiện thực hóa lời kêu gọi này trong bối cảnh những rào cản chính trị vẫn tồn tại giữa cộng đồng hải ngoại và trong nước.
Vì sao chưa thu hút được trí thức?
Trong chuyến đi Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khoá 79, hôm 22/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ một nhóm trí thức người Việt đến từ Houston, bang Texas. Tại đây, ông Tô Lâm nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng trí thức Việt Nam tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới nên đoàn kết, đồng lòng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, hướng tới một kỷ nguyên mới của đất nước.
Đáp lại lời kêu gọi của ông Tô Lâm, nhiều trí thức gốc Việt tại Mỹ mà RFA phỏng vấn bày tỏ hoài nghi và chia sẻ những rào cản thực tế họ đã và đang gặp phải trong việc đóng góp cho quê hương.
Luật sư Linh Nguyễn, thành viên của Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam, người cũng có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh của LHQ cho biết, nhà nước Việt Nam luôn muốn tận dụng nguồn trí lực của tri thức gốc Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, theo bà:
“Căn bản trí thức là tự do và khai phóng, còn cái căn bản của Cộng sản là áp bức, là giáo điều, coi người dân như là công cụ chứ thực sự ra cũng không biết tận dụng trí thức của con người cho nên chưa thể thu hút được nhiều người Việt đóng góp cho Việt Nam.”
Chia sẻ quan điểm với RFA, ông Võ Ngọc Ánh, hiện đang sinh sống tại tiểu bang Washington tin rằng đã là người Việt, dù sinh sống ở đâu, theo bất kỳ đảng phái nào thì cũng đều muốn góp sức xây dựng một Việt Nam phát triển hơn. Theo ông Ánh, các rào cản chính trị vẫn là trở ngại lớn nhất khiến nhiều trí thức hải ngoại không thể thích nghi khi trở về làm việc ở Việt Nam. Chính trị độc đảng và sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước đã khiến môi trường làm việc trong nước trở nên thiếu tự do, cản trở sự phát triển và đổi mới sáng tạo:
“Chính trị là cái trở ngại lớn nhất. Chính trị đã chi phối tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, khoa học… Nó rất là khó cho những người làm việc được tôn trọng, họ quen với cái môi trường giáo dục cũng như khoa học, công nghệ, một cái tự do độc lập ở các nước phát triển.”
Cần mở không gian tự do
Lời kêu gọi của ông tân Tổng bí thư không có gì mới mẻ, điều đó được lặp đi lặp lại qua nhiều thời kỳ và qua nhiều đời lãnh đạo. nó còn được xây dựng thành đường lối, chính sách chung của Việt Nam, thông qua các Nghị quyết 36 hay Quyết định 1334 về “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước”.
Trong một bài phân tích về Quyết định 1334 của Giáo sư Nguyễn Văn Chữ được đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Việt-Mỹ thuộc Đại học Oregon, ông chỉ ra rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chỉ có vai trò quan trọng về mặt kinh tế mà còn có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Công dụng của số lượng ngoại tệ dự trữ là giúp ổn định nền kinh tế, giá trị của chính đồng tiền Việt Nam và hối suất giữ đồng tiền Việt Nam đối với các ngoại tệ; tất yếu là sẽ gián tiếp bảo vệ chế độ.
Mặc dù Quyết định 1334 mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nhưng bài viết của Giáo sư Chữ cũng nêu ra nhiều thách thức mà người Việt ở nước ngoài phải đối mặt như về pháp lý, văn hóa, và sự khác biệt trong cách tiếp cận quản lý. Điều này đòi hỏi những chính sách và môi trường làm việc cởi mở hơn từ phía chính phủ Việt Nam để kiều bào có thể yên tâm đóng góp.
Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Ngọc Ánh nói thêm rằng, nếu Việt Nam không có những thay đổi cơ bản, ít nhất là tạo ra một không gian tự do hơn cho khoa học và giáo dục, thì rất khó để thu hút được sự tham gia của trí thức nước ngoài:
“Cần phải thay đổi thì mới thu hút được trí thức. Ít ra thì Việt Nam phải mở một cái không gian tự do cho giáo dục có quyền tự chủ hơn, được kết nối khoa học công nghệ với nước ngoài nó tốt hơn, độc lập hơn. Những cái điều đó may ra mới đem lại một sự khởi sắc cho Việt Nam. Bước đầu là như vậy.
Còn mình nghĩ để thay đổi chính trị với Việt Nam thì mình nghĩ đó là điều rất là nhiều người Việt ở hải ngoại trong đó có trí thức mong muốn, nhưng mà để làm được điều đó thì phải có một sự thay đổi đó nó rất là lớn, mà trong lúc này thì không dễ. Trí thức họ không muốn phải dấn thân vào con đường chính trị để thay đổi nó.”
Trong khi đó, luật sư Linh Nguyễn nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam không thực sự cải cách, mở rộng tự do và dân chủ, thì việc thu hút trí thức từ nước ngoài sẽ chỉ là những lời nói suông.
Luật sư này cũng cho biết cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ luôn ủng hộ Việt Nam, nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ pháp trị, độc lập với một hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng; Quyền lực của Hiến Pháp phải thuộc về ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp; Luật pháp phải bảo đảm nền dân chủ và nhân quyền, tôn trọng quyền bầu cử tự do và công bằng…(RFA)
Leave a Reply