Friday, November 22 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Tazan, Nga, hôm 23/10.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Tazan, Nga, hôm 23/10.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có “cuộc gặp ngắn” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Nga hôm 23/10, trong đó ông Chính đề nghị hai nước đẩy nhanh đầu tư các tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt-Trung, theo truyền thông trong nước.

Các báo của Nhà nước Việt Nam nói rằng ông Chính đang tham dự cuộc gặp thượng đỉnh BRICS mở rộng cho các nước không phải là thành viên, trong đó có Việt Nam, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ghi nhận về cuộc gặp giữa ông Chính và ông Tập, VnExpress và VietNamNet cho biết thủ tướng Việt Nam khẳng định với chủ tịch Trung Quốc rằng Hà Nội luôn coi phát triển quan hệ với Bắc Kinh là chủ trương nhất quán, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại.

Ông Chính đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông, theo ghi nhận của các tờ báo này. Theo đó, ông Chính thúc giục “đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm kết nối Việt Nam với Trung Quốc”, gồm Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, để tăng kết nối giữa hai nền kinh tế.

Để thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, ông Tập cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan của Trung Quốc tăng cường kết nối giao thông Trung-Việt, theo VietNamNet.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hai bên, trong các dịp thăm gặp của các lãnh đạo cấp cao, đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ thương mại trong khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ lâu đời trên Biển Đông.

Việt Nam đang có kế hoạch thiết lập các tuyến đường sắt xuyên biên giới nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với thành phố cảng Hải Phòng dài 427km, chạy từ Lào Cai qua thủ đô Hà Nội đến thành phố Hạ Long. Vẫn theo các báo trong nước, Việt Nam cũng muốn có tuyến đường sắt giữa tỉnh biên giới Lạng Sơn của Việt Nam và Hà Nội.

Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Hà Nội hồi giữa tháng này, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một văn bản về việc cập nhật tiến độ về các tuyến đường sắt xuyên biên giới liên quan đến khảo sát hiện trường. Tại cuộc gặp với ông Lý, ông Chính đã “đề nghị hai nước hợp tác để triển khai hiệu quả các văn kiện đã ký kết về đường sắt”.

Việt Nam trong nhiều năm đã do dự nhận các khoản viện trợ trong các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhưng hợp tác kết nối đường sắt giữa hai nước được đẩy mạnh kể từ chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Hà Nội hồi tháng 12 năm ngoái.

Cả Trung Quốc và Nga đều là những thành viên đầu tiên của khối các quốc gia mới nổi BRICS, vốn chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP của thế giới.

Theo Báo Chính phủ, ông Chính đã có bài phát biểu tại thượng đỉnh hôm 23/10, trước hơn 40 lãnh đạo các nước thành viên và các khách mời là đại diện của các nước đang phát triển tại các khu vực và trên thế giới, trong đó ông nói rằng Việt Nam muốn kết nối hạ tầng chiến lược với các nước, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Cũng tại Kazan, ông Chính đã gặp gỡ Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom), Alexey Likhachev, Báo Chính phủ đưa tin.

Tại buổi tiếp, ông Chính khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác toàn diện với Nga và trao đổi tiềm năng cũng như khả năng ứng dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Ông Chính được tờ báo chính thức của Chính phủ Việt Nam trích lời nói rằng ông đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Nga trong việc thiết lập, vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, phát triển Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Về phần mình, ông Likhachev cho biết tập đoàn Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, theo Báo Chính phủ.

Nga bị Mỹ và phương Tây cô lập sau khi phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine tháng 2/2022 nhưng Việt Nam tiếp tục hợp tác trên nhiều mặt với Moscow, cũng như đón tiếp các lãnh đạo Nga, gồm Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov trong khoảng 2 năm qua.

Share.

Leave a Reply