-
Thủ tướng Ba Lan nói về ‘hệ quả’ an ninh cho châu Âu
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền an ninh châu Âu, nhưng nói thêm rằng ông không thể dự đoán chính xác những hậu quả đó sẽ là gì.
“Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho chính sách châu Âu, đặc biệt là về an ninh,” ông Tusk phát biểu tại một cuộc họp báo trước chuyến bay tới thủ đô Budapest của Hungary để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu.
“Đối với chúng tôi, đây là một vấn đề quan trọng, tôi muốn nhấn mạnh đến điều này, Ba Lan đã rõ ràng xác định được các lợi ích,” ông nói.
Thủ tướng Ba Lan cho biết thông điệp chính của ông gửi tới các nhà lãnh đạo châu Âu khác sẽ là “củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, đồng thời nói thêm ông có “mối quan hệ cá nhân tốt” với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, vào thời điểm ông Tusk giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Ông mô tả Donald Trump là một đối tác “hay đòi hỏi”, là người tin vào chuyện sử dụng “sự khó đoán” trong chính trị nhằm vào cả đồng minh và kẻ thù của mình.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho một sự thay đổi khi so với nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Liệu điều này có đồng nghĩa về một thay đổi hoàn toàn ở Washington – đối với chúng ta – liên quan đến các vấn đề quan trọng về an ninh, Ukraine, Nga, chiến tranh? Tôi không biết là ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này,” ông Tusk nói thêm.
-
Thành viên nội các của ông Trump có thể bao gồm những ai?
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump đã đưa ra một số lời hứa – một số cụ thể hơn những lời hứa khác – về những người mà ông muốn làm việc trong chính quyền của mình.
Sau đây là những người mà Donald Trump có thể bổ nhiệm vào nội các trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai:
Susie Wiles: Bà được coi là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng của Trump và có thể là chánh văn phòng tiếp theo của ông. Cựu cố vấn chính sách nội địa, ông Brooke Rollins, cũng được xem là một ứng viên tiềm năng cho vai trò này.
Robert F Kennedy Jr: Ông Trump đã tuyên bố, nếu ông được bầu, cựu ứng cử viên tổng thống độc lập và người hoài nghi về vaccine có thể “thả ga” với thực phẩm và thuốc men. Mặc dù không đảm bảo gì về chuyện Thượng viện Mỹ sẽ phê chuẩn cho ông Robert F Kennedy Jr một vị trí trong nội các.
Mike Pompeo: Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và ngoại trưởng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Trump được xem là ứng viên cho chức danh bộ trưởng quốc phòng.
Ric Grenell: Ông từng là đại sứ Mỹ tại Đức và là quyền giám đốc tình báo quốc gia trong nhiệm kỳ lần thứ nhất của Trump. Ông được xem là ứng viên cho chức danh ngoại trưởng hoặc cố vấn an ninh quốc gia.
Elon Musk: Chúng ta đã nghe thấy rất nhiều về Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, trong cuộc bầu cử này. Trump đã ra dấu sẽ trao cho Musk một vai trò không thuộc nội các trong chính quyền của mình để giúp chống lãng phí của chính phủ, gọi là “Bộ Hiệu quả Chính phủ”.
-
‘Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ khác’
Trả lời BBC Radio 4, Dân biểu Cộng hòa Pete Sessions nói rằng suy nghĩ của ông Trump về chiến tranh đã “trưởng thành” sau nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Ông Sessions cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ khác với nhiệm kỳ trước, sau khi “học được một số điều mà giờ đây ông sẽ làm khác đi”.
Vị dân biểu nói ông Trump đã “trưởng thành hơn trong một số suy nghĩ” về Ukraine và ông “ủng hộ sự ổn định chứ không phải hỗn loạn”.
Ông Sessions cũng nói thêm Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ “đủ kỷ luật” để đưa ra định hướng về các chính sách quan trọng.
Về xung đột ở Trung Đông, ông nói rằng ông Trump sẽ “rất muốn lắng nghe [Thủ tướng Israel Benjamin] Netanyahu” và rằng ông Trump “đủ thông minh để không tham gia vào một cuộc chiến tranh”.
-
Các đảng viên Dân chủ bắt đầu đổ lỗi cho ông Biden
Thất bại của bà Harris đã khiến một số đảng viên Dân chủ cảm thấy sửng sốt và tức giận.
Những lời chỉ trích gay gắt nhất là về sức khỏe của Tổng thống Biden. Nhiều người cáo buộc Đảng Dân chủ đã nói dối những người ủng hộ về sức khỏe tinh thần của ông Biden cho tới tận cuộc tranh luận thảm họa với ông Trump vào tháng 6/2024.
Một nhà tài trợ cho Đảng Dân chủ hỏi:
“Tại sao Joe Biden lại trụ lại lâu như vậy? Ông ấy lẽ ra không nên che giấu (sức khỏe) của mình và từ bỏ sớm hơn.”
Theo Reuters, ông Biden, 81 tuổi, đã nói rằng ông nghĩ mình là đảng viên Dân chủ duy nhất có thể đánh bại ông Trump và tuyên bố công khai rằng mình đủ sức khỏe để làm tổng thống thêm bốn năm nữa.
Một số đảng viên khác đổ lỗi cho những người thân cận với Tổng thống Biden vì đã không ngăn cản nỗ lực tái tranh cử của ông.
-
Đảng Cộng hòa hướng tới chiến thắng áp đảo
Bốn năm sau khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump chuẩn bị quay trở lại sau khi hàng triệu người Mỹ đã bỏ phiếu để trao cho ông cơ hội thứ hai.
Ngoài cuộc đua tổng thống, Đảng Cộng hòa cũng đã lấy lại quyền kiểm soát Thượng viện, sau khi giành được các ghế ở Tây Virginia, Ohio và Montana.
Cuộc đua ở Hạ viện vẫn chưa ngã ngũ, nhưng ưu thế cũng đang nghiêng về phía Cộng hòa.
Nếu thành công, đảng này sẽ kiểm soát Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2025.
Một chiến thắng áp đảo cho Đảng Cộng hòa dường như rất có thể xảy ra sau một chiến dịch tranh cử gay cấn.
-
Ông Trump xin nghỉ việc ở McDonald’s
Donald Trump Jr., con trai cả ông Trump, đã đăng lên mạng xã hội “đơn nghỉ việc” của cha mình gửi đến chuỗi nhà hàng McDonald’s, nơi Tổng thống đắc cử Mỹ từng biểu diễn chiên khoai tây.
“Xin hãy chấp nhận thư này như thông báo chính thức về việc tôi từ chức khỏi vị trí của mình tại McDonald’s, từ ngày 20/1/2025”, ông Trump viết gửi cho phòng nhân sự McDonald’s và kí tên bên dưới.
“Tôi rất vui vì cơ hội phục vụ khách hàng, lật bánh, chiên khoai. Tôi cam kết quá trình chuyển đổi nhân sự sẽ diễn ra suôn sẻ trong thời gian còn lại… Tôi rời đi với những kỷ niệm đẹp và đang đón chờ cuộc phiêu lưu tiếp theo của mình.”
Ngày “nghỉ việc” trong bức thư trùng với ngày ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47.
Hồi tháng 10, ông Trump từng gây sốt khi đến nhà hàng McDonald’s ở Feasterville, hạt Bucks, bang chiến trường Pennsylvania, để mặc tạp dề, chiên khoai và giao đồ ăn cho khách hàng.
Các nhà phân tích cho rằng khi đó ông Trump đã mỉa mai việc bà Harris kể mình từng làm việc tại McDonald’s khi còn là sinh viên đại học.
-
Các vụ truy tố ông Trump dần khép lại
Bộ Tư pháp Mỹ và Công tố viên đặc biệt Jack Smith đang thảo luận về việc dần khép lại các vụ truy tố liên bang đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo CBS, đối tác tin tức ở Mỹ của BBC.
Mỹ có một chính sách lâu đời là không truy tố một tổng thống đương nhiệm.
Smith hiện đang đảm nhận nhiều vụ kiện ông Trump, người sẽ trở thành tổng thống đầu tiên nhậm chức trong khi một số vụ kiện chống lại ông vẫn đang chờ xử lý.
Trong số đó, có một vụ kiện về cáo buộc xử lý sai tài liệu mật và một vụ kiện về âm mưu lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 của ông trước Tổng thống Joe Biden.
-
‘Đảng Dân chủ đã bỏ rơi tầng lớp lao động’
Bernie Sanders – một thượng nghị sĩ kỳ cựu đã chạy đua cho vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ vào năm 2016 và 2020 – đã tái cử nhiệm kỳ thứ tư tại Thượng viện vào ngày 5/11.
Ông có nhiều điều để nói về thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
“Không có gì ngạc nhiên vì Đảng Dân chủ đã bỏ rơi những người lao động và họ thấy rằng những người lao động đã quay lưng với mình,” ông Sanders nhận định.
Ông nói thêm rằng 60% người Mỹ đang sống “có đồng nào tiêu đồng nấy” trong khi nước Mỹ có “bất bình đẳng về thu nhập và của cải hơn bao giờ hết”.
Thượng nghị sĩ Sanders đề cập đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, nói rằng nước Mỹ “vẫn là quốc gia giàu có duy nhất không đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người như một quyền con người”.
Ông kết luận:
“Trong khi giới lãnh đạo Đảng Dân chủ muốn giữ nguyên thực trạng hiện nay, thì người dân Mỹ lại tức giận và muốn thay đổi.”
-
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump
Khoảng một ngày sau khi ông Trump thắng cử, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng.
Ông Trump là một người có thái độ cứng rắn với Trung Quốc – điều được đánh giá có thể tác động tới chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Ngoài ra, ông Trump là một người thích sử dụng công cụ thuế quan để gia tăng quyền lực. Trước đây, ông từng gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.
Trước thềm bầu cử Mỹ, các quan chức Việt Nam cho biết họ ưa chuộng một chính sách thương mại ổn định từ một tổng thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump, hai quan chức cấp cao nói với Reuters.
-
Donald Trump: hai lần đắc cử tổng thống Mỹ
Tám năm sau chiến thắng bất ngờ trước bà Hillary Clinton và bốn năm sau khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
-
Không có kế hoạch chúc mừng từ ông Putin
Bạn có thể mong đợi Điện Kremlin sẽ reo hò khi ông Trump giành lại Nhà Trắng.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tránh chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, bà Kamala Harris gọi ông Putin là “một tên độc tài sát nhân”.
Ông Trump cũng đã đặt câu hỏi về quy mô viện trợ quân sự của Mỹ cho Kyiv.
Tuy nhiên, trước công chúng, Điện Kremlin đang cố gắng tạo ấn tượng rằng họ không vui mừng trước chiến thắng của ông Trump.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Tôi không biết bất kỳ kế hoạch nào [từ Tổng thống Putin] để chúc mừng ông Trump. Đừng quên rằng [Mỹ] là một ‘quốc gia thù địch’ đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại nhà nước của chúng tôi.”
Vào nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Điện Kremlin đã hy vọng rất nhiều rằng ông sẽ thay đổi quan hệ Mỹ-Nga, thậm chí nhiều người còn bật sâm banh ăn mừng. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Lần này, Moscow đã thận trọng hơn với ông Trump.
-
Trung Quốc gửi lời chúc mừng
“Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ và chúc mừng ông Trump vì được bầu làm tổng thống,” một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vào hôm 6/11.
Quan hệ Mỹ-Trung đã căng thẳng trong nhiều năm, đặc biệt là xung quanh vấn đề thương mại cũng như an ninh tại Đài Loan và Biển Đông.
Chiến thắng của ông Trump có thể làm sống lại các vấn đề từ nhiệm kỳ tổng thống đầu của ông giai đoạn 2017-2021, khi ông khởi động một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính quyền Biden đã không phá bỏ các chính sách thương mại của người tiền nhiệm và đã tiếp tục nhắm vào các hoạt động công nghiệp do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
Tờ báo nhà nước Trung Quốc China Daily trong một bài xã luận vào ngày 6/11 đã mô tả nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump là một “khởi đầu mới tiềm năng trong quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ nếu cơ hội được trao không bị lãng phí”.
-
Thủ tướng Nhật Bản muốn gặp ông Trump ngay tháng này
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đang cố gắng sắp xếp cuộc gặp ở Mỹ ngay trong tháng này để gặp mặt Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump sau chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Họ đã xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết, giúp xoa dịu một số vấn đề gây tranh cãi giữa hai đồng minh.
Các nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng Nhật Bản đang cố sắp xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Ishiba và ông Trump ngay sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil vào ngày 18-19/11.
Vào hôm 6/11, Thủ tướng Ishiba đã gửi lời chúc mừng tới ông Trump về chiến thắng cuộc bầu cử. Ông Ishiba bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ để củng cố hơn nữa liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ – ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông.
-
Bà Melania Trump cam kết ‘bảo vệ sự tự do’
Cựu Đệ nhất phu nhân Melania Trump chia sẻ trên mạng xã hội X:
“Đa số người Mỹ đã giao phó cho chúng tôi trọng trách quan trọng này. Chúng tôi sẽ bảo vệ trái tim của nền cộng hòa của chúng ta – đó là nền tự do.
Tôi kỳ vọng người dân Mỹ sẽ cùng đoàn kết với nhau và vượt lên trên ý thức hệ vì tự do cá nhân, thịnh vượng kinh tế và an ninh.
Năng lượng, kỹ năng và óc sáng tạo của người Mỹ sẽ mang tới cho chúng ta những bộ óc tốt nhất để đưa đất nước mãi tiến lên.”
-
Chính quyền Biden đối phó với nguy cơ vượt biên cao
Chính quyền Biden đang lập kế hoạch dự phòng cho khả năng lượng người vượt biên gia tăng vì những người này lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đóng cửa biên giới, NBC News đưa tin và dẫn lời hai quan chức giấu tên hôm 6/11.
Các quan chức này nói với NBC rằng mặc dù Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ chưa chứng kiến sự gia tăng đột biến vào thời điểm hiện tại, nhưng họ đã dự đoán trong một cuộc họp vào hôm 4/11 rằng số lượng người nhập cư sẽ tăng nếu ông Trump đắc cử, điều mà hiện nay đã trở thành sự thật.
-
Màn tái xuất đầy ngoạn mục của ông Trump
Ông Donald Trump đã thắng cử trước bà Kamala Harris và sẽ là tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Ông Trump đã có bài phát biểu trước đám đông reo hò tại trụ sở chiến dịch của mình ở Florida với một số phát ngôn ấn tượng.
Ông Trump nói mình thắng đậm và cảm ơn người dân Mỹ đã bầu ông làm tổng thống thứ 47 và 45 của Hoa Kỳ. Ông là tổng thống thứ hai thắng cử ở hai nhiệm kỳ không liên tiếp. Ông Trump đã tuyên bố:
“Đây thực sự sẽ là thời đại hoàng kim của nước Mỹ.”
-
Vợ chồng Clinton nói gì?
Cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton – người bị ông Donald Trump đánh bại vào năm 2016 – đã đưa ra tuyên bố chung về phản ứng của họ trước kết quả bầu cử. Nội dung như sau:
“Người dân Mỹ đã bỏ phiếu, và Donald Trump cùng JD Vance sẽ là tổng thống và phó tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ. Chúng tôi chúc họ mọi điều tốt đẹp và hy vọng họ sẽ lãnh đạo vì tất cả chúng ta.”
-
Bà Harris đã mắc sai lầm nghiêm trọng?
Gần một tháng trước, bà Kamala Harris đã xuất hiện trên chương trình The View của ABC trong một cuộc phỏng vấn được mong đợi là thân thiện nhằm giới thiệu bản thân với những người Mỹ muốn biết thêm về bà.
Cuộc trò chuyện nhanh chóng bị lu mờ khi bà trả lời câu hỏi về việc mình sẽ làm gì khác với Joe Biden:
“Tôi không nghĩ ra gì cả.”
Câu trả lời đó nhanh chóng được phe Cộng hòa dùng để tấn công dồn dập.
Bà đã công khai thừa nhận thất bại vào cuối ngày 6/11 giờ Mỹ, nói với những người ủng hộ rằng “đừng tuyệt vọng”.
Nhưng sự tự vấn về việc bà đã sai ở đâu và bà đã có thể làm gì khác có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Các đảng viên Dân chủ cũng đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích và đặt ra câu hỏi về tương lai của đảng này.
Courtney Subramanian, tường thuật từ Mỹ
-
‘Trump nên để Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga’
Cựu đại sứ của chính quyền Trump tại NATO nói rằng bà hy vọng ông sẽ “để Ukraine tấn công lực lượng [Nga] ở phía bên kia biên giới” để chấm dứt tình trạng bế tắc trong cuộc chiến.
Trả lời BBC, bà Kay Bailey Hutchinson nhận định rằng chính phủ Kyiv nên hướng tới mục tiêu “đạt một thỏa thuận có thể được đàm phán có lợi cho họ” sau các cuộc đàm phán với chính quyền mới của ông Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đây đã chỉ trích việc Mỹ viện trợ cho Ukraine dưới thời ông Joe Biden. Ông Trump được coi là người ít ủng hộ Kyiv hơn ông Biden trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bà Hutchinson cũng bình luận rằng ông Trump sẽ tìm cách đảm bảo “thương mại tự do và công bằng” với Trung Quốc hoặc chuyển hoạt động sản xuất quay lại Mỹ để tạo việc làm trong nước.
-
Ông Obama: Tự hào về Harris và Walz
Cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đã gửi lời chúc mừng tới tổng thống đắc cử Donald Trump và người đồng hành JD Vance.
“Rõ ràng đây không phải là kết quả mà chúng tôi mong đợi, xét đến những bất đồng sâu sắc của chúng tôi với phe Cộng hòa về rất nhiều vấn đề,” vợ chồng ông Obama nói, nhưng họ nói thêm:
“Sống trong một nền dân chủ là phải thừa nhận rằng quan điểm của chúng ta không phải lúc nào cũng chiến thắng, và phải sẵn sàng chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.”
Gia đình Obama nói rằng họ tự hào về bà Kamala Harris và người đồng hành tranh cử của bà là ông Tim Walz – “hai công chức phi thường đã lãnh đạo một chiến dịch ấn tượng”.
Ông Obama nhận định các vấn đề như đại dịch và giá cả tăng sau đó đã tạo ra “những trở ngại cho những người đang nắm chính quyền dân chủ trên toàn thế giới” và Mỹ cũng không ngoại lệ.
Ông lập luận rằng những vấn đề này có thể được giải quyết, “nhưng chỉ khi chúng ta lắng nghe nhau và chỉ khi chúng ta tuân thủ các nguyên tắc hiến pháp cốt lõi và các chuẩn mực dân chủ đã làm nên sự vĩ đại của đất nước này“(BBC).
Share.
Leave a Reply