Thursday, November 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) bắt tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi ông Lý Cường đến Hà Nội vào ngày 13/10/2024.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) bắt tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi ông Lý Cường đến Hà Nội vào ngày 13/10/2024.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường vừa có cuộc hội đàm vào ngày 7/11 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong đó, ông Chính khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc và đề nghị hai bên chú trọng đến việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, một tuần sau khi Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân và phản đối nước này xây dựng radar ở đảo Tri Tôn ở Biển Đông.

Phát biểu của ông Phạm Minh Chính được đưa ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Melong mở rộng (GMS) lần thứ 8.

Tại cuộc gặp, ông Phạm Minh Chính ca ngợi vai trò của Trung Quốc tại Hội nghị GMS lần thứ 8 và khẳng định việc “phát triển quan hệ với với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, theo tường thuật của trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Ông Chính đề nghị hai bên đẩy nhanh việc triển khai thoả thuận hợp tác 3 tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong việc thực hiện các dự án này.

Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, triển khai hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, thúc đẩy phục hồi du lịch…

Về vấn đề tranh chấp trên biển, thủ tướng Việt Nam đề nghị hai bên “chú ý kiểm soát tốt bất đồng trên biển” và “không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/10 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân Việt Nam và toàn bộ tàu cá đã bị Trung Quốc bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa, trong vụ việc mà Hà Nội nói là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, đồng thời bày tỏ quan ngại về thông tin Trung Quốc xây dựng hệ thống radar ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo này.

Bộ này hôm 2/10 cho biết lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công 10 ngư dân Việt Nam, làm hỏng ngư cụ của họ và tịch thu khoảng 4 tấn cá đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khu vực tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Hôm 17/10, Viện nghiên cứu Chatham House của Anh đưa ra một báo cáo có ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp hôm 16/9, cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một hệ thống radar chống tàng hình mới trên đảo Tri Tôn và hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc trong khu vực.

Phân tích của Chatham House cho rằng Trung Quốc đang nâng cấp tiền đồn của mình trên Đảo Tri Tôn, góc tây nam của quần đảo Hoàng Sa, và xây dựng công trình có thể là điểm phóng cho một khẩu đội tên lửa chống hạm cũng như hệ thống radar tinh vi.

Tại cuộc họp báo ngày 31/10, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền” bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Share.

Leave a Reply