Sunday, December 1 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
November 30, 2024 : 10:02 AM
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau tám năm dừng dự án, Quốc Hội Việt Nam hôm 30 Tháng Mười Một đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bản tin của báo VNExpress viết: “Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 [tại tỉnh Ninh Thuận] đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.”

Địa điểm quy hoạch xây nhà máy Điện Hạt Nhân 2. (Hình: Thiện Nhân/Thanh Niên)

Việc xây nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận được mô tả là “sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người, môi trường và hiệu quả đầu tư.”

Dự kiến sau khi Quốc Hội thông qua, chính phủ sẽ giao các bộ, ngành rà soát, cập nhật định hướng phát triển điện hạt nhân, lập quy hoạch phát triển điện hạt nhân để quyết định quy mô lớn, nhỏ hay siêu nhỏ.

Theo ghi nhận của Wikipedia, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ban đầu được tiến hành theo đề nghị của ông Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại vị ghế thủ tướng Việt Nam.

Về nguồn kinh phí, thời điểm đó, nước Nga được cho là đồng ý để Việt Nam vay $10.5 tỷ, Nhật cũng đồng ý cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.

Hồi Tháng Năm, 2010, Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân 1, với cam kết “trợ giúp Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời xây dựng một chương trình quốc gia về vấn đề này.”

Hai vị trí được quy hoạch làm nhà máy Điện Hạt Nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận. (Hình: VNExpress)

Đến ngày 22 Tháng Mười Một, 2016, Quốc Hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Ông Mai Tiến Dũng, khi đó làm chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, cho hay: “Việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta.”

Cũng theo Wikipedia, Ninh Thuận được các nhà địa chất xác định là vùng động đất cấp năm hoặc sáu. Về mặt khoa học, trận động đất có cường độ lớn hơn 6.5 độ Richter xảy ra ngoài biển có khả năng gây ra sóng thần.

Hơn 10 năm trước, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng khiến dư luận lo ngại và phản đối.

Khu vực quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Hình: Thiện Nhân/Thanh Niên)

Đài BBC Tiếng Việt hồi Tháng Chín, 2013, dẫn bình luận của Giáo Sư Nguyễn Khắc Nhẫn, cựu cố vấn chiến lược tập đoàn Điện Quốc Gia Pháp (EDF): “Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước Việt Nam sẽ bị chia đôi lâu dài, du lịch, xuất cảng, kinh tế sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng. Ta sẽ phung phí hàng chục rồi hàng trăm tỷ đô la mà không đem lợi ích gì cho đất nước.”

Ông Inrasara, nhà thơ và nhà nghiên cứu gốc Chăm, nói rằng 90% người dân Ninh Thuận đang sống trong các làng mạc chỉ nằm cách nơi định xây nhà máy điện hạt nhân chừng 20-30 cây số, cho nên nếu tai nạn xảy ra, chắc chắn người dân địa phương, người Kinh, cũng như cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận sẽ bị “tác động” và “ảnh hưởng nghiêm trọng.” (N.H.K) [qd]

Share.

Leave a Reply