Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Người dân Vườn Rau Lộc Hưng phản đối ôn hòa với quyết định cưỡng chế và bồi thường của chính quyền.
Người dân Vườn Rau Lộc Hưng phản đối ôn hòa với quyết định cưỡng chế và bồi thường của chính quyền.

Đại diện của hàng trăm hộ dân bị cưỡng chế lấy đất ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng cho biết chính quyền quận Tân Bình, TPHCM, hôm 7/12 đã đưa rất đông lực lượng đến bao vây và làm hàng rào xung quanh khu vực, trong khi một văn bản của trung ương trước đây đã yêu cầu chính quyền địa phương “giữ nguyên hiện trạng khu đất, không tiến hành xây dựng, rào chắn” trong thời gian người dân khiếu kiện và chưa được giải quyết.

“5 giờ sáng họ đưa lực lượng tới trường học ngay đó rồi. Lực lượng họ đưa về rất đông, 4 xe cơ động. Họ chở từ Lý Thường Kiệt vào đường Bắc Hải và họ bố ráp. Đưa đầy đủ lực lượng đến thì họ bắt đầu rào, phong toả hết, rào từ đường Chấn Hưng vào tới trong đường Hưng Hoá, và tiếp tục trong đây một tốp nữa họ rào xung quanh đài Đức Mẹ”, ông Cao Hà Chánh, đại diện của hàng trăm hộ dân bị cưỡng chế lấy đất ở Vườn rau Lộc Hưng, kể lại với VOA.

Động thái “mạnh tay” mới nhất của chính quyền quận Tân Bình diễn ra sau gần 5 năm khu vực này bị bất ngờ cưỡng chế vào tháng 1/2019. Khoảng 500 ngôi nhà và tài sản của người dân đã bị phá huỷ, toàn bộ cư dân ở đây bị trục xuất ra khỏi khu vực. Theo thống kê của dân Vườn rau Lộc Hưng, tổng giá trị thiệt hại về nhà và tài sản của họ lên đến trên 100 tỷ đồng.

Suốt những năm qua, hàng trăm hộ dân ở đây, với sự trợ giúp pháp lý của rất nhiều luật sư, đã đi gõ cửa khiếu nại khắp nơi, lên tận trung ương, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết

“Trong thời gian công dân đang thực hiện quyền khiếu nại và chờ các cơ quan chức năng giải quyết, đề nghị giữ nguyên hiện trạng khu đất, không tiến hành xây dựng, rào chắn khu Vườn rau Lộc Hưng”, một văn bản của Ban Tiếp dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính phủ, vào ngày 19/2/2019 viết.

Ban này trong văn bản cho biết thêm đã chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TPHCM “để chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết dứt điểm, trả lời công dân”.

Đài VOA đã gọi vào đường dây nóng của UBND quận Tân Bình để xác minh thông tin nhưng nhận được câu trả lời tự động “số máy quý khách vừa gọi không có thực”, yêu cầu gọi đến một số điện thoại khác. Tuy nhiên, số điện thoại được cung cấp tự động này không có ai bắt máy.

Ông Hà Cao Chánh cho biết kể từ sau khi cưỡng chế lấy đất, quận Tân Bình đã thuê người từ một công ty bảo vệ đến làm 3 chốt bảo vệ khu vực. Nhưng sau một thời gian làm việc tại đây, những người bảo vệ và bà con Vườn rau Lộc Hưng đã trở nên “rất thân thiện”, vẫn theo lời ông Chánh. Các hộ dân bị mất đất (đa phần là người Công giáo) vẫn tập trung đọc kinh mỗi tối và thỉnh thoảng vẫn ra vô khu đất để lấy lá xông hay những thứ cần thiết.

“Hỗ trợ”, không “bồi thường”

Luật sư Minh Thọ, một thành viên trong nhóm luật sư nhận hỗ trợ pháp lý cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, cho VOA biết diễn tiến mới nhất của quá trình khiếu kiện khiếu nại kéo dài gần 5 năm của người dân.

“Gần đây nhất, tôi cùng với anh Chánh và một số bà con lên trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố để tiếp tục gửi đơn kiến nghị về vấn đề mà UBND quận Tân Bình niêm yết giá bồi thường, mà họ nói là giá hỗ trợ chứ không phải là giá bồi thường, vì họ cho rằng đây là bất chiếm. Chưa nhận được kết quả gì thì hôm nay nghe tin anh Chánh nói là chính quyền họ đưa lực lượng xuống để rào khu đất đấy”, LS. Minh Thọ nói với VOA.

Hàng rào mới được chính quyền quận Tân Bình lắp đặt tại khu Vườn rau Lộc Hưng.
Hàng rào mới được chính quyền quận Tân Bình lắp đặt tại khu Vườn rau Lộc Hưng.

Người dân Vườn rau Lộc Hưng cho biết trước đó vào ngày 12/11/2023, một số hộ dân nhận được bản “Dự thảo phương án hỗ trợ” cho dự án xây dựng cụm trường học trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng và phương án hỗ trợ về đất với giá hỗ trợ là 11.250.000 đồng/m2, mức giá được cho biết rất cách biệt và thấp hơn rất nhiều lần so với mức bồi thường theo giá thị trường. Do nằm gần trung tâm thành phố nên giá trị hiện nay của khu đất này rất cao, lên đến hàng trăm triệu đồng/m2.

“Cách đây hơn một tháng, họ đi đến từng hộ dân, vừa hù doạ vừa thực hiện việc quay phim để báo cáo không đúng. Những người già khi họ tới họ đưa giấy tờ để ký vô, khi ký vô thì họ quay phim chụp hình và đưa lên trên phường là những hộ này đã cam kết đồng ý”, ông Chánh cho VOA biết.

Trong một đoạn video những người dân Vườn rau Lộc Hưng phỏng vấn một cụ bà gần 80 tuổi được cho là đã ký nhận “tiền hỗ trợ”, bà cụ nói bà không biết gì cả và “họ nói gì thì biết vậy”.

Cho đến nay, mới chỉ có một số ít người, mà theo lời ông Hà Cao Chánh là đã “quá cực khổ rồi” nên nhận “tiền hỗ trợ”, còn lại 90 hộ (trong số hơn 100 hộ bị cưỡng chế đất) vẫn không đồng ý nhận số tiền trên.

“Bà con tinh thần rất cao, hướng tới đây là sẽ không kiến nghị khiếu nại nữa mà sẽ thực hiện quyền của mình là tố cáo khẩn cấp”, ông Hà Cao Chánh cho biết thêm sau khi chính quyền đưa lực lượng đến bao vây vào rào khu đất.

Đủ điều kiện được cấp quyền sử dụng đất

Theo hồ sơ pháp lý, khu đất Vườn Rau Lộc Hưng với diện tích khoảng 4,8 ha, trước năm 1954 là thuộc quyền sở hữu của Hội đồng quản trị Công giáo Sài Gòn (nay là Tòa Tổng giám mục Sài Gòn). Việc sở hữu đất có tài liệu thể hiện, chính quyền TP thừa nhận.

Năm 1954, nhiều gia đình từ Bắc di cư vào Nam. Tòa Tổng giám mục Sài Gòn đã cho vài chục hộ dân cất nhà sinh sống tại đây dưới hình thức cho thuê đất hoặc cho ở nhờ.

Năm 1955, quân đội Pháp xây dựng trên khu đất “Đài phát tuyến Chí Hòa” và cho phép người dân sống dọc hàng rào phía Tây được “trồng trọt xung quanh nơi các trụ anten chiếm, với điều kiện thỏa thuận trước với chủ đất là Hội truyền giáo công giáo và với những người khai thác đầu tiên”.

Sau năm 1975, người dân vẫn tiếp tục trồng rau bình thường ở khu đất nay thuộc phường 7, quận Tân Bình. Năm 1976, các hộ có trồng rau tại đây đã được UBND phường 7 xác nhận việc có sử dụng đất. Nội dung xác nhận ghi rõ tên chủ hộ, diện tích đất đang sử dụng. Trong thời gian từ 1976 – 1981, các hộ dân trồng rau tại VRLH đóng thuế cho việc sử dụng khu đất liên tục nhiều năm, từ 1976 – 1999.

Tuy nhiên, sau đó chính quyền không nhận tiền thuế người dân đóng nữa, các kiến nghị xin cấp quyền sử dụng đất của người dân không được giải quyết, và việc tiến hành cưỡng chế lấy đất đã diễn ra từ ngày 4/1-8/1/2029.

Theo LS. Minh Thọ, theo luật Việt Nam, người dân ở Vườn rau Lộc Hưng có đủ điều kiện để được cấp quyền sử dụng đất.

“Quan trọng nhất là chính quyền phải làm rõ là đất bà con Vườn rau Lộc Hưng đã chiếm hữu, quản lý và sử dụng từ những năm trước 1975. Chúng tôi phân tích, lập luận là bà con đủ điều kiện để được cấp quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền đã không thực hiện việc đó thì cái này là lỗi của chính quyền. Còn xét các điều kiện thì xem xét hồ sơ chúng tôi thấy bà con đủ điều kiện”, LS. Minh Thọ nói.

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn trong các văn bản gửi chính quyền thời gian qua đều khẳng định không có cơ sở pháp lý nào xác định khu đất Vườn rau Lộc Hưng là “đất công”, luận điểm mà chính quyền đưa ra để thực hiện việc cưỡng chế.

LS. Minh Thọ cho biết nhóm luật sư đã nhiều lần nêu rõ sự cần thiết phải xác định và cấp quyền sử dụng đất cho người dân để có những bước giải quyết tiếp theo một cách thoả đáng cho những thiệt hại của người dân theo quy định luật pháp. Theo đó, thiệt hại của người dân phải bồi thường theo giá thị trường chứ không phải “hỗ trợ” theo kiểu “tuỳ lòng hảo tâm” của chính quyền.

“Theo tôi, đây là việc gây tác động không tốt, như tôi đã nói trong buổi chính quyền quận Tân Bình tiếp dân, rằng tôi nghĩ việc này tác động rất xấu đến uy tín của chính quyền bởi vì ngay từ lúc cưỡng chế đất là đã không đúng pháp luật rồi, cụ thể là không có một quyết định cưỡng chế nào, mà chính quyền thì cứ tiến hành. Theo hồ sơ chúng tôi nghiên cứu thì chúng tôi thấy nó không đúng trình tự pháp luật”, LS. Minh Thọ nói.

Ông cho biết các luật sư nhận giúp pháp lý cho bà con Vườn rau Lộc Hưng vẫn luôn phải động viên họ phải kiên trì đấu tranh pháp lý và luôn kiềm chế, không để vì phẫn nộ mà dẫn đến hành động trái pháp luật.

“Cái khó nhất của việc đấu tranh pháp lý này là khi người dân, luật sư gửi đơn thì chính quyền thành phố chuyển xuống lại quận, tức là cứ chuyển đi chuyển lại mà không có một hành động giải quyết cụ thể nào để làm rõ vấn đề”.

“Tôi cũng có kiến nghị tổ chức cuộc đối thoại, chính quyền quận Tân Bình cũng mở một cuộc, nhưng không phải là đối thoại, mà là tiếp công dân. Trong cuộc (tiếp dân) đấy thì cũng chỉ nghe dân nói thế thôi, rồi từ đó không có một cuộc nào nữa, cứ lặng im cho đến hôm nay thì chính quyền đưa lực lượng đến rào khu đất đó”.

Nhiều luật sư nghiên cứu hồ sơ pháp lý của vụ Vườn rau Lộc Hưng nói chính quyền đã “sai ngay từ đầu” khi thực hiện cưỡng chế lấy đất vào tháng 1/2019 mà không đưa có một Quyết định thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế và Thông báo cưỡng chế theo quy định của luật pháp Việt Nam.(VOA)

Share.

Leave a Reply