Tuesday, April 30 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

30/03/2024

NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ- BÌA
Hồi ký “Người muôn năm cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung. Nhiều chương tôi đọc vài dòng, nước mắt tôi đã rơi vì người thật, việc thật. Nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới lấy nước mắt của độc giả cũng vì họ viết với trái tim chân thật của họ, nhà văn Phạm Gia Đại cũng vậy, ở tù 17 năm, vẫn còn sinh tiền, vẫn còn thở để viết những nỗi khốn khổ nhất trên trần gian để chúng ta đọc. Nhà văn Phạm Gia Đại là một người sống hết lòng vì Tổ Quốc, có niềm tin tôn giáo mãnh liệt, yêu thương mẹ và tha nhân, ông biết ơn cuộc đời, biết ơn mọi người.
    Lòng ngưỡng mộ các vị lãnh đạo tinh thần qua những việc làm bình thường nhưng rất phi thường của các ngài, qua tác phẩm “Đỉnh núi sương mù”: “Thượng Tọa Thích Thanh Long, quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo, bị tù hình sự, thấy một tù nhân hình hài gầy ốm đang nằm co quắp ngoài sân phơi nắng run rẩy vì lạnh. Động lòng trắc ẩn, thầy bảo anh ta lại gần hàng rào kẽm gai, chờ thầy lấy cho cái chăn để đắp. Vì cái chăn thì nặng và sức thầy yếu nên quăng mãi mà cái chăn bị vướng trên hàng rào. Một tên vệ binh canh gác trên chòi gần đó nhìn thấy, chạy đến chĩa họng súng vào thầy với thái độ hung hãn: “Anh này lại mua bán đổi chác phải không?”. Thầy vẫn bình thản, mỉm cười nhìn tên vệ binh: “Ông thử nhìn xem cái anh này gầy trơ xương và sắp chết rồi thì lấy cái gì mà đổi chác?” Rồi thầy thủng thỉnh đi bỏ ngoài tai những câu nạt nộ của tên vệ binh.”
    Niềm tin tôn giáo có sức mạnh mãnh liệt, đem sự sống cho người tù tuyệt vọng, ở rừng sâu núi thẳm không biết ngày về, nhưng hình của các vị sư thong dong, thanh thản đem lại niềm tin và sức sống cho những người tù. Nhà văn Phạm Gia Đại kể lại một câu chuyện được nghe trong tù từ Đại Đức Minh Tâm, trụ trì chùa Thới Bình, trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung một thời vang bóng tại miền Nam trong “Ngôi chùa bỏ hoang”. Ngôi chùa hoang phế sau khi đơn vị lính Lê Dương bỏ đi, suốt mấy năm trời vẫn chưa tìm được vị sư trụ trì. Thầy Tâm lúc đó 22 tuổi được đưa về làm trụ trì, chùa Thới Bình có sinh khí trở lại. Thầy Tâm đảm nhận trách nhiệm cử hành những nghi thức về Phật Giáo cho các Phật tử toàn trung tâm. Thầy Tâm kể lại câu chuyện thương tâm của hai chị em thôn nữ xấu số bị lính Lê Dương bắt cóc vào trong trại hãm hiếp cho đến chết rồi ném xác xuống giếng. Hai oan hồn chưa siêu thoát hằng đêm hiện về quấy pha doanh trại. Vì kính trọng đạo đức của thầy Tâm nên xin thầy giúp giải oan. Thầy Tâm đã tìm thấy hai bộ xương dưới giếng và đem chôn ở nghĩa trang nhỏ bé, đem hình về chùa thờ để hai linh hồn xấu số nghe kinh kệ mà siêu thoát.
    Là phóng viên chiến trường ra chiến trận tôi thường gặp những chiến sĩ hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở chiến địa, sau này tôi gặp anh em H.O định cư ở Hoa Kỳ, dù bị đọa đày chín tầng mây nhưng anh em vẫn còn sĩ khí của người anh trong ánh mắt, trong lời nói. Ý chí của con người mạnh lắm, khi ở vào con đường cùng cực mà sinh tồn được là nhờ ý chí can cường, dũng mãnh tiềm ẩn trong trái tim của họ.
    Nhà văn Phạm Gia Đại là con người biết ơn, có mang ơn ai thì nhớ ơn, bàng bạc trong truyện của nhà văn sự ơn nghĩa, ơn nghĩa nhớ hoài, nhớ mãi mãi. Ông biết ơn Trời Phật, biết ơn những vị lãnh đạo tôn giáo, biết ơn người, v.v.
    Cuộc đời nhà văn Phạm Gia Đại đã trải qua nhiều biến động, bao thăng trầm với bao niềm vui cũng như đau buồn, khổ ải, nhưng may mắn gặp “những người của muôn năm cũ ấy” giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, sống sót được qua những năm tháng tối tăm nhất trong ngục tù của Cộng Sản.
    Người mà nhà văn Phạm Gia Đại nhớ nhất và mang ơn nhiều nhất trong cuộc đời này là mẫu thân của ông. Mẹ ông đã chắt chiu từng đồng để mua thuốc men, quần áo, thực phẩm gửi vào trong tù cho hai anh em ông. Sau khi ra tù, ông muốn sống quãng đời còn lại với mẹ của ông. Bây giờ mẹ ông đã mất nhưng dù ở gần hay xa, mỗi tuần ông đều mua một bó hoa mới cắm lên bình hoa trên mộ phần của mẹ ông tại khu nghĩa trang để tưởng nhớ đến người mẹ sinh thành và dưỡng dục.
    Nhà văn viết truyện bằng trái tim của mình bao giờ cũng lấy nước mắt của người đọc. Viết về con người sẽ gần gũi với con người, sự sống ngắn ngủi, đời sống bận rộn với công việc làm độc giả không thích chuyện trên mây mà thích đọc hay nghe chuyện ở trần gian trong đời sống bình thường.
    Quyển hồi ký thứ hai với tựa đề “Người muôn năm cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại, một quyển sách rất lãng mạn, rất trữ tình. Mỗi chương đưa độc giả đến một mảnh đời khác nhau, nhưng là đời sống thật, hiện hữu trên trần gian này, nơi nào cũng có thể xảy ra.
    Hồi ký “Người muôn năm cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại gồm 17 chương, chia thành 2 phần: phần I có 11 chương, gồm những bài viết về gia đình, về người thân, bằng hữu, về những hồi ức trong tù, về những ký ức tuổi trẻ; phần II gồm 6 bài, những bài viết về sinh hoạt ở hải ngoại. Chương nào cũng có sự hấp dẫn, thu hút riêng của nó.
    Chương 1- phần I: “Đỉnh núi sương mù”, đọc xong người đọc muốn hỏi: sao cuộc đời này còn người với con người sao bị khổ ải đến cùng cực mà sự sống vẫn vươn lên. Chương 2 đến chương thứ 17, chương nào cũng có sự thu hút người đọc. Tôi đọc một lúc từ chương 1 đến chương 17, tôi không thể cầm được nước mắt.
    Tác giả, nhà văn Phạm Gia Đại với khuôn mặt lạnh lùng giữa đám đông, nhưng là người con đại hiếu thảo với cha mẹ, có niềm tin mãnh liệt ở tôn giáo, kính trọng các vị lãnh đạo Phật giáo. Ông may mắn gặp Thượng Tọa Thích Thanh Long, quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo, và Đại Đức Minh Tâm, pháp danh Thích Thiện Chánh, trụ trì chùa Thới Bình, những vị lãnh đạo tinh thần với tấm lòng quảng đại đã giúp người có niềm tin để sống, để vượt qua những sự đọa đày đến chín tầng địa ngục trong các trại tù Cộng Sản.
    Hãy đọc hồi ký “Người muôn năm cũ” để thấy mình hạnh phúc, may mắn hơn nhiều người trên thế gian này. Những câu chuyện tiếp theo trong phần I như Đông y Tây y, Phép mầu nhiệm, cô Út Biên, Khoa học huyền bí và tâm linh, Ngôi chùa bỏ hoang, Gia đình tôi, Bõ già làng Đông Ngạc, Người muôn năm cũ, Chủ nghĩa diệt chủng, Đất lành chim đậu rất gần gũi, bình dị, xảy ra trong gia đình, làng quê nơi tác giả sinh ra và lớn lên.
    Phần 2 là những bài viết sinh hoạt ở hải ngoại: Tháng tư lại về, Tiếng mưa đêm, Ấm trà Bát Nhã, Hoài niệm những mùa Xuân, Bông hồng thắm cho Đại hội kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lộc, và Lễ viếng mộ 81 chiến sĩ Nhảy Dù- là những suy tư ở vùng trời mới (Miền nam California hay bị nạn hạn hán và thiếu nước nhưng mùa đông năm nay những cơn mưa bất chợt kéo về, mưa gió bão bùng nhiều hôm trắng xóa cả bầu trời. Tôi tin vào định mệnh, vào sự an bài của một Đấng Sáng Tạo thật quyền uy ở trên trời, và tin rằng ngay cả nơi ở của mình cũng định sẵn, đã dành sẵn cho mình- “Tiếng mưa đêm”, là những hoài niệm mùa xuân (Nhiều kỷ niệm, cho dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng vẫn như còn đâu đây trong tâm trí, và làm chúng ta cảm xúc mỗi khi hồi tưởng- “Tùy bút Ấm trà Bát Nhã”), những niềm vui khi tác giả tìm thấy được mục đích sống qua việc tham dự các đại hội, gặp lại các anh em chiến hữu đồng chí hướng, được tác giả tường thuật rất chi tiết và sống động.
    Sự cố gắng để sống, để vươn lên dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, ở trong sự khốn cùng mới thấy nghị lực của con người rất can cường, sĩ khí của người tù.
    Hãy đọc hồi ký “Người muôn năm cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại để thấy đời đẹp, hạnh phúc cho người nào sinh ra trong hoàn cảnh may mắn. Hãy tu nhân tích đức để mai này ra đi sẽ trở lại trần gian được làm người ở một quốc gia có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
    Nếu quý đồng hương từng yêu mến cuốn Hồi ký “Những người tù cuối cùng”- 2011, xin mời tiếp tục yểm trợ quyển hồi ký thứ hai của nhà văn Phạm Gia Đại “Người muôn năm cũ” để nhớ lại quãng đời mình không thể quên được.
    Kính mời quý đồng hương tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Phạm Gia Đại vào Chủ Nhật ngày 5/5/2024 từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều tại trung tâm Westminster Community, 8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683. Có văn nghệ chọn lọc, thức ăn nhẹ. Vào cửa tự do.

– Kiều Mỹ Duyên

Orange County, 4/2024

THƯ MỜI RA MẮT SÁCH HỒI KÝ NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ - PHẠM GIA ĐẠI

Share.

Leave a Reply