Sunday, November 10 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Tin BBC

Hình minh họa ông Hun Sen và kênh đào Phù Nam Techo
Chụp lại hình ảnh,Hình ông Hun Sen và bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo

Cựu Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng gay gắt liên quan đến những nhận định về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Hun Sen gọi những ý kiến cho rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể bị biến thành tuyến giao thông quân sự để hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam là “vu khống” và “bịa đặt”.

Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng tốt, hợp tác tốt trong mọi lĩnh vực.

Trong bài viết đăng trên trang Facebook chính thức hôm 9/4, ông Hun Sen nhấn mạnh việc có một căn cứ cho lực lượng quân sự của Trung Quốc đồn trú ngay trên lãnh thổ Campuchia là đi ngược lại với hiến pháp của quốc gia này.

Bỏ qua Facebook tin

Cho phép hiện nội dung từ Facebook?

Facebook. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Facebook trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn ‘chấp nhận và tiếp tục’.

Cảnh báo: BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Cuối Facebook tin

Ông đồng thời gọi những nhận định trước đó về việc Campuchia có thể trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận và sử dụng căn cứ quân sự Ream là “sự bịa đặt”.

Về dự án kênh đào Phù Nam Techo, ông Hun Sen cũng khẳng định kênh đào này chỉ “thuần túy phục vụ lợi ích kinh tế xã hội”.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Hun Manet, con trai và cũng là người kế nhiệm ông Hun Sen trên ghế thủ tướng, đã lặp lại tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho 1,6 triệu người dân sống dọc công trình có kinh phí dự kiến 1,7 tỷ USD này và bác bỏ khả năng Phnom Penh sẽ vay nợ Bắc Kinh.

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã được các thượng nghị sĩ bầu làm Chủ tịch Thượng viện vào hôm 3/4.

Giới phân tích cho rằng cương vị mới sẽ càng giúp ông Hun Sen trong việc tiếp tục thống trị chính trường Campuchia và đây là động thái mới nhất trong việc củng cố quyền lực gia đình Hun Sen.

Bác bỏ mục đích ‘quân sự’ của kênh đào Phù Nam Techo

Theo báo Khmer Times ngày 10/4, những tuyên bố cũng ông Hun Sen trên Facebook là nhằm đáp trả một bài viết do báo Straits Times của Singapore đăng tải hôm 9/4.

Bài viết trên Straits Times dẫn một ý chính từ bài báo “Dự án kênh đào Funan Techo lợi ích và hệ lụy” của hai tác giả Đình Thiện và Thanh Minh, được đăng trên Tạp chí Phương Đông, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, số 63 tháng 3/2024.

Bài viết của Đình Thiện và Thanh Minh cũng đã được đăng trên trang web Học viện Chính trị Công an Nhân dân, trực thuộc Bộ Công an Việt Nam vào ngày 18/3/2024.

Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông (ORDI) là một đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được thành lập năm 2001.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho trí thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam. ORDI có trụ sở tại TP HCM và chi nhánh tại Hà Nội.

Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.

Dù được giới thiệu là tổ chức phi chính phủ, nhưng thành phần lãnh đạo ORDI, cùng với việc các hoạt động của viện này được báo điện tử Chính phủ Việt Nam và báo điện tử Đảng Cộng sản đưa tin đều đặn, có thể hiểu đây là một tổ chức vệ tinh của chính quyền.

Từ đó, có thể hiểu bài viết về dự án kênh đào Phù Nam Techo được đăng tải trên Tạp chí Phương Đông ít nhiều phản ánh góc nhìn và mối bận tâm của chính phủ Việt Nam.

Cụ thể bài viết đã đưa ra nội dung về khả năng “lưỡng dụng” của kênh đào Phù Nam-Techo, tức là có thể vừa mang mục đích kinh tế-xã hội, vừa quân sự.

“Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này,” theo nội dung bài viết.

Nhận định về khả năng “lưỡng dụng” này của kênh đào Phù Nam Techo trong bài viết của hai tác giả trên đã được trích dẫn lại trên tờ Strait Times hôm 9/4. Khi lên tiếng chỉ trích, ông Hun Sen nhằm chủ yếu vào ý này, do đó, có thể hiểu là ông gián tiếp phản ứng bài báo của Việt Nam.

Trước đó, trong bài viết trên Diplomat ngày 2/1/2024, tác giả Sothearak Sok, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và giảng viên Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia, nêu một bình luận cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào này để thúc đẩy tham vọng quân sự trong khu vực, tuy nhiên không nêu chi tiết cụ thể.

Chụp lại video,Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc

‘Không ảnh hưởng dòng chảy sông Mekong’

Một điều chú ý ông Hun Sen nêu trong tuyên bố trên Facebook là “kênh đào này [Phù Nam Techo] không có tác động đối với dòng chảy của sông Mekong vì không kết nối trực tiếp đối với sông Mekong mà là con sông Bassac”.

Sông Bassac là là một phân lưu của sông Mekong chảy qua địa phận Campuchia. Từ thủ đô Phnom Penh chảy xuống Việt Nam, sông Mekong tách thành 2 nhánh là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam.

PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt nhận định của ông về dự án vào hôm 17/3:

“Bassac là một dòng tách ra từ sông Mekong và có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của một phần rộng lớn của đồng bằng sông Mekong, bao gồm cả phần diện tích trên lãnh thổ của Campuchia và của Việt Nam.”

“Do vậy, kênh đào Phù Nam Techo khi được triển khai sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên trên sông Bassac sẽ có ảnh hưởng rất đáng kế đối với hệ sinh thái tự nhiên bản địa của đồng bằng cũng như sinh kế của cộng đồng địa phương.”

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua kỳ hạn mặn khốc liệt, khiến nước sạch trong tháng qua được xem “quý hơn vàng”, ảnh hưởng đến 50.000 hộ dân.

Ngày 9/4, trước câu hỏi của BBC News Tiếng Việt về nguyên nhân hạn hán nghiêm trọng trong năm nay và nhận định về diễn biến tiếp theo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đưa ra quan ngại của ông bao gồm dự án kênh đào Phù Nam Techo dự kiến được Campuchia khởi công trong quý 4 năm nay.

Theo ông, điều cần nhất hiện nay là các chuyên gia Việt Nam phải tiếp cận được chi tiết dự án để có số liệu thì mới có thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tác động của dự án này.

Đồng bằng sông Cửu Long khô hạn

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết ông lo lắng về dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ tác động đến nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh tình hình hạn mặn tiếp tục diễn biến ngày càng khốc liệt hơn.

Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ tuân theo Hiệp định sông Mekong 1995.

“Hãy vui lòng hỏi Ủy hội sông Mekong (MRC) bởi vì chúng tôi đã thông báo cho MRC….”

Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong ngày 10/4 chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng họ vẫn chưa nhận được nghiên cứu khả thi của Campuchia, tài liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định dự án.

Cho đến nay, Campuchia chỉ mới cung cấp cho Ủy hội sông Mekong bản tài liệu dài 14 trang vào ngày 8/8/2023 mà BBC News Tiếng Việt có thể tiếp cận được.

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation), một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.

Vào ngày 17/10/2023, Campuchia đã ký một hợp đồng với tập đoàn này để nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo trong 8 tháng, sau khi Phnom Penh cho biết đã tiến hành nghiên cứu dự án này trong 26 tháng.

Về tầm quan trọng của bản nghiên cứu khả thi dự án, các chuyên gia từ Việt Nam mà BBC News Tiếng Việt trao đổi đều mong muốn có thêm số liệu để có thể có thẩm định về tác động của siêu dự án này đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang bị bủa vây bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Trao đổi với BBC ngày 9/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết vấn đề lớn nhất là ông và các chuyên gia khác đều không có số liệu đầy đủ dự án này, để từ đó có thể đánh giá mùa khô Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất bao nhiêu nước, ngoài hơn 10 trang tài liệu về con kênh hiện tại.

Trước đó, vào ngày 1/4, Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết vẫn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, xét về góc độ khoa học liên quan đến dự án. Ông nêu yêu cầu phải có một cuộc nghiên cứu độc lập trước khi kênh đào được khởi công, có thể gồm chuyên gia từ Campuchia và cả Việt Nam.

Ông Hun Sen viết trên Facebook: “Chúng tôi yêu cầu quý vị không vu khống chúng tôi nhằm mục đích chống Trung Quốc vì chiến lược địa chính trị. Chúng tôi cũng suy nghĩ cho lợi ích quốc gia của mình như quý vị thôi, điều này không đồng nghĩa quý vị có bộ não tốt hơn chúng tôi. May mắn là quý vị được sinh trong một quốc gia giàu có và chúng tôi thì lại trong một quốc gia nghèo. Đó là lý do quý vị khinh thường chúng tôi.”

Ngày 4/4, Khmer Times dẫn lời ông Sun Chanthol, Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), một lần nữa trấn an rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ “không làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong như một số người quan ngại”.

Tuyên bố của ông Sun Chanthol được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị Cambodia-ASEAN Business Summit 2024 được tổ chức tại Phnom Penh.

Bác bỏ khả năng Ream là tiền đồn của Trung Quốc

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TANG CHHIN SOTHY/AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.

Liên quan đến những thông tin Trung Quốc có thể nắm quyền tiếp cận độc quyền đối căn cứ quân sự Ream, nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chỉ khoảng 30 km, Bộ Quốc phòng Campuchia thường xuyên bác bỏ, nhấn mạnh Điều 53 của Hiến pháp có nội dung ngăn cấm Campuchia cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Điều 55 của Hiến pháp Campuchia nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào không bảo đảm nền độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.

Tuy nhiên, các tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet không khiến các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, và cả Việt Nam bớt đi quan ngại về khả năng Ream có thể trở thành một tiền đồn nước ngoài của Trung Quốc.

Phản ứng mới nhất từ phía Mỹ liên quan đến Ream là từ ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ là vào ngày 7/3.

“Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân [Ream], cũng như vai trò của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai,” vị cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam tuyên bố.

BBC News Tiếng Việt đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để có thêm bình luận nhưng nhận được phản hồi từ phía Washington hôm 19/3 rằng đây là tuyên bố mà họ có vào thời điểm hiện tại.

Thời gian gần đây, đã có ít nhất hai tàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia. Lần gần nhất là vào ngày 20/3, theo trang Nikkei Asia.

Theo hình ảnh mà Nikkei Asia có được thì con tàu cập cảng ở Ream có thể là tàu hộ vệ Văn Sơn, mang quốc kỳ Trung Quốc và cờ của Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).

Trước đó, vào ngày 3/12/2023, trên Facebook, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, cùng với cha mình là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, đã chia sẻ thông tin và hình ảnh chuyến thăm các tàu chiến của Trung Quốc cập căn cứ Ream.

Một số chuyên gia nhận định bước đầu với BBC News Tiếng Việt về Ream, nếu Trung Quốc có thể tiếp cận hoặc thiết lập cơ sở hạ tầng tại căn cứ quân sự này, Bắc Kinh sẽ tiến hành do thám dễ dàng các nước lân cận Campuchia gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines.

Và quan trọng hơn, trong kịch bản Trung Quốc tiếp cận độc quyền được Ream, Việt Nam sẽ bị lập thế bao vây ba mũi gồm từ biên giới phía bắc, từ Biển Đông với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tôn tạo và nắm quyền kiểm soát và vùng biển Tây Nam, theo hai chuyên gia về an ninh quốc tế nói với BBC News Tiếng Việt.

Share.

Leave a Reply