Monday, October 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
23/09/2024

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện ở New York hôm 23/9.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện ở New York hôm 23/9.

ng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào ngày 25/9, theo Nhà Trắng cho biết, trong khi cả hai nhà lãnh đạo có mặt tại New York để tham dự cuộc họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Một thông báo của Nhà Trắng đưa ra hôm 22/9 về các hoạt động dự kiến của Tổng thống Biden trong tuần này, gửi cho các phóng viên gồm VOA, cho biết “Tổng thống sẽ tham dự cuộc hội đàm với Tổng bi thư Tô Lâm của Việt Nam” trong hoạt động đầu tiên của ông trong ngày 25/9.

Nhà Trắng không cho biết chi tiết những gì hai lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận trong cuộc gặp vốn sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng LHQ tại New York. Theo lịch trình mà Nhà Trắng đưa ra, Tổng thống Biden sẽ tới New York vào tối ngày 23/9 trong khi Tổng bí thư Tô Lâm đã có mặt tại New York từ ngày 22/9 và đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của LHQ.

Đây sẽ là lần đầu tiên ông Lâm gặp Tổng thống Biden kể từ khi ông trở thành chủ tịch nước và sau đó đảm nhận thêm chức tổng bí thư Đảng của Việt Nam.

Trong thư chúc mừng gửi ông Lâm khi được đầu làm tổng bí thư Việt Nam hôm 7/8, ông Biden nói rằng ông và Phó Tổng thống Kamala Harris “mong muốn được làm việc với Tổng bí thư Tô Lâm để tiếp tục thúc đẩy tiến trình lịch sử vốn hỗ trợ một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường.”

Ông Biden, người sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1 năm tới và đã rút lui khỏi cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng, đã thăm Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái và cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên tầm chiến lược cao nhất. Trong chuyến thăm đó, Mỹ cũng đã đạt được các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản với Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, Tổng thống Biden muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa chiến lược ở Đông Nam Á và là trung tâm sản xuất của khu vực, để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, những nước mà Việt Nam cũng có quan hệ mức đối tác chiến lược với Việt Nam.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ kể từ khi được bổ nhiệm chức tổng bí thư vào tháng 8, ông Lâm hôm 23/9 đã tham dự sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, theo VietNamNet.

Phát biểu trước các quan chức và cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng như cộng đồng người Việt tại Mỹ tại sự kiện ở New York, ông Lâm nói rằng hai nước đã “phải trải qua nhiều thách thức, thăng trầm, từ cựu thù chiến tranh trở thành bạn bè và phát triển quan hệ lên thành Đối tác toàn diện vào năm 2013.”

Vẫn theo VietNamNet, ông Lâm dẫn lời Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln, nói rằng “cách tốt nhất để đoán định tương lai là kiến tạo tương lai” và rằng Việt Nam và Mỹ đã tạo nên một hình mẫu trong quan hệ quốc tế.

Thượng nghị sỹ Dan Sullivan, người phát biểu tại sự kiện này, khẳng định rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ, với tiềm năng phát triển to lớn. Theo VietNamNet, ông Sullivan cũng cho biết rằng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng,” một quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu ở khu vực.

Gặp Đảng Cộng sản Mỹ

Trước đó vào chiều ngày 22/9, ông Lâm đã gặp gỡ và trao đổi với Đảng Cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Mỹ tại New York, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.

Trích dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tờ báo cho biết rằng ông Lâm đã cảm ơn và bày tỏ trân trọng “trước sự ủng hộ, tình cảm của những đồng chí cộng sản, bạn bè, nhân dân Mỹ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ.” Cũng tại buổi gặp, ông Lâm khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác trong quan hệ của Việt Nam với các nước, trong đó có Mỹ.

Đồng Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ Rossana Cambron được Tuổi Trẻ trích lời nói tại buổi gặp rằng bà “ấn tượng sâu sắc và được truyền cảm hứng về một nước Việt Nam hiện đại, thịnh vượng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai đảng trong thời gian tới.

Việt Nam đã yêu cầu Mỹ đưa quốc gia Đông Nam Á do Đảng Cộng sản cầm quyền ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường nhưng Bộ Thương mại Mỹ vào đầu tháng 8 đã quyết định tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách gồm 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, bị Mỹ coi là có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào nền kinh tế.

Cũng trong chiều 22/9, ông Lâm đã gặp mặt Phó Chủ tịch Tập đoàn Boeing, Brendan Nelson, tại New York, trong đó tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi tập đoàn Mỹ “nghiên cứu, triển khai đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, trung tâm bảo dưỡng tại Việt Nam, theo VnExpress. Ông Lâm cũng được tờ báo trích lời đề nghị Boeing tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua.

Theo VnExpress, ông Nelson khẳng định rằng hai bên quyết tâm trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam vào năm ngoái. Tờ báo còn cho biết rằng vị lãnh đạo của Boeing, tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới và nhà sản xuất hàng đầu về máy bay thương mại, cũng cam kết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam.

Trước chuyến đi của ông Tô Lâm, chính quyền Việt Nam đã thả hai nhà hoạt động nổi tiếng, gồm Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng, được tự do trước thời hạn.

Ông Lâm dự kiến sẽ phát biểu tại Đại học Columbia ở New York trong ngày 23/9.

Dân biểu Mỹ Michelle Steel đã gửi một bức thư phản đối việc trường đại học này mời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới phát biểu tại Diễn đàn Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến diễn ra vào 11 giờ sáng. Trong bức thư, bà Steel, nghị sĩ gốc Hàn Quốc của Hạ viện Mỹ đại diện Địa hạt 45 ở California – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, cho rằng Đại học Columbia không nên “tiếp nhận một trong những nhà lãnh đạo độc tài nổi tiếng nhất” trong khi thúc đẩy môi trường đại học tự do ngôn luận và biểu đạt.

Nói với Columbia Spectator, ông John Stifton, giám đốc châu Á của Human Rights Watch cho rằng “Cộng đồng Columbia nên đặt câu hỏi về hồ sơ của ông Tô Lâm và hỏi ông tại sao hàng trăm người bất đồng chính kiến vẫn phải ngồi sau song sắt.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Đại học Columbia.

Khoảng 100 người thuộc cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã biểu tình bên ngoài trụ sở LHQ ở New York hôm 22/9 khi ông Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, nơi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói “lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta.”

Share.

Leave a Reply