Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vừa có chuyến công du đến Mỹ và Cuba từ ngày 21 đến 27/9, với trọng tâm là tham dự các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Một sự kiện đáng chú ý bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là việc ông Tô Lâm gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 24/9.
Đây là một cộc mốc quan trọng khi lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam và Ukraine gặp mặt trực tiếp, theo Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay trong cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện với Ukraine.
Ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình mà nhân dân Liên Xô, trong đó có Ukraine, đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong phát triển đất nước ngày nay.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng nêu quan ngại về tình hình xung đột hiện nay và kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ukraine tại Việt Nam Gaman Oleksandr nói với BBC News Tiếng Việt rằng Kyiv tin cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là sự kiện cực kỳ quan trọng với cả hai bên và “không nên coi là nhất thời”.
“Kyiv mong đợi trong tương lai gần sẽ được chứng kiến những kết quả cụ thể và thiết thực từ các thỏa thuận đạt được trong cuộc đối thoại lịch sử này,” ông Oleksandr nói. “Sự mong đợi này phán ánh cam kết của chúng tôi trong việc biến những nguyện vọng được nêu trong cuộc gặp thành những bước đi khả thi có lợi cho cả hai quốc gia.”
Cũng theo ông Oleksandr, cuộc gặp này không chỉ báo hiệu sự thiết lập lại trong hợp tác song phương mà còn tạo cơ hội để củng cố và mở rộng mối quan hệ đã gắn kết Ukraine và Việt Nam trong nhiều thập niên.
Cuộc gặp được lên lịch trước và ‘rất hiệu quả’
Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam cho biết cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Tô Lâm đã được lên lịch trước.
Các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo được đánh giá là có trọng tâm và thể hiện tinh thần xây dựng, phản ánh mong muốn của cả hai bên trong việc củng cố và mở rộng mối quan hệ song phương.
Trước hết, Tổng thống Zelensky bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ trong quá khứ của Việt Nam, đặc biệt là khoản viện trợ nhân đạo hào phóng trị giá 500.000 USD cho Ukraine.
“Đây là một cử chỉ thân thiện mà Ukraine vô cùng trân trọng, vì nó nêu bật lòng trắc ẩn của Việt Nam đối với nỗi đau do cuộc xâm lược Ukraine mà Nga đang gây ra,” Đại sứ Oleksandr chia sẻ.
Về phía Việt Nam, truyền thông do nhà nước quản lý ngay trong hôm 25/9 đã đưa tin rầm rộ về sự kiện. Cuộc gặp cũng nhận được những phản ứng tích cực trên mạng xã hội, khi nhiều người chia sẻ hình ảnh ông Tô Lâm bắt tay ông Zelensky và bày tỏ sự hoan nghênh.
Đại sứ Oleksandr nhận định việc báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi về sự kiện là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với Ukraine và đánh giá rằng động thái này rất đáng khích lệ.
“Đây là một tín hiệu rất tích cực cho tương lai quan hệ của Hà Nội và Kyiv, một tín hiệu nhấn mạnh sự tôn trọng mà cả hai quốc gia dành cho nhau khi chúng ta giải quyết những thách thức toàn cầu phức tạp hiện nay”, Đại sứ cho hay.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết ông Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Nhận định về lập trường của Việt Nam, Đại sứ Gaman Oleksandr cho biết “Việt Nam trong một thời gian dài đã giải quyết những vấn đề địa chính trị khó khăn với quan điểm thực dụng và cân bằng, khiến cho việc ủng hộ hòa bình của Hà Nội trở nên đặc biệt có ý nghĩa.
Ông tiết lộ thêm Ukraine công nhận lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình và sự tận tâm của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế, và sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã tạo nên bầu không khí tích cực cho cuộc họp.
Cũng theo phía Ukraine, cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Zelensky “rất hiệu quả”, đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu sắc hơn trên các lĩnh vực nhân đạo, kinh tế và chính trị.
Việt Nam – Ukraine có thể hợp tác những lĩnh vực nào?
Mối quan hệ của Hà Nội và Kyiv được xây dựng trên nền tảng của tình hữu nghị và sự hợp tác cùng có lợi, có từ thời Liên Xô.
Theo thông tin từ phía Ukraine, Kyiv nhận thấy tiềm năng lớn trong việc Việt Nam tham gia vào các sáng kiến nhân đạo, tái thiết sau chiến tranh và hợp tác kinh tế với Ukraine.
“Việt Nam từng trải qua việc tái thiết sau chiến tranh trong quá khứ, đặc biệt là rà phá bom mìn và xây dựng lại cơ sở hạ tầng, hiểu được những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt,” ông Oleksandr nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng bày tỏ sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc đóng góp vào nỗ lực tái thiết Ukraine sau khi hòa bình được lập lại.
Một trọng tâm quan trọng khác trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận tầm quan trọng của thương mại nông nghiệp đối với nền kinh tế của nước mình. Cuộc trao đổi tập trung vào cách thúc đẩy thương mại song phương và vượt qua những khó khăn đã trải qua trong năm 2022.
Tổng thống Zelenskyy nói rõ rằng Ukraine mong muốn tăng cường hợp tác nông nghiệp, xét đến chất lượng cao của các sản phẩm nông nghiệp Ukraine và nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam đối với các mặt hàng này, kêu gọi các đại diện thương mại và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia trực tiếp hơn nữa.
Cả ông Tô Lâm và ông Zelensky đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở và liên tục ở mọi cấp độ – chính trị, kinh tế và ngoại giao.
Tổng thống Zelensky đã mời Việt Nam ủng hộ Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh hòa bình và tích cực tham gia Công thức Hòa bình.
Ông cũng bày tỏ hy vọng về chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Ukraine trong thời gian tới.
Lập trường của Việt Nam về cuộc chiến Ukraine
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Hà Nội luôn giữ lập trường trung lập và thường nêu quan ngại sâu sắc về xung đột vũ trang, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga.
Cụ thể, đối với năm bản nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine, Việt Nam đã bỏ 4 phiếu trắng và 1 phiếu chống, nằm trong nhóm nước thiểu số trong cộng đồng quốc tế khi bày tỏ quan điểm về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Trong khi Nga đã bị quốc tế cô lập và áp những lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ vì cuộc xâm lược, Việt Nam là một trong những nước vẫn giữ mối quan hệ giao hảo với Moscow.
Tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, quốc gia xa xôi nhất mà ông từng công du kể từ khi ký lệnh phát động cuộc chiến.
Trong một bài viết gửi cho BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2022, thời điểm cuộc xâm lược mới bắt đầu, nhà nghiên cứu Bill Hayton từ Viện nghiên cứu Chatham House tại London cho biết Việt Nam bị kẹt giữa các nghĩa vụ và các nguyên tắc của mình.
“Họ cần và coi trọng sự hỗ trợ của Nga cũng như tôn trọng sâu sắc mối quan hệ chính trị với giới lãnh đạo ở Moscow. Những cam kết này vượt trội hơn các cam kết của họ đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế,” bài viết có đoạn.
Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Putin, nhiều nhà quan sát chính trị nhận định với BBC rằng Việt Nam cần Nga vì Moscow là nhà cung cấp vũ khí chính, kiên trì hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp áp lực từ Trung Quốc, đồng thời có mối quan hệ truyền thống và gắn bó trong lịch sử. Ngược lại, Nga đang bị cô lập và không còn nhiều bạn bè nữa nên cũng cần Việt Nam.
Trả lời BBC, Đại sứ Ukraine Gaman Oleksandr cho biết Kyiv tôn trọng lập trường trung lập của Việt Nam về các cuộc xung đột trên toàn cầu, bao gồm cả cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, nhưng cuộc gặp lần này đã mở ra những cơ hội mới cho sự hợp tác rộng hơn phù hợp với các nguyên tắc chung của cả hai quốc gia.
Trong cuộc gặp, Tổng thống Zelensky công nhận cam kết kiên định của Việt Nam đối với các nguyên tắc này và đánh giá cao đóng góp nhân đạo của Việt Nam.
“Sự tham gia mang tính xây dựng này, tập trung vào hỗ trợ nhân đạo và phục hồi sau chiến tranh, mang đến cho Việt Nam cơ hội hỗ trợ Ukraine theo cách duy trì lập trường trung lập của mình trong khi vẫn đóng góp vào các nỗ lực hòa bình toàn cầu,” Đại sứ Oleksandr nói.
Leave a Reply