Người dân đổ ra đường đón năm mới
VNExpress – Tối 31/12, hàng chục nghìn người dân đổ về trung tâm ở Hà Nội, Saigon, Quảng Ninh… chờ đón thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.
-
0h55
Thành phố Thủ Đức
Tại đền Bến Nọc, màn pháo hoa dù tầm thấp nhưng khá mãn nhãn. Biển người đứng kín đường Lê Văn Việt giơ cao điện thoại để ghi lại khoảnh khắc năm mới. Nhiều em nhỏ mang khẩu trang được cha mẹ cõng trên vai reo hò thích thú khi thấy đủ sắc màu pháo hoa trên bầu trời. Nhiều người ngồi lên hàng rào, đứng trên cầu vượt chọn chỗ đẹp nhất chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ.
Đứng trên cầu vượt Lê Văn Việt, chị Phương, 33 tuổi tay cầm điện thoại livestream chia sẻ, con gái chị đang học ở Hàn Quốc và đây là Tết đầu tiên không thấy pháo hoa. “Hàn Quốc không bắn pháo hoa do Covid 19 nên tôi phát trực tiếp cho cháu xem. Ở bên kia cháu vừa nhìn vào điện thoại vừa khóc”, chị nói và cho biết hơn 1 năm hai mẹ con không được gặp do dịch bệnh. “Năm mới tôi cầu nguyện cho con gái và người thân được sức khỏe, mong đường bay được nối lại để mẹ con đoàn tụ, ước mong chỉ vậy thôi”.
Đôi Thanh Tâm và Tiến Phước, sinh viên ĐH Kiến Trúc bày tỏ tình cảm cho nhau trong khoảnh khắc giao thừa. “Lần đầu chúng mình tới đây xem pháo hoa. Màn pháo hoa cũng rất đẹp và chỗ này không quá chen chúc nhau như ở khu trung tâm”, người bạm trai chia sẻ.
Kết thúc màn pháo hoa, mọi người trật tự ra về, cùng nhau chúc những lời hạnh phúc cho năm mới.
0h40
Saigon
0h, hàng nghìn người lấp đầy ở vỉa hè các tuyến đường xung quanh hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đường ven sông Sài Gòn phía đối diện cao ốc Landmark 81, cầu Sài Gòn… (quận Bình Thạnh). Khi các tràng pháo hoa đầu tiên khai hỏa, cùng với đó là những tiếng hò reo, hứng khởi đón mừng năm mới. Nhiều người mãn nhãn với các màn pháo hoa đa sắc màu.
Nguyễn Phương Thảo, 19 tuổi, nói mình mới vào TP HCM và lần đầu cùng bạn đến xem bắn pháo hoa khu vực cao ốc Landmark 81. “Chờ hơn 3 tiếng đến thời điểm bắn pháo hoa khá mệt nhưng cảm giác rất hứng khởi do là đầu tiên. 15 phút với các màn pháo hoa rất đẹp. Tôi mong ước năm mới có nhiều điều tốt lành đến với gia đình”, Thảo nói.
Anh Phạm Ngọc Phúc, 32 tuổi, cho biết anh đưa vợ và con trai 4 tuổi từ nhà ở quận Tân Bình lên Landmark 81 xem pháo hoa. “Con trai tôi 4 tuổi, cũng sinh vào ngày 1/1. Đây là lần đầu tiên nó được xem pháo hoa”, anh Phúc nói và hy vọng trong năm mới công việc sẽ ổn định, gia đình và người thân luôn khoẻ mạnh.
Sau khi chấp tay cầu nguyện trước loạt pháo hoa đang bắn trên bầu trời, chị Tuyền mong muốn trong năm tới tình hình dịch bệnh sẽ được cải thiện. “Tôi làm ở lĩnh vực ăn uống, năm ngoái tôi thất nghiệp nhiều tháng. Hy vọng trong năm tới, mọi việc sẽ ổn thoả”, chị Tuyền nói.
Trên cầu Sài Gòn, dòng xe kẹt cứng và đang giãn dần sau khi người dân dừng đứng xem pháo hoa. CSGT đang túc trực phân làn. Trước đó, khu vực xung quanh cao ốc Landmark 81 cấm xe ra vào, nhiều người phải gửi xe xa và đi bộ vào trong.
00h10
Hà Nội
Khi đồng hồ chỉ 0h, biển người ở Hồ Gươm như vỡ òa bởi tiếng reo hò “chúc mừng năm mới”. Pháo hoa sáng rực cả góc trời.
-
0h00
TP HCM
Sau màn đếm ngược bước sang năm mới, phố đi bộ Nguyễn Huệ tưng bừng tiếng nhạc và bài hát Happy New Year truyền thống.
Trên nền trời phía hầm Thủ Thiêm, bên kia sông Sài Gòn, từng chùm pháo hoa nở rộ, báo hiệu thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới 2021. Nhiều người dân dùng điện thoại ghi lại khoảnh khắc đẹp. Nhiều em nhỏ được người thân cõng lên đầu, chăm chú theo dõi, chỉ tay lên bầu trời.
-
Ngày 30/12/2020
-
23h57
Hà Nội
Cách thời khắc chuyển sang năm cũ 15 giây, từ sân khấu Countdown, MC bắt nhịp đếm ngược. Hàng nghìn người giơ điện thoại và tay lên cùng đếm 5 – 4 – 3 – 2 – 1 và chúc mừng năm mới.
Kết thúc màn đếm ngược cũng là lúc phía Hồ Gươm vang lên tiếng bắn pháo hoa, bầu trời rực sáng. Nhiều đôi trẻ trao nhau nụ hôn và những cái ôm siết chặt. Năm 2020 khép lại, chào đón năm 2021 với nhiều thách thức và cả những cơ hội mới.
23h50Saigon
Trên sông Sài Gòn, hàng chục chiếc du thuyền kéo khu vực bến Bạch Đằng mở nhạc sôi động chờ xem pháo hoa.
Trong khi đó, gần đến giao thừa, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ càng sôi động. Biển người theo dõi chương trình đếm ngược.
23h40
Hà Nội
Trước tượng đài Lý Thái Tổ, bên cạnh Hồ Gươm, người dân tập trung xin chữ ông Đồ, xem các bà, các mẹ khiêu vũ. Sự đông đúc của cả con phố Đinh Tiên Hoàng khiến nhiều người quên đi giá rét, dù nhiệt độ ngoài trời xuống 11 độ C.
-
23h30
Thụy Điển
Cũng chờ đón giao thừa với gia đình tại Thụy Điển, chị Huỳnh Trang, 25 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, cho hay do Covid-19 nên chị không ra ngoài chơi mà ở nhà chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa như khi ở Việt Nam. Mâm cổ gồm chè xôi, trái cây và một ít món thuần Việt như gỏi tôm.
Sau giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ dùng bữa cơm thân mật đầu năm. “Năm mới, tôi chỉ mong mọi điều an lành đến với gia đình và Covid-19 sớm được dập tắt để có thể trở về Việt Nam thăm người thân”, chị Trang nói.
-
23h25
Vũng Tàu
Trời bất chợt đổ mưa nhưng dòng người đổ về sân khấu Countdown mỗi lúc một đông đúc. Họ hòa mình, nhún nhảy trong tiếng nhạc cực mạnh. Trong khi nhiều người thư thả đi dạo bộ ở công viên, ngồi trên bờ kè ven bãi biển hóng mát và trò chuyện.
Khán giả nhảy trong lễ hội âm nhạc. Video: Trường Hà.
23h20
Hà Nội
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám hầu như không còn khoảng trống. Trên sân khấu, khi ca sĩ hát rap, phía dưới cả biển người nhún nhảy, reo hò.
-
23h15
Saigon
23h, hơn một km vỉa hè hai bên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) chật kín người đứng, ngồi chờ xem pháo hoa. Trải bạt ngồi bệt xuống vỉa hè, anh Thanh, 43 tuổi, ở phường Bình Chiểu, chia sẻ, mọi năm đều đưa vợ và 2 con gái 8 tuổi và 4 tuổi về Đồng Nai xem pháo hoa, nhưng năm nay gia đình anh ở lại thành phố. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, dự định mở tiệm thuốc tây riêng của anh vẫn còn dang dở. Công ty dược anh làm việc bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu từ nước ngoài không cung cấp đủ. Hoạt động sản xuất cầm chừng, dẫn đến thu nhập giảm. “Tôi dự tính năm nay đủ tiền sẽ mở tiệm riêng mà chưa làm được. Mong rằng năm 2021 sẽ có vaccine để đẩy lùi dịch bệnh. Hoạt động sản xuất bình thường để tôi hoàn thành dự định của mình”, anh Thanh nói.
Trong khi đó, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), biển người đang xem chương trình đếm ngược đón năm mới.
23h10
Campuchia
Nguyễn Đăng Tài, 30 tuổi, quê Quảng Bình, làm việc tại nông trường ở Campuchia. Nơi cậu đang làm việc và sinh sống là vùng quê, người dân địa phương sống cũng khá đơn giản. Ngày cuối năm, mọi người vẫn đi làm bình thường song về sớm hơn mọi khi. Đến tối, nhóm công nhân là người Việt mua vài món làm bữa tiệc nhỏ rồi ngồi lại trò chuyện, ăn uống và làm vài cốc bia để có không khí chào đón năm mới.
Sang Campuchia làm việc 4 năm, Tài chưa có gia đình nên thường về quê vào dịp Tết Nguyên đán với ba mẹ. Năm nay, ảnh hưởng của dịch, cùng kinh tế khó khăn, Tài tích cóp một ít tiền gửi về cho bố mẹ rồi quyết định ở lại xứ người. “Kinh tế năm nay không bằng năm trước, nhưng mình vẫn có việc làm nên cố gắng”, Tài nói và hy vọng năm sau dịch bệnh được đẩy lùi, mọi thứ sẽ tốt lên.
-
23h02
Đà Nẵng
Trời 20 độ C, không mưa, người dân đổ đến các địa điểm có hoạt động đón năm mới như cầu Rồng, công viên châu Á và đông nhất là quảng trường 2/9, nơi diễn ra đại nhạc hội đón năm mới. Ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai, năm nay việc trang hoàng của thành phố với 65% GDP đến từ dịch vụ, du lịch không quá rộn ràng, tập trung vào một số điểm nhấn kiến trúc và xã hội hóa từ doanh nghiệp.
“2020 là một năm đầy biến động của Đà Nẵng, với hai đợt dịch Covid-19 và thiên tai. Em mong trong năm mới sẽ bình an cho mọi người và mọi nhà. Mong cho hết dịch bệnh để mọi người ổn định cuộc sống”, anh Hồ Văn, 26 tuổi, quê Quảng Trị, đang làm việc tại Đà Nẵng, nói.
23h00
Cần Thơ
Trong không khí chào năm mới, ông Nguyễn Trung Kiên – Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, năm 2020, ngành lúa gạo Việt Nam gặt hái thành công lớn. Các nguyên nhân là việc chuyển đổi nhanh và hiệu quả về cơ cấu giống lúa tốt, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đa dạng hoá được nhiều loại sản phẩm.
Gạo Việt Nam từng bước khẳng định chất lượng cao và ổn định trên thị trường thế giới. Tình hình dịch bệnh dẫn đến sự thiếu hụt cục bộ ở một số quốc gia nên Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu gạo. Việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất lượng có những bước ổn định.
Hiện giá gạo Việt Nam loại 5% tấm khoảng 520-530 USD mỗi tấn, gần như cao nhất thế giới. Mức giá cao này cao nhất hơn 10 năm qua và duy trì thời gian dài.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Ông Kiên nhận định, năm 2021, một số loại gạo thơm, đặc sản của Việt Nam được ưa chuộng trên thế giới nên nhu cầu chắc chắn sẽ tiếp tục giữ ở mức ổn định cao, giữ được giá tốt.
Phó chủ tịch Hiệp hội lương lực cho rằng, một số sản phẩm gạo cao cấp đã khẳng định được thương hiệu, nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, tài trợ cho các viện trường nghiên cứu để chất lượng các sản phẩm này ngày càng được nâng lên. Nông dân ngày càng tuân thủ các quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cộng đồng doanh nghiệp có sự phối hợp chặc chẽ với nhau để bảo vệ quyền lợi cũng như bảo đảm thị trường tránh cạnh tranh mua bán, phá vỡ thị trường.
-
22h50
Nha Trang
Càng về khuya, mưa thêm nặng hạt, trời thêm lạnh. Dòng người đổ về quảng trường 2 tháng 4 nằm sát biển trên đường Trần Phú thêm đông. Hàng nghìn người đội mưa, che dù hòa vào tiếng nhạc, nhún nhảy.
Hòa vào dòng người, Trần Việt Hiến, 29 tuổi, cũng chụp ảnh cùng vợ và con gái. Sau đó, hai người trao nhau nụ hôn và lưu giữ lại khoảnh khắc đó.
Vợ chồng Hiến từ New Zealand trở về Việt Năm nửa năm trước. Sau thời gian ở miền Bắc cả hai quyết định vào Nha Trang sinh sống và tìm cơ hội đầu tư. “Chúng tôi mất 6 tháng không thể làm gì được vì dịch, hy vọng năm mới sẽ tốt hơn”, anh Hiến nói.
22h35
Quảng Ninh
-
22h30
Saigon
Lúc 22h, tại điểm bắn pháo hoa ở đền Bến Nọc (quận 9) đông đúc người dân tấp nập đổ về. Khuôn bên trong đền chật kín người, bãi giữ xe không thể nhận thêm xe. Vì vậy, nhiều người đã tập trung ở hai bên đường Lê Văn Việt. Nhiều phụ huynh mang theo con nhỏ, có bé được mặc quần áo kín do thời tiết lúc này đang trở lạnh, khoảng 23 độ. Một số nhóm tu tập ăn uống trên vỉa hè, chờ pháo hoa đêm giao thừa.
-
22h25
Australia
Chị Nguyễn Mỹ Cầm, 29 tuổi, cùng chồng Dương Minh Trí sống ở thành phố Melbourne, cho biết ngày cuối năm, nhiệt độ tại thành phố xuống 20 độ C. Do tình hình Covid-19 nên khung cảnh nơi cô sống không náo nhiệt như mọi năm. Khách du lịch vắng vẻ. Thành phố năm nay không tổ chức chào mừng năm mới. Vợ chồng dự tiệc tại nhà hàng với người địa phương, cách đó khoảng 30 km.
Đến khuya, họ trở về rồi đi ngủ lấy sức để cùng các bạn tổ chức đón chào mừng năm mới vào hôm sau. Lần này, chủ yếu là người Việt Nam xa quê đang sống ở đó với hơn chục người.
Tại Australia, Cầm làm công việc liên quan đến ẩm thực. Chồng là kiến trúc sư. Hai vợ chồng mua một căn nhà cách khu người Việt khoảng 20 km. Ở đó, các món ăn Việt Nam bột mì, bánh chưng, bánh tét, cá khô…, được bán rất nhiều trong các cửa hàng.
Do vậy, bữa tiệc của họ vào ngày mai đã được chuẩn bị khá kỹ và ưu tiên các món ăn Việt như bánh hỏi, heo quay, gỏi, bánh bèo…, chủ yếu là tự làm vì những món này bình dân, mang đậm hương vị quê hương.
5 năm ở Australia, vợ chồng Cầm thường về Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền vì cha mẹ của cả hai đều ở quê nhà. Lần này, ảnh hưởng dịch nên họ không lên kế hoạch để về mà chỉ ở nhà hoặc đi đâu đó dành thời gian cho nhau.
Năm mới, vợ chồng Cầm hy vọng sẽ được yêu thương nhiều hơn, cùng những may mắn và dịch bệnh sớm được đẩy lùi.
-
22h20
Hà Nội
Ông Phạm Minh Hoàng, 66 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, đeo khẩu trang cùng vợ đến quảng trường Cách mạng Tháng Tám xem Countdown.
Ông Hoàng chia sẻ gia đình đã trải qua một năm đầy mệt mỏi vì Covid-19. Có thời điểm cả tháng gia đình không ai dám bước chân ra đường, lúc nào cũng sống trong lo âu. Nhờ sự đồng lòng của người dân và các biện pháp chống dịch mạnh mẽ của Chính phủ, dịch đã không lan rộng
Năm 2021, ông mong đất nước vẫn yên bình, kinh tế phục hồi.
22h10Nhật Bản
Từ tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản, Triệu Thị Mơ, 32 tuổi, cho biết, đêm 31/12, trời có tuyết rơi, nhiệt độ chỉ 4 độ C, ban ngày tăng lên 10 độ, trời âm u, thỉnh thoảng có nắng. Thời tiết thuận lợi cho việc đi lại, hoạt động ngoài trời nhưng không khí đón Tết năm nay ảm đạm hơn nhiều so với năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19.
Vào dịp Tết nhiều người Nhật sẽ chọn cách đi du lịch cùng bạn bè, hoặc về quê. Các đường lớn, trạm xe điện ngầm rất đông đúc người. Tuy nhiên, năm nay người Nhật chủ yếu đón Tết ở nhà. Họ dọn dẹp nhà cửa, trang trí căn nhà của mình và ra siêu thị mua thực phẩm về nhà nấu nướng, mở tiệc nhỏ chung vui cùng các thành viên trong gia đình. Cũng vì lý do này mà các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Nhật chật kín người dịp cuối năm.
Đã trải qua bốn cái Tết ở đất nước mặt trời mọc, Mơ cùng 10 người bạn là người Việt làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử theo diện lao động được bảo lãnh sang nước ngoài. Do ảnh hưởng của Covid-19, công ty buộc cắt giảm việc làm. Cao điểm hồi tháng 4, Mơ chỉ làm việc 4 ngày mỗi tuần, không có tăng ca, thu nhập giảm chỉ còn phân nửa so với bình thường. Nhưng vài tháng trở lại đây, tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng hơn, cô được tăng giờ làm, tăng ca hơn 20 giờ trong tháng 12.
Cô gái quê Đăk Lăk chia sẻ bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì nghỉ việc vẫn được công ty trả một phần lượng. Nhiều người lao động Việt ở Nhật phải nghỉ việc không lương, họ phải tìm cách bươn chải, làm nhiều việc khác để kiếm sống, chờ dịch qua.
“Trước kia dịp Tết dương lịch công ty thưởng một khoản tiền khoảng một triệu đồng để nhân viên ăn Tết. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khoản thưởng này bị cắt”, Mơ nói giọng buồn. Đón Tết trong thời kỳ dịch bệnh, cô cùng nhóm bạn của mình tự tổ chức một tiệc nhỏ là món lẩu hải sản và nấu bánh chưng để thưởng thức không khí Tết.
Ước muốn lớn nhất của Mơ và cũng như nhiều người lao động, du học sinh ở Nhật là sẽ thật sớm có vắc xin phòng Covid-19 để cô và tất cả mọi người trở về nhịp sống thường nhật, được tự do đi lại, thăm hỏi người thân và về quê sum họp với gia đình khi những đường bay quốc tế được mở lại.
22h10
Huế
Khu vực tổ chức Countdown ở ngã sáu TP Huế mưa lớn song hàng nghìn người vẫn đội mưa tập trung về đây theo dõi văn nghệ.
Năm 2020, Huế cũng như nhiều huyện thị của tỉnh Thừa Thiên Huế gánh chịu nhiều đợt thiên tai. Bão Noul đổ bộ ngày 18/9 quật đổ hơn 10.000 cây xanh ở thành phố, hàng trăm cột điện, gây mất điện diện rộng. Các đợt mưa tháng 10-11 cũng khiến Huế bị ngập sâu.
22h00
Hà Nội
Tại phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, nơi chuẩn bị diễn ra lễ Countdown, nhiều đôi trẻ đã tụ tập chờ sẵn và tranh thủ chụp ảnh.
Trong làn sóng Covid-19 thứ hai, Hà Nội trở thành tâm dịch. Học sinh, sinh viên liên tục nghỉ học từ tháng 2 đến đầu tháng 5.
22h00
Nha Trang
Trời mưa lâm thâm, thành phố không tổ chức chào mừng năm mới, song quảng trường 2 tháng 4 có hàng nghìn người kéo đến vui chơi. Họ mặc áo mưa, che dù theo dõi chương trình ca nhạc do tư nhân tổ chức. Gần 100 m đường Trần Phú gần quảng trường ùn tắc, cảnh sát giao thông phải tăng cường lực lượng điều tiết.
Đường đông nhưng một số cửa hàng sát bãi bãi biển đường Trần Phú khá vắng vẻ. Ngược lại, các cửa hàng trên khu phố Tây, đường Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Trần Quang Khải…, được trang trí phục đèn, đặt bàn để phục vụ khách chào đón thời khắc năm mới. Một số khách sạn cũng tổ chức đêm ca nhạc chào mừng 2021.
Anh Nguyễn Văn Hải, 35 tuổi, chở vợ và con từ huyện Diên Khánh, cách đó hơn 10 km lên trung tâm chơi. Họ đi dạo phố rồi đến nơi đông người để cùng hoà vào không khi đêm cuối năm. “Năm mới mong sớm khống chế dịch để còn ổn định mọi thứ”, anh Hải nói.
-
21h50
Saigon
Các tuyến đường trung tâm TP như: Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng lượng phương tiện đổ về rất đông, ùn tắc nghiêm trọng. Chị Nguyễn Ngọc Phượng, 32 tuổi, cho biết đi từ Hóc Môn lên đường Nguyễn Huệ để xem chưng trình đón năm mới. “Tôi phải giữ xe ở đường Lê Thánh Tôn, cách đây gần 1km đi bộ vào nơi diễn ra Countdown để không bị kẹt xe và khi về dễ lấy xe” chị Phượng nói.
Tại TP Thủ Đức, ngồi chăm chú theo dõi văn nghệ, bà Nguyễn Thị Điệu, 82 tuổi, chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi này, gắn bó với vùng đất Thủ Đức cả một đời nên rất vui khi nơi tôi ở trở lại tên gọi cũ”.
21h50
Hà Nội
Những em bé được bố cõng, bế trên tay len lỏi trong dòng người đông nghịt chờ xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Bộ Tư lệnh thủ đô sẽ chủ trì bắn pháo hoa từ 0h đến 0h15, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
21h45
Hà Nội
Dòng người đổ về các tuyến đường quanh Hồ Gươm, Hà Nội, càng lúc càng đông. Rất nhiều bạn trẻ tay trong tay dạo phố, ghi lại những khoảnh khắc ấm áp ngày cuối năm.
21h40
Vũng Tàu
Trong tiết trời mát mẻ, hàng nghìn người dân đeo khẩu trang, chen chúc ở bờ biển Bãi Trước, TP Vũng Tàu xem chương trình nghệ thuật ghi dấu năm 2020 sắp qua và đếm ngược thời khắc chào đón năm mới.
Anh Thủy (40 tuổi) hóa trang thành Tôn Ngộ Không bán kẹo trong đêm cuối năm cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của vợ chồng anh. Để có tiền trang trải cho cuộc sống 4 người, ngoài bán kẹo anh làm đủ nghề. “Tôi chỉ mong sao dịch Covid biến mất, mọi người đến Vũng Tàu vui chơi, tắm biển thì tôi sẽ bán được hàng”, anh Thủy nói.
Năm nay, do Covid-19, lượt du khách đến thành phố biển này sụt giảm, chỉ bằng 80% so với năm ngoái. “Bù lại khách đến lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn mọi năm do dịch bệnh không thể đi du lịch nước ngoài”, ông Phạm Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa TP Vũng Tàu cho biết.
21h30
Cần Thơ
Quận Ninh Kiều, nơi người dân thường đổ về vui chơi trong dịp giao thừa không đông như năm trước, phần lớn người đi đường và đến các địa điểm vui chơi đều mang khẩu trang.
Đại lộ Hoà Bình được trang trí đèn nghệ thuật đa sắc màu lấp lánh. Khu vực bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ có đông khách hơn ngày thường khoảng 30 %.
Tại nhà biểu diễn, Trung tâm văn hoá TP Cần Thơ diễn ra chương trình chào năm mới 2021 với hơn 500 người tham gia.
Vượt hơn 20 km từ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chở vợ con bằng xe máy lên Cần Thơ vui chơi đêm giao thừa Tết Dương lịch, ông Nguyễn Văn Khanh 45 tuổi cho biết, năm nay nhà nông làm ăn không thuận lợi bằng năm trước, do Covid-19 hoành hành khiến nông sản bí đầu ra. Tuy nhiên cuối năm tình hình có khả quan hơn, xuất khẩu cải thiện và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng lên nên các loại trái cây như mít, bưởi, cam… có giá trở lại.
“Tôi vừa bán xong 4 tấn mít thái loại tốt được giá 20.000-30.000 đồng mỗi kg, gấp 2-3 lần so với lúc cao điểm Coivd-19 (tháng 3) nên tranh thủ đưa vợ con lên Cần Thơ vui chơi và mua một ít đồ Tết”, ông Khanh nói và mong muốn năm mới dịch bệnh được ngăn chặn để nhà nông miền Tây làm ăn thuận lợi hơn.
21h20
Saigon
Khu vực cầu Thủ Thiêm và dọc tuyến Nguyễn Cơ Thạch (quận 2), từ 20h nhiều người đã tập trung đến chờ xem pháo hoa bắn từ hầm vượt sông Sài Gòn. Khu vực này cũng có thể xem được pháo hoa từ cao ốc Landmark 81 (quận Bình Thạnh), cách đó khoảng 2 km.
Nhiều người đến sớm, chọn các vị trí thoáng tầm nhìn để chờ thời khắc bước sang năm mới. Trên vỉa hè, các nhóm bạn bè, gia đình tụ tập vui chơi, ăn uống. Nhiều trẻ nhỏ được người lớn dắt theo, háo hức chờ xem pháo hoa. Các hàng quán, dịch vụ giải khát bên đường cũng tấp nập người ra vào. Nhiều quán đã sắp sẵn ghế ngồi trên vỉa hè từ chiều tối để đón khách, hiện nhiều nơi đã kín chỗ.
Chị Kim Giang, ngụ quận Bình Thạnh nói hôm nay cùng chồng ăn tối sớm hơn thường lệ để đi với bạn bè quây quần, chờ xem bắn pháo hoa. “Hầm vượt sông Sài Gòn là nơi tôi thường chọn đến vào dịp Tết bởi gần nhà và cũng đỡ ngột ngạt hơn khu trung tâm”, chị Giang nói và cho biết tiết trời năm nay mát mẻ nên khá háo hức chờ thời khắc đón năm mới.
Gần 21h, các tuyến đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm đông đúc các loại xe, nhiều đoạn bị ùn tắc cục bộ. Tại các giao lộ, CSGT, thanh niên xung phong… chốt trực điều tiết. Ở cầu Thủ Thiêm, 5 CSGT và dân phòng được bố trí yêu cầu các xe không được dừng đậu.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) chật kín người dân và du khách xem chương trình nghệ thuật chào năm mới. Khu vực này lắp nhiều màn hình cỡ lớn để phục vụ chương trình Countdown (Đếm ngược) trong thời khắc giao thừa.
21h15
Hà Nội
Tại sân vận động Mỹ Đình, một trong ba điểm bắn pháo hoa, UBND quận Nam Từ Liêm bố trí sân khấu ngoài trời, tổ chức biểu diễn ca nhạc. Hàng nghìn người dân đã có mặt chờ ngắm pháo hoa, rất nhiều gia đình mang cả con nhỏ đi.
21h10
Nha Trang
Chị Vera Yarochkina (33 tuổi, quê ở thành phố Saint Petersburg, Nga) cùng chồng anh Maksim, 36 tuổi và hai con (5 tháng và 7 tuổi) quây quần bên bàn ăn đêm cuối năm trong căn hộ ở TP Nha Trang.
Thực đơn họ khá đơn giản với những món ăn Olive là salad truyền thống Nga, cá muối và làm thêm bánh. Họ bật nhạc chúc mừng năm mới rồi cùng nhau trò chuyện, uống rượu champagne. Cô con gái 7 tuổi cũng nhún nhảy từng nhịp để làm quà tặng cho bố mẹ. Sau đó, cả nhà gọi điện thoại thăm hỏi sức khỏe, chúc mừng người thân nơi phương xa.
Vera nói năm nay chị muốn về quê, thăm họ hàng vì ngày Tết là gia đình được sum vầy, gặp gỡ sau thời gian xa cách. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh nên vợ chồng đành lỡ hẹn, ở lại nơi đây.
Vợ chồng chị Vera tới Nha Trang được 5 năm. Thành phố biển khiến họ thích thú khi không khí trong lành, nắng ấm. Tại phố biển, người vợ làm thợ ảnh, còn chồng thì làm nghề tự do đủ để trang trải mọi thứ để ở lại lâu dài. Đây là lần thứ hai vợ chồng họ đón Tết ở Việt Nam.
Nữ du khách cho hay, mỗi khi dịp lễ vợ chồng thường chọn ở nhà vì mọi địa điểm đều đông đúc. Tại nhà, họ có nhiều thời gian cho nhau, cùng chơi với các con. Tết năm nay cũng thế, sau khi cùng ăn tối họ sẽ chờ một vài người bạn đến nhà chơi, cùng uống rượu chúc mừng. Sau giao thừa, các bạn của họ sẽ rời đi.
“Chúng tôi tìm thấy được hương vị quê nhà qua những người bạn và các món ăn truyền thống”, chị Vera nói và cho hay chỉ mong năm mới dịch bệnh được khống chế, khi đó cả gia đình trở về quê nhà thăm người thân.
21h00
Đồng Nai
Không khí đón năm mới 2021 ở Đồng Nai trầm hơn mọi năm, đường phố ít trang hoàng, không có chương trình nào để chào mừng. Một số trung tâm thương mại, quán cà phê tổ chức ca nhạc nhẹ để người dân đến vui chơi, nghe nhạc.
Gia đình chị Hồng Minh Nguyệt ở TP Biên Hòa ra đường đón năm mới, rồi đến nghe nhạc tại một trung tâm thương mại. “Tôi mong năm mới kinh tế khởi sắc hơn, gia đình bình an và mọi đều tốt đẹp đến với mọi người”, chị Nguyệt chia sẻ.
20h55
Huế
20h50
Saigon
Tại điểm bắn pháo hoa ở Đền tưởng niệm Bến Nọc, TP Thủ Đức, trời mát mẻ, có gió nhẹ. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 25 độ c. Nhiểu người dân lái xe lên vỉa hè, một số trải nylon ngồi bệt xuống đất vì bãi giữ xe trong khu tưởng niệm hết chỗ từ 19h30.
Bên trong tổ chức các chương trình ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật với sân khấu chính trang hoàng khá lộng lẫy ngoài trời. Anh Vũ Thanh Toàn, 39 tuổi, phường Hiệp Phú cho biết tranh thủ tới sớm sợ ket xe và tìm chỗ ngồi nhưng vẫn không có chỗ gửi xe. A phải gửi ở một chung cư cách sân khấu chính chừng 200 m.
Tại đây từ 20h bắt đầu mở cửa cho người dân trong khu vực vào khu sân khấu xem văn nghệ và màn bắn pháo hoa giao thừa. Lúc 20h30, khu vực quanh sân khấu dần đông người. Lực lượng dân quân túc trực để xịt rửa tay cho khác vào, giữ xe, đảm bảo an ninh.
Ngồi dưới sân khấu, đôi bạn Quỳnh Vân (sinh viên) mang theo cả cún vào bên trong. “Năm nay rất vui vì ngay gần chỗ mình trọ có bắn pháo hoa, đỡ phải vào khu trung tâm, vừa xa lại hay kẹt xe”, Vân chia sẻ.
20h40
Hà Nội
Sau 5 năm không bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch, chào đón năm mới 2021, thành phố tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại ba điểm: Hồ Gươm; công viên Thống Nhất và sân vận động Mỹ Đình.
Sau bữa cơm tối, trong tiết trời 13 độ C, hàng nghìn người đổ về quảng trường Cách mạng Tháng Tám, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, nơi tổ chức lễ Countdown. Cảnh sát giao thông dựng rào chắn rào từ ngã tư Hàng Bài – Trần Hưng Đạo, ngăn ôtô vào khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Nhiều người phải gửi xe máy cách sân khấu gần 1km với giá 50.000 đồng/xe máy.
Công an và nhân viên y tế đứng chốt ở các lối đi vào phố đi bộ, yêu cầu tất cả người dân đeo khẩu trang phòng Covid-19.
Cũng trong tối 31/12, thành phố Hà Nội tổ chức khai trương, mở rộng không gian đi bộ. Thêm 8 tuyến phố cổ trở thành phố đi bộ từ ngày 1/1/2021, gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng; ba ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.
20h30
Saigon
Năm nay, để mừng thành lập TP Thủ Đức, thành phố bắn pháo hoa ở bốn điểm, gồm: 2 điểm tại đầu hầm Thủ Thiêm (quận 2) và tòa nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh); hai điểm tầm thấp tại Công viên văn hoá Đầm Sen (quận 11) và Khu Công nghệ cao (quận 9). Thời gian bắn 15 phút, từ 0h đến 0h15 ngày 1/1/2021.
Trong đó, khu vực đầu hầm Thủ Thiêm bắn khoảng 1.500 quả pháo tầm cao, 30 giàn tầm thấp và 10 giàn hoả thuật. Toà nhà Landmark và Công viên Central Park bắn 800 quả tầm cao, 6.200 ống tầm thấp và hoả thuật. Công viên Văn hoá Đầm Sen bắn 90 giàn tầm thấp và 30 giàn hoả thuật…
Để đảm bảo trật tự giao thông thời gian tổ chức đón năm mới 2021, từ 20h ngày 31/12 đến 0h30 ngày 1/1/2021, tất cả xe bị cấm đi vào phố đi bộ Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng, quận 1).
Ngoài ra, xe tải nặng, xe container bị hạn chế chạy trên đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống (quận 2) trong thời gian tổ chức lễ công bố thành lập TP Thủ Đức (từ 6h đến 12h ngày 31/12).
Hàng nghìn quả pháo tầm cao, tầm thấp được lắp đặt tại 4 điểm tại TP HCM, sẵn sàng khai hỏa chào mừng năm 2021.
20h00
Quảng Ninh
Trời không mưa, nhiệt độ xuống 13 độ C, hàng nghìn người vẫn kéo về quảng trường 30/10, TP Hạ Long, để tham dự chương trình Chào mừng năm mới 2021.
Chương trình với nhiều nội dung như: Liên hoan vũ điệu tuổi trẻ Hạ Long do 52 câu lạc bộ, nhóm nhảy, nhóm nhạc lứa tuổi tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố biểu diễn; biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của trên 200 ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp.
Thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa từ 0h đến 0h10 ngày 1/1.
Leave a Reply