Friday, May 3 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bài bình luận của Sơn Hồng Đức

2021.12.15
Bị Mỹ cấm vận, báo chí Campuchia “bới móc” Việt Nam thiếu dân chủHình minh hoạ: Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại một họp báo ở Phnom Penh hôm 17/9/2021
 AFP

Báo chí Campuchia mới đây chỉ trích Mỹ cấm vận vũ khí nước này vì những vi phạm nhân quyền và thiếu dân chủ, đồng thời nêu Việt Nam là một ví dụ thiếu dân chủ nhưng Mỹ lại vẫn muốn cải thiện quan hệ.

Tờ Khmer Times hôm 13/12 có bài viết nhận định: “Mỹ là nước đòi dân chủ từ Campuchia nhưng lại có quan hệ cực kỳ thân thiết với Việt Nam cộng sản”.

Bài viết này đưa ra vào lúc quan hệ giữa Mỹ và Campuchia đang trở nên căng thẳng, không phải chỉ có vấn đề nhân quyền mà còn vì vấn đề Phnom Penh đang ngày càng nhích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Mỹ cấm vận vũ khí Campuchia

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2021, Bộ Ngoại giao và Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ (BIS) đã công bố Quy tắc cuối cùng (Final Rules), theo đó đã bổ sung Campuchia vào Danh sách quốc gia về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) § 126.1 (1), và áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Campuchia (2). Bộ Ngoại giao và BIS cho biết, tình trạng tham nhũng phổ biến và vi phạm nhân quyền xảy ra khắp Campuchia, cũng như mối quan hệ của chính phủ Campuchia với quân đội Trung Quốc là trái với lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Theo các quy định này, Mỹ sẽ hạn chế việc xuất khẩu, tái xuất khẩu và chuyển giao vũ khí, thiết bị và những vật liệu liên quan tới mục đích quân sự và thu thập thông tin tình báo sang Campuchia. Các công ty sẽ phải đăng ký, xin giấy phép đối với những sản phẩm xuất khẩu trong một danh sách bị giới hạn, trong đó gồm cả các sản phẩm lưỡng dụng (3).

Chuỗi hành động tiếp nối

Đây là hành động nối tiếp của Mỹ nhắm vào Campuchia. Cách đây một tháng, ngày 10/11, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ (OFAC) cũng đã tuyên bố trừng phạt hai quan chức chính phủ Campuchia, đó là ông Chau Phirun và Tea Vinh, vì vai trò của họ trong tham nhũng ở Campuchia. Hai cá nhân này bị trừng phạt theo Sắc lệnh Hành pháp (E.O.) 13818, được xây dựng và thực hiện dựa trên Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, nhắm vào những thủ phạm tham nhũng và xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng trên khắp thế giới (4).

Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài Andrea M. Gacki cho biết: Hoa Kỳ sẽ không đứng nhìn các quan chức tham nhũng hưởng lợi cá nhân bằng cái giá phải trả của người dân Campuchia. Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục ưu tiên các nỗ lực chống tham nhũng và làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy trách nhiệm giải trình.” (5)

Quyết định cấm vận vũ khí đối với Campuchia được đưa ra một tháng sau khi ba cơ quan, bao gồm: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố một bản Khuyến cáo các doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện đang hoạt động hoặc đang cân nhắc hoạt động tại Campuchia cần lưu ý đến các tương tác với các tổ chức và lĩnh vực có khả năng liên quan đến vi phạm nhân quyền, các tội phạm, các hoạt động và các phương thức kinh doanh tham nhũng.” (6)

Điều đặc biệt là Lệnh trừng phạt hai quan chức này còn liên quan đến việc thu thập thông tin tình báo quân sự của Campuchia, khi quyết định trừng phạt này chỉ đích danh một trong các cơ quan bị trừng phạt, đó là Tổng cục Nghiên cứu và Tình báo của Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) (7). Mặc dù báo chí Campuchia chỉ cho biết ông Tea Vinh là quan chức của RCAF, nhưng Đài phát thanh Dân chủ còn tiết lộ thêm thông tin là tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ còn ám chỉ tới người đứng đầu RCAF, chính là ông Hun Manith – con trai thứ của ông Hun Sen (8). Ông Hun Manith đã giữ chức vụ này từ năm 2017.

2012-10-18T120000Z_652629915_GM1E8AI1BVI01_RTRMADP_3_CAMBODIA.JPG
Ông Hun Manith (bên trái), con trai Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự một buổi lễ cùng các sinh viên tình nguyện tại Phnom Penh hôm 18/10/2012. Reuters

Lý do nào dẫn đến quyết định trên?

Mặc dù trong quyết định trừng phạt tháng trước và quyết định cấm vận vũ khí mới đây, phía Mỹ đều đưa ra các lý do vi phạm nhân quyền, tham nhũng và các hoạt động tội phạm, nhưng phía Mỹ cũng không giấu giếm các mục tiêu chính trị khác:

“Vào tháng 6 năm 2021, trong chuyến thăm chính thức Campuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự hiện diện quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và việc xây dựng các cơ sở tại Căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia. Thứ trưởng Sherman nhấn mạnh rằng một căn cứ quân sự của CHND Trung Hoa được sử dụng độc quyền ở Campuchia sẽ làm suy yếu chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Campuchia.” “Hoa Kỳ đã xác định rằng việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở Campuchia cùng các hoạt động tham nhũng và vi phạm nhân quyền của các thành viên chính phủ Campuchia, bao gồm cả quân đội Campuchia, là trái với lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.” (9)

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng cho biết: Chúng tôi kêu gọi chính phủ Campuchia đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đồng thời hành động nhằm hạn chế ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở Campuchia, vốn đang đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu.” (10)

Yếu tố Trung Quốc trong quan hệ Mỹ – Campuchia đã được Mỹ thẳng thắn nói ra. Điều này đặt ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung vẫn đang đến hồi quyết liệt và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chuyên gia Paul Chambers, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Đại học Naresuan (Thái Lan), cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã “biến Campuchia thành thực thể phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về kinh tế, quân sự và chính trị”, và dư luận không nên coi nhẹ cáo buộc của Mỹ. Ông phân tích: Những cáo buộc này có thể làm xấu đi quan hệ Campuchia-Mỹ, nhưng mối quan hệ đó vốn dĩ đã căng thẳng đến mức chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Campuchia có thể lún sâu hơn nữa vào quỹ đạo của Trung Quốc” (11). Sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở Campuchia còn có những hàm ý liên quan đến vấn đề Biển Đông và các tranh chấp lãnh thổ khác. Campuchia từng ngăn chặn sự đồng thuận của ASEAN hồi năm 2016, trong đó đáng ra đã có lời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết quốc tế có lợi cho Philippines trong cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

000_1J42Z0.jpg
Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. AFP

Tác động của lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia

Trên thực tế, Campuchia sử dụng rất ít các vũ khí, khí tài và các phương tiện quân sự khác của Mỹ. Chính vì vậy, việc đưa ra lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia được hiểu là một cách bày tỏ thái độ “thù địch” của Mỹ đối với quốc gia này. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí này cũng có một số tác động nhất định.

Thứ nhất, lệnh cấm vận vũ khí này sẽ ngăn cản việc hợp tác quân sự và quốc phòng của Campuchia với toàn bộ các quốc gia phương Tây. Các quốc gia này sẽ ngại ngần để có thể phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng với Campuchia được. Đặc biệt, các thông tin tình báo trong các lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh thì phía Campuchia sẽ không có cơ hội để tiếp cận, ví dụ như các hình ảnh vệ tinh…

Thứ hai, lệnh cấm vận này được đưa ra với các lý do vi phạm nhân quyền, các hoạt động tội phạm và tình trạng tham nhũng của chính quyền Campuchia sẽ làm hoen ố hình ảnh của chính quyền Campuchia, đặc biệt trước cuộc bầu cử sắp tới. Nó cũng làm thúc đẩy tâm lý nghi ngờ chính quyền Hun Sen, và sẽ tác động đến các phong trào chống lại chính quyền Campuchia.

Tuy nhiên, quyết định trừng phạt và cấm vận vũ khí mới chỉ là “màn dạo đầu” trong các hành động cô lập và đe doạ đối với Campuchia. Sẽ có nhiều hành động khác mạnh hơn do chính quyền Mỹ đưa ra, nếu Campuchia tiếp tục dấn sâu vào các hoạt động với Trung Quốc. Đặc biệt, khoản nợ gần 500 triệu USD mà Mỹ yêu cầu Campuchia phải trả, sẽ được Mỹ dùng để áp lực Campuchia thời gian sắp tới. Khoản nợ này bắt đầu từ các khoản vay của chính quyền Lon Nol từ những năm 1970, với trị giá ban đầu là 274 triệu USD (12).

Campuchia nên học gì từ Việt Nam

Báo chí Campuchia thân chính phủ đã buông ra những lời hằn học với Mỹ, nhưng cũng không quên kéo theo “ông bạn láng giềng” Việt Nam vào. Tờ Khmer Times viết: “Mỹ là nước đòi dân chủ từ Campuchia nhưng lại có quan hệ cực kỳ thân thiết với Việt Nam cộng sản. Mỹ là nước thúc giục Campuchia cắt quan hệ với Trung Quốc nhưng không đưa ra phương án thay thế tương xứng nào.” (13)

Có lẽ Campuchia khi nhắc tới Việt Nam ở đây thì cũng nên học hỏi kỹ Việt Nam đã làm những gì để cải thiện quan hệ Việt – Mỹ. Chúng ta nên biết là sau khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã hết sức căng thẳng. Mỹ cũng đã cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mới được Mỹ gỡ bỏ năm 2016, thời gian cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Điều này có vẻ ngược lại trong quan hệ Mỹ – Campuchia hiện thời.

Mặc dù ngay cả bây giờ, khi Mỹ đã rút lại lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, thì quốc gia này cũng chưa dễ gì mua được vũ khí gì từ Mỹ, vì còn nhiều rào cản khác. Nhưng rõ ràng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí này, chí ít đối với Việt Nam, là một tín hiệu quan trọng cho việc phát triển quan hệ Việt – Mỹ. Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm cho thấy việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương và chuẩn bị cho hai nước các biện pháp hợp tác quốc phòng thực chất và có ý nghĩa hơn trong tương lai. (14)

Nhưng tại sao Việt Nam lại rất cố gắng thay đổi não trạng để phát triển quan hệ với Mỹ? Mặc dù trước đó Việt Nam đã có quan hệ lâu dài và truyền thống với Trung Quốc. Điều đó, như một nhà ngoại giao Việt Nam đúc kết “muốn phát triển đất nước, thì phải có quan hệ tốt với Mỹ, vì Mỹ nắm trong tay những công nghệ tiên tiến nhất, Mỹ cũng đang chi phối đến hầu hết các định chế quốc tế quan trọng.” Những chính quyền nào có quan hệ tốt với Mỹ đều có lợi ích rất nhiều cheo quốc gia của họ. Còn quan hệ với Trung Quốc ư? Đó lại là chiều ngược lại.

Đây chính là điều mà Campuchia nên học hỏi từ Việt Nam, chứ không chỉ là hằn học bới móc “người anh em láng giềng” của họ, cho dù đó là Việt Nam Cộng sản.

_________________

Share.

Leave a Reply