Friday, May 3 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
January 26, 2022

GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus chắc chắn sẽ đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc WHO nhiệm kỳ thứ hai sau một cuộc bỏ phiếu có tính cách thủ tục vào hôm Thứ Ba, 25 Tháng Giêng, khiến ông là ứng cử viên duy nhất cho cuộc bầu cử vào Tháng Năm.

Ông là người Châu Phi đầu tiên đảm nhận chức vụ tổng giám đốc WHO, theo AFP. Ông Tedros xúc động bày tỏ rằng bản thân mình “rất biết ơn vì sự ủng hộ,” sau khi ban điều hành WHO tổ chức bỏ phiếu kín thông qua đề cử ông là ứng cử viên duy nhất cho vị trí tổng giám đốc.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP via Getty Images)

Đa số trong 34 thành viên của ban điều hành WHO bỏ phiếu ủng hộ ông. Một nguồn tin cho biết ông chỉ bị mất ba phiếu từ những đại diện vắng mặt của Tonga, Afghanistan và Đông Timor.

Ông sẽ chính thức tái đắc cử vào Tháng Năm khi tất cả 194 thành viên WHO bỏ phiếu bầu tổng giám đốc tương lai, bởi vì ông là ứng cử viên duy nhất.

Ông Tedros là một nhân vật nổi tiếng trong cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới. Ông thừa nhận nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của mình “đầy thử thách và khó khăn,” và bày tỏ bản thân “rất vinh hạnh” khi tiếp tục được trao cơ hội.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ông Tedros nhận được nhiều lời khen về cách điều hành WHO. Các quốc gia Châu Phi hài lòng khi ông dành nhiều sự chú ý cho châu lục này và thực hiện các chiến dịch để các quốc gia nghèo cũng có vaccine.

Tuy nhiên chính quê nhà của ông, nước Ethiopia, lại là bên phản đối ông. Chính phủ Ethiopia cáo buộc ông vi phạm hành vi sai trái và “lạm dụng chức quyền” để thúc đẩy tuyên truyền trong một sự việc liên quan tình huống nhân đạo.

Mặc dù vậy ý kiến của Ethiopia không được ủng hộ. Ông được nhiều nước Châu Phi và 28 nước Châu Âu chủ chốt đưa tên vào danh sách ứng cử viên.

Chính phủ Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ với ông Tedros. Đây là sự thay đổi lớn bởi vì thời ông Donald Trump muốn rút Mỹ ra khỏi WHO vì cho rằng WHO là con rối giúp Bắc Kinh che đậy nguồn gốc đại dịch. Tuy nhiên ông Joe Biden cho ngừng việc rút khỏi WHO và ủng hộ ông Tedros, người lúc này có hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.

Ngoài vấn đề đại dịch, ông cũng bị chỉ trích trong việc giải quyết các cáo buộc cho rằng giới chức nhân đạo có hành vi cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục. Ông chỉ khẳng định WHO “không khoan nhượng trước hành động này.”

Có vẻ trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Tedros sẽ phải dồn nỗ lực chấn chỉnh WHO, sau khi COVID-19 khiến bộc lộ những yếu điểm của tổ chức này. Nhiều quốc gia yêu cầu phải có cải cách lớn lao, nhưng đến mức độ nào và bằng cách thức nào thì vẫn chưa rõ ràng. Một số quốc gia khác lại lo ngại rằng nếu WHO mạnh hơn thì sẽ xâm phạm chủ quyền của họ. (V.Giang) [qd]

Share.

Leave a Reply