Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :18/5/2022

Mỹ thu thập, phân tích bằng chứng tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 17/5 thông báo khởi động một chương trình mới để thu thập và phân tích bằng chứng về tội ác chiến tranh và các hành động tàn sát khác bị cáo buộc là do Nga gây ra ở Ukraine, trong lúc Washington tìm cách đảm bảo Moscow phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ.

Bộ Ngoại giao cho hay Đài quan sát Xung đột sẽ cung cấp tài liệu, kiểm chứng và phổ biến bằng chứng nguồn mở về các hành động của Nga ở Ukraine. Các báo cáo và phân tích sẽ được cung cấp thông qua trang mạng của Đài quan sát Xung đột.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích Nga về điều mà ông gọi là “tội ác chiến tranh lớn” đã xảy ra ở Ukraine, và nhấn mạnh quyết tâm quy trách nhiệm cho Moscow vì đã phát động cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai.

Chính phủ Kyiv tố cáo Nga có hành vi tàn sát và tàn bạo đối với thường dân trong cuộc xâm lược và cho biết đã xác định được hơn 10.000 trường hợp có thể là tội ác chiến tranh.

Nga phủ nhận nhắm vào thường dân và nói, nhưng không có bằng chứng, rằng các dấu hiệu của việc tàn sát đã được dàn dựng.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay chương trình mới, đang được thành lập với khoản đầu tư ban đầu 6 triệu đô la, sẽ phân tích và lưu giữ thông tin, bao gồm hình ảnh vệ tinh và thông tin được chia sẻ trên truyền thông xã hội, để có thể được sử dụng trong các cơ chế quy trách nhiệm hiện có và trong tương lai.

“Chương trình Đài quan sát Xung đột mới này là một phần trong một loạt các nỗ lực của chính phủ Mỹ ở cả cấp quốc gia và quốc tế được thiết kế để đảm bảo quy trách nhiệm trong tương lai đối với các hành động khủng khiếp của Nga”, tuyên bố nói.

Chương trình là sự hợp tác với công ty hệ thống thông tin địa lý Esri, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nhân đạo của Đại học Yale, Sáng kiến Cứu hộ Văn hóa Smithsonian và PlanetScape Ai, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết và nói thêm rằng nguồn tài trợ trong tương lai sẽ đến từ Sáng kiến Phục hồi Dân chủ châu Âu.

Một tòa án Ukraine đã tổ chức phiên điều trần sơ khởi vào ngày 13/5 trong phiên xử tội ác chiến tranh đầu tiên phát sinh từ cuộc xâm lược từ hôm 24/2 của Nga, sau khi buộc tội một người lính Nga bị bắt vì giết một thường dân 62 tuổi.

Nga đã ném bom các thành phố thành đống đổ nát và hàng trăm thi thể thường dân được tìm thấy ở các thị trấn nơi lực lượng của họ rút đi kể từ khi bắt đầu điều mà họ gọi là ‘chiến dịch đặc biệt’ nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Kyiv và các đồng minh phương Tây nói rằng đó là cái cớ vô căn cứ cho một cuộc chiến tranh phi lý.

Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, Michelle Bachelet, tuần trước nói rằng có nhiều ví dụ về khả năng tội ác chiến tranh kể từ cuộc xâm lược của Nga, và nói thêm rằng 1.000 thi thể đã được tìm thấy cho đến nay ở vùng Kyiv.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 25/4 cho biết sẽ tham gia một nhóm chung với các công tố viên Ukraine, Ba Lan và Litva điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại lực lượng Nga.

Ukraine có ít kinh nghiệm trong việc khởi tố những vụ việc như vậy. Năm ngoái, Quốc hội nước này đã thông qua luật để cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho các cuộc truy tố tội phạm chiến tranh phù hợp với thông lệ quốc tế, bà Zera Kozlyieva, phó trưởng đơn vị tội phạm chiến tranh tại văn phòng tổng công tố, cho hay vào tháng trước.

Bà cho biết trước đây đất nước chỉ kết án 3 cá nhân vì các tội danh từ năm 2014 đến cuộc xâm lược hồi tháng 2 năm nay. Đó là liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực tranh chấp Donbas và Crimea, đã được sáp nhập bởi Nga.

Thừa nhận trên truyền hình, nhà báo Nga nói về tình trạng khó khăn của quân đội tại Ukraina

Một nhà báo người Nga gần đây đã xuất hiện trên truyền hình và đưa ra một đánh giá đáng kinh ngạc về tình hình ở Ukraina từ góc độ của Nga.

Mikhail Kodaryonok đã có mặt trên một kênh truyền hình nhà nước Nga hôm thứ Hai với tư cách là một phần của một chương trình bình luận, nơi ông nói về tình hình ở Ukraina và những hoàn cảnh khá thảm khốc mà Nga tự nhận thấy.

Trong đoạn clip dài 4 phút rưỡi, Khodaryonok bình luận về việc nước Nga bị cô lập như thế nào sau cuộc tấn công vào Ukraina. Ngoài ra, ông còn đề cập đến việc Nga đe dọa Phần Lan vì đã tìm kiếm tư cách thành viên NATO.

Ông nói: “Và một lần nữa, chúng ta hãy xem xét tình hình một cách tổng thể từ vị trí chiến lược. Đừng tham gia vào các cuộc tấn công bằng tên lửa về hướng Phần Lan. Suy cho cùng, sự thiếu sót chính của vị trí quân sự-chính trị của chúng ta, theo một cách nào đó, chúng ta đang hoàn toàn bị cô lập về địa chính trị, và dù rất ghét phải thừa nhận điều này, nhưng hầu như cả thế giới đều chống lại chúng ta. Và đó là tình huống mà chúng ta cần phải thoát ra”.

Bình luận của ông Khodaryonok được đưa ra sau khi các lực lượng quân sự Nga phải chịu một loạt thất bại tính đến hiện tại. Hôm thứ Hai, một nỗ lực tấn công của các lực lượng Nga đã thất bại khi họ cố gắng tiến vào vùng Sumy của Ukraina. Các báo cáo tuần trước cho rằng Nga đang thất thế trước các lực lượng Ukraina trong khi cũng không đạt được “tiến bộ đáng kể” nào trong cuộc tấn công của mình.

Ngoài ra, theo một báo cáo tình báo cuối tuần qua từ Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, ước tính rằng Nga có khả năng đã mất “một phần ba” lực lượng trên bộ đang chiến đấu ở quốc gia Đông Âu này.

Nhà báo Khodaryonok vẫn tiếp tục và vẽ ra một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn cho Nga. ông nói về nguồn cung cấp vũ khí khổng lồ sắp được cung cấp cho người Ukraina.

Ông cho biết: “Nhưng tình hình từ vị trí chiến lược tổng thể là các lực lượng vũ trang Ukraina có thể trang bị vũ khí cho một triệu người. Họ tự nói rằng ‘đối với chúng tôi, không có gì khó khăn khi huy động một triệu người.’ Toàn bộ vấn đề là họ có thể cung cấp cho đội quân vũ khí và khí tài quân sự hiện đại ở mức độ nào. Tất nhiên, tự thân họ sẽ không làm được gì, nhưng chương trình Cho thuê quân sự của Mỹ sắp bắt đầu hoạt động và sự kháng cự của một thượng nghị sĩ duy nhất sẽ bị bỏ quả một cách nhanh chóng”.

Ông tiếp tục đề cập đến việc châu u đang gia tăng viện trợ và cách thức điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của người Ukraina.

Ông nói: “Và nếu viện trợ của châu Âu có hiệu lực đầy đủ, một triệu binh sĩ Ukraina có vũ trang cần được coi là hiện thực của tương lai gần. Và chúng ta cần tính đến điều đó trong các tính toán chiến lược và hoạt động của mình. Về vấn đề này, tình hình đối với chúng ta thẳng thắn mà nói là sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Ông Putin trực tiếp tham gia chỉ huy tác chiến Ukraina ở ‘cấp đại tá hoặc chuẩn tướng’

The Guardian ngày 16/5 dẫn các nguồn tin quân sự phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp đưa ra các quyết định về tác chiến và chiến thuật “ở cấp đại tá hoặc chuẩn tướng” trong cuộc chiến tại Ukraina.

Theo các nguồn tin, Tổng thống Nga đang giúp xác định sự di chuyển của quân Nga ở Donbass, nơi mà tuần trước lực lượng Nga đã phải chịu một thất bại nặng nề khi họ cố gắng nhiều lần để vượt qua một con sông ở phía đông Ukraina.

Các nguồn tin cho biết thêm rằng ông Putin vẫn đang làm việc chặt chẽ với Tướng Valery Gerasimov, tư lệnh các lực lượng vũ trang của Nga, trái ngược với tuyên bố của Ukraine hồi tuần trước rằng ông người đứng đầu quân đội đã bị gạt sang một bên.

“Chúng tôi nghĩ Putin và Gerasimov có liên quan đến việc ra quyết định chiến thuật ở cấp độ mà chúng tôi thường dự kiến là do đại tá hoặc chuẩn tướng đảm nhận”, nguồn tin quân sự cho biết, đề cập đến trận chiến đang diễn ra ở phía đông Ukraina.

Quân đội của Matxcova cho đến nay đã không thể đạt được một bước đột phá ở Donbas, nơi họ đã tổ chức một cuộc tấn công trong một tháng và đã thất bại nhiều lần trong việc bao vây các đơn vị quân đội của Ukraina.

Dịch vụ Internet Starlink của tỷ phú Elon Musk hiện đã phủ sóng tại 32 quốc gia

Hôm thứ Năm (12/5), SpaceX tiết lộ, Starlink hiện đã có mặt ở 32 quốc gia. Ngoài ra, SpaceX đã lên kế hoạch phủ sóng dịch vụ Internet siêu nhanh này ở nhiều quốc gia khác trong những tháng tới và những năm tới.

SpaceX của Giám đốc điều hành Tesla Inc Elon Musk cho biết, họ đã mở rộng đáng kể phạm vi phủ sóng của Starlink, dịch vụ Internet siêu nhanh dựa trên vệ tinh của mình.

SpaceX đăng trên Twitter: “Starlink hiện đã có mặt ở 32 quốc gia trên khắp thế giới. Những người đặt hàng từ các khu vực được đánh dấu ‘có sẵn’ thì hệ thống Starlink của họ sẽ được giao hàng ngay lập tức”.

Starlink của SpaceX là một mạng lưới vệ tinh tư nhân đang được triển khai, bay lơ lửng trên quỹ đạo thấp nhằm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên khắp thế giới. Hiện có hơn 1.500 vệ tinh Starlink đang hoạt động.

Starlink sử dụng hàng nghìn vệ tinh nhỏ trên quỹ đạo cách bề mặt trái đất khoảng 340 dặm để chiếu xuống mạng internet tốc độ cao, đặc biệt là đến những vùng xa xôi, kể cả những vùng bị thiên tai hoặc chiến tranh tàn phá.

Tuy nhiên, Starlink đã phải đối mặt với các rào cản pháp lý tại Ấn Độ và đã phải hoàn tiền lại cho những người đăng ký đã đặt hàng trực tuyến.

Với kinh nghiệm hơn 2.500 phóng vệ tinh cho đến nay, Starlink hy vọng sẽ đưa 4.425 vệ tinh vào quỹ đạo trước năm 2024. Ủy ban Truyền thông Liên bang của Hoa Kỳ đã phê duyệt cho phép Starlink phóng 11.943 vệ tinh lên quỹ đạo.

Năm ngoái, tỷ phú Elon Musk cho biết, ông hy vọng dịch vụ này sẽ “sớm có mặt trên toàn thế giới”.

Gần đây Starlink đã chứng tỏ hiệu quả tại Ukraine, quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hệ thống này đã đảm bảo việc cung cấp dịch vụ internet siêu nhanh cho hơn 150.000 người đăng ký sử dụng sản phẩm ở Ukraine cho đến đầu tháng 5. Tuy nhiên, phần lớn người dùng Starlink vẫn là ở Bắc Mỹ, mặc dù dịch vụ này đã mở rộng phạm vi phủ sóng ở Úc, New Zealand, châu Âu, và châu Phi.

Từ bỏ đăng cai Asian Cup, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ phải chăng thất vọng với bóng đá nam

Trung Quốc thông báo từ bỏ quyền đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023, lý do đằng sau khiến Trung Quốc đưa ra quyết định này là gì?

Sau khi hoãn và hủy bỏ một số sự kiện thể thao, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cách đây vài ngày đã thông báo rằng họ từ bỏ quyền đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023. Một số nhà phân tích cho rằng việc ĐCSTQ từ bỏ Asian Cup có thể liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, nhưng nhiều khả năng nó liên quan đến sự thất vọng của ban lãnh đạo cấp cao đối với thành tích của đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc.

Vào ngày 6/5, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19, dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 25 tháng 9 tại Hàng Châu, đã bị hoãn lại do dịch bệnh. Đại hội Thể thao Trẻ châu Á dự kiến tổ chức tại Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông vào cuối năm cũng bị hủy bỏ. Thế vận hội mùa hè Đại học Thế giới lần thứ 31, ban đầu dự kiến tổ chức tại Thành Đô, Tứ Xuyên vào tháng 6 đã bị hoãn lại đến năm 2023.

Ngày 14/5, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xác nhận Trung Quốc đã từ bỏ quyền đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023.

Cùng ngày, Ban tổ chức Asian Cup Trung Quốc ra thông báo cho biết, AFC Asian Cup 2023 ban đầu dự kiến tổ chức tại Trung Quốc từ ngày 16/6 đến 16/7/2023. Nhưng do tình hình dịch bệnh nên ban tổ chức Trung Quốc khó có thể đưa ra các cam kết và sắp xếp để Asian Cup năm sau được tổ chức theo “chế độ hoàn toàn mở”. Sau khi cân nhắc ban tổ chức quyết định Asian Cup lần này sẽ được tổ chức ở một địa điểm khác.

Về vấn đề này, một số người hâm mộ Trung Quốc tỏ ra khó hiểu: “Vẫn còn 14 tháng nữa mới diễn ra giải đấu, và bây giờ chúng ta buộc phải cam kết ngăn chặn dịch bệnh? Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Tại sao phải quyết định trước lâu như vậy?”

Tờ ‘Minh Báo’ của Hồng Kông hôm 17/5 bình luận rằng việc hủy bỏ một sự kiện thể thao quốc tế lớn sẽ diễn ra một năm sau đó là điều khá bất ngờ. Việc bỏ Asian Cup lần này có thể liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng ở mức độ lớn hơn có lẽ là do sự thất vọng của ban lãnh đạo cấp cao nhất đối với thành tích của đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc.

Bài báo cho biết ông Tập Cận Bình tự nhận mình là một “fan cuồng bóng đá”, sau khi phụ trách công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh trên cương vị chủ tịch nước, ông đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến bóng đá Trung Quốc. Ông từng nói rằng đội tuyển Trung Quốc được dự World Cup, đăng cai World Cup và vô địch World Cup là “ba điều ước” của mình.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, năm 2014, Bộ Giáo dục thông báo sẽ thiết lập và cải thiện cơ chế giải bóng đá bốn cấp cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, đồng thời có kế hoạch mở rộng số lượng trường dạy bóng đá được chỉ định lên khoảng 20.000. Vào năm 2015, Nhóm cải cách sâu rộng của Ủy ban Trung ương đã xem xét và thông qua “Kế hoạch tổng thể về cải cách bóng đá của Trung Quốc”, với mục tiêu trung hạn là bóng đá nam trở thành một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Á.

Theo bài báo, màn trình diễn của đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến người hâm mộ Trung Quốc, trong đó có ông Tập thất vọng. Ở loạt đấu quốc tế, khoảng cách với các đội hàng đầu châu Á không những bị nới rộng hơn, mà còn lần lượt để thua Thái Lan, Việt Nam, hòa Philippines và Ấn Độ, khiến thứ hạng châu Á tụt từ thứ 9 xuống thứ 10 trong bảng xếp hạng. Ở AFC Champions League năm nay, hai CLB thuộc Super League của Trung Quốc đã cử đội trẻ của mình thi đấu chiếu lệ, khiến dư luận quốc tế chỉ trích.

Bài báo kết luận rằng, theo tình hình hiện tại, cơ hội hồi sinh sau một năm của đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc là rất nhỏ. Thi đấu với phong độ như vậy ở nhiều thành phố của Trung Quốc sẽ không chỉ là một sự ô nhục mà còn gây ra tình trạng bất ổn cho người hâm mộ và các sự cố xã hội.

Vào ngày 16 tháng 4 năm nay, hai đội bóng thuộc Super League của Trung Quốc là Sơn Đông Thái Sơn và Quảng Châu đã thi đấu ở vòng bảng AFC Champions League, ở lượt trận đầu tiên, Sơn Đông Thái Sơn đã để thua 0: 7 trước Daegu FC, cường quốc của giải VĐQG Hàn Quốc, đội Quảng Châu thua 0: 5 trước đội Malaysia Johor. Trong ngày thi đấu đầu tiên, hai đội Trung Quốc đã để thua tới 12 bàn và không ghi nổi một bàn thắng nào.

Một bài bào khác cho rằng trong hai trận đấu này, thủ môn của cả hai đội đều mắc những lỗi cơ bản, thậm chí còn mắc nhiều lỗi nghiệp dư hơn cả nghiệp dư. Hai đội bóng do Hiệp hội bóng đá Trung Quốc cử đến đã thi đấu vô cùng thất vọng, điều đó khiến chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan) mất mặt.

Bài báo đánh giá của “Những người sáng tạo trong lĩnh vực thể thao chất lượng cao” cho rằng AFC Champions League là sự kiện cấp cao nhất dành cho các câu lạc bộ châu Á, và vị thế của nó tương đương với Champions League châu Âu và Copa Libertadores ở Nam Mỹ, và tầm quan trọng của nó là hiển nhiên. Tuy nhiên, đội Quảng Châu và đội Sơn Đông đã liên tiếp gây thất vọng ở AFC Champions League.

Ngày 1/2, đội tuyển Trung Quốc đá trên sân khách với Việt Nam, và thua liền 2 bàn không gỡ ngay sau trận mở màn, chung cuộc thua 1-3 trước Việt Nam, đội đã thua cả 7 trận trước đó khiến người hâm mộ có mặt rất tức giận. Đây là lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc thất bại trước Việt Nam sau 62 năm, đồng thời tuyên bố đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc đã hoàn toàn vắng mặt tại World Cup Qatar diễn ra vào cuối năm nay.

Share.

Leave a Reply