Friday, May 3 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Một cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Pháp và Nhật Bản tại bộ Ngoại Giao Nhật, Tokyo, ngày 20/01/2022.
Một cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Pháp và Nhật Bản tại bộ Ngoại Giao Nhật, Tokyo, ngày 20/01/2022. AP – Issei Kato

Pháp là một mắt xích quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương, là quốc gia duy nhất trong Liên Âu hiện diện trong khu vực về quân sự. Là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, nhưng « không chủ trương đương đầu » với Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung gia tăng, đặc biệt liên quan đến khu vực eo biển Đài Loan, phát biểu trước các đại sứ Pháp tại điện Elysée hôm 01/09/2022, tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh Paris « chưa bao giờ liên kết và cũng không là chư hầu của bất kỳ một siêu cường nào ». Ông sẽ không thay đổi nguyên tắc đó. Trong tất cả các hồ sơ lớn về đối ngoại, tổng thống Macron quan niệm Pháp cũng như Liên Hiệp Châu Âu cần có một « tiếng nói riêng », « độc lập » với quan điểm của Hoa Kỳ, cần « duy trì khả năng tự do hành động ».

Một mặt Pháp xem Trung Quốc là một « đối thủ mang tính hệ thống », cả về an ninh lẫn kinh tế, nhưng mặt khác, tương tự như với Nga, ông Macron chủ trương « duy trì đối thoại » kể cả với những quốc gia có bất đồng sâu rộng với  Pháp, như Trung Quốc, trong nhiều hồ sơ.

Chính vì muốn duy trì quyền tự do lưu thông trên biển mà Paris đã liên tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ -Thái Bình Dương. Gần đây nhất là hồi trung tuần tháng 8/2022, Paris đã điều chiến đấu cơ Rafale đến vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie, chuẩn bị cho một chương trình tập trận chung với Úc. Từ 2019, bộ Quân Lực Pháp đã thông qua « chiến Lược Phòng Thủ Ấn Độ -Thái Bình Dương », xem khu vực này là một ưu tiên để kềm chế những tham vọng của Trung Quốc. Về ngoại giao, Paris đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, định chế trong vùng, từ Nhật Bản đến Ấn Độ và nhất là Úc, cũng như với khối ASEAN.

Với Úc chẳng hạn, năm ngoái quan hệ giữa Pháp với Úc đã đột ngột xấu đi sau khi Canberra dưới thời thủ tướng Scott Morrison hủy hợp đồng mua tàu ngầm Barracuda của Pháp để chọn mua tàu ngầm nguyên tử của Anh và Mỹ. Nhưng từ đó đến nay người kế nhiệm ông Morrisson là thủ tướng Albanese đảo ngược thế cờ. Theo phân tích của chuyên gia địa chính trị Pháp Emmanuel Véron, trường Hải Quân Pháp, đơn giản là vì với khoảng 11 triệu cây số vuông vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực, Pháp là một đối tác không thể thiếu trong chiến lược an ninh của Úc.

Hôm 01/09/2022 bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cùng với đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu đã tham quan căn cứ hải quân tại thành phố Brest, tây bắc nước Pháp và tại đây ông đã nhấn mạnh : « Công nghệ quốc phòng của  Pháp đóng một vai trò trọng yếu giúp Canberra hiện đại hóa quân đội (…) Úc và Pháp là những nước bạn, là hàng xóm và là đối tác của nhau ». Cũng nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, cuối tháng 8/2022, tàu hải quân Vendémiaire của Pháp đã cùng với chiếc Warramunga của Úc và Kirisame của Nhật thao dượt nhằm tăng cường khả năng phối hợp trong công tác tiếp liệu.

Nhưng tăng cường hiện diện trong vùng để răn đe Trung Quốc trước những tham vọng chủ quyền đe dọa đến tự do an ninh hàng hải quốc tế là một chuyện, liên kết với Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương lại là một chuyện khác.

Tổng thống Macron nhìn nhận Paris và Washington chia sẻ « nhiều giá trị chung » như dân chủ, tự do, nhân quyền, nhưng không vì thế mà Pháp đặt mình vào thế phải chọn phe trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung. Không vì xung khắc Pháp và Trung Quốc trên một số hồ sơ, như nhân quyền, hay những hồ sơ địa chính trị khác, chẳng hạn như vụ Nga xâm lược Ukraina, mà Paris để những xung khắc đó « lan đến vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương ».

Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc liên tiếp thị uy, tiến hành các cuộc tập trận quy mô, điều tàu chiến, máy bay quân sự đến tận cửa ngõ Đài Loan. Bắc Kinh thể hiện bực tức sau chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi. Một đồng minh thân thiết khác của Hoa Kỳ là Đức, vốn rất dè dặt với Trung Quốc từ trước đến nay, cũng đã đột nhiên trở nên cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Cách nay hai tuần chính phủ Đức đã điều 6 chiến đấu cơ đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Tư lệnh Không Quân Đức lưu ý : Đây là một thông điệp mạnh mẽ cho thấy Berlin có thể nhanh chóng triển khai lực lượng không quân đến bất cứ nơi nào trên thế giới.

Vậy phải chăng tuyên bố của tổng thống Pháp về chủ trương « không đối đầu » với Trung Quốc ở châu Á là thông điệp kép của Paris nhắm tới cả Bắc Kinh lẫn Washington ? Điện Elysée vừa muốn giữ khoảng cách với chính quyền Biden, vừa muốn đưa ra một tín hiệu cứng rắn nhắc nhở Trung Quốc chớ đi quá đà, bởi vì Pháp là một cường quốc quân sự hiện diện ở  Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhưng đấy là một lá chủ bài để đối thoại hơn là một phương tiện để gây hấn.

Share.

Leave a Reply