Friday, May 3 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65

*****

 
Viên Gạch Vỡ Ở Bức Tường Bá Linh
– Hoàng Chính –
 

“Mr. Gorbachev, Tear Down This Wall!”
President Ronald Reagan, West Berlin, Friday, June 12, 1987

“Cái gì? Ông già đòi chôn cục gạch theo mình à? Ông ấy có điên không?” Hắn hỏi, cái sững sờ đeo cứng vào giọng nói như con đỉa trâu hút chặt vào miếng đùi non thiếu nữ.

Ngồi trước mặt hắn người đàn ông nhẩn nha, “Còn phải hỏi. Bộ hồi đó cậu không học ông ấy sao!”

“Thì học, nhưng mà…” Cái gì đó trong cổ họng siết lấy thanh quản, làm giọng hắn như nghẹn lại. Bàn tay quờ quạng trên mặt bàn. Bàn tay đụng nhầm cái tách tráng men trắng muốt. Ngón tay trỏ run run móc vào cái quai cong vòng. Bàn tay vô hồn nâng vội cái tách lên miệng. Cánh mũi phập phồng đánh hơi chút mùi cà phê phảng phất trong lòng tách. Rồi bàn tay hạ cái tách xuống. Hai con mắt nhìn chằm chặp vào khoảng đáy còn vương cái vệt đen vẩn chút cặn sữa trắng.

“Cậu làm gì mà như mất tiền đầu tư thị trường chứng khoán vậy?” Người bạn nhìn hắn đăm đăm. Cái nhếch môi diễu cợt bên cạnh hàng râu mép đen thui của anh ta làm hắn lúng túng.

“Hồi đó ông ấy đâu có điên đến như vậy!” Hắn lẩm bẩm.

“Ông ấy điên nhưng cũng đâu bằng cái thằng nào đó đem cục đá chết tiệt về tặng ông ấy.”

Ngực hắn nhói lên như thể trái tim vừa bị ai vầy vò. Người bạn ngồi ngay ngắn trước mặt hắn. Cái mặt xương xương, con mắt mỏng như sợi chỉ sau cặp mắt kính cận. Những vết nhăn xếp hàng trên trán. Tất cả toát ra nét hiền hậu, chỉ bộ râu là ngỗ nghịch. Dẫu được cắt tỉa, chải gỡ gọn gàng trên chiếc cằm nhọn nhưng những sợi râu vẫn vểnh lên châm chọc.

Hắn nuốt nước bọt một cách khó khăn, “Ông ấy chết hồi nào vậy?”

“Tối hôm kia… À không…” Người bạn ngước nhìn trần nhà, như tìm câu trả lời trên ấy, “Hình như sáng hôm qua.”

“Bệnh hở?”

“Già!”

Hắn gật gù, “Ồ, vậy thì được!” Rồi giấu vội cái mừng, cái vui thoáng qua trong ánh mắt và đeo ngay cái mặt nạ đặm nét tang thương lên khuôn mặt căng đầy.

“Ðược cái gì?”

“Chết già thì tốt. Tôi cứ tưởng ông già chết vì…”

“Vì cái gì?” Người bạn nhấp nhổm trên chiếc ghế nệm da mầu nâu thẫm.

Giọng hắn phều phào, như làn hơi èo ọt từ quả bóng bị xì, “Vì cục gạch.”

Người bạn mỉm cười, cái cười nhẫn nhịn của kẻ quen chịu thua trước cuộc đời, “Cũng dám lắm!”

“Sao lại dám?”

“Cậu biết ông ấy mê lịch sử phải không?”

“Dĩ nhiên. Ông ấy dạy Sử mà. Tôi còn nhớ hồi đó tụi bạn cùng lớp tôi đặt tên ông ấy là Ðao Phủ.”

“Ðao phủ?”

“Bao nhiêu đứa thi rớt vì ông ấy.”

“Nhưng sao cậu lại sợ ông ấy chết vì cục gạch?”

Cô gái chạy bàn tiến đến chỗ hai người, những ngón thuôn dài cầm chiếc quai bình cà phê bốc khói. Hắn gật đầu với hai miếng ngực nhô cao dưới nếp áo mỏng như tơ trước khi cô gái kịp hỏi cái câu quen thuộc More coffee? Ðôi môi son tím nở ra một nụ cười. Cô gái rót thêm cà phê cho hai người. Người bạn lí nhí cảm ơn.

Hắn nhìn theo cặp mông đội cao nếp váy. Ðôi giầy cao gót lộp cộp. Cặp mông biết khoe khoang; biết kiêu kỳ, kiểu cách. Bên phải, bên trái. Lên xuống, lên xuống. Nhịp nhàng như những con sóng ngoài đại dương tít mù trong một chiều biển động.

Chờ cho cô gái khuất sau quầy hàng, hắn mới trở về với cuộc đối thoại.

“Ông ấy mê tất cả những gì liên hệ đến lịch sử. Một lần tôi ham chơi, làm biếng lấy note, xé đại một trang trong cuốn sách lịch sử. Ông ấy bắt được…”

Hắn ngưng nói, đưa tay nhón một gói đường, xé một đầu rồi đổ tuột vào ly cà phê.

Người bạn xé mảnh giấy lau tay, chùi cặp mắt kính bị khói cà phê làm mờ, “Rồi sao nữa?”

“Cấm thi một khóa!”

Người bạn cười khẩy. Tiếng cười khô hạn, bật ra từ cái hốc mũi tối tăm, lấp ló những sợi lông đen tua tủa. Trong một thoáng, sự kinh tởm dấy lên trong lòng, nhưng niềm mê hoặc của quá khứ kéo hắn về ngay với ông thầy dạy Sử.

“Tôi vẫn nhớ cái bản mặt thê thảm của ông già lúc cầm tờ giấy lam nham vết xé. Ông ấy áp tờ giấy vào ngực như người ta áp lá thư tình vào trái tim. Rồi ông ấy còn hôn tờ giấy. Cậu biết tại sao không?”

Mặc cho người bạn nhấp nhổm trên ghế, hắn lầm thầm, “Ðó là trang giấy tóm tắt bài học về Thế Chiến Hai. Có hình cha gì đó mập ú người Anh, hình cha nội Hitler và thằng cha Nhật hoàng tên gì đó tôi quên mất tiêu rồi…”

“Cậu đúng là thằng học trò vô tích sự. Lúc nhớ cũng lựa cái tên của thằng gian ác nhất mà nhớ. Quá tệ!”

“Ông già lúc nào cũng Napoleon, Alexander the Great, Cleopatre, Hitler. Cả cái tên thằng cha Khô-mê-ni, Khô-mê-niếc gì đó bên I-răng cũng được ông ấy nhắc tới hoài.”

“Chuyện đó thì ai không biết. Tới bà vợ còn bỏ ông ấy vì cái tội mê lịch sử của chồng mà. Hồi đó cả trường xôn xao cậu không nhớ sao.”

Hình ảnh ông thầy dạy Sử hiện ra thật chậm, thật điềm đạm, thật chững chạc và dần dần rõ nét trong óc hắn. Ông già đầu hói. Những sợi tóc lưa thưa bạc phơ hai bên thái dương. Nửa người trên đổ gập ra phía trước. Cặp mắt kính dầy như đáy chai làm hai con mắt – ngoằn ngoèo tia máu đỏ – lập lờ, lúc to lúc nhỏ. Chiếc áo vét mầu xám nhàu nát như mới lôi ra từ đống đồ chưa kịp giặt. Ðôi giày da nâu cũ kỹ lượm được ở xó xỉnh nào. Sợi dây giầy đôi khi quên buộc. Cái cặp táp đầy giấy vụn. Những mảnh giấy cắt rời từ báo chí. Bao nhiêu là biến cố thời đại. Hắn nhớ cả một buổi chiều đầu mùa thu lộng gió. Chiếc cặp của ông thầy đứt quai. Gió rải tung những mảnh giấy vụn ngập một góc phố. Giấy vụn hí hởn đùa giỡn với những chiếc lá vàng. Hắn vừa tiếp ông già đuổi bắt những miếng giấy biết trò chơi trốn tìm, vừa mong ông già đánh mất luôn cái bảng kết quả điểm thi cuối khóa. Bây giờ hắn còn thấy rõ cái cổ xương xẩu của ông già nghểnh ra phía trước như vừa cố đỡ cái đầu nặng trĩu, vừa cố khò khè câu cảm ơn thằng học trò tốt bụng.

“Hồi đó tôi nhặt dùm ông ấy bao nhiêu là giấy tờ lúc cái cặp táp bị đứt quai, gió thổi giấy tờ bay tá lả. Vậy mà ông ấy vẫn đánh rớt tôi như thường. Ðúng là đao phủ!” Hắn rì rầm kể.

“Nhưng rồi ra đời cậu cũng vẫn thành công như thường. Bây giờ nhà cả chục căn, xe hàng chục chiếc; toàn là Lincoln với Lexus.” Người bạn nói. Mặt anh ta lạnh như miếng thạch để đông quá lâu trong tủ lạnh, nên hắn không dò được bất kỳ chút dấu vết nào của cả sự thành thật lẫn cái mỉa mai.

Hắn ngước mặt nhìn lên trần nhà. Vẫn cái mầu xám trơ trơ, ngang ngạnh. Rồi hai con mắt bắt qua cái lưng thon của người con gái chạy bàn vừa cầm bình cà phê đi ngang. Giờ này quán xá vắng teo mà cô gái thì lúc nào cũng tất bật, giày cao gót reo vui trên nền xi măng, ra chiều bận rộn.

Hắn nhắp một ngụm cà phê, liếm láp cái ngọt ngào đăng đắng của chất nước đen sánh còn đọng trên môi, mà hai con mắt thì dán thèm thuồng lên khoảng tối ám phía trên đùi người con gái.

“Thì tôi đã chứng minh là tôi chẳng cần lịch sử; thế giới này chẳng cần lịch sử cũng vẫn sống thoải mái như thường. Nếu cần, chỉ cần tiền!”

Những luống cày trên trán người bạn đan nhíu vào nhau, giọng anh ta cay cú, “Vậy thì hồi đó cậu rán học làm mẹ gì?”

“Thì cũng phải có cái tiếng là đã học đại học thì mới mong lấy được vợ chứ, cha nội!”

Người bạn gõ những ngón tay xương xẩu xuống mặt bàn, “Chính nhờ những đứa không quan tâm đến lịch sử như cậu nên lịch sử vẫn lặp đi lặp lại những lỗi lầm. Nhưng thôi, nói lòng vòng mãi mà cậu vẫn chưa giải thích tại sao cậu sợ ông già Ðao Phủ chết vì cục gạch.”

Hắn nhìn hai bệt lông mày rậm rạp trên vừng trán hẹp, bên dưới những luống cày, “Cậu biết cục gạch đó ở đâu ra không?”

“Nghe nói ai đi du lịch Âu Châu lấy ở bức tường Bá Linh về tặng ông ấy…”

“Ðúng!”

“Nghe nói ông ấy cưng cục gạch hơn cả mạng sống ông ấy nữa.”

“Cái đó ai mà không biết. Lúc còn đi dạy, ông ấy luôn luôn mang cục gạch trong cặp. Gặp ai cũng đem ra khoe một cách hả hê. Tôi nhớ cái lần giảng về Thế Chiến Hai, về bao nhiêu triệu người chết ở Âu Châu, ông ấy ôm cục gạch chằm chặp sát vào ngực, tưởng chừng tụi mình ôm vợ mới cưới cũng không được tha thiết đến như vậy. Rồi sơ ý đánh rơi xuống nền nhà, ông già vừa bò lê bò lết để vét cho sạch những mảnh xi măng vụn, vừa khóc sụt sùi. Khóc đến rơi cả mắt kiếng xuống sàn nhà…”

“Tội nghiệp há! Vậy là ông già mê cục gạch hơn bất cứ thứ gì trên đời rồi.”

“Cục gạch!” Hắn lẩm bẩm một mình. “Cục gạch giết ông già. Ông già chết vì cục gạch vô tri!”

“Ừ, cục gạch…” Người bạn vừa nói vừa xoay xoay tách cà phê đã vơi quá nửa.

Hắn thì vẫn gay gắt, “Mà sao lúc chết lại phải chôn theo chứ?”

“Cục gạch là một phần của lịch sử. Nó là cái phần ô nhục của lịch sử.” Người bạn thao thao như chính anh ta đang gánh trên vai phần lịch sử đẫm máu nhất của nhân loại, “Ông già viết trong di chúc đòi chôn cái chứng tích ô nhục ấy theo mình, cho nó đi theo cái rã mục của thân xác con người.”

Hắn nhìn người đàn ông ngồi trước mặt mình, trên chiếc ghế bọc da mầu nâu, như nhìn một sinh vật lạ lùng phía sau những thanh sắt của chiếc lồng vuông vắn. Có phải đây là thằng bạn ngày xưa, thời còn trung học; cái thằng vẫn lạng xe Honda với mình trước cổng trường con gái? Thì vẫn là nó mà. Mới đó mà đã hai mươi mấy năm trời rồi. Nó đó chứ ai. Nhưng sao nó thay đổi, nó nghiêm trang, nó khó tính, nó châm chọc mỉa mai; nó lắt léo đến bực mình. Cái giọng trầm trầm, nghiêm nghị của nó làm hắn muốn lộn ruột.

“Vẫn biết… nhưng mà…” Ðột nhiên hắn lắp bắp. Răng cắn cả vào môi, đau ứa nước mắt. Nhưng hắn nén được tiếng chửi thề. Chắc nhờ cô gái chạy bàn vừa mới đi qua, thả vào không gian thoang thoảng mùi nước hoa đắt tiền và mùi thịt da mát ngọt.

“Cậu làm gì mà nhấp nhổm vậy?” Người bạn lên giọng kẻ cả, “Có chôn thêm bao nhiêu cục gạch thì nhà quàn cũng có đòi thêm tiền đâu mà sợ!”

“Chừng nào chôn?” Hắn đột ngột hỏi, tay vơ chùm chìa khóa nằm trơ vơ trên mặt bàn, đôi chân nhấp nhổm như sắp sửa tuông chạy.

Người bạn trố mắt nhìn. Những sợi râu mép rung rung, “Hình như sáng mai.”

“Bây giờ ông ấy ở đâu?”

Người bạn đọc cái tên nhà quàn và tên đường cùng những con số. Hắn không cần những con số. Nơi đó, hắn đã tới một đôi lần, cách đây không lâu. Hình ảnh tòa dinh thự xây bằng gạch nâu hiện ra trong óc. Hắn thấy cả bãi đậu xe có những cây phong rợp lá.

Hắn đứng bật dậy, “Tôi phải lại đó liền.”

“Tại sao?”

Mặt hắn bừng bừng nắng lửa, “Cậu biết ai tặng ông già cục gạch đó không?”

“Ai?” Người bạn cau mày, ngơ ngác.

“Tôi chứ ai.”

Người bạn nghiêng đầu, chút ngạc nhiên nhảy nhót trong ánh mắt, nụ cười nửa miệng vạch trên môi, “Cậu mà cũng có lòng với lịch sử thế sao?”

“Lòng cái mẹ gì!” Hắn nổi nóng, nhưng kềm ngay lại được. “Thôi gặp sau nghe!”

Người bạn cũng đẩy ghế đứng dậy. Tiếng chìa khóa chạm nhau leng keng. Hắn bỏ tờ giấy bạc xuống bàn. Những buổi ngồi cà phê với nhau, hắn luôn không cho bạn trả tiền. Anh ta đang sa cơ thất thế, tiền bạc eo hẹp. Cô gái chạy bàn tóc vàng thong thả bước tới. Nụ cười bằn bặt môi son. Mình xà uốn éo theo bước chân nhịp nhàng như đang khiêu vũ. Hắn nuốt vội ngụm nước bọt xuống cái cổ họng khô.

Buổi chiều ngày chớm thu, trời mau tối. Cái nhá nhem lẩn quất giữa những vệt sáng nhăn nheo của ngọn đèn đường ẩn sau khóm lá. Nhà quàn vắng teo. Những người sống một mình ở bên này như ông già Ðao Phủ thì lúc chết tránh làm sao được cái cô quạnh, lẻ loi.

Hắn chẳng phải mất công tìm kiếm. Ông già nằm trong căn phòng ngay bên lối vào.

Quan tài gỗ màu máu bầm. Nắp áo quan còn mở. Ông già còn đó. Hai con mắt nhắm nghiền, trũng xuống hai hốc xương. Gò má gồ cao. Chiếc cằm nhô ra phía trước. Hắn nghe được từ chiếc cằm lưa thưa râu bạc ấy một câu nói quen thuộc và một giọng điệu hả hê, “Lịch sử mà!”

Ông già chết rồi còn đeo mắt kiếng. Chiếc gọng kiếng xám xì có hai con mắt tròn quay, dày cộm.

Chiếc áo vét mầu đen hắn chưa bao giờ thấy ông mặc; ngay cả những dịp lễ lạc, hội hè trong trường đại học. Hắn nheo mắt cố nhìn cho rõ cục gạch nằm trên khoảng ngực trái dẹp lép của ông già. Món quà bất ly thân của ông già Ðao Phủ. Bỗng dưng trong lòng hắn dấy lên nỗi nhức nhối cùn mằn làm ê chề đến tận đáy tấm lòng tưởng chừng bụi bặm cuộc đời đã làm chai mòn đến tận cốt lõi.

Hắn nhìn trước nhìn sau. Văn phòng làm việc ở ngay cửa ra vào. Gã nhân viên béo phì thấp thoáng trong đó. Người gác dan đang đẩy máy hút bụi ở khoảng cầu thang dẫn xuống tầng dưới.

Hắn đứng sát bên quan tài. Mùi thuốc liệm hay thuốc cạo râu mang mang trong không khí. Hắn lại nhìn trước, nhìn sau. Cục gạch hình khối chữ nhật lốm đốm vết đen như có dầu, nhớt dính lên. Cục gạch chắc hằng đêm vẫn ngủ yên trên ngực trái ông già, chỗ của trái tim. Vết dầu nhớt chạy lăng quăng trước mắt hắn như những giọt nắng thường đùa giỡn bên khung cửa sổ những ngày nắng đẹp. Trong một thoáng, hắn ngỡ chừng viên gạch đang nhấp nhô theo nhịp thở của ông già. Cái lồng ngực lép kẹp hàng đêm phải chịu sự đè nén trĩu nặng của cái dấu tích lịch sử chết bầm!

Lồng ngực hắn nặng nề. Trái tim hắn xôn xao, cuồng loạn. Cánh tay hắn rời khỏi thân mình. Những ngón tay chạm vào cục gạch nhám nhúa. Những ngón tay run nhấc cục gạch đỏ nâu lam nham xi măng màu xám. Cục gạch quá quen thuộc mà sao nặng nề như tảng đá.

“Ông làm gì vậy?” Tiếng nói làm hắn giật bắn cả người. Gã nhân viên hiện ra ngay bên cạnh hắn từ lúc nào. Như ma, như quỷ. Suýt nữa thì hắn đã hét lên vì giật mình. Cánh tay hắn cứng đờ. Những ngón tay cào cào mặt viên gạch sần sùi. Ngôn ngữ hắn không đầu không đuôi.

“Viên gạch Bá Linh. Bức tường phải không. Cộng sản với tư bản. You know?”

Gã nhân viên trố mắt nhìn hắn Rồi gật gù, “Ông ấy đòi chôn viên gạch theo. Nhưng anh tính làm gì vậy?”

Hắn vẫn chưa rút cánh tay lại được. Và những móng tay vẫn cào cào trên mặt xi măng nhám nhúa, “Từ Bức Tường Bá Linh. Tôi muốn xem coi có khác gì những viên gạch khác không…”

Gã nhân viên cười khẩy. Tiếng Anh của gã giọng Ái Nhĩ Lan trầm bổng, “Thì cũng là cục gạch như trăm ngàn cục gạch khác ngoài bãi đậu xe phía trước chứ có khác gì.”

Bây giờ hắn mới rút được cái bàn tay tê rần rật lại bên thân thể. Trong óc hiện rõ khoảng sân trơ trọi gạch đá và cỏ dại, nơi lổn nhổn những cục phân chó ở góc đường gần nhà. Cái chỗ ngày trước là cây xăng. Sau một thời gian thua lỗ, người ta phá bỏ.
Cục gạch vô danh ở đống đá vụn gần nhà dạo trước ấy bây giờ nằm bên ngực trái ông già. Như một phần của thứ lịch sử không có trái tim của nhân loại.

Hắn nhìn đôi mắt nhắm nghiền của ông già. Khuôn mặt của một con người bị giam cầm, đày ải qua bao nhiêu năm tháng. Ông già không còn là Ðao Phủ nữa. Nhưng dù sao ông già cũng hạnh phúc. Ông đi về cõi khác, tin tưởng rằng mình mang được mãi mãi một chứng tích của lịch sử bên cạnh trái tim. Dẫu đó là thứ lịch sử không tim.

Hắn nhìn người thầy cũ lần cuối cùng. Mới đó mà cũng đã chục năm trời rồi. Hình ảnh ông già nâng niu cục gạch lam nham góc cạnh. Bàn tay run rẩy ôm sát cái khối vật chất vô tri giác vào ngực, trên bục giảng đường. Ôi chứng tích lịch sử. Máu bao nhiêu người đã đổ ra trên cục gạch này. Ðây chính là lịch sử. Lịch sử. Các anh chị hiểu lịch sử là gì rồi chứ. Ông già nước mắt dàn dụa. Bao nhiêu người đã chết. Please. Bài học của lịch sử. Ðừng để xảy ra thêm một lần nào nữa.  Please. Please. I beg you. Lũ học trò che miệng cười. Cả hắn hồi đó cũng hể hả đắc thắng suốt những tháng ngày rong chơi, cố vớt vát cái thời trai trẻ.

Giọt nước mắt ứa ra. Hắn không kiểm soát được lòng mình. Hắn thấy ông thầy bị xử bắn. Hắn thấy người ta phá sập cây xăng ở đầu phố. Gạch vụn rào rào đổ xuống chồng lấp lên nhau. Hắn thấy người thày cũ bị chôn thật sâu trong đống gạch vụn lổn nhổn phân chó và rác rưởi.

“Chúng tôi sắp phải đóng cửa, sir.” Nhân viên nhà quàn nhỏ nhẹ nhắc.

Hắn nuốt vội chất nước mằn mặn trong cổ họng, lặng lẽ gật đầu.

Rồi hắn quay lưng. Ngày mai ông già sẽ về với đất đai, cây cỏ. Với chứng tích ô nhục của lịch sử con người trong cái thế kỷ máu me này.

Thôi thì cũng xong vậy. “Good-bye, Sir,” hắn nói vọng lại với người quá cố.

“Bye.” Người nhân viên mập mạp trả lời vói theo.

Hắn sựng lại một giây rồi đẩy cửa bước vào bóng đêm. Ðầu mùa thu, cái lạnh nhảy múa trên da thịt, luồn qua chiếc áo sơ mi phong phanh, làm những vệt gai ốc đan dày trên da.

Lẫn trong tiếng gió, giọng nói của người bạn vang vang trong đầu hắn và hắn băn khoăn, phải chăng nhân loại cứ lặp đi lặp lại những lỗi lầm của lịch sử một phần cũng vì những kẻ không quan tâm đến lịch sử. Như hắn.

Hoàng Chính
30-tháng 01-2000

Share.

Leave a Reply