Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và đồng nhiệm Ukraina Volodimir Zelensky có buổi trao đổi điện đàm đầu tiên về xung đột Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và đồng nhiệm Ukraina Volodimir Zelensky có buổi trao đổi điện đàm đầu tiên về xung đột Ukraina. Tiziana FABI, ludovic MARIN / AFP

Trong bối cảnh chính quyền Kiev công khai bày tỏ quan điểm không mở thương thuyết với Nga chừng nào mà tổng thống Vladimir Putin còn cầm quyền, nhật báo Mỹ Washington Post ngày 05/11/2022 tiết lộ: Bên trong hậu trường, chính quyền Biden đang khuyến khích giới lãnh đạo Ukraina thể hiện thái độ cởi mở trước khả năng đàm phán với Nga.

Theo một số nguồn thạo tin,The Washington Post trích dẫn yêu cầu được các quan chức Mỹ đưa ra không nhằm thúc đẩy Kiev trở lại bàn đàm phán mà nhằm giúp Ukraina duy trì được sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác, đang lo ngại trước nguy cơ cuộc chiến kéo dài.

Đối với tờ báo Mỹ, diễn biến trên đây phản ánh tính chất “phức tạp” mà chính quyền Biden đang gặp phải trong quan hệ với Ukraina.

Các quan chức Mỹ luôn công khai cam kết viện trợ cho Kiev “chừng nào mà Ukraina còn cần”, nhưng vẫn hy vọng là xung đột sớm được giải quyết trong bối cảnh 8 tháng chiến sự vừa qua đã bắt đầu tác hại đến kinh tế thế giới và làm dấy lên nỗi lo sợ về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Theo Washington Post, các quan chức Mỹ có chung quan điểm với Ukraina, theo đó tổng thống Nga Vladimir Putin, vào thời điểm hiện tại, không xem xét nghiêm túc việc nối lại đàm phán.

Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng việc tổng thống Ukraina Zelensky từ chối nói chuyện với người đồng cấp Nga đã làm dấy lên lo ngại ở một số quốc gia châu Âu, châu Phi và châu Mỹ Latinh, nơi mà cuộc chiến Ukraina đã làm cho giá lương thực và nhiên liệu gia tăng.

Theo Washington Post, những lo ngại về một cuộc xung đột kéo dài đặc biệt nổi lên tại các quốc gia từng do dự trong việc gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu để ủng hộ Ukraina, vì muốn giữ quan hệ tốt với Nga, hay vì chỉ miễn cưỡng theo Mỹ.

Nam Phi chẳng hạn đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu gần đây tại Liên Hiệp Quốc nhằm lên án các sắc lệnh của Nga, sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraina. Tổng thống mới đắc cử của Brazil là ông Lula da Silva, đã nói rằng cả Zelensky lẫn Putin đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Matxcơva lẫn Kiev thì đã từng đề nghị với ông Zelensky là có thể hỗ trợ Ukraina trong các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng đề nghị này đã bị từ chối.

Theo hãng tin Anh Reuters, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ không có bình luận ngay lập tức về tính chính xác của thông tin trên tờ Washington Post. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao thì nhắc lại: “Điện Kremlin tiếp tục leo thang chiến sự. Điện Kremlin đã chứng tỏ sự miễn cưỡng của họ trong việc nghiêm túc tham gia vào các cuộc đàm phán ngay cả trước khi nước này tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraina.”(RFI)

Share.

Leave a Reply