Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Ảnh minh họa : Một sinh viên Ấn Độ với biểu ngữ kêu gọi tẩy chay Trung Quốc trong một cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh tại Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 18/06/2020.
Ảnh minh họa : Một sinh viên Ấn Độ với biểu ngữ kêu gọi tẩy chay Trung Quốc trong một cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh tại Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 18/06/2020. REUTERS – Amit Dave

Tranh chấp Ấn Độ-Trung Quốc tại đường biên giới chung chót vót trên đỉnh Himalaya lại bùng lên sau vụ xô xát hôm 09/12/2022. New Delhi và Bắc Kinh cùng trấn an tình hình đã « ổn định » trở lại sau khi cáo buộc đối phương gây hấn. « Sự cố » lần này giữa hai cường quốc nguyên tử sát cạnh nhau để lộ rõ một mối « cạnh tranh khốc liệt » về nhiều mặt. Tại sao xung đột lại diễn ra tại Tawang, bang Arunachal Pradesh và tại sao vào thời điểm này ?

Vụ xô xát lần này làm mọi người liên tưởng đến xung đột đẫm máu hồi tháng 6/2020, tại cao nguyên Galwan, Ladakh, ở độ cao hơn 4.000 mét cũng trên đỉnh Himalaya. Khu vực này nằm sát cạnh vùng Aksai Chin và sát với Tân Cương (Trung Quốc). Khi đó 20 lính Ấn Độ và 4 của Trung Quốc thiệt mạng.

Lần này xung đột xảy ra gần Tawang, bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ. Theo các nguồn tin báo chí, vụ xô xát hồi tuần trước bùng lên trong lúc « khoảng 600 lính Trung Quốc đang tuần tra » dọc theo đường biên giới tạm còn được gọi là Đường Kiểm Soát Thực Tế – LAC. Nhiều binh sĩ của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc « bị thương nhẹ ».

Nhà báo Ajay Banerjeee của tờ The Tribune tuy nhiên cho rằng đụng độ lần này « nghiêm trọng hơn » những thông tin mà cả phía Trung Quốc lẫn Ấn Độ cùng muốn đưa ra. Đây không phải là lần đầu tiên thị trấn Tawang là điểm nổ ra xô xát. Bắc Kinh đã « nhiều lần tìm cách kiểm soát » đỉnh núi ở độ cao hơn 5.000 mét tại Tawang bang Arunachal Pradesh. Đợt gần đây nhất là hồi tháng 10/2021.

Phải chăng Bắc Kinh đã « quan tâm trở lại » với bang này ? Từ 1962 Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần giao tranh ở đường biên giới chung trước khi đạt được một đồng thuận về một lằn ranh « tạm » LAC. Nhưng New Delhi ghi nhận « trong hai năm gần đây, lính Trung Quốc với số đông, thường xuyên thâm nhập » vào lãnh thổ của Ấn Độ, chủ yếu là qua « khu vực bao quanh bang Arunachal Pradesh ». Do vậy chính quyền của thủ tướng Modi càng lúc càng huy động thêm các phương tiện cả về vật chất lẫn nhân sự dọc đường biên giới chung và đặt biệt quan tâm đến điểm nhậy cảm này.

Nhà Trung Quốc học Claude Arpi được The Diplomat (số ngày 13/12/2022) trích dẫn giải thích : Bắc Kinh coi đây là « khu vực phía nam Tây Tạng ». Do vậy, việc New Delhi nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Arunachal Pradesh, hay khi nhiều lãnh đạo Ấn Độ, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như là một số chính khách Mỹ viếng thăm bang này, đều bị Trung Quốc xem đó là những hành động « khiêu khích ». Tawang cũng là một biểu tượng quan trọng của những người Tây Tạng lưu vong. Đây là nơi có ngôi chùa Tây Tạng lớn thứ nhì trên thế giới chỉ sau điện Potala.

Nhưng không chỉ có thế. Xung đột tại Tawang tuần trước còn là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã gia tăng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Về ngoại giao, đành rằng, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh cùng tránh lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina nhưng khác với Trung Quốc, Ấn Độ giữ khoảng cách với Nga. Cũng Ấn Độ là đối tác của Mỹ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và là một trong bốn thành viên của Bộ Tứ QUAD để làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc. Hơn nữa việc New Delhi có những mối quan hệ đặc biệt với cả Washington lẫn Matxcơva – do Nga là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, rồi New Delhi là một đối tác có trọng lượng đối với từ Nhật Bản đến Châu Âu, hay Úc… cũng đủ khiến Trung Quốc bực mình.

Nhìn đến kinh tế, lần đầu tiên tăng trưởng của Trung Quốc lại thua Ấn Độ. Vào lúc Bắc Kinh lúng túng vì dịch Covid và đường lối cứng rắn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát các hoạt động kinh tế, thì chính quyền của thủ tướng Narendra Modi tranh thủ chiêu dụ giới đầu tư nước ngoài.

Chỉ nội việc tập đoàn Mỹ Apple có kế hoạch di dời cơ sở từ Hoa Lục sang Ấn Độ, biến quê hương của Gandhi thành « địa bàn thứ nhì » của hãng này trên thế giới, cũng đủ khiến Bắc Kinh nổi dóa.

Sau cùng The Diplomat nêu lên yếu tố quân sự có thể giải thích vì sao sự cố giữa lính Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra vào thời điểm này : Ấn Độ vừa hoàn tất cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ Yudh Abhyas mở ra từ ngày 17/11/2022 đến 02/12/2022 tại Auli. Địa điểm này chỉ nằm cách đường biên giới tạm LAC chưa đầy 100 cây số. Trung Quốc mạnh mẽ phản đối cuộc diễn tập nói trên và lên án Ấn Độ vi phạm một thỏa thuận song phương, quy định không bên nào tiến hành tập trận « trên độ cao và trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ».

Xô xát ở đường biên giới Ấn – Trung đầu tháng 12/2022 có thể là một lời cảnh cáo nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào lai vãng đến gần Tây Tạng.(RFI)

Share.

Leave a Reply