Friday, May 3 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

  • Tác giả,Phạm Cao Phong
  • Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Paris
Pham Cao Phong

Tin vui, chuyện mua chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo đã cưa đứt, đục suốt với nhà đấu giá Millon và đợi ngày trở về Việt Nam minh chứng cho chân lý ít xê dịch “không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều !”.

Có thể gọi đó là trái ngọt ra đời từ sự phối hợp chặt chẽ, được thường xuyên chỉ đạo của các ban ngành theo hướng tìm ra “giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa” ?

Tinh thần và lời văn trước trận đánh chỉ được thắng, không được thua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án hồi hương ấn vàng và tổ chức đoàn công tác liên ngành do thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương dẫn đầu, đàm phán, thương thảo trực tiếp với Hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.”

Việc công bố kết quả là minh chứng cho hình mẫu “nhà nước làm chủ, nhân dân quản lý” không phải là câu khẩu hiệu trống rỗng vốn quen thuộc với sinh hoạt xã hội ở Việt Nam. Trước tiên hãy ghi nhận đây là một thành công trên trường quốc tế.

Pham Cao Phong

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM CAO PHONG

Việt Nam chưa có sàn đấu giá

Việt Nam không có và không tồn tại loại hình sàn đấu giá công khai. Các hoạt động buôn bán và trao đổi trong loại hình này vốn dịch chuyển theo các đường dây ngầm, chủ yếu là trong bóng tối. Việc định giá và thẩm định cổ vật thường không minh bạch, mà là những quy tắc bất thành văn. Người mua được món hời cũng không công bố giá, kẻ bị lỡm thì cắn lưỡi bằng câu “của đi thay người”, “ai nên khôn mà chẳng dại”.

Thị trường kẻ bán, người mua cổ vật rất sôi động, đủ hình, đủ kiểu. Kẻ đầu cơ ngắm nghía người thèm mua mà lựa lời ra giá, cho thử sức mua. Luật di sản cũng có, nhưng chưa thấy vụ án nào lẫy lừng mang ra xử, cũng ít thấy có ai tự nguyện mang nộp cổ vật đụng xẻng dưới đất mà moi lên hoặc mò được dưới sông.

Nên coi việc ẵm được Hoàng Đế Chi Bảo về Việt Nam là thắng đậm hay thua chỏng vó về số tiền bỏ ra 6,1 triệu euro, tùy theo góc nhìn của mỗi người.

Tôi có tham khảo một vài chuyên gia thường được thuê để khai thác thị trường đấu giá. Họ nói lại là “nếu của thật, đúng là bảo vật quốc gia thì không dưới giá 20 triệu euro. Đấy là tầm giá các thương gia châu Á đã mua các ấn triện Trung Hoa cổ.”

Cần nhắc lại, chiếc bát vàng 啟定年造 (Khải Định niên tạo) chế tác dưới triều vua Khải Định (1916 – 1925) đã được bán với giá 680 nghìn euro, cao gấp 30 lần so với giá dự kiến. Nếu cộng thêm các khoản thuế và phí, chiếc bát này có thể có giá sau cùng khoảng 1 triệu euro.

Tâm tư nhiều người Việt, thấy hớt tay trên các đại gia Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong, những thế lực khuynh đảo thị trường cổ vật như thế là đủ oai rồi. Nếu có ai dèm ý này, ý nọ thì đã được trang bị AQ Chính truyện “nó chửi mình như nó chửi bố nó.”

Pham Cao Phong

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,
Ấn Hoàng Đế Chi Bảo
Cổ vật về tay một bảo tàng tư nhân

Ít ra thì phái đoàn Việt Nam hùng hậu được cử sang Pháp tháng 11.2022 đã cản được nhà đấu giá Millon, nhà buôn có tuổi đời hơn cả tuổi Đảng Cộng sản Đông Dương tung Hoàng Đế Chi Bảo lên sàn. Mà trình mặt ra để tham gia đợi gõ búa trong danh sách cũng đã có vài tên tuổi nước lạ. Ai đăng ký đấu giá đều phải ký quỹ trước 100 000 euro, nên sự có mặt của họ phải chăng cũng là một đảm bảo chiếc ấn có một giá trị nhất định.

Có thể nói, đoàn Việt Nam sang Paris đã dự tính mọi khía cạnh để kim tỷ bảo ấn triều Nguyễn không thể thoát ? Sự quả quyết này có thể nhận ra trong chiếc ảnh thành phần Đoàn do Cục Di sản Văn hóa cung cấp, công bố ngày 14/11/2022. Trong đó có một thương gia nhỏ bé, nụ cười kín đáo, bộ quần áo hơi rộng. Ông không theo mode đeo cravatte đỏ như tỷ phú Cộng Hòa Donald Trump, hay cravatte xanh biếc của Đảng Dân chủ Mỹ, mà xài chiếc cravatte mầu hồng.

Ông cũng không cần có huấn luyện viên ngoại Pack Hang Seo để đá thủng lưới Millon. Cầu thủ bé hạt tiêu đó mang tên Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh. Với số tiền theo thông báo là 6,1 triệu euro, tương đương 153 tỷ đồng Việt Nam, thương gia Chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng đã ẵm Hoàng Đế Chi Bảo về cho bộ sưu tập cá nhân của mình. Ông cũng như nhiều đại gia thành công ở Việt Nam có long mạch làm giàu đi lên từ đất và bất động sản.

Với kết quả này, đất Kinh Bắc đã loại Thừa Thiên Huế ra khỏi cuộc đua.

Cần nhắc lại là mảnh đất Kinh Bắc đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng Quỹ bảo tồn di sản để thương lượng với Hãng Millon nhằm đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đấu giá ở Pháp hồi hương.

Ngay cả Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc cũng đã gửi thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để yêu cầu trao trả lại cho Việt nam chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo.

Mấy năm trước, khi ghé qua Huế, tôi đã được nghe truyền tụng rằng, đã có đề xuất từ lâu, trước cả khi Millon vào cuộc, đã có thương thảo về chiếc bảo ấn, nhưng do việc phía Cựu hoàng Bảo Đại đòi phải trả lại cho gia đình Cung An Định, vốn là tài sản riêng của vua Khải Định, nên việc không thành. Cung An Định được xây cho Thái tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo khi chưa lên làm vua từ năm 1902.

Chuyện đời đôi khi cũng trớ trêu ? Phải “Có tàn /Có tán/ có hương án thờ vua. “. Chắc lúc đó sáng kiến đi trước thời đại nên cũng thui chột.

Kết quả bất ngờ ngoài dự kiến ?

Khi vào cuộc, ” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá việc hồi hương được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế…”.

Nên nhiều ý kiến chủ quan cho rằng, Nhà nước Việt Nam đã xắn tay áo thì Hoàng Đế Chi Bảo ít ra có một chỗ trong Bảo tàng Bảo vật cung đình Huế, hay xứng đáng nhất là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam ngồi ở Hà Nội.

Không biết có phải các Bảo tàng quốc doanh với kỷ niệm khó quên để mất ngay chiếc ấn của Nam Phương Hoàng hậu trong lần ra mắt năm 1961 còn tởn đến già nên không lên tuyến đầu? Thôi, khỏi ganh đua để được không gian hạnh phúc và thảnh thơi.

Ngay từ tháng 11/2022, một nguồn tin muốn giấu tên cho tôi biết là dù đã được Millon bật đèn xanh cho mua lại ngoài sàn, thì năm hết Tết đến, tiền ngân sách cũng tiêu đến đồng cuối cùng, nên gì cũng phải đợi qua năm. Anh còn nói với tôi, hẳn sẽ có những đại biểu Quốc hội chất vấn về việc chi tiêu và kết quả công việc của Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, công tác Bảo tồn, bảo tàng v.v…

Do vậy tôi khá bị bất ngờ khi nghe tin chiếc ấn được một thương gia kín tiếng đã mua được vào phút chót.

Những sáng kiến kêu gọi đóng góp để mua, thậm chí có cả đơn tố cáo Millon phạm pháp của một luật sư, hoặc một “nhà Huế học” tự xưng cũng vẽ cho VOA đường đi nước bước để quốc tế không thể coi thường sức mạnh Việt Nam v.v…không hiểu sao cũng chìm nghỉm, không để lại dư chấn nào sau tin giờ chót này.

Song đây cũng là một bất ngờ thú vị. Ít ra là câu “dân giầu nước mạnh” cũng được đặt trở lại đúng chỗ. Và nhà nước cũng hết dám khinh người giàu?

Những thông tin về cuộc mua bán đã được ông Đào Phan Long, nguyên Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long Hà Nội chia sẻ (tôi giữ nguyên văn):

Ông Nam Hồng khẳng định nếu không có nhiều đam mê, nỗ lực, công sức, quyết tâm và chấp nhận bỏ ra một khoản tài chính khá lớn của gia đình cộng với sự quan tâm trợ giúp pháp lý của Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo, cán bộ Bộ VH – TH- DL Việt Nam thì Bảo vật này rất khó có thể hồi hương. Ông rất cám ơn Nhà nước ta đã giúp ông thực hiện được việc chuyển nhượng này với giá mua hợp lý để mang về cho Bảo tàng tư nhân của ông đóng trên quê hương Từ Sơn, Bắc Ninh.

Các bên quyết định đàm phán về việc bán tác phẩm theo thỏa thuận riêng ngoài đấu giá.

Vào ngày 31-10-2022 Đại sứ quán nước CHXHCNVN và MILLON đã ký hợp đồng đàm phán để hoãn phiên đấu giá công khai tác phẩm đến ngày 9-11-2022. Vào ngày 9-11-2022, Đại sứ quán CHXHCNVN và MILLON đồng ý gia hạn hợp đồng đàm phán này cho đến ngày 17-11-2022.

Do vậy nên vào ngày 12-11-2022 MILLON và Công ty TNHH Bảo Tàng Hoàng Gia Nam Hồng là Bên mua Tác phẩm thay mặt cho nước CHXHCNVN đã ký thỏa thuận chuyển nhượng Tác phẩm theo thỏa thuận chung bằng việc ký một Bản thỏa thuận bổ sung.

Vào ngày 8-12-2022, Giấy chứng nhận xuất khẩu Tác phẩm đã được cấp cho MILLON.

Còn về những nỗ lực tự nguyện rất đáng ghi nhận của ông Nam Hồng và gia đình ông xin được kể tóm tắt như dưới đây.

Sau khi xem tin có nhà đấu giá ở Paris, Pháp giới thiệu sẽ đấu giá hiện vật là chiếc Ấn vàng của Vua Minh Mạng triều Nguyễn, ông Nam Hồng đã bàn với bà xã nộp tiền 100 ngàn Euro để được đăng ký tham dự đấu giá. Ngày 12-11-2022 vợ chồng ông bay sang dự đấu giá mới biết cùng mình đã có 5 người với 3 quốc tịch được quyền tham gia đấu giá chiếc Ấn vàng rất quý này. Giá khởi điểm chiếc ấn vàng có kích thức cao 10,4 cm; cạnh đế một chiều 13, 8 cm, một chiều 13,7 cm và nặng 10,78 kg là 2 đến 3 triệu Euro.

Trước tình hình này biết rằng nếu đấu giá thì không thể mua được Ấn vàng quý này để mang về VN nên ông đã điện về cho Phó GĐ Sở VHTHDL tỉnh Bắc Ninh để báo cáo gấp với các cấp quản lý Bộ VHTTDL xin được trình bày nguyện vọng và giúp đỡ nhằm tránh đấu giá Ấn vàng quốc bảo VN mà chỉ thương thảo với chủ sở hữu, với nhà tổ chức đấu giá để thỏa thuận giá mua, có vậy Việt Nam mới mong có được chiếc Ấn vàng này.

Nghe có lý nên Chính phủ đã đồng ý cử một đoàn 7 người gồm một Thứ trưởng, Cục trưởng Di Sản, 2 chuyên gia của Bảo tàng LSQG, 3 chuyên gia các Bộ liên quan bay sang Paris gặp ông Nam Hồng và Đại sứ VN tại Pháp để thống nhất giao ông Hồng đứng ra thương thảo với các đối tác.

Sau 13 ngày các thành viên của đoàn, đại diện sứ quán VN và ông Hồng bỏ 75 ngàn Euro thuê Luật sư đã khẩn trương làm việc với các bên, còn bà vợ ông Hồng tự chi tiền lo cơm nước cho mọi người. Cuối cùng các bên đã đạt được nội dung quan trọng là không đấu giá Ấn vàng mà dành cho ông Nam Hồng đại diện cho Việt Nam đứng ra mua theo giá thỏa thuận với tất cả gần 20 người của gia đình ông Bảo Đại và của Nhà đấu giá.

Trước Tết Quý Mão ngày 13-1-2023 (22 tháng chạp) theo thỏa thuận ông Nam Hồng chủ Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng đã tự bay sang Paris để tối ngày ông Công ông Táo lên trời 23 tháng chạp đặt bút ký chính thức với ông Alexandre Millon bản Hợp đồng mua Tác phẩm Nghệ thuật Ấn vàng Kim Bảo tỷ của Vua Minh Mạng đã được nhà đương cục Pháp cấp Giấy phép cho xuất cảnh về Việt Nam.

Câu chuyện với cách dùng từ hóm hỉnh của một chuyên gia cổ ngoạn đất Thăng Long có những cụm từ sinh động. Chẳng hạn “nếu không có nhiều đam mê, nỗ lực, công sức, quyết tâm”, “nếu đấu giá thì không thể mua được Ấn vàng, ông đã điện về cho Phó GĐ Sở VHTHDL tỉnh Bắc Ninh để báo cáo gấp với các cấp quản lý Bộ VHTTDL.

Hay nhất là câu Nghe có lý nên Chính phủ, đã đồng ý cử một đoàn 7 người gồm một Thứ trưởng, Cục trưởng Di Sản, 2 chuyên gia của Bảo tàng LSQG, 3 chuyên gia các Bộ liên quan bay sang Paris gặp ông Nam Hồng…”

*Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại Paris, Pháp.

Share.

Leave a Reply