Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Nhiệm vụ cứu hộ nạn nhân động đất của phi cơ Cảnh sát biển Nhật biến thành thảm kịch khi nó va chạm với máy bay chở khách, khiến 5 người thiệt mạng.

Thiếu tá Genki Miyamoto, 39 tuổi, ngày 2/1 nhận lệnh từ sở chỉ huy, điều khiển máy bay tuần thám, cứu hộ Bombardier DHC-8-315 của lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) chở hàng cứu trợ từ sân bay Haneda tới tỉnh Niigata để hỗ trợ các nạn nhân thảm họa động đất một ngày trước.

Cùng thực hiện nhiệm vụ lần này với thiếu tá Miyamoto còn có phi công phụ, chuyên viên điện đài, chuyên viên vận hành radar tuần thám, cơ giới trên không và kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay. Miyamoto được đánh giá là phi công dày dạn kinh nghiệm, với 3.641 giờ bay tích lũy, trong đó 1.149 giờ ở vị trí cơ trưởng. Anh bắt đầu điều khiển dòng DHC-8-315 từ đầu năm 2017 và được biên chế cho căn cứ Haneda của JCG từ tháng 4/2019.

Bombardier DHC-8-315 là dòng máy bay tầm trung hai cánh quạt, được trang bị hệ thống cảm biến hồng ngoại và radar quét mặt biển, đồng thời có khả năng chở hàng khi không làm nhiệm vụ tuần thám. Máy bay có thiết kế đặc biệt, với phần cánh được bố trí ở phía trên thân, giúp những người bên trong có thể dễ dàng quan sát mặt biển bên dưới qua cửa sổ.

Kích thước chiếc máy bay cứu hộ DHC-8 thuộc Cảnh sát Biển Nhật Bản gặp nạn vào ngày 2/1. Đồ họa: USA Today

Máy bay DHC-8 với thiết kế phần cánh ở phía trên thân. Đồ họa: USA Today

Tuy nhiên, thiết kế này được các chuyên gia coi là một trong những nguyên nhân có thể gây ra thảm kịch với chiếc DHC-8-315 trong vụ va chạm với máy bay chở khách Airbus A350-900 của Japan Airlines trên đường băng sân bay quốc tế Haneda, Tokyo ngày 2/1.

Khoảng 17h43 hôm đó, thiếu tá Miyamoto điều khiển phi cơ từ bãi đỗ chạy theo đường lăn để tiếp cận đường băng 34R ở sân bay Haneda. Anh liên lạc với sở chỉ huy Cảnh sát biển, thông báo đã được kiểm soát viên không lưu sân bay Haneda “cấp phép tiến vào đường băng để cất cánh”.

Cùng lúc đó, máy bay A350 chở 379 người tiếp cận đường băng 34R sau khi nhận lệnh từ kiểm soát viên không lưu, theo dữ liệu ghi âm điện đàm trên trang LiveATC. Từ trên buồng lái máy bay A350, phi công nhiều khả năng không thể nhìn thấy chiếc Bombardier DHC-8-315 nhỏ hơn nhiều đang chạy ra đường băng, do lúc đó trời đã tối và thiết kế của chiếc máy bay tuần thám khiến đèn nội thất trên khoang của nó bị phần cánh che khuất khi nhìn từ trên cao.

Ngay khi chiếc A350 hạ cánh, hành khách nghe thấy tiếng nổ lớn, tiếp theo là đám lửa khổng lồ bùng lên và khói nhanh chóng tràn vào khoang. Chiếc máy bay khổng lồ trượt trên đường băng, ngọn lửa từ bên trái dần lan rộng. Điều kỳ diệu là toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn đã sơ tán an toàn khỏi phi cơ trong khoảng 5 phút, trước khi nó bị lửa nhấn chìm.

Ở đầu đường băng, máy bay tuần thám không được may mắn như vậy. Phi cơ cũng bị biến dạng và bắt lửa sau cú va chạm rồi cháy rụi. Thiếu tá Miyamoto kịp thời thoát ra ngoài trong tình trạng bị thương nặng, nhưng 5 đồng đội của anh đã thiệt mạng.

Theo Sally Gethin, chuyên gia hàng không tại Anh, việc máy bay tuần thám không được trang bị bộ phát đáp ADS-B hiện đại có thể là một lý do nữa khiến va chạm xảy ra.

ADS-B giúp tăng khả năng nhận diện và xác định vị trí giữa các máy bay, trong đó có những thông tin quan trọng để tránh va chạm như vị trí trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS), độ cao và vận tốc. Thông tin từ ADS-B được truyền về vệ tinh GPS và chuyển tiếp theo thời gian thực đến các điểm kiểm soát không lưu cùng máy bay khác. Hệ thống này được đánh giá có độ chính xác cao hơn hệ thống radar thông thường, theo Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) của Mỹ.

“Bộ phát đáp tín hiệu trên máy bay giúp tháp kiểm soát không lưu lẫn những máy bay trong khu vực nắm rõ tình hình”, Gethin nói.

Hình ảnh hiện trường cho thấy phần bụng của chiếc Airbus A350-900 dường như đã quệt vào mũi máy bay tuần thám, khiến ống dẫn nhiên liệu của phi cơ bị đứt. Nhiên liệu rò rỉ lập tức bốc cháy, tạo ra quả cầu lửa khổng lồ.

Chuyên gia hàng không người Anh Tim Atkinson cho hay máy bay Bombardier nhỏ hơn khá nhiều so với A350, nhưng nó vẫn có trọng lượng khoảng 20 tấn và mang theo khá nhiều nhiên liệu khi chuẩn bị cất cánh.

Hành trình máy bay A350 của Japan Airlines trước khi gặp nạn. Đồ họa: AA

Hành trình máy bay A350 của Japan Airlines trước khi gặp nạn. Đồ họa: AA

Giới chức Nhật Bản ngày 3/1 thông báo đã tìm thấy hai hộp đen trên máy bay Cảnh sát biển Nhật Bản và sẽ truy xuất dữ liệu để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với máy bay trước khi gặp nạn. Cảnh sát Tokyo cũng mở cuộc điều tra song song về nghi vấn thiếu trách nhiệm gây thương vong và đã lập đơn vị đặc biệt để phỏng vấn những người liên quan.

Giới chức an toàn hàng không Nhật Bản cùng JCG cho biết họ sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân thảm kịch như các yếu tố kỹ thuật, con người và điều kiện khách quan. Tuy nhiên, giả thuyết có sai sót trong khâu liên lạc giữa phi công và tháp kiểm soát không lưu đang được chú ý hơn cả.

Đài truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch nói rằng vụ tai nạn có thể xảy ra do “cơ trưởng máy bay Cảnh sát biển hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu”.

“Câu hỏi đầu tiên cần được làm rõ là liệu chiếc máy bay tuần thám đã tiến vào đường băng hay chưa và vì sao điều này diễn ra”, Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không tại hãng tư vấn Ascend ở Anh, nhận định.

Chuyên gia Gethin cũng cho rằng cuộc điều tra cần làm rõ điều gì đã xảy ra trong khâu liên lạc giữa các bên. “Chưa rõ lý do là gì, nhưng dường như chiếc máy bay nhỏ hơn đã có mặt ở sai vị trí và sai thời điểm”, Gethin nói.

John Cox, cựu điều tra viên tai nạn hàng không tại Mỹ, cho rằng cuộc điều tra tại Nhật Bản cần ưu tiên tập trung vào chỉ thị của tháp kiểm soát không lưu, sau đó đánh giá nguyên nhân phi công Japan Airlines không nhìn thấy chiếc máy bay tuần thám khi chuẩn bị hạ cánh.

Theo tổ chức tư vấn Quỹ An toàn Bay (FSF) tại Mỹ, sai sót trong liên lạc và điều phối máy bay thường là nguyên nhân dẫn đến các vụ va chạm hoặc suýt va chạm trên đường băng. FSF khuyến cáo các hãng hàng không cần phát triển và trang bị công nghệ định vị tốt hơn cho máy bay để nhân viên không lưu và phi công phát hiện rủi ro va chạm sớm hơn.

Xác máy bay cứu hộ DHC-8 thuộc Cảnh sát biển Nhật Bản trên đường băng sân bay Haneda ngày 3/1, sau vụ va chạm khiến 5 người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Xác máy bay Cảnh sát biển Nhật Bản trên đường băng sân bay Haneda ngày 3/1, sau vụ va chạm khiến 5 người thiệt mạng. Ảnh: AFP

“Rủi ro va chạm trên đường băng là nỗi lo toàn cầu. Chúng ta đã thấy hệ quả của những sự cố này nghiêm trọng đến mức nào”, CEO Hassan Shahidi của FSF nhận định.

Sau khi thoát ra khỏi chiếc máy bay biến dạng sắp bốc cháy, thiếu tá Miyamoto lập tức điện đàm với sở chỉ huy, thông báo “máy bay phát nổ trên đường băng”. “Tôi đã thoát hiểm. Không rõ tình trạng của những đồng đội trên máy bay”, anh nói.

Thi thể 5 đồng đội của Miyamoto được tìm thấy khi lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy trên phi cơ. “Điều đau lòng nhất là họ đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ nạn nhân động đất”, Roger Whitefield, cựu phi công Anh, nói.

Share.

Leave a Reply