Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
November 6, 2021
Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Quyển sách “Tuồng Kim Vân Kiều – Truyện Kiều ở Nam Kỳ Lục Tỉnh – Toàn bộ ba hồi với bản Nôm – Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu, Nguyễn Hiền Tâm bổ chính” được giới thiệu ra mắt tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Thứ Bảy, 23 Tháng Mười, trong đó có phần mạn đàm với sự tham dự đông đảo của các giáo sư, văn thi hữu, và những người yêu thích truyện Kiều.

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và các văn thi hữu trong buổi ra mắt sách “Tuồng Kim Vân Kiều bản Nôm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Kim Vân Kiều là áng văn chương bất hủ trong văn học Việt Nam, một thi phẩm trứ danh mà người Việt ai cũng biết.

Nhưng quyển Tuồng Kim Vân Kiều này lại là một phát hiện mới. Đặc biệt là phần từ vựng, giải thích những chữ hoặc nhóm chữ đặc thù phương ngữ Nam Bộ, cùng bản sao chụp toàn bộ bản tuồng chữ Nôm.

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm nói: “Quyển sách này tôi gọi là Tuồng Kiều Nam Bộ, tuồng Kiều ở Đồng Bằng Cửu Long, hay Tuồng Kiều Miền Nam. Gọi bằng nhiều cách để nhấn mạnh tính cách địa phương của bản tuồng. Tuồng vốn là biến thể hay là một phó phẩm của truyện thơ, biến thể để phù hợp với trình độ thưởng thức của người bình dân vào thời tác phẩm xuất hiện.”

Quyển tuồng có gần 400 trang, gồm ba hồi và 95 chương, từ lúc Kiều đi lễ Thanh Minh, qua bao nhiêu truân chuyên dâu bể, lưu lạc nơi chốn lầu xanh, đi tu, tự tử nhưng không chết, cho đến lúc gặp lại Kim Trọng và đồng ý nối lại duyên xưa, và phần phụ lục nguyên bản tuồng Kiều bằng chữ Nôm.

Cô Kim Ngân (trái), giám đốc Viện Việt Học, giới thiệu Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm trong buổi ra mắt sách “Tuồng Kim Vân Kiều bản Nôm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Sâm giải thích: “Truyện Kiều có rất nhiều tình tiết nói hoài không hết, như truyện Kiều truyền qua đến Nhật, họ đem những chi tiết địa phương của xứ họ vào, Từ Hải được thay bằng một kiếm sĩ, với tinh thần võ sĩ đạo được dân chúng thương. Còn truyện Kiều Việt Nam thì không như vậy, nàng Kiều của xứ Bắc Kinh thì vẫn là xứ Bắc Kinh, không thấy người dân Việt trong đó.”

“Nhưng, trong cuốn Tuồng Kiều chữ Nôm này, những chi tiết trên được sửa lại, khác với bản chánh truyện Kiều, có những đoạn Tú Bà đánh đập Kiều ngã lăn ra gần chết, thì ông thôn trưởng làm dữ, đòi phạt tiền Tú Bà, hoặc ông thày thuốc ra sức quảng cáo thuốc của ông chữa bịnh hay nhứt,… Từ đó mới thấy tính cách của người Việt và thôn xã Việt Nam ngày trước. Chính những chi tiết khác biệt này đem lại sự sinh động của địa phương Việt Nam, đó là điểm hay của tác phẩm,” Giáo Sư Sâm nói.

Nhà văn Đặng Phú Phong hỏi bản tuồng chữ Nôm này ai là tác giả, hoặc người chép lại là ai? Họ là người trước tác hay phổ biến thêm?

Giáo Sư Sâm cho hay Tuồng Kim Vân Kiều bản chữ Nôm này do ông Cao Đảnh Hưng (1924-1999) chép lại năm 1942 từ một bản khác, không thấy nói tác giả là ai, được một vị tiến sĩ trẻ, trưởng Ban Hán Nôm Đại Học An Giang, chụp lại và gởi qua ông để phiên âm, chú giải và phát hành nhằm lưu lại hậu thế, không làm thương mãi.

Quang cảnh buổi ra mắt sách “Tuồng Kim Vân Kiều bản Nôm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ai là tác giả, hoặc ai phụ giúp chép lại, chúng ta không thể biết. Nhưng tôi nghĩ rằng tác phẩm thể hiện tư tưởng của thời đại đó, nên vô danh cũng được. Chính nó là sản phẩm của cá nhân, và là tác phẩm thể hiện xã hội thế kỷ 19, nên người ta coi tác phẩm này thuộc về cả thời đại đó,” Giáo Sư Sâm trình bày.

Đồng quan điểm trên, Giáo Sư Đào Trung Đạo cho rằng ai là tác giả không quan trọng bằng cái gì được viết, văn chương được viết trong tác phẩm mới là chính.

Nhà báo Phan Tấn Hải góp ý rằng Tuồng Kim Vân Kiều do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm, cũng giống như Hollywood lấy tiểu thuyết chuyển thành phim, không thể nói phim hay hoặc tiểu thuyết hay hơn, cũng như không thể nói truyện Kim Vân Kiều hay hoặc Tuồng Kim Vân Kiều hay hơn. Mỗi thể loại có cái độc đáo của nó, giống như cam và táo.

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm cũng rất hoan nghênh ý kiến cho rằng bản tuồng này đã được dịch từ chữ Nôm qua chữ quốc ngữ, rất hay, nếu được dựng lại thành tuồng tích diễn trên sân khấu thì tuyệt vời, giúp người Việt và nhất là thế hệ sau này biết đến văn phong, ngôn ngữ người miền Nam xưa qua chữ Nôm.

Nhà văn Ngự Thuyết (trái) mạn đàm cùng Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm về “Tuồng Kim Vân Kiều bản Nôm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhưng, “Tôi chỉ là người phiên âm chữ Nôm ra tiếng quốc ngữ, còn dựng thành tuồng trình diễn thì xin nhường lại cô Kim Ngân và Viện Việt Học, và những người có tâm huyết với chữ Nôm. Hiện tôi còn trong tay mấy chục tuồng chữ Nôm khác cần phổ biến, như tuồng Nhị Độ Mai,… cần phải giới thiệu bản quốc ngữ của những tuồng này, nhưng không còn thì giờ nữa,” Giáo Sư Sâm chia sẻ.

Trả lời cô Kim Ngân hỏi điểm nào thích thú nhất khi phiên âm quyển tuồng này, ông Sâm cho biết: “Đó là tính chất của người Việt trong quyển tuồng này, như lúc Tú Bà đánh đập Thúy Kiều té xuống đất thì ông thôn trưởng làm dữ, đòi bắt phạt rồi còn đòi tiền hối lộ. Hoặc như ông thầy thuốc quảng cáo thuốc của ông rất hay… Những chuyện ấy chỉ thấy trong quyển tuồng này, hoặc như có những nhóm từ ngày xưa đã nghe ông bà mình nói, rặt ròi tiếng Nôm với phương ngữ miền Nam, hầu như biến mất tưởng chừng không còn nghe được nữa, nay rất thích thú khi được nghe lại.”

Đề cập về tuồng, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm nói: “Tuồng vốn là biến thể hay là một phó phẩm của truyện thơ, để phù hợp với trình độ thưởng thức của người bình dân vào thời tác phẩm xuất hiện. Người dân thế kỷ 19 trong Nam không thể nào hiểu hết truyện Kiều do văn chương quá uyên bác của nguyên tác và nhứt là không thể trình diễn được – Tuồng hát bội lúc đó là bộ môn văn nghệ nổi bật nhứt do hoàn cảnh sanh hoạt của dân chúng – Ở Bắc cũng có hai tuồng Kiều, nhưng mang sắc thái của miền ngoài. Bản chúng ta có ở đây chứa đựng một kho tàng về từ ngữ, về cách nói chuyện đặc trưng Nam Bộ, vô cùng quý báu, khó lòng tìm thấy ở các tác phẩm thuộc thể loại khác.”

Hình bìa quyển “Tuồng Kim Vân Kiều bản Nôm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Đọc thầm hay ê a đồng thời nhớ lại những câu tương ứng trong Đoạn Trường Tân Thanh, tôi nghĩ là một hạnh phúc tuyệt diệu của người thích văn nghệ,” Giáo Sư Sâm tiếp.

“Nó như cái nghiệp, mỗi buổi sáng thức dậy, hoặc buổi trưa ăn xong, rảnh rỗi viết vài ba chữ, lại có phu nhân coi chuyện nhà cửa, đành phải làm chuyện khác vậy. Đằng sau công việc, luôn có hình bóng người phụ nữ của tôi (nhà văn Ngọc Ánh),” Giáo Sư Sâm hóm hỉnh nói.

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, với lòng yêu tiếng Việt, yêu chữ Nôm, yêu văn hóa nước nhà qua những tuồng tích, những câu chuyện xưa, những tác phẩm chữ Nôm ngày trước, miệt mài phiên âm qua chữ quốc ngữ. Đó là những hạt ngọc quý để lại, một kho tàng văn học dành cho học giới và những nhà nghiên cứu tiếng Việt mai sau. [đ.d.]

Share.

Leave a Reply