Tuesday, May 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Cao Nguyên

2021-06-14 RFA
Kết quả bầu cử với những con số cao ngất ngưởng có ý nghĩa gì?Hình minh hoạ. Người dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm 23/5/2021 ở Hà Nội
 Reuters

Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam công bố 499 người trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV vào tối ngày 10/6 vừa qua. Trong đó, bốn thành viên “tứ trụ” đều đạt trên 90% số phiếu bầu. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là người thấp nhất với 93,23%. Trong khi đó, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính chiếm tới 98,74% số phiếu hợp lệ.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, thành viên sáng lập của Viện nghiên cứu Phát triển IDS (đã giải thể), nói rằng việc công bố kết quả bầu cử năm nay có một bước tiến bộ hơn các kỳ bầu cử trước:

Tôi thấy là việc công bố cụ thể các tỷ lệ phiếu bầu như vậy là một bước tiến bộ trong việc công khai, minh bạch của Việt Nam. Còn việc ông Nguyễn Phú Trọng đạt số phiếu không cao lắm, theo tôi có liên quan đến tuổi tác và sức khỏe của ông ấy.”

Ngoài ra, còn có những con số đáng chú ý khác về thống kê tỷ lệ kết quả bầu cử. Báo Vietnamnet  dẫn lại báo cáo nhanh từ các địa phương ngay sau khi kết thúc ngày bầu cử 23/5 cho biết, trung bình trên cả nước, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,16%. Các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cao nhất với 99,98%.

Bà T, là một cử tri thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói rằng tỷ lệ cao ngất ngưỡng mà Nhà nước công bố không nói lên ý nghĩa gì cả. Chính nơi bà ở, tình trạng một người cầm năm hay sáu thẻ cử tri đi bầu cho cả gia đình là điều không hề hiếm:

“Họ có thể đưa ra rất nhiều con số, nhưng đối với tôi những con số đó không có ý nghĩa gì. Bởi vì bàn cờ nằm trong tay họ. Họ có thể làm nhiều việc.

Khu nhà tôi có nhiều lắm, một người cầm năm, sáu phiếu đi bầu thay cho cả nhà được. Đến thì cứ cầm đủ thẻ cử tri, đọc tên và có thẻ cử tri thì cứ thế ngồi gạch vậy thôi.”

000_9AK846.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu hôm 23/5/2021 ở Hà Nội. AFP

Cũng theo danh sách trúng cử, chỉ có bốn người tự ứng cử và 14 người không phải là đảng viên được lọt vào Quốc hội, thấp hơn kỳ bầu cử năm 2016 là năm có 21 người ngoài đảng trúng cử. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:

“Tôi mừng khi có bốn người tự ứng cử được trúng cử. Tiếc rằng trước đó có một số người tự ứng cử nhưng không được ứng cử tiếp.”

Ngày 21/3/2021, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố có 77 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đến ngày 27/4, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, ông Bùi Văn Cường cho biết chỉ còn có chín người tư ứng cử trong số 868 ứng viên Đại biểu Quốc hội khoá XV.

Hai người tự ứng cử là ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh ở Hà Nội bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Theo bà T, ngay cả bốn người tự ứng cử sẽ trở thành Đại biểu Quốc hội khoá tới cũng chưa hẳn thật sự là độc lập:

Thực ra con số người tự ứng cử và người trúng cử không nói lên được điều gì đâu. Bởi vì dù sao thì cũng đã có sự sắp xếp từ trước đó rồi. Và con số bốn người tự ứng cử được trúng vào Quốc hội thì cũng là quá nhỏ so với 500 đại biểu. Con số đó cũng là do họ đưa ra thôi, chứ còn bốn người tự ứng cử cũng chưa chắc là người độc lập.”

Trong bốn người tự ứng cử thành công, có ông Nguyễn Anh Trí, là Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, nhận được 65,09% số phiếu. Ông này từng ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng trước Quốc hội hôm 29/3/2021 rằng ông “cảm động với vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang, gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc”.

Ông Trọng, 77 tuổi, là người đã giữ chức Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, vượt qua cả hai tiêu chí về nhiệm kỳ và tuổi tác theo quy định trong Đảng.

000_9A823J.jpg
Ông Lương Thế Huy, ứng viên tự do. AFP

Ứng viên độc lập Lương Thế Huy bị loại

Một ứng cử viên độc lập, gây chú ý từ dư luận không có tên trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là ông Lương Thế Huy.

Ông Huy tự ứng cử Đại biểu Quốc hội quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, huyện Thanh Oai và là ứng cử viên Hội đồng nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo kết quả được công bố, ông Huy chỉ nhận được hơn 17%, tương đương hơn 101.479 phiếu bầu tại đơn vị bầu cử của mình.

Bà T, hiện đang ở tại quận Hai Bà Trưng, chính là đơn vị mà ông Lương Thế Huy ứng cử Hội đồng nhân dân. Bà cho biết đây là lần đầu tiên trong đời mình chủ động đi bầu và “huy động” cả gia đình đi bầu cho ông Huy. Dù vậy, việc ông Huy không trúng cử cũng không nằm ngoài dự đoán của bà:

“Đây là lần đầu tiên tôi đi bầu cử. Những năm trước thì tôi không quan tâm lắm. Đa phần toàn là những người từ trên trời rơi xuống. Mình cũng không biết mục tiêu của họ là gì. Huy thì công bố về những ý tưởng của mình khi tham gia ra ứng cử để trở thành đại biểu Quốc hội  nên mình rủ cả nhà đi bầu.

Thực ra thì mình cũng đã biết từ trước là cũng khó. Mình không biết là có bị can thiệp vào các phiếu bầu không, nhưng thực ra Huy hay bất kỳ một ai đăng ký như thế thì cũng là “hên xui” thôi.”

Không công khai quá trình kiểm phiếu

Về quá trình kiểm phiếu bầu, theo Luật bầu cử, Tổ bầu cử sẽ tiến hành kiểm phiếu với sự chứng kiến của hai cử tri là người biết chữ, có uy tín tại địa bàn và không phải là những người ứng cử Đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, những ứng viên và phóng viên được quyền chứng kiến việc kiểm phiếu, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

Tuy nhiên, không có một cơ quan báo chí Nhà nước nào tường thuật lại quá trình các đơn vị tiến hành kiểm phiếu. Trong khi đây được xem là một sự kiện trọng đại, một “ngày hội non sông” theo như cách mà Nhà nước Việt Nam vẫn tuyên truyền.

000_9AA7AP.jpg
Những tấm biển cố động cho bầu cử ở Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 19/5/2021. AFP

Bà T, cho biết ở khu bà sinh sống, không một ai thắc mắc việc kiểm phiếu đã được diễn ra như thế nào, có công bằng, minh bạch hay không:

Khu của tôi chỉ được đi đến bỏ phiếu thôi. Còn ai kiểm phiếu và phiếu bầu đó được chuyển đi đâu để kiểm tra, kiểm phiếu như thế nào thì không được công khai.

Buổi bỏ phiếu thì công khai, nhưng việc kiểm phiếu thì họ làm âm thầm với nhau, chả ai biết. Cả cả dân khu nhà tôi cũng không ai biết, xưa nay đã là như thế rồi.”

Tiến sỹ Lê Đang Doanh từ chối đưa ra bình luận về tính minh bạch của quá trình kiểm phiếu bầu. Theo ông, kết quả đã được công bố rồi, và ông mong rằng những vị Đại biểu khoá mới sẽ làm tròn trách nhiệm của một người đại diện cho nhân dân:

Tôi hy vọng rằng Đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục quá trình tình đổi mới hoạt động của Quốc hội, phản ánh một cách đầy đủ và kịp thời ý kiến của người dân về các vấn đề nóng bỏng của sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay.

Vừa qua thì chúng ta đã có thể thấy rằng trong sinh hoạt của Quốc hội đã có các ý kiến phát biểu thẳng thắn vào các vấn đề gai góc, chứ không chỉ có những lời ca ngợi. Tôi hy vọng rằng, vì sự tiến bộ của đất nước mà các ý kiến gai góc đó sẽ được coi là các ý kiến xây dựng, bởi vì chỉ có những người chân thành đóng góp mới chỉ ra những thiếu sót để có thể thúc đẩy xã hội tiến bộ hơn.”

Share.

Leave a Reply