Thursday, May 9 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Trật tự được tái lập tại Kabul nhờ chiến tranh kết thúc, nhưng xã hội vẫn chìm trong hỗn loạn sau gần 10 ngày Taliban tiếp quản.

Khi người Mỹ đã rút và chính phủ dân cử ở Afghanistan sụp đổ, mọi tuyến đường ở thủ đô Kabul nay nằm trong tay lực lượng Taliban. Chỉ sau một đêm, thời thế đã đổi thay với hàng triệu người dân thành phố, kết thúc 20 năm sống trong một xã hội được chống đỡ chủ yếu bởi nguồn viện trợ từ nước ngoài.

Ngày 23/8, gần 9 ngày từ khi Taliban trở lại nắm quyền, phần lớn hoạt động chính quyền vẫn chưa được khôi phục. Người dân chật vật cân bằng cuộc sống thường nhật trong nền kinh tế đang rơi tự do khi không còn viện trợ nước ngoài. Ngân hàng đóng cửa, tiền mặt khan hiếm, giá lương thực tăng liên tục và xăng dầu như thể đã bốc hơi.

Bầu không khí bình lặng đang bao trùm phần lớn thành phố, khác với tình trạng hỗn loạn bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai, tâm điểm chiến dịch di tản khỏi Afghanistan. Các chiến binh Hồi giáo dần siết chặt kiểm soát từng khu dân cư và các tuyến phố. Không ít dân thường chọn ẩn náu trong nhà hoặc ra đường một cách e dè vì hiếu kỳ với chế độ mới.

Các tay súng Taliban tuần tra khu vực Wazir Akbar Khan, thủ đô Kabul vào tuần qua. Ảnh: AP.

Các tay súng Taliban tuần tra khu vực Wazir Akbar Khan, thủ đô Kabul vào tuần qua. Ảnh: AP.

Ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền, lực lượng Taliban lập tức đưa ra những lời hứa hẹn về một thể chế mới, đa thành phần, thoát ly quá khứ bạo lực và hà khắc đã hằn sâu trong ký ức người dân Afghanistan. Một số cư dân thừa nhận bất ngờ trước tình trạng trật tự và bình yên trên đường phố những ngày qua, trái ngược với hàng chục năm tội phạm và bạo lực tràn lan. Nhưng cũng không ít người cảm thấy sự bình lặng là thực tế đáng sợ.

Trong khu vực gần nhà của Mohib, một cư dân Kabul, đường phố không một bóng người. Ai cũng ở yên trong nhà vì sợ. “Mọi người sợ Taliban có thể ập đến bất kỳ lúc nào và cướp đi tất cả”, Mohib nói.

Ở những phố trung tâm, nơi tập trung đông đảo lực lượng Taliban, phụ nữ gần như không ra đường. Theo lời Sayed, một công chức Afghanistan, số ít phụ nữ bước khỏi nhà cũng mặc burqa, áo choàng đen phủ toàn thân và che kín mặt theo luật Hồi giáo Sharia.

Ngược lại, tại các khu vực ít hiện diện Taliban, vẫn còn phụ nữ “mặc quần áo bình thường như trước thời Taliban” khi ra khỏi nhà. Shabaka là một trong số đó. Cô cho biết từng chạm mặt chiến binh Hồi giáo ngoài đường khi mặc quần áo bình thường, nhưng không gặp phải rắc rối gì.

Shabaka nhận thấy tâm lý lo sợ ở người dân thành phố nhưng cũng cảm thấy tình hình đang khá bình lặng. Cô không phải người duy nhất có cảm giác tích cực về Taliban.

Ở phố Company rìa phía tây Kabul, giao thông dần trở lại bình thường dù xăng dầu ngày càng khó kiếm. Cánh tài xế xe tải và xe buýt nói đường phố an toàn hơn xưa vì chỉ còn Taliban kiểm soát toàn diện. Các chốt kiểm soát an ninh và tình trạng mãi lộ vốn khét tiếng của các lực lượng an ninh Afghanistan đã biến mất hoàn toàn, được thay thế bằng mô hình thu phí một lần do Taliban quản lý.

“Chúng tôi hạnh phúc với Tiểu vương quốc Hồi giáo. Với Taliban, chúng tôi không còn rắc rối. Không còn tình trạng cảnh sát nhũng nhiễu và đòi hối lộ”, Ruhullah, 34 tuổi, lái xe buýt đường dài giữa Herat và Kabul, chia sẻ.

Khác với câu chuyện tái lập trật tự xã hội, bộ máy điều hành đất nước dưới thời Taliban vẫn còn ngổn ngang. Phe thắng cuộc đang tìm kiếm hỗ trợ quốc tế và thành viên chính quyền cũ, trong đó có cựu tổng thống Hamid Karzai. Dù vậy, hình bóng guồng máy chính phủ mới vẫn chưa hiện rõ.

Một nhân chứng cho biết không một công chức nào dám quay lại văn phòng căn cước điện tử chính phủ làm việc. Phần lớn công chức không trở về nhiệm sở, lo sợ bị trả thù vì từng hợp tác với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Ở một số cơ quan công quyền khác, Taliban đang thay máu nhân sự.

“Nhiều người từng làm cho chính phủ đã mất việc. Taliban đang chỉ định người mới”, Raziq, một người làm trong mảng du lịch, chia sẻ.

Tình trạng nền kinh tế còn nghiêm trọng hơn. Chiến dịch tái chiếm thần tốc, không thông qua quá trình chuyển giao quyền lực, đã đột ngột cắt đứt mọi nguồn viện trợ nước ngoài. Nền kinh tế Afghanistan vốn mong manh càng thêm báo động. Mỹ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế chặn dòng tiền vào Afghanistan, đẩy Taliban vào tình thế bị cô lập và bên bờ vực khủng hoảng tài chính.

Tại Kabul, không chỉ ngân hàng mà các điểm chuyển tiền chui cũng dừng phạt động. Giá trị đồng Afghani rơi tự do. Người dân đổ xô đi tìm ngoại tệ như USD để tích trữ. Nhà báo Rahmatullah cho biết tiền mặt ngày càng khan hiếm vì không ai rút được tiền khỏi tài khoản ngân hàng. “Vay mượn cũng không được vì chẳng ai còn tiền mặt”, anh chia sẻ.

Khu vực mua bán ngoại tệ trong một khu chợ của Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: NYT.

Khu vực mua bán ngoại tệ trong một khu chợ của Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: NYT.

Cuộc sống thường nhật đảo lộn thêm vì lạm phát. Giá dầu ăn từ 500 Afghani đã nhảy vọt lên 1.200. Thực phẩm nhìn chung ngày càng đắt đỏ. Chỉ có trái cây và rau củ được trồng trong nước là trường hợp ngoại lệ do biên giới đóng cửa và thương lái không thể xuất khẩu, theo Hassan, nhân viên một tổ chức phi chính phủ. Anh cho biết giá 7 kg táo từ 500 Afghani giảm chỉ còn 100.

Giá xăng dầu tăng vọt ảnh hưởng đến cả Taliban. Những chiếc Ford Ranger đắt tiền do Taliban tịch thu từ cảnh sát hiếm khi được sử dụng. Raziq có lúc nhìn thấy các tay súng tập trung đến 16 người trên một xe.

Hệ quả khác là tình trạng thất nghiệp. Sayed, một cựu công chức chính phủ, mô tả mỗi ngày có hàng trăm người lao động và thợ xây dựng ra đường tìm việc nhưng không ai thuê. Ông lo ngại Kabul sẽ rơi vào khủng hoảng đói nghèo nghiêm trọng.

Theo lời Raziq, ngay sau khi thông báo công ty du lịch có thể làm được dịch vụ thị thực sang Uzebekistan, anh nhận được hơn 500 tin nhắn và 300 cuộc gọi của khách hàng.

Những người sinh ra và lớn lên tại Kabul trong vòng 20 năm qua, chưa bao giờ trải qua những năm tháng cầm quyền của Taliban và đã quen với tầm nhìn xã hội do Mỹ xây dựng, là nhóm cảm thấy bất an nhất trước trật tự mới. Người trẻ tìm cách bỏ trốn khỏi Kabul, sang các nước láng giềng xin tị nạn.

“Mọi người lo lắng cho mạng sống của mình nhiều hơn. Họ không quan tâm chuyện làm ăn trở lại. Trường học và trung tâm đào tạo đã đóng cửa. Học sinh đang tìm cách rời bỏ đất nước và cũng không muốn quay lại trường học”, Saifullah, chủ một điểm chuyển tiền chui, cho biết.

Xe buýt đến các vùng biên giới chủ yếu chở theo người trẻ tuổi, chi tiền cho những kẻ buôn người giúp họ vượt biên. Mohammed, cựu quan chức chính phủ Afghanistan, cho biết vé xe rời Kabul đã tăng giá gấp đôi. Xe từ Kabul đến các tỉnh biên giới luôn chật kín, còn chiều về chỉ toàn xe trống.

Dòng người “vỡ mộng” về một xã hội Afghanistan do Mỹ xây dựng đang tìm cách thoát khỏi thủ đô. Nữ sinh viên 22 tuổi Senin nói Taliban từ đầu tuần này đã cấm cô đến trường.

Senin có hai người anh trai từng làm việc với quân đội Mỹ đã di tản, nhưng cô và gia đình vẫn kẹt lại. Họ thường xuyên bị Taliban đe dọa.

“Mọi ước mơ của tôi đã vỡ tan”, cô cho biết.

Trung Nhân (Theo New York Times)

Share.

Leave a Reply