Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Mì Tàu là mì của mấy ông người Tàu bán, phần đông là trên những chiếc xe rất lớn mà chiếc xe đó dù nhà  cao cửa rộng, mặt tiền linh đình cũng phải để nó trước mặt cho khách thấy, cái nồi nước lèo sôi sùng sục bốc khói luôn nằm trên chiếc xe

Nhớ tiệm mì Tàu là nhớ chiếc xe vì nó đập vô mắt mình đầu tiên.

Chiếc xe cũ cũ, có nhiều cái hộc đựng mì và những cái ghế cũng cũ cũ, xe có tranh kiếng. Mì Tàu phải có tranh kiếng mới vui và ngon

Tranh kiếng vẻ tích Tàu, từ trên cao là tên tiệm mì, sẽ có chữ “Ký”, thí dụ Toàn Ký, Minh Ký, Hải Ký Mì Gia, Lương Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia. Chữ “ký” là một dấu hiệu thương mại của ngành nghề mì, cũng như chữ “đường” trong nghề thuốc bắc, nó là “Trademark”

Tranh kiếng vẽ Quan Công, Triệu Tử Long cưỡi ngựa múa thương,múa đao. Võ Tòng đánh cọp ở núi Cảnh Dương, Thủy Hử, Tề Thiên…

Về Sài Gòn, Chợ Lớn mà không ăn mì Tàu là bỏ sót, nó là đam mê cái thói quen ăn uống sành điệu của người Miền Nam chúng ta.

Tiệm mì Tàu với sợi mì dẻo, thơm, tươi rói trứ danh, với công thức làm sợi mì bí truyền cùng với nồi nước lèo ngọt ngay nhức nách cũng bí mật.

Người ta thích ngồi húp mì ở những cái kệ kéo dài ra trước xe mì, thích cái nồi nước lèo luôn sôi sùng sục cùng tiếng lửa khò khè, tiếng lách cách lụp bụp của cái vợt tổ chảng trụng mì của ông chủ.

Mì Tàu có ông chủ không mua mì vắt hay mì gói làm sẵn, ngày xưa người chủ xe mì phải tự làm, làm tại chỗ, hoặc làm ở nhà và giữ thành từng vắt một và để ngay ngắn thành sấp trong một cái ngăn kéo, toàn mì tươi.

Người Tàu làm kỹ lắm, trụng mì cũng hai ba công đoạn, trụng nước sôi xong lắc,lắc xong trụng nước sôi lại, rồi lại trụng nước lạnh, rồi lại lắc, đập đập cái vá cùm cụp.

Mì tính vắt, kéo ghế kêu “Ông chủ cho tô mì 3 vắt”. Ông chủ bụng phệ chạy lắc lư như Ông Địa vừa mở hộc tủ lấy mì, trụng mì, lắc mì vừa nói “Dòi, dòi, nị ăn ba dắc”

Ăn mì Tàu phải nghe người Tàu xí xa xí xồ mới vui, nhiều khi nghe không hiểu gì mà vẫn thích nghe.

Một tô mì Tàu đúng nghĩa truyền thống chỉ có thịt xá xíu, chút thịt xay, hành hẹ, và một cái bánh chiên với con tôm nhỏ nhỏ.

Mì Tàu truyền thống lúc nào cũng phải có cải tam sại, màu đỏ như màu tôm và tóp mỡ dòn tan, cắn nghe rau ráu dưới răng mới khoái.

Mì Tàu lúc nào cũng có thêm chút dầu hào cho ngọt. Mì Tàu lúc nào cũng có mỡ heo và cải xanh.

Tàu mà, phải có hoành thánh nữa, có thể kêu hủ tíu mì hoành thánh hoặc mì hoành thánh, hủ tíu mềm nha, cọng rất to.

Mì Tàu sau này còn có đủ loại,mì sườn, mì vịt tiềm, mì sủi cảo, sườn, gan, tôm luộc, mực, cua xé nhỏ, tim cật…

Những ngày đầu năm nên ăn mì sủi cảo, người Tàu quan niệm ăn mì sủi cảo đầu năm mới sẽ đem lại may mắn cả năm.

Gắp vài miếng ớt ngâm, thêm chút dấm Tàu, húp miếng nước lèo, gắp một đũa mì đưa lên miệng….

Cha mẹ ơi….chết điếng!

NGUYỄN GIA VIỆT

Share.

Leave a Reply