Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
DẦN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ HỔ
Đặng Vũ Tuấn Sơn (Nhà thiên văn học)
12 địa chi (từ Tí đến Hợi) không phải là 12 con vật mà có nguồn gốc ám chỉ 12 giai đoạn từ khi thai nghén, nảy mầm cho tới khi già héo và chết đi của cây cối. Sau này, các chi được gán thêm các con vật vào. Như vậy, mỗi con vật đại diện cho một chi. Chẳng hạn, con hổ đại diện cho Dần, nhưng không đồng nghĩa với việc Dần là con hổ.
Các thiên can (từ Giáp đến Quý) cũng có nguồn gốc tương tự. Đó là 10 giai đoạn và đặc điểm phát triển của cây cối, mùa màng.
Một cách chính xác thì: Dựa vào vòng đời sinh trưởng của cỏ cây, người Trung Quốc đã đặt tên cho các can và chi để mô tả các giai đoạn khác nhau. Dưới đây là danh sách và ý nghĩa của từng can và chi mà thông thường còn ít người biết tới.
10 thiên can, hàm ý về các đặc điểm và quá trình phát triển của cây cối và mùa màng.
1. Giáp (甲): Vỏ, ngụ ý rằng vạn vật đều nảy nở từ những hạt cây trong đất.
2. Ất (乙): cỏ cây bắt đầu lớn lên và lá xuất hiện.
3. Bính (丙): đón ánh nắng và sáng lên
4. Đinh (丁): trưởng thành và khỏe mạnh
5. Mậu (戊): cây cỏ cùng vạn vật phát triển tươi tốt khắp nơi
6. Kỉ (己): phát triển mạnh mẽ và đơm hoa kết trái
7. Canh (庚): mùa thu hoạch đã tới gần
8. Tân (辛): một mùa mới đang chờ
9. Nhâm (壬): sau thu hoạch, hạt lại nằm trong lòng đất đợi ngày ra đời
10. Quý (癸): những cỏ cây mới đã sắp nảy mầm để bắt đầu chu kỳ mới
12 địa chi tương ứng với 12 giai đoạn liên tiếp từ khi gieo hạt, nảy mầm cho tới khi phát triển và cuối cùng là chết đi của cây.
1. Tý (子): hạt nảy mầm và hút nước
2. Sửu (丑): mầm đã nảy và vươn khỏi mặt đất
3. Dần (寅): cây vươn về phía ánh Mặt Trời
4. Mão (卯): cành và lá mọc rậm rạp
5. Thìn (辰): tăng trưởng nhanh chóng
6. Tỵ (巳): phát triển đầy đủ và trưởng thành
7. Ngọ (午): sung mãn hoàn toàn
8. Mùi (未): quả đã chín
9. Thân (申): bắt đầu già đi
10. Dậu (酉): khô héo dần
11. Tuất (戌): úa tàn
12. Hợi (亥): chết đi
Như vậy, ý nghĩa ban đầu của các chi vốn không phải là chỉ các con vật như hầu hết chúng ta vẫn thường nghĩ. Việc gán các chi với các con vật diễn ra sau đó, được cho là vào thời nhà Hán ở Trung Quốc. Ở Việt Nam ta, các con vật vẫn được gán giống như cách người Trung Quốc đã làm, trừ chi Mão ở Trung Quốc vốn là thỏ nhưng người Việt ta lại đặt là mèo, có lẽ vì trong văn hóa dân gian của chúng ta thì con mèo gần gũi hơn.
Vậy nói năm 2022 là năm con hổ, năm 2023 là năm con mèo có sai không?
Không sai, vì đó là qui ước văn hóa đã được sử dụng rộng rãi. Bài viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng:
1- “Sửu” không có nghĩa là trâu (“Ngưu” mới là trâu), “Tuất” không có nghĩa là chó (“khuyển” mới là chó), …
2- Người sinh năm Dần không có nghĩa là có đặc điểm gì đó giống con hổ, các năm khác cũng như vậy (vì rõ ràng là nó chỉ là qui ước văn hóa, và còn được ghép vào sau đó chứ không phải nguyên gốc của các địa chi).
3- Can và Chi ghép cạnh nhau vẫn là hai từ độc lập, không được coi là từ ghép và cho rằng Can là một tính từ bổ sung ý nghĩa cho Chi. (Không có từ nào bổ nghĩa cho từ nào ở đây cả. Do đó, ví dụ Tân Sửu (辛丑) không phải là trâu mới hay sửu mới).

 

Share.

Leave a Reply