Monday, May 6 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 (Bài viết đầu năm Nhân Dần, kính tặng Bác sĩ Trần Văn Tích Đức Quốc)  

Trại cải tạo đầu tiên của tôi ở miền Bắc là Trại 3 thuộc Liên trại 7 Hoàng Liên Sơn, trại này cách bến phà Yên Bái khoảng 20 cây số nằm trên tỉnh lộ 32 Yên Bái – Lai Châu. Trại do quân đội quản lý, cuộc sống ở đây khá thoải mái, công việc hàng ngày vào rừng chặt nứa đem về đập dập kết thành những tấm phên để lợp nhà hoặc làm vách. Những tấm phên này lấy đất sét tô trét lên, và quét nước vôi, nhìn từ xa trông giống những vách tường ciment xinh xắn. Công việc thứ hai là đi hái chè (trà), có một hôm, khi đến hiện trường, nghe cán bộ hướng dẫn cách thu hoạch chè và đưa ra chỉ tiêu, tình cờ có một số cô gái đi hái chè cho Nông trường Chè Trần Phú đi ngang qua, họ cười giỡn nói lớn: “Ối giờ, lại cũng chỉ tiêu, chỉ tiêu, chả bao giờ đạt đâu?”  

Hàng ngày đi lao động, băng ngang lộ liên tỉnh 32, có một trụ cây số ghi Nghĩa Lộ 40 hay 50 Km gì đó tôi không nhớ rõ, nhưng chưa bao giờ thấy có chiếc xe nào chạy trên lộ. Buổi chiều, lao động về, đi tắm suối, ăn xong, anh em tản bộ quanh các lán hoặc lên hội trường ngồi tán dóc, hội trường nằm trên một ngọn đồi cao thoáng mát, mặt sau và mặt hông có suối nước chảy rất nên thơ, như là nghinh phong các ngày xưa. Đến 9 giờ tối, nghe tiếng kẻnh, anh em vào lán ngủ. 

Lúc bấy giờ, chỉ có một nổi cực nhọc là mỗi hai tuần, anh em phải đi tãi gạo. Từ trại đến hợp tác xã nhận gạo khoảng 10, 15 cây số, đây là thị trấn Văn Chấn, trong khi chờ đến phiên nhận gạo, anh em đi vòng quanh phố chợ rất nhộn nhịp, đôi khi gặp đồng đội từ các trại khác cũng đến đây nhận gạo. Họ cho biết có gặp Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy Dù bị bắt ở Hạ Lào năm 1972 cũng đang chăn trâu ở đây. Đó là một ngày vui, nhưng trên đường về trại, vất vả nặng nề, mỗi người phải quàng trên vai một ruột tượng dài hơn một mét chứa khoảng 15 kg gạo, hai tay giữ chặt hai đầu ruột tượng, lom khom trở về trại giữa trưa hè nắng bức. 

Chúng tôi ở trại 3 Liên trại 7 Hoàng Liên Sơn, khoảng 3 tháng thì được chuyển trại, qua sông Hồng, xe molotova chạy vòng các ngọn đèo, ngày càng lên cao, nhìn chung quanh rừng núi chập chùng. Hôm sau đến thị trấn Sa Pa, cảnh vật rất đẹp, các cô gái sắc tộc với trang phục đầy màu sắc. Cuối cùng chúng tôi đến trại mới ở Phố Lu, Lào Cai, mặt tiền trại có tấm bản lớn Trại Giam Trung Ương số 1 của Bộ Nội Vụ, công an với quân phục màu vàng đưa chúng tôi vào trại. Mỗi nhóm 40 người vào chung một lán có cửa khóa chặt, bên trong có tấm bản ghi nội quy tù cải tạo.   

Từ nay chúng tôi đã trở thành tù nhân của chế độ mới, sống chung với những tội phạm của xã hội như trộm cắp, đĩ điếm, tuy nhiên anh em vẫn tự an ủi: mình là tù chính trị khác với tù hình sự. Trong mấy ngày đầu, anh em ra suối xúc cát đấp nền trại, sau đó bắt đầu lên núi đốn chặt nứa. Công việc vô cùng vất vã, phải leo lên núi cao mới tìm được cây nứa tốt theo tiêu chuẩn. Hạ được cây nứa đã là một việc vất vã, sau đó tỉa các nhành lá và tìm cách lôi nó ra đường rảnh để đẩy nó từ từ xuống chân núi, kéo về trại. 

Trong hoàn cảnh cơ cực này lại gặp mùa đông lạnh buốt ở vùng thượng du đất Bắc, tôi nhớ bài thơ Lính thú đời xưa: “Ba năm trấn thủ lưu đồn….Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn. Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai. Miệng ăn măng trúc, măng mai. Những dang cùng nứa, lấy ai bạn cùng”. Ba năm trấn thủ đã khổ như vậy, thử hỏi người tù không có bản án, lâu dài gấp mấy lần ba năm, thì khổ sở biết dường nào, nhưng tôi may mắn được bạn tù giúp đỡ. 

Anh Võ Văn Tiến, bạn cùng khóa 22 Thủ Đức và Quân Báo Cây Mai đã cứu giúp tôi. Mãn khóa học Cây Mai, anh được thuyên chuyển lên Pleilku, phụ trách khai thác tài liệu ở Quân đoàn 2, còn tôi làm công tác khai thác tài liệu ở Bộ Tổng Tham mưu. Trong một dịp công tác ở Quân đoàn 2, Trung tá Nguyễn Quang Ngọc, Chỉ huy trưởng CDEC được anh Tiến tiếp đãi nồng hậu. Thời gian sau, anh Tiến vào Sài Gòn công tác, Trung tá Ngọc ủy nhiệm tôi sắp xếp nơi ăn chốn ở cho Tiến, nay gặp lại bạn cũ trong cảnh khốn cùng, được anh tận tình  giúp đỡ.  

Anh Tiến vốn là một thợ mộc có tay nghề từ trong Nam, khi chuyển ra Bắc anh có giấy giới thiệu là thợ mộc móp (meuble) giỏi, nên được trại Phố Lu cử làm đội trưởng đội mộc. Anh xin viên quản giáo cho tôi về đội mộc, vì anh Lâm từng làm việc với anh trong Nam, anh Lâm rất tận tụy và siêng năng. Nhờ đó tôi được chuyển sang đội mộc, cầm viết thì được, cầm cưa xẻ gỗ thì rất vụng về, tôi cưa xong, anh Tiến phải dùng bào, bào lại cho thẳng. Tôi nói với Tiến, để tôi làm công việc đục đẽo cột, kèo, được ngồi trong bóng mát là tốt rồi. 

Trong thời gian ở trại Phố Lu, Lào Cai, tôi có dịp tiếp xúc một số anh em Biệt Kích, nhảy toán ra Bắc hồi thập niên 1960. Họ cho biết, đa số đã được phóng thích sau ngày 30/4/1975, còn họ vì địa phương ở trong Nam, phần lớn ở các khu Chí Hòa, Bắc Hải, Hối Nai, Gia Kiệm…không kiểm tra được địa chỉ mà họ đã khai trong lý lịch lúc bị bắt. Họ khuyên chúng tôi, đừng ăn bất cứ cỏ cây gì lạ, số biệt kích trước đây chết rất nhiều vì đói nên ăn những thứ đó. 

Ở trại giam Phố Lu đến khoảng giữa năm 1978, tôi được chuyển về phân trại K5, trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày đầu tiên ra ruộng trồng rau muống.nhìn xuống phía dưới bờ ruộng đầy phân từ trại chuyển ra, vừa đổ xuống, nhưng anh em vẫn phải bước xuống cấm những cọng rau muốn vào đống phân nhày nhụa dơ bẩn, nước thì lạnh thấu xương.  

Sau đó, một số anh em ở trại này cho biết trước đây không lâu, ông Lưu Đình Việp, Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã chết vì móng chân bị nhiễm trùng vì phân khi đi trồng rau muống. Trong tờ khai sinh của tôi năm 1941, có chữ ký của ông Chánh án Lưu Đình Việp, 37 năm sau tôi và ông lại hiện diện ở đám ruộng trồng rau muống này.  

Hết đội rau muống, tôi lại chuyển sang đội nông nghiệp, thay trâu kéo cày và cuối cùng là đội xe cải tiến, ba người phụ trách một xe, một anh cầm càng đi trước, hai anh đi phía sau đẩy. Lúc này, trại bày vẽ việc bầu chọn tự quản, linh mục Trần Thanh Cao được 44 phiếu, tôi được 43 phiếu trong số 45 đội viên. Trại có chủ trương tìm thấy những ai được đồng đội mến mộ, họ sẽ tách nguời đó ra khỏi tập thể. Một thời gian sau, cha Trần Thanh Cao bị chuyển vào trại Thanh Phong, Thanh Cẩm nào đó ở Thanh Hóa, còn tôi có lẽ nhờ làm thư ký đội, ghi biên bản các buổi học tập chính trị, cán bộ giáo dục thấy tôi “thuộc bài” trình bày đúng bài bản, nên chuyển tôi vào phân trại K4 ở gần đó. 

Công việc mới ở phân trại K4, cũng đội xe cải tiến, lấy đất chận một khúc đường để xây đập nuôi cá trám cỏ. Một hôm, cán bộ phụ trách đội đến hiện trường, gọi tôi đến làm việc, ông ta hỏi tôi: Hôm qua, tổ của anh chuyển được mấy khối đất? Tôi trả lời: Thưa cán bộ, tôi không biết được bao nhiêu khối đất. Ông ta nói: “Tại sao các tổ khác biết mà anh lại không biết?  Cán bộ chỉ tôi ngọn đồi bên đường, tôi đâu có thước để đo, thì làm sao tôi biết được đào và chuyển được bao nhiêu đất? Ông ta nói “anh lao động tốt, nhưng anh chưa đấu tranh tốt đối với các anh lười lao động”. Tôi trả lời: Trong tổ, tôi là người yếu nhất, nhưng vì trách nhiệm do cán bộ giao, tôi cố gắng làm đúng chỉ tiêu, nếu có anh nào không làm thì tôi phải làm thay, họ thương tôi, nên đều cố sức như tôi, không có ai trây lười cả. 

Hôm sau, cán bộ trực trại điểm danh các đội xuất trại đi lao động, còn anh Lâm đội vận chuyển ở lại trại, phụ trách tổ đan lát. Mấy hôm sau, cán bộ giáo dục vào trại kiểm tra vệ sinh nhà bếp, bệnh xá, các lán…Đến tổ đan lát, thấy tôi đang cậm cụi, ông ta nói: Anh Lâm, trại cử anh đôn đốc tổ làm việc, chớ đâu bắt anh làm? Tôi trả lời: thưa cán bộ tôi vừa làm, vừa theo dõi, đôn đốc các anh làm.  

Một lần nữa, tôi lại được chuyển công tác, sang đội xây dựng, ngồi quay lò cho tổ rèn. Tổ rèn có nhiệm vụ rèn các loại dao, mác, đi rừng, tu sửa các loại cuốc xẻng, tuy nhiên cán bộ hoặc vệ binh thường đến nhờ việc riêng tư, cán bộ thì nhờ rèn dao gâm, vệ binh nhờ rèn dao, mài dao, mài kéo hoặc một vài thứ linh tinh khác. Anh tổ trưởng Nguyễn Đức Chính từ chối, viện lý do nếu Ban Giám thị phát hiện, tổ rèn sẽ bị kỹ luật, nhưng họ nài nĩ và nhờ anh quay lò, vừa quay vừa để mắt,  theo dõi nếu thấy giám thị thì báo động.  

Nhờ đó, cán bộ vệ binh đều có cảm tình với người quay lò. Còn đối với đội thủ công xây dựng, tôi là thư ký, ghi biên bản các buổi học tập chính trị, các sinh hoạt đội mỗi tuần hai lần. Trong học tập chính trị, cải tạo viên phải liên hệ bản thân để khai tội lỗi của mình, tôi có dịp trình bày với đồng đội những gì tôi ghi nhận trong thời gian làm việc ở trung tâm khai thác tài liệu cộng sản. Cả đội đều thoải mái, mọi người đều có tên trong biên bản, tham gia thảo luận tích cực bài học cũng như mạnh dạn phê và tự phê trong sinh hoạt tổ, đội. 

Lúc bấy giờ, khoảng cuối năm 1978 đầu 1979, tôi đang ở phân trại K4 Trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú được anh Nguyễn Uyên cho biết một số tin tức nóng bỏng từ Đài BBC như: Cộng sản Việt Nam đưa quân sang Miên lật đổ Pol Pot. Trung Cộng thiết lập bang với Hoa Kỳ, chiến tranh xảy ra ở biên giới Việt Trung… 

Anh Uyên là Đại úy Tâm lý chiến được trại giam xử dụng làm trật tự thi đua cùng anh Nguyễn Long Hải (Hải mù, nghe nói sau này là Luật sư ờ California). Từ trại tù Lào Cai, anh Uyên là hung thần đối với một số anh em cải tạo, tạo khá nhiều oán hận đối với họ. Nhưng anh lại tin tôi và dám thổ lộ đã lén nghe đài BBC, VOA và tiết lộ những tin cực kỳ phản động. Vì là thi đua, anh được ngủ riêng, trong bịnh xá với Bác sĩ Phạm Văn Thịnh, anh biết sửa radio nên vệ binh và cán bộ thường nhờ anh lợi dụng thời giờ rảnh ban đêm sửa dùm họ. Do đó anh rà đài BBC, đài VOA nghe những tin tức như tôi kể trên. 

Trước đây, từ giữa năm 1974 tôi đã thấy mầm móng của cuộc xung đột mới này khi tôi được lịnh sang Phnom Penh khai thác một số tài liệu quan trọng do Quân đội Lon Nol tịch thu. Lúc bấy giờ thủ đô Cam Bốt gần như bị bao vây tứ phía, chỉ chờ ngày thất thủ…Tài liệu lại đề cập đến một chi tiết mới lạ, là những cuộc xung đột xảy ra giữa lực lượng Khmer Đỏ và bộ đội Cộng sản Việt Nam trên đất Miên. Nội dung tài liệu tiết lộ các lãnh tụ Khmer Đỏ lên án Cộng sảnViệtNam đã thỏa hiệp với Mỹ kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, để giúp Mỹ tăng cường nổ lực tiêu diệt lực lượng kháng chiến Campuchia. Các lãnh tụ Khmer Đỏ yêu cầu Hà Nội phải rút hết quân khỏi Campuchia, đồng thời ra lịnh thuộc cấp ngăn chận, đánh phá các hoạt động thu mua lương thực của bộ đội Cộng sản ViệtNam trên đất Miên.  

Ngoài ra, lúc bấy giờ, vợ anh Danh Kiên Giang (bút hiệu Sông Kiên) nhân dịp thăm nuôi gởi cho chồng cuốn sách mang tựa đề Lenin. Đây là quyển sách ngoại ngữ duy nhất được nữ cán bộ giáo dục của trại khuyến khích: “Các anh phải đọc những sách như thế này để nâng cao nhận thức cách mạng”. Hầu như chẳng anh em nào muốn đọc sách này khi họ thấy nguyên trang bìa là bức hình của tên tổ Cộng sản, nhưng anh Mai Trọng Thản, nguyên Tổng Thanh tra Bộ Thông tin Việt Nam Cộng Hòa báo cho tôi: Anh Lâm ơi, cuốn sách này hay lắm. 

 Đây là cuốn sách của nhiều tác giả phê bình những khía cạnh độc tài của đảng do Lenin lập ra. Đảng kiểu mới của giai cấp công nhânphải bảo đảm quyền lãnh đạo tuyệt đối và không thể chia xẻ của giai cấp công nhân. Đó không phải là một đảng của quần chúng có sinh hoạt dân chủ như các đảng Dân chủ Xã hội Tây phương mà là một đảng của giới lãnh đạo 

 Lenin chủ trương, Đảng phải là một “tổ chức thống nhất có hình thức quân đội được tập trung cao độ, có kỷ luật và chỉ huy chặtchẽ từ bên trên xuống, cấp dưới chỉ biết phục tùng và thi hành“. Đảng phải là một “khối thống nhất về tư tưởng, coi việc thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu cuối cùng“. Sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức của đảng Cộng sản được thực hiện bằng chế độ tập trung dân chủ. Trong đảng, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, toàn đảng phải phục tùng trung ương: “Đảng là một đạo quân mà khi ra trận thì phải hành động như một người. Vi phạm những nguyên tắc này có nghĩa là phá hoại kỷ luật trong đảng, phá hoại sự thống nhất của đảng,”Đảng phải đặt nền tảng trên nguyên tắc hệ cấp của sự suy cử và cử nhiệm từ trên xuống”. 

 Tóm lại những đặc điểm của một đảng Leninit là “tự cho mình như là một thành phần tiên phong có ý thức và trình độ giác ngộ cao nhất của giai cấp công nhân, một ý thức hệ được giáo điều hóa, một cơ cấu tập trung quyền lực có hệ cấp chặt chẽ như một quân đội”. 

 Một tổ chức đảng như vậy lại được độc quyền lãnh đạo toàn bộ xã hội, một khi nắm được toàn bộ quyền lực, đảng “sẽ phóng chiếu lên xã hội các định chế của riêng đảng. Và cuối cùng đảng xây dựng xã hội theo một mô hình mà đảng quan niệm“. Thật ra đó chỉ là ý kiến sáng tạo của một nhóm trí thức tí hon nhưng “đã trở thành chủ thể thống trị toàn diện xã hội với một quyền lực tuyệt đối. Những quyền theo truyền thống dân chủ vẫn được phân cách, nay được tập trung vào một nhóm nhỏ vừa là chủ nhân của quyền lực chính trị, vừa độc quyền quản lý các tư liệu sản xuất vừa là chủ thể độc nhất được quyền giải thích chân lý“. 

 Vì tính chất độc tài “không phải của giai cấp vô sản đối với các giai cấp bóc lột mà là độc tài đối với giai cấp vô sản“, nên những người Marxit từ những lãnh tụ Dân chủ Xã hội ôn hòa như Georgy Plekhanov (1856-1918), Julius Martov (1873-1923)  cho đến những người cực tả triệt để như Leon Trotsky (1879-1940) hoặc bà Rosa Luxemburg (1871-1919) đã tấn công một cách quyết liệt cơ cấu đảng Cộng sản của Lenin.  

 Trong cuốn Marxit chống độc tài“, bà Rosa Luxemburg đã viết: “Không có gì có thể bắt buộc phong trào công nhân còn non trẻ phải phục vụ một cách tuyệt đối cho một tên trí thức lãnh đạo khát khao quyền lực“. Plekhanov, lãnh tụ sáng lập đảng Dân chủ Xã hội Nga, thì lên án “quan niệm hàm hồ lẫn lộn giữa độc tài vô sản và độc tài trên giai cấp vô sản nhằm dựng giai cấp trí thức lên hàng lãnh đạo, chiếm độc tôn cuộc cách mạng vô sản“. Ông tố cáo Lenin “đã đẩy chủ nghĩa xã hội ra khỏi giai cấp và đẩy giai cấp ra khỏi chủ nghĩa xã hội”. 

 Plekhanov chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch tổ chức đảng Bolshevik của Lenin: “Ta hãy tưởng tượng Ban Chấp hành Trung ương đảng có toàn quyền bãi chức, quyền mà Lenin cực lực đòi hỏi cho Ban Chấp hành Trung ương đảng, thì đây sẽ là những gì có thể xảy đến trong viễn ảnh Đại hội đảng sắp đến… Ban Chấp hành Trung ương đảng bãi chức tất cả những thành viên không làm Trung ương đảng hài lòng, rồi cài khắp nơi người của mình. Và một khi đã lấp đầy tất cả Ban Chấp hành đảng ủy các cấp gồm những người của mình. Trung ương đảng dễ dàng nắm đa số tuyệt đối vâng dạ tại Đại hội đảng. Đại hội đảng lúc nhúc người của ta đấy, sẽ vỗ tay hoan hô, sẽ biểu quyết chấp nhận tất cả mọi ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương đảng. Khi đó trong đảng chẳng có đa số hay thiểu số gì cả”. Đại hội đảng mà Plekhanov tiên liệu đã thực sự diễn ra dưới thời Stalin với sự nhất trí tiền chế ấy. 

 Trotsky thì cho rằng ý kiến tổ chức đảng của Lenin “chỉ phù hợp với một chính đảng xa lạ với giai cấp công nhân. Thay vào nền độc tài chuyên chính vô sản, Lénin chủ trương tập trung quyền hành triệt để là nhằm chuẩn bị cho nền độc tài trên giai cấp vô sản“. Trotsky đã từng chỉ cho Lenin thấy rằng: “Tổ chức sẽ thế chỗ đảng, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thay thế tổ chức và cuối cùng nhà độc tài sẽ thế chỗ Trung ương đảng“. Điều này đã xảy ra sau khi Lenin qua đời, Stalin đã tập trung vào trong tay mọi thứ quyền lực và xây dựng một chế độ độc tài chưa từng có trong lịch sử. 

 Trotsky nhiều lần lập lại lời của Plekhanov để nhắc nhở Lenin về hiểm họa của sự độc tài cá nhân trong cách tổ chức đảng Cộng sản: “Cuối cùng sẽ không còn gì nữa, rồi ra mọi sự sẽ xoay quanh một cá nhân duy nhất, coi như trên cả thượng đế, tập trung cho mình tất cả quyền lực“. Trotsky kết luận: “Nền chuyên chính vô sản sẽ đặt ra hàng trăm hàng chục vấn đề mới, người ta không thể giải quyết những vấn đề ấy bằng cách đặt lên vai giai cấp vô sản một nhóm rất nhỏ hoặc một người duy nhất có toàn quyền thanh toán và bãi chức”. 

 Milovan Djilas, lãnh tụ kỳ cựu của Nam Tư đã nhận xét:  “Cộng sản là một thế lực suy tàn, có người còn nói nó là một xác chết, nhưng là một xác chết có thể lôi ta cùng xuống mồ với nó”. Chính Lenin khi nằm liệt giường ở Gorsky đã thấy được hậu quả tai hại lý thuyết của mình và bày tỏ sự hối hận trong di chúc cuối cùng, song bị Stalin thủ tiêu di chúc này. 

 Vì tính chất độc tài tàn bạo, chúng tôi tin tưởng chế độ Cộng sản sẽ bị chính những người Cộng sản thủ tiêu. Anh Mai Trọng Thản đã sốt sắng dịch nhiều đoạn trong quyển sách trên để giúp tôi làm tài liệu tham khảo. Nhiệt tình khiến chúng tôi quên rằng mình đang sống trong nhà tù cộng sản với màng lưới ăng ten dày đặc và việc khám xét tư trang xãy ra thường xuyên. Mãi một thời gian sau, anh mới sực nhớ điều nguy hiểm này và khuyên tôi nên hủy bỏ những bút tích, hãy cố gắng cất giấu nó vào tâm não.

LÊ QUẾ LÂM

Share.

Leave a Reply