Wednesday, May 8 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Chiến tranh Ukraina : Cộng đồng người Việt tại Ba Lan tận tình đón tiếp đồng hương chạy lánh nạn

Di dân Việt Nam từ Ukraina lưu trú tại chùa Nhân Hòa, Vacxava, Ba Lan. 04/03/2022 © Ảnh do chùa Nhân Hòa cung cấp
 
Chi Phương
 
Ukraina là nơi sinh sống của khoảng 7000 kiều dân Việt Nam, chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn như Kiev, Kharkov và Odessa. Từ khi chiến tranh nổ ra cũng như hàng triệu người sống tại Ukraina, kiều dân Việt phải di tản đến các quốc gia lân cận chủ yếu là Ba Lan. Trước cảnh chạy nạn khó khăn của đồng hương, cộng đồng người Việt tại Ba Lan tích cực trợ giúp.
 
Từ hơn một tuần qua, trang mạng của cộng đồng người Việt tại Ba Lan với hơn 40 000 thành viên, chưa bao giờ lại sôi động đến thế. Mọi người trong nhóm trở nên quen thuộc với những dòng tin ngắn gọn như “Đội xe đón người từ cửa khẩu Korczowa 25 phút nữa sẽ có mặt. 2 xe đón được 10 người. Ai cần ra xe nhé”. Một tin khác thông báo : “Nhà tôi giờ lại có hai phòng trống vì các bạn kia lên đường rồi ! Chỉ còn 1 gia đình ở thôi ! Vậy là có thể nhận thêm 2 gia đình có con nhỏ nhé !”, hay một tin nhắn khác : “Trưa mai cần 2-3 bạn tình nguyện chở hàng cứu trợ lên biên giới”.
Và cả những thông báo, tin nhắn xin cứu trợ của người Việt từ Ukraina như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Việt Nga, từng sinh sống ở Kiev. Ban đầu, nghe tin chiến tranh, cả gia đình do dự không rời đi ngay vì đã coi Ukraina là quê hương thứ hai, nơi làm ăn sinh sống của cả gia đình. Chị kể :
“Có một quả tên lửa rơi ngay cạnh nhà, lúc đấy chúng tôi mới quyết định đi, tôi còn con nữa, một bé 8 tuổi nữa. Vì nghĩ cho con nên mình phải đi, mình phải bỏ hết tất cả lại, mình đi thôi. Lúc chúng tôi đặt chân sang Ba Lan thì chúng tôi không quen biết ai cả. Tôi đăng tin lên hỏi hội người Việt Nam ở Ba Lan. Đoàn nhà tôi sang Ba Lan tầm 20 người như thế, mà có trẻ con người già, thì mọi người có thể giúp chỗ ở qua đêm, để từ từ chúng tôi thuê nhà được không, thì có rất nhiều người nhắn vào hộp thư cho tôi là có thể đón chúng tôi về nhà ở. Lúc mà chúng tôi chưa biết đi đâu về đâu thì có một anh lúc đấy cũng muộn rồi, chạy xe ra đưa chúng tôi về tận nơi (cho chúng tôi ở lại qua đêm), mặc dù không biết tôi là ai cả”.
 
Ngay khi nhận được thông tin sơ tán từ Ukraina, và những thông tin tìm kiếm sự trợ giúp như của gia đình chị Việt Nga, nhiều người Việt tại Ba Lan đã thành lập các đội tình nguyện tự phát đề xuất hỗ trợ đồng hương chạy từ Ukraina sang. Trong đó có nhóm của chị Nguyễn Dung gồm khoảng 20 người.
 
Những chuyến xe Không đồng
Mọi người tự phân chia công việc theo đội. Một đội có nhiệm vụ ở cửa khẩu để hướng dẫn di dân từ Ukraina sang Ba Lan, phiên dịch, làm thủ tục qua cửa khẩu. Một đội khác phụ trách các chuyến xe Không đồng (miễn phí), đón mọi người từ cửa khẩu đưa đến những địa điểm theo yêu cầu. Một nhóm khác tập hợp các yêu cầu về chỗ ở kết nối với những hộ gia đình đề xuất hỗ trợ. Đội tình nguyện đã lập ra một danh sách dài các cơ sở doanh nghiệp đề xuất tuyển lao động di dân Việt từ Ukraina, đính kèm số điện thoại liên lạc. Một số cơ sở đề xuất không chỉ việc làm mà cả chỗ ở.
Chị Dung kể rằng có những thành viên trong nhóm vừa chạy xe mấy trăm cây số đón người từ cửa khẩu về, tranh thủ ngủ, rồi lại đi tiếp. Nhiều người tạm ngưng công việc hiện tại, chung tay trợ giúp bà con. Ngoài việc tham gia hỗ trợ đưa đón, gia đình chị Dung, có căn nhà rộng hơn 100 mét vuông, đã không do dự chuyển đổi chỗ ở thành nơi trung chuyển, tiếp đón người tị nạn. Hiện gia đình chị đang tiếp đón 4 gia đình gồm 16 người đến từ Ukraina. Chị cho biết thêm :
Như bản thân mình, mình chỉ nghĩ là một người đi xa tổ quốc rất là lâu rồi, mình cũng là người tha hương. Thế nên mình thấy rất là thương những người đến một nơi xa lạ, không biết tiếng, người ta lo sợ. Ngoài ra người ta để lại tất cả tài sản của người ta để chạy trốn và chỉ cố cứu lấy mạng của người ta thôi. Thì lúc này, người ta không còn chỗ nào bấu vứu nữa thì chúng mình đang có điều kiện tốt hơn thì chúng mình sẽ dang tay ra giúp đỡ. Với lại mình cùng là người Việt với nhau.”
 
Người ở lại, người ra đi
Tại Vacxava, một trong những nơi tập trung đông kiều bào Việt Nam nhất tại Ba Lan, không chỉ có các hộ gia đình nhỏ lẻ tiếp nhận đồng hương di tản mà cả các tổ chức đoàn thể. Hai công ty thực phẩm châu Á lớn nhất do người Việt quản lý đó là Asia Foods và Pitaya Kuchnia đã tận dụng nhà kho và các gian văn phòng thành địa điểm tiếp đón người tị nạn. Chủ công ty Pitaya Kuchnia là vợ chồng chị Nga và anh Lâm. Khi hai vợ chồng nghe tin có người tị nạn cần trợ giúp, ngay lập tức đã điều động xe đi đón, chuyển đổi khu văn phòng vừa thi công xong chuẩn bị đưa vào sử dụng của công ty, bố trí chỗ ở cho khoảng hơn 50 người. Chị Nga cho biết :
“Như đêm hôm qua, có 9 người có cả trẻ con và người lớn, họ gọi điện cho mình vào đêm, xin là có thể ở được đây hay không. Mình rất là sẵn sàng vì còn chỗ để cho mọi người ở. Người ở cũng có, người đi cũng có. Người ta đi vì có người quen ở tỉnh, hay sang nước thứ ba, có những người thì mình cũng giới thiệu công ăn việc làm. Có những người được đón đi để có công việc ở Ba Lan.
Mình thì mình cũng không biết là sẽ giúp được họ trong bao lâu. Mình nghĩ là chiến tranh này chỉ gây bất ổn trong vòng một hai tháng thôi. Chiến tranh thời xưa thì có thể, nhưng mình nghĩ thời này chiến tranh chỉ cầm cự tối đa là một tháng. Nếu họ còn tiếp tục chiến tranh. Mình bỏ qua vấn đề chính trị sang một bên. Khi mà họ ngừng nổ súng hoặc Nga thua hoặc Ukraina thua, thì dân sẽ không di cư nữa. Họ sẽ dừng di tản. Đối với những người đã sang bên này rồi, thì trong vòng 1, 2 tuần, mình có thể hỗ trợ được họ chỗ ở cũng như công ăn việc làm. Cái đấy sẽ không lâu dài. Và chỉ trong vòng một vài tháng thì vợ chồng mình có thể giúp được.”
 
“Mái chùa che chở hồn dân tộc”
 
Tại chùa Nhân Hoà, ở ngoại ô thủ đô Vacxava của Ba Lan. Kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu, có lẽ lâu lắm rồi nhà chùa chưa tiếp đón nhiều người đến vậy. Các tấm đệm vốn được dùng để trải trong chánh điện dùng cho sinh hoạt tâm linh nay được dùng làm đệm cho di dân Việt từ Ukraina sang. Kể từ hơn 1 tuần qua, chùa Nhân Hoà là một trong những nơi tiếp đón nhiều người tị nạn lớn nhất tại Vacxava.
Từ ngày 1/3, chùa đã tiếp đón lượt người đầu tiên. Sư trị sự tại chùa Nhân Hòa, thầy Thích Trung Đạt cho biết, chùa đã tiếp đón khoảng hơn 1000 lượt người đến rồi lại đi. Những người này chỉ ở tạm một hai ngày rồi sau đó di chuyển sang các nước có người thân hoặc các nước như Đức, Thụy Điển, Na Uy. Hiện hơn còn 200 người vẫn đang lưu trú tại chùa. Thầy Thích Trung Đạt chia sẻ với RFI như sau :
“Có câu thơ mái chùa che chở hồn dân tộc mà, hiện tại chùa chưa từ chối bất cứ ai đến chùa cả. Bà con về tới chùa tới cổng rồi, tôi đều nhận hết. Có một hôm, buổi sáng, thầy bước ra khỏi phòng tôi thấy một đoàn cả 100 người vào, tôi mới nói cả trăm người này thì tính sao đây, thất thủ rồi ! Thôi mọi người ở trên rồi, thì tất cả đưa hết lên trên, còn dư thì đi xuống dưới, tận dụng luôn chánh điện để làm nơi nghỉ ngơi. Nhà chùa tạm dừng mọi nghi lễ tâm như là tụng kinh giảng pháp đi, dừng phần nghi lễ lại để yểm trợ cho bà con chỗ ngủ trước đã. ”
Nhóm thiện nguyện của chị Dung cũng tham gia hỗ trợ chùa Nhân Hòa trong việc tiếp đón người tị nạn qua việc kêu gọi quyên góp thực phẩm chăn đệm cùng những nhu yếu phẩm khác. Chùa Nhân Hòa cũng lập đội xe taxi Không đồng, những người có kỹ năng phụ trách chăm sóc y tế. Một đội chịu trách nhiệm định hướng cho di dân Ukraina, phụ giúp mua vé tàu nếu muốn đi một nước khác hoặc về Việt Nam.
Thầy Thích Trung Đạt cho biết hành động tương trợ trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan không phải là điều gì mới mẻ. Từ lâu nay, bất cứ ai có khó khăn gì, về mặt giấy tờ, tài chính hay công việc, chỉ cần lên tiếng là đều nhận được phản hồi từ cộng đồng. Trong đợi dịch Covid-19 vừa rồi, cộng đồng người Việt tại Ba Lan thực hiện may khẩu trang và viện trợ một số dụng cụ bảo hộ y tế cho các bệnh viện. Nhiều đợt quyên góp, hỗ trợ về giáo dục cho trẻ em ở một số nơi tại Việt Nam.
 
Người dưng hai tiếng đồng bào
Chiến tranh nên nhận kéo vào lòng nhau.
(Chia sẻ của chị Hao Wlodarczyk ở Vacxava, gia đình chị cũng tiếp đón các gia đình di tản từ Ukraina.)
 
Theo Liên Hiệp Quốc, trong vòng chưa đầy 10 ngày, khoảng 1,7 triệu người đã rời khỏi Ukraina. Đây được xem là cuộc khoảng di dân với tốc độ nhanh chóng nhất xảy ra từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ba Lan là quốc gia tiếp đón người tị nạn lớn nhất do có đường biên giới dài tiếp giáp với Ukraina.  Riêng ngày thứ Hai, 7/3, 141 500 người đã đi qua biên giới từ Ukraina sang Ba Lan. Những người tị nạn chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Để hỗ trợ hàng trăm nghìn người tị nạn đến và sống ở Ba Lan, chính phủ Ba Lan đã thông qua một dự luật hôm 7/3, theo đó, cho phép đàn ông và phụ nữ Ukraina có thể lưu trú 18 tháng trên lãnh thổ Ba Lan, được tự do sinh sống, làm việc. Nếu mong muốn, những người này có thể gia hạn thêm 18 tháng. Di dân từ Ukraina có thể được tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như giáo dục.
Trang mạng của bộ Ngoại Giao Ba Lan cho biết, tất cả những người tị nạn từ chiến tranh Ukraina không cần phải thông qua cơ quan nhập cảnh và có thể cư trú tạm thời trên lãnh thổ Ba Lan, mà không đưa ra thông tin cụ thể. Phía Liên Hiệp Châu Âu cũng đưa ra lệnh cấp quy chế bảo hộ tạm thời cho người tị nạn Ukraina hôm 04/03 vừa qua.
Share.

Leave a Reply