Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Wed, Mar 16 at 8:34 AM
Tác phẩm cuối của ông đã được Tủ Sách TQH kịp in vào năm 2021, Sài Gòn người muôn năm cũ, 517 trang !
Đa tạ
Dương Hoàng Mai
 
Dẫu biết có lúc sẽ nhận lời từ giã bạn đọc của nhà văn Văn Quang, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi đọc những dòng viết ngắn nhưng thật thấm sâu của ông.
Từ bao năm nay những cây bút lão làng trong vườn văn học Việt Nam, những người đáng lẽ từ lâu phải được sống an nhàn, thanh thản tuổi xế chiều nhưng vì đời còn lắm điều trái tai gai mắt, vì con đường dân tộc còn đầy éo le, chông gai, họ vẫn phải cố gắng cầm bút viết. Viết để khai sáng, viết để thức tỉnh, để truyền hy vọng, niềm tin, viết để giữ ngọn lửa quê hương không bao giờ tắt và qua đó giúp người dân thoát cảnh sống trong tăm tối.
Sau 1975 những mong ước vừa kể trên của người cầm bút như chỉ được thực hiện khi họ sống ở hải ngoại. Bởi lẽ những bài viết ghi lại sự thật, ghi lại những gì đang xảy ra ở Việt Nam hầu như không được phép in ấn, hay ra mắt công khai trên lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn chương tại Việt Nam hiện nay.
Do đó, từ bao năm nay khi muốn biết những gì đang xảy ra tại Việt Nam, không chỉ dân sống ở hải ngoại mà luôn chính cả người đang sống ở Việt Nam cũng phải tìm đọc những bài viết của nhà văn Văn Quang dưới đề mục
„Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự“ hay „ Văn Quang viết từ SàiGòn“ xuất hiện đều đặn, hầu như hàng tuần trên báo chí hải ngoại và các trang mạng Internet.
Mỗi khi nhận bài ông gửi đến, tôi luôn thầm thán phục tốc độ viết đều đặn ( tác giả đã qua tuổi 80), tin đưa chi tiết tỉ mỉ với đầy đủ hình ảnh minh họa và dẫn chứng cụ thể của tác giả.
Qua đó nếu thu thập hết tất cả những bài viết về thực trạng Việt Nam sau 75 của nhà văn Văn Quang, sau gần 30 năm, với hàng ngàn bài viết, chúng ta sẽ không chỉ có một quyển sách mà có cả một bộ sách với hàng ngàn trang viết và hàng ngàn hình ảnh của xã hội Việt Nam sau 1975.
Chỉ cần lướt sơ qua vài đề tựa của một số bài viết như :
Người nghèo phải chết , Một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại,Thuế nuôi vịt, Sống chung với xác lợn thối,Quan ông quan bà đều xài bằng giả, Những dự án nghìn tỷ,Khủng hoảng trầm trọng luân lý đạo đức tại VN,Người dân chết mòn vì đủ thứ bệnh vì thực phẩm bẩn ..vv..
người đọc cũng hình dung được phần nào tình trạng xã hội VN đương thời.
Nếu so sánh với các tác phẩm văn chương đã làm nên tên tuổi nhà văn Văn Quang trước và sau 1975 như Chân trời tím (1964 – đoạt giải vàng Văn học Nghệ thuật), Đời chưa trang điểm, Ngã tư hoàng hôn, Lên đời và còn nhiều tác phẩm khác nữa, thì tác phẩm „ Văn Quang viết từ Sài Gòn „ nếu mai sau được in ra sẽ không là tác phẩm văn chương nhưng xứng đáng nhận những giải thưởng đặc biệt cao quý nhất trong các giải thưởng dành cho phóng sự, biên tập xã hội. Vì đã được viết trong hoàn cảnh đặc biệt, viết khi người viết có thể bị bắt bỏ tù bất cứ lúc nào, hay bị tịch thu máy tính,phương tiện cầm bút ngày nay ( chuyện này đã xảy ra vài lần với nhà văn Văn Quang).
Quan trọng hơn nữa tác giả đã đưa ra ánh sáng những sự thật đang bị che dấu, thốt lên tiếng kêu ( gần như tuyệt vọng) cố thức tỉnh xã hội, cùng ghi lại những hình ảnh tang thương của một xã hội với môi trường ô nhiễm, đạo đức suy đồi, tội ác lên ngôi dẫy đầy trong cái gọi là „ thiên đường mơ ước của đảng CSVN „.
Sống giữa Sài Gòn với chế độ độc tài độc đảng hiện nay, phải thật can đảm mới hiên ngang ghi những lời như sau:
„ Hơn 60 năm cầm bút, tôi không có gì đáng tự hào bởi chỉ như người lính trên đường trường hành quân không biết mình đã bắn được bao nhiêu viên đạn. Tất cả chỉ vì ba lời thề “TỔ QUỐC – DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM” mà tôi đã thề trước khi trở thành người lính của Quân Đội VNCH“
( Văn Quang- Thư từ giã bạn đọc vào ngày 21.06.2017)
Ông không chỉ là một người lính VNCH, ông là sĩ quan VNCH với cấp bậc trung tá ( và đã phải ngồi tù „cải tạo „ hơn 12 năm). Ông cũng là giám đốc tờ báo Quân đội, sau đổi thành „Chiến sĩ Cộng hòa“, ở đó người chiến sĩ với vũ khí là ngọn bút.
Người chiến sĩ ấy đã ở lại Sài Gòn khi thành phố bị đổi tên, để tiếp tục đau xót trước cảnh Sài Gòn bị hủy hoại, đồng bào lầm than, và để tiếp tục cầm bút chiến đấu giữa bạo quyền.
Mai sau này chắc chắn những bài viết của nhà văn Văn Quang sẽ là những tài liệu quý giá để người Việt Nam được biết một thời xã hội VN điêu linh như thế nào, biết được những hậu quả mình cần phải ra sức khắc phục khi muốn quê hương đổi mới.
Lúc đó tên tuổi nhà văn Văn Quang sẽ được nhắc đến với các từ trang trọng „ Nhà Văn VNCH „
Chế độ VNCH luôn rạng ngời chính nghĩa, tình người qua các tác phẩm của những văn nghệ sĩ mà tên tuổi mãi còn ghi trong lịch sử văn chương, nghệ thuật dân tộc với những tác phẩm không hề bị mai một, dù có nhiều kẻ cố tâm hủy diệt, dập vùi, bẻ cong.
Xin mượn đề tựa bài nhạc „ Đa Tạ „ của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, mạn phép thay hai chữ „ lời ca, lời ru „ trong bản nhạc bằng hai chữ „ lời văn“, để nói lên lời trân trọng cảm ơn nhà văn Văn Quang, cảm ơn Người Chiến Sĩ VNCH, cảm ơn „Người ở lại Sài Gòn „ và cảm ơn tác giả „ Chân trời tím „ đã làm dịu êm một khoảng đời đau thương của người dân Việt.
Munich, 27.06.2017
Dương Hoàng Mai.
„Tôi xin đa tạ lời ca đã xua bạo tàn
Lời ru đã xua phũ phàng
Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng
ôi mây xõa tóc nghiêng nghiêng.
Xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng
ngày nao súng phải lạnh lùng…“
( Anh Việt Thu)
Nhà văn Văn Quang qua nét vẽ của Hoạ sĩ Đinh Cường.

Share.

Leave a Reply