Wednesday, May 8 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Ukraine tuyên bố thêm một tướng cấp cao của Nga đã tử trận

Cơ quan tình báo Ukraine cho biết thiếu tướng Nga Vitaly Gerasimov đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh gần Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Ngày 8/3, Tổng Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết Thiếu tướng Vitaly Gerasimov đã bị hạ sát cùng với một số sĩ quan khác, theo hãng tin AP.

AP dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết tướng Gerasimov (45 tuổi) được cho là phó chỉ huy đơn vị số 41 của lục quân Nga. Ông từng chiến đấu tại Syria và Chechnya, Crimea vào năm 2014. Hiện chưa thể xác nhận thông tin này và phía Nga cũng chưa đưa ra bình luận nào.

Cơ quan báo chí điều tra Bellingcat cho biết họ đã xác nhận cái chết của Gerasimov với một nguồn tin Nga, theo The Guardian.

“Thêm một tổn thất nữa trong trong đội ngũ chỉ huy cấp cao của quân đội chiếm đóng”, Bộ Quốc phòng Ukraine bộ tuyên bố hôm thứ Hai.

Tuyên bố viết: “Trong cuộc giao tranh gần Kharkiv, Vitaly Gerasimov – một lãnh đạo cấp cao Quân đội Nga, Thiếu tướng, Tham mưu trưởng và là Phó Tư lệnh thứ nhất của Tập đoàn quân Số 41 thuộc Quân khu Trung tâm của Nga, đã thiệt mạng. Một số sĩ quan cấp cao khác của Quân đội Nga cũng thiệt mạng và bị thương. Vitaly Gerasimov đã tham gia vào cuộc chiến Chechnya lần thứ hai và chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Ông ta đã nhận được một huy chương vì đóng góp lấy lại Bán đảo Crimea cho Nga”.

Nếu được xác nhận, Gerasimov sẽ là vị tướng Nga thứ hai thuộc Binh đoàn quân 41 thiệt mạng trong vòng một tuần qua. Vào đầu tháng 3, phó chỉ huy Binh đoàn, Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, được truyền thông Nga xác nhận đã thiệt mạng.

Nhiều bản tin cho biết, ông Sukhovetsky – chỉ huy một lực lượng đặc biệt của Nga, từng tham gia một chiến dịch quân sự tại Syria, đã bị một tay súng bắn tỉa Ukraine bắn hạ hôm 28/2.

Trước đó, Tổng thống Putin cũng đã xác nhận một vị tướng của Quân đội Nga đã hy sinh trong bài phát biểu cập nhật tình hình cho người dân Nga về tiến trình của “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói rằng cuộc chiến là “như một cơn ác mộng” đối với Nga và ca ngợi nỗ lực kháng chiến của Ukraine.

Giao tranh ở Kiev, thị trưởng một thị trấn nhỏ ở Ukraine thiệt mạng
Theo CNN, các lực lượng Nga dường như đã tiến hành một đợt tấn công ở nhiều khu vực để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực vào thủ đô Kiev của Ukraine.

Thị trưởng thị trấn Hostomel, ông Yuriy Prylypko, đã thiệt mạng khi “đang phát bánh mì cho những người đói bụng và thuốc men cho những người bị ốm, an ủi những người tuyệt vọng”, theo trang Facebook của thị trấn. Đài CNN của Mỹ và Hãng tin AFP cũng xác nhận thông tin ông Prylypko thiệt mạng sau khi kiểm chứng thông tin.

Hai người khác đi cùng ông Prylypko cũng tử vong.

Ngày 7/3, một người đàn ông trốn thoát khỏi Volnovakha 2 ngày trước cho biết người dân phải sống trong điều kiện tồi tệ ở một số khu vực trong thành phố. Ông này cho biết ông đã ở nhiều ngày liền trong một tầng hầm trước khi thoát khỏi thành phố.

Thử nghiệm tốc độ Internet vệ tinh Starlink tại Ukraine: Kết quả đầy ấn tượng



Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã được “kích hoạt” tại Ukraine không lâu sau khi Nga bắt đầu thực hiện cuộc tấn công nhắm vào quốc gia này.


Ở thời điểm chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng có thể gây ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng viễn thông của Ukraine, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk được xem như một sự cứu cánh với người dân nước này. Tuy nhiên, liệu trải nghiệm sử dụng thực tế sẽ ra sao? Mới đây, Oleg Kutkov, người dùng hiện đang cư trú tại Thủ đô Kyiv của Ukraine, đã đăng tải video thử nghiệm tốc độ của Starlink dựa trên công cụ Speedtest.net.

Trong đoạn video, chúng ta có thể thấy rằng Starlink đạt tốc độ tải xuống (download) chạm ngưỡng 200 Mbps. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng, vượt qua cả nhiều hệ thống mạng Internet thông qua dây cáp truyền thống. Tốc độ tải lên (upload) đạt gần 14 Mbps, nhưng từng đó cũng là quá đủ cho nhu cầu truy cập Internet cơ bản của người dùng.

Mức ping 75 ms của Starlink khá cao so với các dịch vụ Internet truyền thống, tuy nhiên Oleg Kutkov vẫn cảm thấy hoàn toàn hài lòng với chất lượng dịch vụ. Dù vậy, cũng cần phải nói rằng anh này chỉ coi Starlink là một phương pháp kết nối dự phòng, khi mạng cáp quang và mạng di động hiện vẫn đang hoạt động tại Kyiv.

“Thật không thể tin được. Nhiều người đã nhận xét về độ trễ ping. Nhưng đừng quên rằng đây là một kết nối vệ tinh hoạt động trong điều kiện không tối ưu. Starlink chỉ một kênh dự phòng đối với tôi, và tôi không có gì phải phàn nàn. Hiện tại mạng cáp quang nhanh và rẻ, cũng như mạng LTE vẫn đang hoạt động ở đây”, Oleg cho biết.

Tỉ phú Elon Musk, CEO SpaceX, tuyên bố hôm 26/2 vừa qua rằng dịch vụ Intenet vệ tinh Starlink của công ty đã được “kích hoạt” ở Ukraine sau khi Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov lên tiếng đề nghị hỗ trợ. Ông cho biết thêm rằng SpaceX đang gửi thêm các thiết bị đầu cuối (terminal) đến Ukraine, nơi mạng Internet đã bị gián đoạn do cuộc tấn công của Nga. Kết quả là, chỉ khoảng 2 ngày sau phát biểu trên, thiết bị đã được gửi tới. Thông tin này đã được ông Fedorov xác nhận trên Twitter.

Cụ thể, trên mạng xã hội Twitter, Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov đã đăng tấm hình chụp các thiết bị SpaceX gửi đến Ukraine. “Thiết bị Starlink đây rồi. Cảm ơn Elon Musk”, ông Fedorov viết.

Dù vậy, ông Elon Musk đã lên tiếng cảnh báo rằng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của công ty đã được kích hoạt ở Ukraine rất có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Ông cho biết trên Twitter: “Cảnh báo quan trọng: Starlink là hệ thống thông tin liên lạc duy nhất không phải của Nga vẫn đang hoạt động ở một số vùng của Ukraine, do đó, khả năng trở thành mục tiêu [bị tấn công] là rất cao. Hãy sử dụng một cách thận trọng”.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khuyến cáo từ một nhà nghiên cứu bảo mật Internet. Người này cho biết cách đây vài ngày rằng các thiết bị được sử dụng để liên lạc vệ tinh có thể là “đèn hiệu” bị nhắm mục tiêu bởi các cuộc không kích của Nga. Ông Musk yêu cầu người dùng “chỉ bật Starlink khi cần thiết và đặt ăng-ten ở nơi xa người nhất có thể”. Ông cũng đề nghị rằng hãy đặt vật ngụy trang màu nhạt trên ăng-ten để tránh bị phát hiện.

Ông Elon Musk hối thúc Hoa Kỳ ‘lập tức’ tăng sản lượng dầu, khí đốt

Giám đốc Điều hành Tesla Elon Musk đã nói rằng Hoa Kỳ cần phải “lập tức” tăng sản lượng dầu và khí đốt sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, mặc dù thừa nhận việc này sẽ có tác động “tiêu cực” đến công ty xe điện của ông.

Ông Musk đã lên Twitter hôm 05/03 để chia sẻ suy nghĩ của mình về việc Hoa Kỳ tăng cường sản xuất trong nước nhằm nỗ lực trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga, khi các tổ chức trên toàn thế giới rời xa Tổng thống Vladimir Putin và các hành động của ông.

Vị doanh nhân này viết: “Tôi ghét phải nói ra điều này, nhưng chúng ta cần tăng sản lượng dầu khí ngay lập tức. Những thời điểm đặc biệt đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt. Rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Tesla, nhưng các giải pháp năng lượng bền vững không thể phản ứng tức thời để bù đắp cho xuất cảng dầu và khí đốt của Nga.”

Trong một dòng tweet tiếp theo, ông Musk nói thêm rằng việc tăng cả sản lượng dầu và khí đốt ở Hoa Kỳ “trong ngắn hạn là rất quan trọng nếu không mọi người trên khắp thế giới sẽ bị áp lực rất lớn” và lưu ý rằng “đây không phải là vấn đề tiền bạc, mà là vấn đề về việc có đủ năng lượng để cung cấp điện cho các quốc gia văn minh.”

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên toàn cầu sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nga chiếm 11% tổng thị phần thế giới, trong khi Hoa Kỳ chiếm 20%.

Trong năm 2021, Hoa Kỳ đã nhập cảng trung bình 209,000 thùng dầu thô/ngày và 500,000 thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga, theo số liệu của hiệp hội thương mại các Nhà sản xuất Nhiên liệu và Hóa dầu Mỹ (AFPM).

Tuy nhiên, các dòng tweet của ông Musk được đưa ra sau các bản tin cho biết Hoa Kỳ vẫn mua 650,000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga bất chấp cuộc xâm lược do Moscow dẫn đầu nhằm vào nước láng giềng, khiến các nhà phê bình buộc tội Hoa Kỳ về căn bản đang giúp tài trợ cho các hành động của ông Putin ở Ukraine. 

Mặc dù chính phủ của Tổng thống Biden đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với nước này nhắm tới mọi thứ, từ nợ công cho đến những người trong vòng quyền lực của ông Putin, nhưng cho đến nay, họ vẫn nói rằng việc bán dầu không bị trừng phạt.

Mặc dù vậy, hàng chục công ty trên khắp Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới bao gồm cả các công ty dầu khí, đã tẩy chay các doanh nghiệp Nga và các sản phẩm do Nga sản xuất, thực sự đã loại bỏ chúng khỏi các kệ hàng.

Hôm Chủ nhật (06/03), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết hạ viện đang “xem xét” luật cấm nhập cảng dầu của Nga và cô lập nước này hơn nữa về mặt tài chính với phần còn lại của thế giới.

Bà Pelosi cho biết trong một bức thư: “Hạ viện hiện đang xem xét các luật mạnh mẽ để cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu. Dự luật của chúng tôi sẽ cấm nhập cảng dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ, hủy bỏ liên kết thương mại bình thường với Nga và Belarus, và thực hiện bước đầu tiên để chặn Nga khỏi các hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới.”

Bà Pelosi nói, quốc hội cũng dự định viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine để đáp trả cuộc xâm lược quân sự của Nga.

Trong một diễn biến khác hôm Chủ nhật, ông Musk, người trước đây đã thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, kêu gọi nước này “giữ vững kiên cường.”

Ông Musk, người đã cung cấp Internet cho người dân Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga hồi tháng trước thông qua Starlink, một dịch vụ băng thông rộng vệ tinh của SpaceX, nói thêm rằng, “Và cũng chia sẻ sự đồng cảm của tôi với những người dân tuyệt vời nước Nga, những người không mong muốn cuộc chiến này.”

Cựu Tư lệnh NATO “lo ngại” Tổng thống Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine

Hôm Chủ nhật (6/3), Cựu tư lệnh NATO James Stavridis cảnh báo, ông “khá lo ngại” Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không dừng cuộc xâm lược của mình sau khi chiếm Ukraine.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến một số nhà lãnh đạo thế giới lo lắng rằng, có khả năng Tổng thống Putin tiếp tục tấn công các quốc gia khác nếu cuộc tấn công Ukraine của ông ấy thành công. Sáng Chủ nhật (6/3) xuất hiện trên kênh truyền hình MSNBC, Cựu đô đốc Stavridis đã bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này.

Tướng Stavridis cảnh báo, Tổng thống Putin “đang ngắm súng” vào một số quốc gia trước đây thuộc Liên Xô cũ nhưng hiện vẫn chưa là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm Moldova, Kazakhstan và cả Belarus, mặc dù Belarus là một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin và thậm chí đã đồng ý để Nga bố trí vũ khí hạt nhân bên trong biên giới của mình.

Ông lưu ý: “Đó là những nơi mà ông ấy [Tổng thống Putin] sẽ đến tiếp theo. Tôi lo ngại về điều đó rất nhiều.” Tuy nhiên, ông cho hay, ông không tin Tổng thống Putin sẽ tấn công các thành viên NATO bao gồm các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia, và Lithuania do sức mạnh của NATO.

Ông nhận định: “Về mặt cá nhân, tôi không tin ông ấy [Tổng thống Putin] sẽ vượt qua biên giới NATO trong cơn giận dữ bởi vì tương quan lực lượng quân sự đang chống lại ông ấy rất nhiều.”

Tướng Stavridis nhấn mạnh, ông tin sức mạnh của NATO, bao gồm lợi thế của khối này trong chi tiêu quân sự, quân đội trên bộ và máy bay chiến đấu, sẽ ngăn chặn Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo, việc “bình thường hóa” cuộc xâm lược này sẽ có tác động tàn phá đối với nền chính trị toàn cầu.

Bắc Kinh trì hoãn lên án Nga, ĐCSTQ đang đi trên dây thép.

Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra gay gắt, ĐCSTQ đã tỏ ra mập mờ trong việc lên án Nga, làm dấy lên sự bất bình quốc tế. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã kêu gọi ĐCSTQ lên án Nga. Các nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ vẫn muốn đi trên dây thép, nhưng áp lực ngày càng gia tăng.

Ngoại trưởng Blinken lần thứ hai kêu gọi Bắc Kinh: lên án cuộc xâm lược của Nga

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/3 . Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc nói chuyện kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine ngày 24/2.

Theo bản tóm tắt cuộc gọi giữa hai người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố, ông Blinken nói trên điện thoại rằng “thế giới đang theo dõi quốc gia nào ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về tự do, tự quyết và chủ quyền”, ngầm chỉ trích việc ĐCSTQ không muốn cùng cộng đồng quốc tế lên án hành động của Nga.

Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị bày tỏ hy vọng cuộc giao tranh sẽ dừng lại càng sớm càng tốt trong một cuộc điện đàm với ông Blinken. Ông kêu gọi đối thoại và thương lượng giữa hai bên.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN vào ngày 6/3, ông Blinken một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh, hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ công khai lên án Nga.

Ngoại trưởng Blinken nói rằng ông đã nói chuyện với ông Vương Nghị trong gần một giờ đồng hồ và nhắc lại những gì ông đã nói với ông Vương Nghị trước khi Nga xâm lược Ukraine, rằng ĐCSTQ thường nói về sự tôn nghiêm của nguyên tắc chủ quyền, nhưng giờ đây Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã vi phạm nguyên tắc đó.

Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, hầu hết các nước trên thế giới đều có lập trường phản đối và lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, các nước công nghiệp phát triển đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi chính quyền Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn, và đã có quan điểm “trung lập” về vấn đề này và nhiều lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga. Trung Quốc thậm chí đã bỏ phiếu chống lại cuộc bỏ phiếu ngày 3/3 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên hợp quốc để lên án Nga, cũng liên quan đến việc yêu cầu Nga bàn giao tất cả các cơ sở hạt nhân của mình cho Ukraine kiểm soát.

Chia sẻ với Epoch Times, chuyên gia quân sự Đài Loan Lý Chính Tu (Li Zhengxiu) đã phân tích các kế hoạch của ĐCSTQ, ông nói rằng ĐCSTQ hiện đang lâm vào tình thế khó xử. Mối quan hệ của ông Tập Cận Bình với ông Putin không tệ, điều này xác định rằng ông Tập phải ủng hộ ông Putin. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ukraine và ĐCSTQ cũng khá tốt, ngoài việc Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn sang Trung Quốc, nước này cũng đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ. Vì vậy, giữa hai bên chỉ có lời kêu gọi ngoại giao đình chiến.

Ông Lý Chính Tu nói rằng trọng tâm của ĐCSTQ khi quan sát cuộc chiến Nga-Ukraine thực sự là loại phản ứng quốc tế mà họ sẽ phải đối mặt trong tương lai khi quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. ĐCSTQ đang quan sát cách cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, sau đó họ nên phản ứng như thế nào và đưa ra các dự kiến chính sách trong các lĩnh vực khác nhau.

Ông nói rằng việc Nga xâm lược Ukraine là xung đột giữa các nước, và ĐCSTQ chắc chắn sẽ tuyên bố rằng cuộc chiến ở eo biển Đài Loan là vấn đề nội bộ giữa người Trung Quốc. Nhưng cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào vào thời điểm đó, ĐCSTQ vẫn chưa thể nắm được.

Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan, cho rằng kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine phát triển, ĐCSTQ vẫn đang cố gắng giữ kín, nhưng bây giờ sức ép của quốc tế đối với họ đã lớn hơn.

“Thứ nhất là vì họ đã không ngăn được cuộc tấn công của ông Putin. Thứ hai là vì họ không tham gia các biện pháp trừng phạt đối với Nga, và thứ ba là vì họ có một chút sai lầm. Bây giờ Moscow bị phong tỏa, tất nhiên áp lực phải trở lại với Bắc Kinh”, ông Tô nói.

Cuộc chiến Nga-Ukraine bế tắc, chuyên gia: Tình thế có lợi cho Ukraine

Ông Tô Tử Vân nói với Epoch Times rằng ông cho rằng sự phản kháng mạnh mẽ của Ukraine hiện đang kéo Nga vào vũng lầy.

Vì ông Putin phát động cuộc chiến lần này để chuyển nguy cơ tiềm ẩn và khủng hoảng nội bộ, ông ấy đã từ thủ tướng lên quyền tổng thống năm 2000 rồi được bầu làm tổng thống bốn lần. Nga vốn là một trong những nước BRICS (tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Trước năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga là khoảng 5 đến 7%, nhưng Nga đã bị trừng phạt vì cuộc xâm lược Crimea vào năm 2014. Đồng rúp của Nga giảm 50%, và GDP giảm 40%. Vì vậy, bây giờ khi ông Putin lại phát động cuộc chiến tranh Ukraine, trên thực tế, sự tự tin của ông ấy là không đủ. Lý do cho sự mạo hiểm của ông ấy là vì ông ấy nghĩ rằng ông có thể giành chiến thắng một cách nhanh chóng, nhưng sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine đã kéo ông vào vũng lầy.

Ông Tô nói: “Ukraine có một ý chí mạnh mẽ. Ngoài ra còn có các loại vũ khí phòng thủ được hỗ trợ bởi nhiều quốc gia khác nhau. Tôi nghĩ nó có lợi cho bên phòng thủ về mặt tấn công đô thị và chiến tranh phòng thủ. Nga dường như đã đầu tư rất nhiều quân, khoảng 190.000 người, nhưng chúng đã bị loãng trên chiến trường khổng lồ của Ukraine, vì vậy lực lượng của ông Putin khi tấn công từng thành phố thực sự rất yếu. Sau đó, Nga hiện đang cố gắng bao vây các thành phố bằng các cuộc tấn công bằng pháo kích mà chúng tôi gọi là bóp nghẹt, để bao vây thành phố, cắt đứt nguồn cung cấp và thực phẩm của họ, hy vọng buộc quân và dân phòng thủ đầu hàng vì đói”.

Quân đội Nga đã cố gắng tấn công thủ đô Ukraine qua vùng ngoại ô Kiev hàng ngày trong 12 ngày qua, nhưng đã liên tục bị cản trở.

Trung Quốc có thể đối mặt với vụ lúa mì tồi tệ nhất trong lịch sử

BẮC KINH – Hôm thứ Bảy (05/03), Bộ trưởng nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tình trạng lúa mì vụ đông của Trung Quốc có thể là “tồi tệ nhất trong lịch sử”, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp ngũ cốc ở quốc gia tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới này.

Trình bày với giới báo chí bên lề kỳ họp chính trị thường niên của chính quyền Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện (Tang Renjian) cho biết lượng mưa lớn năm ngoái (2021) đã làm trì hoãn việc gieo trồng khoảng 1/3 diện tích lúa mì bình thường của nước này.

Ông Đường cho biết, một cuộc khảo sát về lúa mì vụ đông được thực hiện trước khi mùa đông đến cho thấy sản lượng của cây trồng chính và cây trồng phụ đã giảm hơn 20 điểm phần trăm.

Ông nói: “Cách đây không lâu, chúng tôi đã đến cơ sở để khảo sát và nhiều chuyên gia, cũng như người có chuyên môn kỹ thuật canh tác nói với chúng tôi rằng điều kiện vụ mùa năm nay có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử. Việc sản xuất ngũ cốc năm nay thực sự đang đối mặt với những khó khăn rất lớn.”

Bình luận của Bộ trưởng nhấn mạnh những lo ngại về nguồn cung cấp ngũ cốc của Trung Quốc cùng lúc với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vốn chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất cảng lúa mì toàn cầu, đã làm biến động chuỗi cung ứng [lương thực] khiến giá lúa mì vọt lên mức đỉnh điểm trong 14 năm.

Được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, giá lúa mì tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tuần này giữa những lo ngại hiện hữu về nguồn cung ứng nội địa.

Share.

Leave a Reply