Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

6 tháng 3 2022

Ông Putin trong cuộc gặp với các tiếp viên hàng không của hãng Aeroflot gần Moscow

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp với các tiếp viên hàng không của hãng Aeroflot gần Moscow
Tổng thống Nga Vladimir Putin xem các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine “tương tự như lời tuyên chiến”.

“Nhưng cảm ơn Chúa chưa tới mức như vậy,” ông Putin nói thêm.

Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực thiết lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine sẽ được xem là tham gia vào cuộc xung đột vũ trang.

Ông bác bỏ những đề nghị sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp hay thiết quân luật tại Nga.

Những bình luận trên được đưa ra trong buổi gặp gỡ giữa ông Putin với một nhóm các nữ tiếp viên hàng không tại một trung tâm huấn luyện của hãng hàng không Aeroflot gần Moscow.

Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine cách đây 11 ngày, thì phương Tây đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng tài sản ở nước ngoài của ông Putin và cắt đứt một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đã tuyên bố dừng hoạt động tại Nga. Mới nhất ngày 05/03 thì Zara, Paypal và Samsung đã trở thành những thương hiệu toàn cầu dừng hoạt động tại Nga.

Những biện pháp trừng phạt kinh tế đã khiến đồng rouble của Nga mất giá kỷ lục và khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng gấp đôi lãi suất.

Trong bình luận mới nhất, Putin đã tìm cách biện minh của cuộc chiến tại Ukraine, lặp lại các khẳng định rằng đang muốn bảo vệ cộng đồng người dân nói tiếng Nga tại Ukraine thông qua “việc giải trừ quân sự và phi phát xít hóa” Ukraine.

Đáp trả với những cáo buộc của giới phân tích quốc phòng phương Tây rằng chiến dịch quân sự của Nga đang không diễn ra tốt như mong đợi, ông Putin nói rằng: “Quân đội chúng ta sẽ hoàn thành tất cả nhiệm vụ. Tôi không nghi ngờ gì về điều này. Mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.”

Putin nói thêm rằng chỉ có những binh sĩ chuyên nghiệp tham gia giao chiến và không có chuyện ép người đến tuổi tham gia quân ngũ ra trận, mặc dù có những thông tin trái ngược với tuyên bố của ông.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết các nỗ lực nhằm thiết lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine sẽ bị quốc gia này xem là một bước tham gia vào cuộc xung đột quân sự và những ai chịu trách nhiệm sẽ bị xem như lực lượng thù địch.

“Giới lãnh đạo hiện nay cần hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm điều mà họ đang làm thì họ đang liều lĩnh về tương lai quốc gia của Ukraine,” Putin nói.

Volodymyr Zelensky

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án Nato về việc loại trừ khả năng lập vùng cấm bay
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên án Nato về việc loại trừ khả năng lập vùng cấm bay. Tuy nhiên các lãnh đạo phương Tây nói việc đưa ra biện pháp này sẽ là một bước leo thang.

Ông Putin nói không có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật tại Nga, và cho biết rằng bước đi như vậy sẽ chỉ tiến hành “trong trường hợp có sự uy hiếp từ bên ngoài, trong những lĩnh vực hoạt động quân sự xác định”.

“Thế nhưng chúng ta không rơi vào tình huống như vậy và tôi hy vọng sẽ là không,” Putin nói.

Cũng có những đồn đoán rằng Putin đang có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật, khi đó luật dân sự bị ngưng có hiệu lực hoặc quân đội kiểm soát hoạt động của chính phủ.

Ông cho biết cũng có tình trạng khẩn cấp đặc biệt khác được ban bố trong trường hợp có “mối đe dọa quy mô lớn từ bên ngoài” thế nhưng Putin khẳng định không có kế hoạch cho điều này.

Trong khi đó thì các hoạt động ngoại giao tiếp tục diễn ra bên lề của cuộc xung đột.

Thủ tướng Anh đã đề ra một kế hoạch gồm 6 điểm bao gồm việc củng cố năng lực quốc phòng của các quốc gia trong Nato.

Ông Boris Johnson cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới tiếp tục gia tăng các nỗ lực để khiến Nga thất bại trong cuộc xâm lược vào Ukraine.

Kế hoạch 6 điểm

Boris Johnson

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề ra bản kế hoạch 6 điểm
Trang New York Times đăng tải ý kiến của ông Boris Johnson rằng “không phải là các sử gia tương lai mà chính người dân Ukraine sẽ phán xét chúng ta”.

Bản kế hoạch 6 điểm của ông Boris Johnson bao gồm:

– Các nhà lãnh đạo thế giới nên “huy động một liên minh nhân đạo quốc tế” cho Ukraine

– Các nhà lãnh đạo thế giới nên hậu thuẫn Ukraine trong các nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ”

– Tăng cường gây áp lực lên nền kinh tế Nga

– Cộng đồng quốc tế nên chống lại việc Nga “dần bình thường hóa” hành động tại Ukraine

– Theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhưng chỉ với sự tham gia toàn diện của chính phủ hợp pháp của Ukraine

– Cần có “một chiến dịch nhanh chóng để củng cố an ninh và sức mạnh” của các quốc gia trong Nato

Dự kiến Thủ tướng Anh sẽ truyền đi thông điệp này trong các cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Downing Street vào ngày thứ Hai 07/03.

Vào ngày thứ Ba 08/03, ông Boris Johnson cũng sẽ chủ trì một cuộc họp với các quốc gia Trung Âu gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cảnh báo ông Putin đừng nên “thử thách” Anh Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph, ông Wallace nói: “Lịch sử vương vãi những kẻ độc tài đánh giá thấp phương Tây và Anh Quốc. Ông ta [Putin] rõ ràng đã đánh giá thấp cộng đồng quốc tế”.

“Nếu chúng ta cùng đoàn kết và can trường thì tôi tin ông ta sẽ thất bại”, ông Wallace nói thêm.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moscow vào ngày thứ Bảy 05/03 và có buổi trao đổi kéo dài 3 giờ về cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Ông Bennett sau đó đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Mặc dù Israel là một đồng minh quan trọng của Mỹ, thế nhưng Bennett đã nỗ lực gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với phía Nga. Tổng thống Zelensky, người Do Thái, đã kêu gọi Israel làm trung gian trong cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và cho biết ông ngưỡng mộ sự dũng cảm của Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp nhau tại biên giới giữa Ba Lan và Ukraine. Ông Kuleba cũng lặp lại mong muốn Nato hỗ trợ thêm về mặt quân sự bao gồm thiết lập một vùng cấm bay.

Share.

Leave a Reply