Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
March 13, 2022
LONDON, Anh (NV) – Theo Liên Hiệp Quốc, khi Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, thực tế nghiệt ngã của chiến tranh đã trở thành tâm điểm, hơn 2 triệu người Ukraine chạy trốn khỏi đất nước và hàng trăm người thiệt mạng, theo CNN Sports hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Ba.

Nga đã phải trả giá cho hành động gây hấn của mình – các nước trên thế giới đang áp đặt các biện pháp trừng phạt và đồng rúp của Nga thậm chí còn lao dốc hơn nữa so với đồng đô la, chạm mức thấp kỷ lục.

Tổng Thống Vladimir Putin vui vẻ rờ chiếc cúp vô địch tại World Cup 2018. (Hình minh họa: Alexander Nemenov/AFP via Getty Images)

Nhiều tổ chức và các cơ quan quản trị thể thao quốc tế cũng có hành động đối với cuộc xâm lược nhắm vào Nga và các vận động viên của nước này bằng các biện pháp trừng phạt với mức độ nghiêm trọng khác nhau, và Tổng Thống Vladimir Putin của Nga bị tước nhiều danh hiệu thể thao danh dự.

Đáng chú ý, các vận động viên Nga và Belarus không được phép thi đấu tại Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh sau khi nhiều vận động viên và đội của các quốc gia khác đe dọa tẩy chay, theo Ủy Ban Paralympic Quốc Tế (IPC) và Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC). Hai ủy ban này cũng đề nghị một lệnh cấm đối với các vận động viên Nga và Belarus đang thi đấu quốc tế.

“Tình hình thật là quái dị. Đây là một sự ô nhục đối với IPC,” ông Dmitry Peskov, phát ngôn Điện Kremlin, nói với các phóng viên sau quyết định này.
IOC cũng thông báo tước Huy Chương Thế Vận Hội, phần thưởng cao quý nhất của phong trào Olympic, của ông Putin.

“IOC được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với Nga,” ông Michael Payne, cựu giám đốc tiếp thị của IOC, nói với CNN.

“Thực tế là IOC đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, theo quan điểm của tôi, có lẽ là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất mà IOC từng ban hành kể từ đầu những năm 1960 khi IOC cấm Nam Phi vì chế độ phân biệt chủng tộc của họ,” ông Payne nói.

Trong khi đó, Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) và Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (UEFA) cấm tất cả các đội tuyển quốc tế và câu lạc bộ của Nga khỏi các cuộc thi của họ “cho đến khi có thông báo mới.”

“Ông Vladimir Putin đam mê thể thao và sử dụng thể thao để thể hiện tầm quan trọng của Nga trên trường thế giới và mang lại cho người dân Nga cảm giác tự hào về thành công của họ trên đấu trường thế giới,” ông Payne nói, và thêm rằng tác động tức thời nhất của các lệnh trừng phạt có thể là một thách thức đối với những biện giải của Điện Kremlin về cuộc xung đột, với những người Nga bình thường tự hỏi điều gì đã xảy ra với các sự kiện do họ tự tạo ra.

Vào tháng trước, UEFA thông báo trận chung kết Champions League năm nay sẽ không diễn ra tại sân vận động Krestovsky ở St. Petersburg theo dự trù, mà sẽ được chuyển đến sân Stade de France ở Paris và vẫn thi đấu theo đúng lịch trình vào ngày 28 Tháng Năm. Trận chung kết Champions League được công ty năng lược quốc doanh Gazprom của Nga tài trợ.

“Không thể có sự hiểu lầm. Không có sự kiểm soát nào của giới truyền thông Nga có thể giải thích những gì đang diễn ra trong thế giới thể thao, rằng họ đột nhiên bị loại trừ,” ông Payne nói.

Nga đưa tin về cuộc xâm lược Ukraine rất khác với CNN và các hãng tin phương Tây khác.
Nga vừa ban hành một luật mới, cấm các phương tiện truyền thông hoạt động ở Nga sử dụng các từ “chiến tranh,” “tấn công,” hoặc “xâm lược” để mô tả quyết định của Tổng Thống Putin dùng quân đội xâm lăng Ukraine. Thay vào đó, họ phải sử dụng cụm từ do Điện Kremlin chỉ thị: “Orwellian” (Chiến dịch hoặc hoạt động quân sự đặc biệt).
Truy cập của người dân Nga vào các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Twitter cũng bị hạn chế nghiêm trọng.

Liệu Putin có quan tâm đến việc phải trả lại Huy Chương Vàng Thế Vận Hội của mình hay thế giới nghĩ gì về ông ấy? Có lẽ là không.

“Và liệu ông ấy có quan tâm đến những gì mà người Nga đang nói: ‘Cố lên, chuyện gì đang xảy ra vậy?’ Chắc chắn rồi,” ông Payne nói thêm.

Thể thao như một công cụ dân tộc chủ nghĩa

Ông Lukas Aubin, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Chiến Lược và Quốc Tế Pháp (IRIS) và là chuyên gia về địa chính trị và thể thao của Nga, nói với CNN Sports rằng Tổng Thống Putin rất thận trọng đối với hình ảnh của mình để các nhà quan sát nhận thức được năng lực thể thao của ông trên bình diện quốc gia và trên thế giới.

“Khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000, một trong những quyết định đầu tiên của ông ấy là mời cựu huấn luyện viên judo của ông tới Điện Kremlin,” ông Lukas Aubin nói.
Khi làm thủ tướng Nga, ông Putin cũng chụp ảnh bơi trên sông đóng băng, câu cá, và cưỡi ngựa để ngực trần.

“Ngày nay, Tổng Thống Putin sử dụng thể thao như một yếu tố quyền lực của mình. Và không chỉ như một phần tính cách của ông ấy vì ông ấy còn tạo ra một hệ thống thể thao lớn. Ông ấy đang sử dụng các nhà tài phiệt, chính trị, cựu vận động viên, để tạo ra một cỗ máy,” ông Aubin nói.

“Đó là một hệ thống lớn, nơi mọi người được ông Putin định hướng theo những hướng mà họ cần để tạo ra một bức tranh tuyệt đẹp về nước Nga, trong thế giới thể thao,” ông nói thêm.

Chuyên gia Aubin cho rằng điều này có tác dụng trong hầu hết các trường hợp.

“Nó hữu hiệu như chúng ta thấy ở Thế Vận Hội Mùa Đông Sochi 2014. Sau đó bốn năm, chúng ta thấy ở World Cup 2018. Thực sự rất khó để nói có bao nhiêu sự kiện thể thao quốc tế Nga đăng cai trong 10 năm qua. Vào thời điểm ban đầu, nó là một yếu tố rất lớn của quyền lực mềm,” ông Aubin nói thêm.

Bà Vera Tolz, giáo sư nghiên cứu về Nga tại đại học Manchester Univeristy, nói với CNN Sports rằng, Tổng Thống Putin sử dụng chủ nghĩa dân tộc Nga “một cách cụ thể và rất có hệ thống” như một cách hợp pháp hóa chế độ của mình kể từ khi ông lên nắm quyền.

“Chủ nghĩa dân tộc – và kiểu thống nhất quốc gia với việc thúc đẩy các phiên bản cụ thể của lịch sử, tổ chức, thiết lập các ngày lễ quốc gia mới, và tất nhiên, thể thao – hoàn toàn là chìa khóa cho chiến lược hợp pháp hóa của ông Putin,” bà giải thích, và nói thêm rằng các chiến thuật như vậy đã có từ trước và sang đến thời kỳ Liên Xô, nơi mà thể thao được sử dụng “rất rộng rãi như một công cụ xây dựng lòng trung thành của người dân với chế độ.”

“Ngay cả thực tế là Điện Kremlin sử dụng doping – chất tăng cường thể lực để giành được nhiều huy chương hơn đã lộ rõ phương cách Nga tham gia và giành chiến thắng, chiến thắng là chìa khóa cho chiến lược huy động toàn dân của ông Putin,” Giáo Sư Tolz nói thêm.

Vào năm 2019, Cơ Quan Chống Doping Thế Giới (WADA) thống nhất ý kiến tuyệt đối cấm Nga tham gia các cuộc thi thể thao quốc tế lớn, đặc biệt là Thế Vận Hội và World Cup trong bốn năm do không tuân thủ lệnh cấm doping.

Lệnh cấm sau đó đã được Tòa Án Trọng Tài Thể Thao (CAS) giảm một nửa vào năm 2020.
Hình phạt của WADA liên quan đến sự mâu thuẫn trong dữ liệu được WADA lấy vào Tháng Giêng, 2019 từ phòng thí nghiệm ở Moscow, Nga, trọng tâm của báo cáo McLaren 2016, nơi phát hiện ra một mạng lưới doping thể thao rộng rãi và tinh vi do nhà nước tài trợ.

“Mỗi khi để Nga tham dự một sự kiện thể thao quốc tế, về cơ bản, quý vị đang đồng ý bơi với cá mập ăn thịt người. Họ sẽ lừa dối các vận động viên của quý vị, họ sẽ không cảm thấy tồi tệ về điều đó, họ sẽ nói dối về điều đó, nếu bị bắt, họ sẽ đổ lỗi cho quý vị vì đã khơi ra,” ông Jim Walden nói với CNN. Ông là luật sư người Mỹ, đại diện cho ông Grigory Rodchenkov, người có công trong việc vạch trần sự che đậy ban đầu của Nga.

Trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè Tokyo năm ngoái, Tổng Thống Putin nói về sự thất vọng của ông đối với “chính trị hóa thể thao” và rằng “quyền và lợi ích của các vận động viên của chúng ta phải được bảo vệ khỏi mọi sự tùy tiện.”

Cơ Quan Chống Doping Nga (RUSADA) ban đầu bị coi là không tuân thủ sau khi báo cáo của McLaren được công bố vào năm 2016.

Được WADA ủy quyền, báo cáo này cho thấy nhà nước Nga âm mưu với các vận động viên và giới chức thể thao để thực hiện một chương trình doping chưa từng có về quy mô và tham vọng của nó.

“Ông Putin sử dụng rất nhiều quyền kiểm soát của mình đối với thể thao để cố gắng chinh phục thế giới và giành chiến thắng nhiều nhất có thể, đồng thời cũng sắp xếp nội dung cho người dân Nga để ông ấy có thể được yêu thích tối đa, điều này có nghĩa là quyền lực tối đa để làm những gì ông ấy muốn trên trường quốc tế. Về cơ bản, Nga chống lại phần còn lại của thế giới, ít nhất là phần còn lại của thế giới phương Tây,” Luật Sư Walden nói thêm.
Vụ bê bối doping liên quan đến vận động viên trượt băng nghệ thuật Kamila Valieva của Nga làm lu mờ Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh.

Cô gái 15 tuổi này, ngôi sao đột phá của Thế Vận Hội, người đạt thành tích cao nhất trong nội dung trượt băng nghệ thuật đồng đội, được phép tham gia thi đấu mặc dù có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm trimetazidine, loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cho những người bị đau thắt ngực. Vụ thử nghiệm thất bại xảy ra trước Thế Vận Hội Mùa Đông nhưng chỉ được đưa ra ánh sáng tại Thế Vận Hội, và vẫn chưa rõ liệu cuộc tranh cãi thử nghiệm ma túy có khiến huy chương của cô bị thu hồi hay không.

“Nga không chỉ tập trung vào việc giành chiến thắng bằng mọi giá một cách huyền bí, mà xét về bất kỳ giá nào, nó không bị cấm đoán, đúng không? Vì vậy, giết người, hối lộ, buôn bán ma túy, bất kỳ loại tội phạm nào mang lại lợi thế cho họ sẽ được áp dụng. Họ tin rằng không chỉ họ, mà cả những nước khác yếu hèn trong việc tuân theo các quy tắc sẽ làm điều đó,” ông Walden nói.

“Vì vậy, họ ‘kết hôn’ với tội phạm bằng sự cản trở và đưa điều đó vào lĩnh vực thể thao. Và đó là cách họ liên tục giành chiến thắng. Và đó là cách mà chính phủ Nga đã sử dụng nó để gia tăng sự nổi tiếng của chính mình, để họ có nhiều thời gian hơn để tham gia gây rối ở nước ngoài,” luật sư Walden nói thêm.

Lối mòn của đồng tiền

Ông Edwin Moses, cựu vận động viên điền kinh người Mỹ, người được cho là vận động viên vĩ đại của Olympic, từng giành huy chương vàng môn vượt chướng ngại vật 400 mét tại Thế Vận Hội 1976 và 1984, phản đối việc Hoa Kỳ tẩy chay Thế Vận Hội Moscow năm 1980, kêu gọi cấm Nga tham dự Thế Vận Hội 2024.

“Cuộc tẩy chay vào năm 1980 là chính trị. Điều này thật kinh khủng,” Moses, hiện là chủ tịch Quỹ Laureus Sport for Good, cho biết trong một thông cáo báo chí đưa ra vào tuần trước.

‘”Nó không liên quan nhiều đến chính trị, nó liên quan đến nhân loại, chiến tranh, xung đột, trẻ em và những người vô tội bị giết, hỏa tiễn và bom đạn, xe tăng, khí giới, và nó được chiếu trực tiếp trên TV, vì vậy mọi người nhận thức về nó,” ông Moses nói. “Tôi ủng hộ việc cấm người Nga vì những gì đã xảy ra ở Sochi vào năm 2014 vì thực sự nó đã phá hoại sự toàn vẹn của Thế Vận Hội qua mưu mô sử dụng doping. Tôi là ủy viên điều hành của cơ quan chống doping thế giới và tôi nghĩ các hình phạt quá rõ như ánh sáng.”

Kamila Valieva, vận động viên trượt băng của Nga tại Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, bị tình nghi sử dụng doping. (Hình: Matthew Stockman/Getty Images)

“Những gì họ đang làm cho toàn thế giới lúc này ở Ukraine, giống hệt như những gì họ đã làm với thể thao, theo quan điểm của tôi. Nga nên bị cấm ở Thế Vận hội Paris 2024,” ông nói thêm.

Ông Moses cũng cho biết từng gặp ông Putin vài năm trước.

“Tôi từng ngồi chung bàn ông, chỉ cách hai ghế với người phiên dịch ngồi ở giữa. Và tôi đã nói chuyện với ông ấy cả buổi tối hôm đó. Tôi biết cách ôngn nói về thể thao, giống như đó là ‘Chén Thánh,’ và thể thao quan trọng như thế nào, và nó tốt như thế nào đối với những người giỏi nhất của mọi quốc gia, bất kể triết lý của quý vị có thể thi đấu cùng nhau, và ai thắng thì thắng …. Giờ tôi nhận ra, đó chỉ là tuyên truyền.” (KV) [đ.d.]

Share.

Leave a Reply